Vì sao TP.HCM đề xuất lập Sở An toàn thực phẩm?

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị góp ý dự thảo đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.
THẢO LÊ
07, Tháng 10, 2022 | 10:51

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị góp ý dự thảo đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

d5e3d60dcf7d0823516c-6read-only-16651052939221108931627

Lực lượng chức năng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra nguồn gốc thực phẩm ở chợ đầu mối Thủ Đức - Ảnh: HOÀNG QUÂN

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, việc lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như TP.HCM.

"Áo đã chật" với Ban Quản lý an toàn thực phẩm

Với quy mô dân số hơn 10 triệu dân, nhu cầu về lương thực, thực phẩm rất lớn dẫn đến việc TP.HCM trở thành đầu mối lưu thông lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu. 

Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm của TP.HCM còn nhỏ lẻ, manh mún, khó quản lý, nhiều vụ việc ngộ độc xảy ra ảnh hưởng đến hàng chục, hàng trăm người, thậm chí ngộ độc rượu dẫn đến tử vong. 

Trong khi đó, trách nhiệm quản lý về thực phẩm lại chia cho ba ngành, không thống nhất về trách nhiệm. Vì những lý do trên, UBND TP.HCM đã đề xuất thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM từ ngày 5/6/2017.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về kết quả hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM (Ban Quản lý) sau giai đoạn thí điểm, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý cho rằng việc thành lập Ban Quản lý đã giải quyết được hạn chế trong cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành khi có đơn vị chịu trách nhiệm cụ thể về an toàn thực phẩm. 

Theo bà Lan, trước đây quy định chia ra cho mỗi ngành quản lý một loại thực phẩm nhất định nhưng có những sản phẩm không biết thuộc quyền quản lý của ai. 

Ví dụ sữa tươi khi mới vắt ra thì do Sở NN&PTNT quản lý nhưng khi sữa chế biến thành bột bày bán thì do Sở Công Thương quản lý. Đến khi sữa bổ sung thêm một số thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe thì do Sở Y tế quản lý. 

Bà Lan cho rằng cách quản lý này tạo ra các "khoảng trống" giữa các sở, khi có sự việc tiêu cực về vệ sinh an toàn xảy ra thì "nhìn nhau, không biết trách nhiệm của ai".

Do đó, thành lập Ban Quản lý sẽ có một cơ quan cấp sở tập trung cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, thống nhất lực lượng, chịu trách nhiệm cho các vấn đề an toàn thực phẩm. 

Bên cạnh đó, có Ban Quản lý sẽ tập trung đầu mối thanh tra, kiểm tra. Việc này tạo thuận lợi cho người dân khi chỉ có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp TP tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở với tần suất theo quy định.

"Có hai thành công không thể bàn cãi là sau khi Ban Quản lý đi vào hoạt động thì tỉ lệ thực phẩm sạch tăng lên, nhiều thực phẩm sạch thì bớt thực phẩm bẩn, cùng với đó là việc lấy mẫu kiểm nghiệm giám sát chất lượng nhiều hơn và tỉ lệ mẫu đạt chất lượng tốt nhiều hơn trước", bà Lan nói.

Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận Ban Quản lý không phải là "cây đũa thần", không phải có ban thì không còn các vụ ngộ độc thực phẩm khi thời gian qua cũng có các sự việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm gây bức xúc dư luận. 

Theo bà Lan, bên cạnh nguyên nhân chủ quan thì Ban Quản lý vẫn còn nhiều hạn chế về chức năng, quyền hạn so với sở, nhiều quy định chưa có cản trở hoạt động của ban. 

Chẳng hạn, về công tác thanh tra kiểm tra, hiện nay Ban Quản lý mới chỉ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, chưa có chức năng thanh tra hành chính vì đây không phải là sở. 

npthucphamchothinghe-1read-only-16651053371812056104400

Người dân buôn bán thực phẩm tươi sống trên đường Nguyễn Ngọc Phương, quận Bình Thạnh, TP.HCM, trưa 6/10 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sở An toàn thực phẩm sẽ làm gì?

Trong tờ trình về đề án lập Sở An toàn thực phẩm, UBND TP.HCM nhận thấy sau thời gian thí điểm, mô hình Ban Quản lý có tính đặc thù và cần thiết do yêu cầu thực tiễn phải bảo đảm an toàn thực phẩm tại một đô thị lớn như TP.HCM. 

Mô hình này đã hai lần được thí điểm có hiệu quả và đây là giai đoạn chín muồi để TP.HCM đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Theo đó, sở này sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác thanh tra chuyên ngành. Đồng thời bổ sung quy định công chức thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, giúp cơ quan này hoạt động hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đề án, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM thống nhất chương trình hành động là nâng cao đầu mối quản lý an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho cộng đồng; xây dựng thực phẩm sạch trong sản xuất và kinh doanh phân phối và chống thực phẩm bẩn... với sáu phòng nghiệp vụ và một đơn vị trực thuộc. 

Sở sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

Đồng thời, sở có chức năng cấp, đình chỉ, thu hồi các loại giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy tiếp nhận; triển khai hoạt động phòng ngừa, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm... 

Sở An toàn thực phẩm TP cũng thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về kiểm nghiệm thực phẩm; phối hợp với các sở, ngành kiểm tra hướng dẫn trong trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, khai thác sản phẩm, phòng chống thực phẩm giả; sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng cùng nhiều chức năng khác...  

071022-mo-hinh-to-chuc-so-an-toan-thuc-pham-16651053694971378891239

 

Không phát sinh biên chế

Ban Quản lý được thành lập trước đây trên cơ sở tiếp nhận nhân sự từ Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT. Từ những ngày đầu, Ban Quản lý được giao 468 biên chế. Đến năm 2022, lượng biên chế của ban còn 416 người. 

Khi thành lập Sở An toàn thực phẩm, biên chế sẽ được chuyển từ Ban Quản lý sang sở. Do đó việc thống nhất thành lập Sở An toàn thực phẩm TP, đề án "cam kết" không làm tăng biên chế của TP.

"Có ý kiến cho rằng lập sở sẽ làm tăng thêm đầu mối, biên chế nhưng việc này không tăng thêm biên chế cho TP. Trong khi vẫn giữ lại Ban Quản lý thì sẽ rất khó hoạt động bởi các luật chỉ quy định chức năng, quyền hạn của sở mà không có quy định cho Ban Quản lý", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Nói về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng cho rằng TP.HCM là một siêu đô thị với dân số đông, vấn đề an toàn thực phẩm là hết sức quan trọng. 

Khi chưa có Ban Quản lý thì trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm chia cho nhiều đơn vị khiến việc quản lý không thống nhất, chậm triển khai. Khi có Ban Quản lý thì công tác quản lý thống nhất hơn mà không phát sinh thêm biên chế. Việc này đúng với định hướng của trung ương là không làm phát sinh biên chế nhưng mang lại hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Sáu năm qua, việc thí điểm Ban Quản lý đã đạt được nhiều kết quả. Đến nay, sắp hết thời gian thí điểm, Ban Quản lý cần được hợp thức hóa thành Sở An toàn thực phẩm TP. Nếu không có cơ chế thống nhất để Ban Quản lý thành đơn vị cấp sở thì sẽ vướng nhiều quy định để ban thực thi nhiệm vụ, nhất là trong việc thanh tra, xử lý vi phạm. 

Dù là quy định mới, đặc thù nhưng TP luôn luôn có những cơ chế đổi mới để phục vụ tốt hơn cho người dân. "Sở An toàn thực phẩm TP.HCM không chỉ là mong mỏi của lãnh đạo TP.HCM mà cũng là mong mỏi của nhiều người dân, nhất là tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp", ông Đức nói. 

binhdien-thucpham-attp-16-1read-only-1665105491897578128256

Người dân mua thực phẩm khô tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm khẳng định mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM hoạt động rất có hiệu quả kể từ ngày thành lập. Có thể nhìn thấy ở việc ít vụ ngộ độc xảy ra hơn; thanh tra, xử phạt nhiều và hiệu quả hơn.

Trong sáu năm, TP.HCM xảy ra 12 vụ ngộ độc, giảm sáu vụ và số người bị ảnh hưởng giảm tám lần so với giai đoạn 2014 - 2016, trước khi ban thành lập. Để xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, mạng lưới 10 đội quản lý an toàn thực phẩm của ban đã xử phạt 7.225 cơ sở với 153 tỉ đồng.

Đề án Chuỗi thực phẩm an toàn của ban đã cấp các chứng nhận như VietGAP, ISO, GlobalGAP... cho gần 280 trang trại, cơ sở sản xuất, với tổng sản lượng gần 250.000 tấn rau, trái cây; 542.000 tấn thịt; 20.300 tấn thủy sản; 1,93 triệu quả trứng gia cầm và hơn 50 triệu lít nước mắm.

Việc giám sát chất lượng thực phẩm thông qua kiểm nghiệm diễn ra thường xuyên hơn, đột xuất hoặc định kỳ, với tất cả thể loại tại chợ, trên thị trường, thức ăn đường phố, các lễ hội, sự kiện... với 613.000 mẫu trong sáu năm qua, trong đó có 0,37% mẫu không đạt.

(Theo Tuổi trẻ) 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ