VietBank muốn chi nghìn tỷ mua tài sản của cổ đông chiến lược

Nhàđầutư
VietBank sẽ dành toàn bộ vốn phát hành thêm để mua toà nhà Lim II của Tập đoàn Hoa Lâm. Với thương vụ này, dư địa nâng cấp tài sản cố định của VietBank gần như không còn.
XUÂN TIÊN
07, Tháng 04, 2018 | 07:25

Nhàđầutư
VietBank sẽ dành toàn bộ vốn phát hành thêm để mua toà nhà Lim II của Tập đoàn Hoa Lâm. Với thương vụ này, dư địa nâng cấp tài sản cố định của VietBank gần như không còn.

vietbank-lim-2-tower-nhadautu.vn

 Việc tăng vốn để mua tài sản của cổ đông chiến lược sẽ là chủ đề cần quan tâm tại Đại hội thường niên sắp tới của VietBank

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội cổ đông thường niên 2018.

Theo đó, VietBank dự kiến tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành ra công chúng gần 91 triệu cổ phiếu và phát hành 9,7 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên ngân hàng. Thời điểm thực hiện dự kiến từ quý II đến quý IV năm nay. 

Đáng chú ý, VietBank sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua thượng vụ mua lại bất động sản là toà nhà Lim II Tower tại số 62A đường Cách mạng Tháng Tám, Quận 3, TPHCM. 

Giá mua là 1.400 tỷ đồng, thời điểm mua tài sản dự kiến trong nửa cuối năm 2018. 

Toà nhà Lim II Tower thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chợ Đũi - thành viên của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm).

Hoa Lâm là cổ đông chiến lược, từng chiếm tới 35% vốn cổ phần của VietBank vào thời điểm thành lập đầu năm 2007. Hiện nay ông Dương Ngọc Hoà, người sáng lập Tập đoàn Hoa Lâm đang giữ chức Chủ tịch HĐQT VietBank. 

VietBank không nêu rõ mục đích mua lại toà nhà Lim II Tower. Tuy vậy, nhiều khả năng là để làm trụ sở Ngân hàng, bởi theo luật, tổ chức tín dụng không có chức năng kinh doanh bất động sản.

Bỏ ra 1.400 tỷ đồng mua tài sản trong khi chỉ tăng vốn hơn 1.000 tỷ đồng đồng nghĩa với VietBank sẽ dùng toàn bộ số vốn phát hành thêm cùng khoảng 400 tỷ đồng vốn hiện có để mua lại toà nhà của Tập đoàn Hoa Lâm. 

Số dư tài sản cố định của VietBank tới cuối năm 2017 là 584 tỷ đồng. Nếu thương vụ này được thực hiện, số dư tài sản cố định của VietBank sẽ lên tới gần 2.000 tỷ đồng, chạm ngưỡng 50% vốn cổ phần của Ngân hàng nếu tăng vốn thành công (4.256 tỷ đồng).

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 6, Nghị định 93/2017, tổ chức tín dụng không được mua, đầu tư vào tài sản cố định theo nguyên tắc giá trị còn lại không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Có nghĩa rằng nếu mua lại Lim II Tower, VietBank sẽ còn không nhiều dư địa để mở rộng hoạt động hay mua sắm phầm mềm, vốn rất cần thiết trong hoạt động ngân hàng hiện nay. 

Trong phần thuyết trình về sự cần thiết phải tăng vốn điều lệ, VietBank cho biết tăng vốn có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao năng lực tài chính, hoạt động và khả năng cạnh tranh của Ngân hàng, cụ thể: 

1. Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các chỉ tiêu về an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân  hàng Nhà nước và hướng đến tuân thủ theo quy định Basel II, cũng như nâng cao năng lực quản trị rủi  ro trong hoạt động ngân hàng. 

2. Nâng cao năng lực hoạt động bằng việc đầu tư, phát triển hệ thống công nghệ ngân hàng lõi theo định hướng ngân hàng số hiện đại, và hệ thống thẻ ngân hàng, nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh, công tác quản trị Ngân hàng và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới.

3. Nâng cao khả năng mở rộng, phát triển mạng lưới hoạt động của Ngân hàng.

4. Bổ sung nguồn vốn trong hoạt động kinh doanh khác sinh lời cho Ngân hàng. 

Chiểu theo 4 nội dung trên, thì việc chi ra 1.400 tỷ đồng để mua một bất động sản xem ra sẽ là chủ đề cần thảo luận kỹ tại Đại hội cổ đông sắp tới.

Bên cạnh việc tăng vốn và mua bất động sản, VietBank dự kiến trình thông qua nội dung nâng thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát thêm 25% lên mức 5,524 tỷ đồng trong năm 2018.

Kết thúc năm 2017, lợi nhuận trước thuế của VietBank đạt 263 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2016 và gấp 7,5 lần kế hoạch đặt ra. Tổng tài sản tăng 13%, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9%, tổng huy động từ khách hàng tăng 3,7%.

Năm 2018, VietBank đặt mục tiêu lãi trước thuế tối thiểu là 97 tỷ đồng (nếu NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 11%) và phấn đấu được 300 tỷ đồng (nếu NHNN chấp thuận cho tăng trưởng tín dụng 32%). Tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức 1,35%.

Báo cáo tài chính cho thấy Tập đoàn Hoa Lâm thường xuyên có các khoản giao dịch với VietBank. Trong năm 2017, Hoa Lâm đã gửi không kỳ hạn 1.891 tỷ đồng và rút 1.984 tỷ đồng từ VietBank. Phía ngân hàng cho cổ đông chiến lược vay 161 tỷ đồng, được thanh toán tiền vay 344 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Lâm phải trả lãi phạt 73,3 tỷ đồng trong năm 2017. Năm 2016, con số này là 5 tỷ đồng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ