Việt Nam cần 150 tỷ USD đầu tư các dự án điện trong 10 năm tới

Theo tính toán, 10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng 1/2 tổng GDP hiện nay của đất nước.
HOÀI THU
24, Tháng 11, 2020 | 11:10

Theo tính toán, 10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng 1/2 tổng GDP hiện nay của đất nước.

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập” diễn ra sáng 24/11, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức. Hội thảo giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, cơ quan quản lý của Nhà nước đánh giá về hướng tiếp cận, phương thức huy động các nguồn vốn quốc tế cho phát triển năng lượng.

Cần 150 tỷ USD đầu tư các dự án phát điện

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, chia sẻ năng lượng là một kết cấu hạ tầng không thể thiếu để đảm bảo duy trì tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo tính toán, 10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng 1/2 tổng GDP hiện nay của đất nước. Song, với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, ông Đông đánh giá dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cho phát triển ngành điện lực.

Ông Đông cho biết từ 2015, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, cửa tiếp cận nguồn vốn ODA đang khép lại, nguồn vốn duy nhất còn lại là từ các định chế tài chính quốc tế. Nhưng ông lưu ý dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao theo đúng quy luật cung cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định, rất chặt chẽ đòi hỏi mọi người tham gia thị trường phải tuân thủ, không có ngoại lệ.

Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh năng lượng có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia và là một nhu cầu thiết yếu với sinh hoạt của con người.

“Việt Nam xác định ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, ông Hiển nói.

Chup_duoi_dien_mat_troi_BimLe_Quan_48

10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng 1/2 tổng GDP hiện nay của đất nước. Ảnh: Lê Quân

Nhắc đến Nghị quyết 55 về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành hồi đầu năm, ông Hiển đánh giá đây là nghị quyết có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại.

Theo ông Hiển, Nghị quyết 55 đã xác định quan điểm “khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”. Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ “nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện”.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021-2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD; giai đoạn 2031-2045 cần 184,1 tỷ USD. Phó ban Kinh tế Trung ương nhận định trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân là rất cần thiết, có vai trò và ý nghĩa quan trọng.

Xây dựng thị trường điện cạnh tranh

Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phân tích việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng; vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn.

Bên cạnh đó, ngân hàng gặp khó khăn khi phải cân đối nguồn cho vay do nguồn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong khi cho vay các dự án năng lượng là dài hạn. Đồng thời, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP còn khá cao, chưa có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước dẫn đến giá điện bán cao, các dự án khó thu xếp vốn.

dc_Nguyen_Duc_Hien_PTB_KTTW_1

Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng cần sớm triển khai nhân rộng và có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Ảnh: Thành Trung

Để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, ông Hiển lưu ý Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế. Ông nói dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn, sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí: Có quy mô thị trường đủ lớn; khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn; và rủi ro thấp.

“Với tổng mức đầu tư gần 13-15 tỷ USD/năm, quy mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn. Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ông cho rằng một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là phải phát triển thị trường vốn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, cơ chế về giá điện cũng cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế.

Phó ban Kinh tế Trung ương quán triệt cần đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh; có cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ; có cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp. Đặc biệt là minh bạch giá mua bán điện.

“Cần sớm triển khai nhân rộng và có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia”, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

(Theo Zing)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ