Vì sao thị trường mua bán điện mặt trời rối loạn?

Hàng loạt dự án nguồn điện (nhiệt điện than, nhiệt điện khí) ở miền Nam chậm tiến độ từ 2-3 năm, nên sự xuất hiện của 90 dự án điện mặt trời cũng ở phía Nam lẽ ra được xem như một “phao cứu sinh” cho ngành điện, chứ không phải gánh nặng như đang diễn ra trong thực tế.
NGỌC LAN
28, Tháng 07, 2019 | 06:39

Hàng loạt dự án nguồn điện (nhiệt điện than, nhiệt điện khí) ở miền Nam chậm tiến độ từ 2-3 năm, nên sự xuất hiện của 90 dự án điện mặt trời cũng ở phía Nam lẽ ra được xem như một “phao cứu sinh” cho ngành điện, chứ không phải gánh nặng như đang diễn ra trong thực tế.

Nguồn phát triển ồ ạt, lưới truyền tải “đủng đỉnh”

Trong nhiều báo cáo gần đây, Bộ Công Thương đều nêu lên thực trạng là đến năm 2020, nền kinh tế có thể sẽ thiếu điện do hàng loạt dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ vì không có nguồn than hoặc thậm chí chưa có chủ đầu tư thay thế (dự án nhiệt điện Long Phú III). Các nhà máy nhiệt điện khí từ Quảng Ngãi trở vào thì đến nay chưa thể xác định được thời điểm có nguồn khí đốt cấp cho dự án...

Tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành cả giai đoạn 15 năm (2016-2030) dự kiến khoảng 80.500 MW, thấp hơn so với Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) khoảng 15.200 MW. Dự kiến, đến năm 2020 thì thiếu khoảng 17.000 MW.

ea785_luoi_dien

Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn ảnh: Trang web Tập đoàn điện lực Việt Nam

Trong hoàn cảnh ấy, việc đưa vào vận hành 90 dự án điện mặt trời (4.500 MW) ngay tại phía Nam lẽ ra sẽ giúp giảm bớt nguy cơ thiếu điện, nhưng thực tế lại không suôn sẻ như vậy. Việc các dự án điện mặt trời ồ ạt được đầu tư và cung cấp điện lên lưới trong khoảng thời gian từ tháng 4/2017 (thời điểm có Quyết định 11 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam) đến nay đang gây ra nhiều hệ lụy nhiều hơn là hiệu quả. 

Trước đây tổng công suất các dự án điện mặt trời chỉ là 5 MW, nhưng sau khi Quyết định 11 được ban hành đã vọt lên 4.500 MW chỉ trong vòng chưa đầy hai năm. Giá mua điện mặt trời cao, đến 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) nếu dự án phát điện trước 30-6-2019 và được bao tiêu toàn bộ lượng điện năng sản xuất ra trong suốt 20 năm; chi phí đầu tư  ngày càng thấp và tốc độ đầu tư nhanh... đã tạo nên làn sóng đầu tư vào điện mặt trời.

Nhưng trái với tốc độ phát triển nguồn điện ồ ạt, hệ thống truyền tải hoàn toàn do Nhà nước đầu tư, thông qua tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thì lại “đủng đỉnh” vì gặp không ít khó khăn. Hậu quả là điện mặt trời, nguồn năng lượng sạch mà Chính phủ phải cố công tạo ra những ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích phát triển, lại đang bị “chặn đứng” lại vì thiếu hệ thống lưới truyền tải và phân phối.

Phải chăng vấn đề là ở quy hoạch?

Một dự án điện mặt trời, muốn bán điện được lên lưới, phải có tên trong quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh, cấp quốc gia; phải đánh giá ảnh hưởng của phương án đấu nối dự án điện mặt trời đối với hệ thống điện trong khu vực, có thiết bị kết nối hệ thống thông tin dự báo về sản lượng phát theo giờ đến cơ quan điều độ.

Ngoài ra, dự án phải có tỷ lệ vốn chủ sở hữu từ 20% trở lên trong tổng mức đầu tư và đảm bảo diện tích sử dụng đất lâu dài không quá 1,2 héc ta/1 MWp.

Quyết định 11 yêu cầu các dự án điện mặt trời, để được nối lưới, phải có trong quy hoạch điện mặt trời quốc gia, trong khi thực tế đến nay vẫn chưa có bản quy hoạch này. Vẫn theo Quyết định 11, quy hoạch điện mặt trời chỉ được điều chỉnh khi Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Nhưng bản quy hoạch này (điều chỉnh hồi năm 2016) vẫn dự kiến đến năm 2020 sản lượng điện mặt trời chỉ có 850 MW và tăng lên 4.000 MW vào năm 2025.

Điều đáng nói là Quyết định 11 lại cho phép các dự án điện mặt trời có quy mô tới 50 MW, nhưng chưa có trong danh mục quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt, thì chỉ cần địa phương và Bộ Công Thương phê duyệt là được bổ sung quy hoạch và nối lưới. Những dự án lớn hơn 50 MW mới cần xin phép Chính phủ.

Trên thực tế, hầu như rất ít dự án năng lượng mặt trời nối lưới lớn hơn 50 MW. Đây là nguyên nhân khiến công suất điện mặt trời, trên thực tế, vượt trước quy hoạch rất xa, trong khi việc phát triển lưới điện thì vẫn cứ “bám sát” quy hoạch.

Trong dự thảo Quyết định của Chính phủ thay thế cho Quyết định 11, Bộ Công Thương đã phải bỏ điều khoản “những dự án điện mặt trời dưới 50 MW nối lưới thì phải có sự phê duyệt của bộ” và để ngỏ lại điều kiện này chờ Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng từng nói với báo chí rằng, Luật Quy hoạch mới đang làm khó cho ngành điện, vì theo luật mới (có hiệu lực từ tháng 1-2019) thì ngành điện chỉ còn quy hoạch điện quốc gia và phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các quy hoạch lại này đều do Thủ tướng phê duyệt, cho nên các dự án lưới có thuộc thẩm quyền quản lý ngành của bộ trong việc bổ sung vào dự án lưới điện hay không, thì phải chờ hướng dẫn. Kéo theo đó, các dự án truyền tải điện cũng khó có thể triển khai vì lý do trên.

(Theo Kinh Tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ