Vì sao tổ hợp hóa dầu Long Sơn 5,4 tỷ USD của PVN vẫn chưa thể khởi công?

Những vướng mắc về cơ chế bão lãnh đang khiến dự án lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chưa thể khởi công dù cho đến nay mọi điều kiện cuối cùng đã chuẩn bị xong.
ANH MAI
19, Tháng 07, 2017 | 21:43

Những vướng mắc về cơ chế bão lãnh đang khiến dự án lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chưa thể khởi công dù cho đến nay mọi điều kiện cuối cùng đã chuẩn bị xong.

Ngày 19/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Phần lớn thời gian buổi kiểm tra, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí giải trình về 4 vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu liên quan tới tăng trưởng; xử lý các dự án thua lỗ; thúc đẩy các dự án chậm tiến độ và tạo khí thế mới trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, làm rõ về 48 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong tổng số 189 nhiệm vụ được giao từ đầu năm 2016 tới nay.

Dự án 5,4 tỷ USD chưa thể khởi công

Tuy nhiên, lãnh đạo PVN cũng nêu ra hàng loạt vướng mắc đối với hoạt động của Tập đoàn. Theo ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng Giám đốc PVN, cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt quy chế tài chính, kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2016 – 2020; còn vướng mắc liên quan đến vấn đề bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn…

Đặc biệt, một vấn đề nổi lên là trong khi chờ đợi hướng dẫn cụ thể, PVN kiến nghị được tạm ứng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí. Việc này liên quan rất mật thiết tới sản lượng khai thác dầu khí và rộng hơn là tới tăng trưởng GDP.

“Năm 2017 chỉ còn 5 tháng nữa, nhưng cho tới nay Tập đoàn mới thực hiện được 30% kế hoạch thăm dò tìm kiếm, nếu không tăng cường cho khâu này thì trong những năm tới, sản lượng dầu khí có thể tiếp tục giảm. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị tháo gỡ”, ông Sơn giãi bày.

Những vướng mắc về cơ chế bão lãnh cũng đang khiến dự án lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chưa thể khởi công dù cho đến nay mọi điều kiện cuối cùng đã chuẩn bị xong.

Đại diện Bộ Tài chính giải thích rằng theo quy định hiện hành, PVN chỉ có thể cấp bảo lãnh vốn vay cho công ty con mà Tập đoàn nắm giữ phần vốn từ 51% trở lên, trong khi PVN chỉ nắm giữ 29% vốn tại công ty con tham gia dự án Long Sơn. 

Sau Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa Công ty Dầu khí quốc gia của Qatar (QPI) mà đại diện tại Việt Nam là Công ty QPIV và Tập đoàn Siam Cement Group (SCG), hiện dự án tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 nhà đầu tư lớn là SCG (Thái Lan) với 71% và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 29%.

Ngoài ra, thay cho quy mô 3,7 tỷ USD được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư ban đầu, vốn đầu tư của Dự án hiện đã tăng lên 5,4 tỷ USD.

Vào năm 2015, thông tin về việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar chính thức xin rút vốn khỏi dự án này do phải tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển đã làm cho nhiều chuyên gia lo ngại dự án đầu tư này sẽ tiếp tục gặp khó sau gần 8 năm trì hoãn. Bởi Qatar không chỉ là nhà đầu tư góp vốn mà còn là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu cho dự án.

Sau đó, SCG cho biết sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi dự án tổ hợp này bằng cách tìm kiếm đối tác mới thay thế Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar nhằm sớm tái khởi động dự án. Và đến giờ này, không có đơn vị nước ngoài mới nào thay thế mà chính tập đoàn SCG mua lại phần vốn góp của Qatar.

Theo kế hoạch, trong quý II/2017, dự án sẽ nhận được giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, sau đó sẽ tiến hành trao thầu và khởi công xây dựng vào quý III/2017, với thời gian đi vào hoạt động là năm 2021.

Một vướng mắc khác, việc chưa phê duyệt phương án giá khí Lô B cũng đang khiến thời gian thỏa thuận với đối tác nước ngoài bị kéo dài, nên PVN chưa thể hoàn thiện kế hoạch phát triển mỏ dự án khí Lô B…

'Lảng tránh trách nhiệm' với Tập đoàn Dầu khí là không ổn

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh rằng “cảm nhận đầu tiên là còn rất nhiều cơ chế, chính sách cho PVN đang bị vướng, trong khi trách nhiệm giải quyết của các Bộ, nhất là Bộ Công Thương, lại chỉ có mức độ”

Cụ thể, việc tạm ứng quỹ thăm dò, đã sang tháng 7 nhưng vẫn phải chờ. Kế hoạch tái cơ cấu 2016-2020 tới nay năm 2017 rồi vẫn chưa có. Ngay cả quy định phải nắm giữ 51% vốn mới được bảo lãnh cũng cần nghiên cứu, xem xét, nếu bất cập thì đề nghị sửa đổi cho phù hợp với cuộc sống.

“Cần bám sát giúp PVN. Trong lúc như thế này mà không giúp Tập đoàn, lại lảng tránh trách nhiệm, không bám sát thì không ổn. Đi địa phương, nhiều địa phương cũng nói rằng những vướng mắc chính sách là do mình tự bó mình thôi”, Bộ trưởng phát biểu.

To cong tac lv voi PVN 4

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, phát biểu kết luận buổi kiểm tra. Ảnh: VGP 

Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh “có những việc hôm nay nói ra Bộ Công Thương mới biết, vì biết thì sao trước đây không xử lý? 12 kiến nghị chắc không phải hôm nay mới có, rất nhiều nội dung liên quan tới Bộ Công thương”.

Điểm nổi bật thứ hai qua kiểm tra, theo Bộ trưởng, là tình hình hoạt động của Tập đoàn rất khả quan. Theo báo cáo, sản lượng khai thác dầu 6 tháng đầu năm đạt 7,9 triệu tấn, vượt 2% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 52,0% kế hoạch năm. Sản lượng điện 6 tháng đầu năm đạt 11,11 tỷ kWh, bằng 55,2% kế hoạch năm. Sản xuất phân đạm đạt 9 nghìn tấn, vượt 8,8% kế hoạch 6 tháng và bằng 59,8% kế hoạch năm.

Doanh thu toàn Tập đoàn vượt 15% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Nộp ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 44,2 nghìn tỷ đồng, vượt 14% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 59% kế hoạch năm…

Tổ công tác đề nghị lãnh đạo Tập đoàn xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch đã giao để giúp tăng trưởng của cả nước. Mục tiêu khai thác 13,28 triệu tấn dầu là thấp so với năm 2016. Quan điểm là không tăng sản lượng để tăng GDP mà khai thác hiệu quả, bền vững, chứ không phải lỗ cũng lao vào khai thác.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị PVN hết sức quan tâm 4 vấn đề Thủ tướng lưu ý, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ 3 dự án nhiệt điện chậm tiến độ là Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1.

Với 5 dự án thua lỗ đang “đắp chiếu” cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ, có giải pháp chấm dứt thua lỗ kéo dài, kể cả biện pháp phá sản. Ngành công thương kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp thêm vốn cho các dự án này.

Đặc biệt, theo Tổ trưởng Tổ công tác, “vấn đề quan trọng nhất mà Thủ tướng nhắc đi nhắc lại, là các đồng chí trong “khủng hoảng tư tưởng” thì có chùn tay không, có dám làm không? Các đồng chí phải động viên tư tưởng cán bộ, người lao động, đây là lời căn dặn của Thủ tướng”.

“Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân rất tin tưởng Tập đoàn, nhưng nếu không vượt qua được chính mình thì chúng ta sẽ hỏng. Không né tránh trách nhiệm, đùn đẩy, họp mà không làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định sau buổi kiểm tra, 12 nội dung kiến nghị của PVN tại buổi kiểm tra sẽ được tập hợp đầy đủ để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xử lý.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí cho biết sẽ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2017, với hàng loạt các giải pháp, phấn đấu cả năm khai thác đạt 13,28 triệu tấn dầu thô và 10,61 tỷ m3 khí. Bám sát diễn biến giá dầu để có các giải pháp kịp thời ứng phó với những biến động. 

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, phụ trách Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc PVN, trong thời gian còn lại của năm 2017, Tập đoàn sẽ tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp về 5 dự án yếu kém theo đúng tinh thần kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ, đặc biệt là khởi động lại hai Nhà máy Ethanol Bình Phước và Dung Quất. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ