Vụ đổi 100 USD ở Cần Thơ cho thấy mức phạt không phù hợp

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cho rằng, mức phạt vi phạm hành chính khi đổi 10 USD, 100 USD hay 100.000 USD đều bị phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp.
PV
27, Tháng 10, 2018 | 17:08

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cho rằng, mức phạt vi phạm hành chính khi đổi 10 USD, 100 USD hay 100.000 USD đều bị phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp.

ED9EBDFD-6A5D-425F-A5A2-DF601D9DC1E1

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến 

Tồn tại quá nhiều nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp

Bàn luận về công tác tư pháp, đại biểu Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư cho rằng một nền kinh tế phát triển trong cơ chế thị trường thì điều căn bản là minh bạch về sở hữu, rõ ràng về quyền lợi, doanh nghiệp trong hay ngoài nhà nước phải bình đẳng, không phân biệt đối xử. Quyền lợi hợp pháp của người dân tham gia trong nền kinh tế phải được bảo đảm. Chính phủ cần quan tâm hơn nữa công tác tư pháp trong kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Đề cập đến vụ việc vừa qua tại Cần Thơ, người thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, ông Chiến cho “là điển hình về thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước làm dư luận không đồng tình".

Theo ông Chiến, việc xoá bỏ tình trạng đô la hoá cần được thực thi, đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt nhưng cơ quan chức năng có trách nhiệm giúp người dân nhận diện, phân biệt nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi.

“Sự tồn tại của những nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều, trước hết đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Chiến nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư cho rằng, mức phạt phải xem xét lại vì đổi 10 USD, 100 USD hay 1.000 USD, 100.000 USD đều phạt mức 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp.

“Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường mua bán chuyển đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai hầu như không được kiểm soát và xử phạt. Thiết nghĩ nhà nước phải thu hẹp thị trường này trước để người dân không còn vi phạm như anh thợ điện”, ông Chiến nói.

Phát biểu sau đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng đồng ý với ông Nguyễn Chiến về những bất cập trong nghị định số 96 của Chính phủ, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. 

"Đây là một ví dụ điển hình về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa sát với thực tiễn. Tôi hoan nghênh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời đề xuất hướng xử lý bất cập của quy định này trong thực tế qua một vụ việc cụ thể", bà Hoa nói.

"Lo ngại khoảng cách tụt hậu tăng nhanh"

Dành 10 phút giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tình hình phát triển kinh tế xã hội 3 năm qua "nhìn chung là thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối kinh tế lớn được đảm bảo". 

15C55719-F750-42A5-92C9-CCD2D808A179

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trên thế giới; tỷ giá, lãi suất đang gây áp lực lớn trong điều hành. Ngoài ra, còn có thách thức trong biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Bộ trưởng KH&ĐT cũng lo lắng khoảng cách tụt hậu với các nước ngày càng tăng. Ông phân tích: Đạt được kết quả như vừa qua "mừng nhưng vẫn còn lo". Cụ thể, GDP bình quân đầu người hiện mới đạt 2.540 USD, trong khi mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 3.200 - 3.500 USD. "Như vậy giai đoạn vừa qua mỗi năm GDP bình quân đầu người tăng 100 USD, và 2 năm còn lại phải tăng thêm 800-1.000 USD là thách thức lớn. Nếu không đạt được thì khoảng cách tụt hậu càng gia tăng", ông Dũng nói.

Dẫn một số tài liệu nghiên cứu, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói dân số Việt Nam hơn 96 triệu người, đứng thứ 15/243 quốc gia, vùng lãnh thổ; diện tích đứng thứ 61; đường duyên hải đứng thứ 33/154 quốc gia có đường duyên hải; đất canh tác đứng thứ 32/236 quốc gia.

"Như vậy Việt Nam nằm trong 1/3 quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm lực về dân số, diện tích đất canh tác và chiều dài đường duyên hải", bà Hoa nói.

Tuy nhiên, với tiềm năng không nhỏ như trên thì Việt Nam vẫn có vị trí rất khiêm tốn trên bản đồ thế giới ở một số khía cạnh khác. Đó là, thu nhập bình quân đầu người 129/180 quốc gia; chỉ số ô nhiễm môi trường đứng thứ 132; chỉ số cảm nhận tham nhũng đứng thứ 107; chỉ số phát triển con người đứng thứ 116, chỉ số chất lượng sống đứng thứ 65/66 quốc gia được đánh giá.

Như vậy, nếu xét các chỉ số nêu trên thì Việt Nam chỉ nằm trong 1/3 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc nhóm sau của thế giới. "Thời gian tới chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, có nhiều việc cần phải làm và phấn đấu", bà Hoa nhấn mạnh.

Đề xuất tổng rà soát quỹ đất toàn quốc

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng nêu bất cập trong quản lý đất đai như đất quốc phòng ở Hải Phòng, rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội)... cho thấy tình trạng "cát cứ trong quản lý, dẫn tới khiếu kiện đất đai chiếm 70% tổng vụ khiếu kiện hành chính".

Để khắc phục tình trạng trên, ông Dũng đề xuất tổng rà soát quỹ đất trong toàn quốc, khắc phục tình trạng quy hoạch không đúng thực trạng, đo vẽ trên bản đồ không đúng thực tế, không quản lý được trên thực địa dẫn tới lấn chiếm, không thể thu hồi.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ