Vì sao nhiều doanh nghiệp lớn bị tạm dừng xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc?

Nhàđầutư
Mới đây, hàng trăm container chở sầu riêng, chuối, thanh long...thuộc các thương hiệu trái cây lớn của Việt Nam bị yêu cầu dừng nhập vào Trung Quốc khi vi phạm về kiểm dịch thực vật mà nước này quy định.
THIÊN KỲ - LIÊN THƯỢNG
12, Tháng 09, 2023 | 05:55

Nhàđầutư
Mới đây, hàng trăm container chở sầu riêng, chuối, thanh long...thuộc các thương hiệu trái cây lớn của Việt Nam bị yêu cầu dừng nhập vào Trung Quốc khi vi phạm về kiểm dịch thực vật mà nước này quy định.

Empty

Nhiều vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm về mã số vùng trồng khiến trái cây bị tạm dừng xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Thiên Kỳ

Nguyên nhân bị tạm dừng xuất khẩu?

Ngày 9/9 vừa qua, hàng loạt các doanh xuất khẩu chuối, mít, sầu riêng, thanh long, xoài... ở các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang...nhận được thông báo tạm dừng xuất khẩu trái cây vào thị trường Trung Quốc theo yêu cầu của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV).

Thống kê từ Cục BVTV, từ đầu năm đến nay, các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam đã phát hiện và cảnh báo 370 lô hàng (chuối, xoài, thanh long, mít, sầu riêng...) ở 13 tỉnh, thành phố khu vực phía nam có vi phạm về kiểm dịch thực vật.

Trong đó, chủ yếu là thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về nhiều lô hàng sầu riêng, thanh long, chuối… xuất khẩu bị phát hiện có vi sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc.

"Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc", trích nội dung văn bản Cục BVTV nhận từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 

z4683355154344_d77e0c44495d0cef7b24d626eebf3b10

Hàng loạt các các loại quả như sầu riêng, thanh long, chuối bị dừng, cấm xuất khẩu sang Trung Quốc vì liên quan đến vấn đề BVTV. Ảnh: Thiên Kỳ

Theo nội dung công văn thông báo của Cục BVTV, nguyên nhân khiến hàng loạt lô hàng bị dừng, hủy xuất vào Trung Quốc là do phía Trung Quốc phát hiện một số lô chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật. Do đó, đơn vị này đề nghị các đơn vị chức năng không làm thủ tục kiểm dịch thực vật để xuất khẩu với các lô hàng thuộc mã số vùng trồng, mã số cơ sở có trong danh sách.

Trong danh sách này có 74 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thông báo vi phạm lần đầu đề nghị tạm dừng xuất khẩu; có 47 mã số bị đề nghị thu hồi. Đây hầu hết đều là những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam, như Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, Công ty TNHH Huy Long An, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Sofia Việt Nam, Công ty Xuất nhập khẩu Vking...

Điều đáng nói, công văn không nói rõ thời gian bắt đầu bị cấm hoặc thu hồi và kéo dài trong bao lâu đã khiến cho hàng chục container nông sản của các doanh nghiệp vận chuyển tới cảng đều bị đình trệ.

Trước mắt, Cục BVTV đề nghị các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng không làm thủ tục kiểm dịch thực vật đối với những mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã bị tạm dừng hoặc thu hồi. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phía Cục BVTT cho rằng việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, việc thông báo các mã số vùng trồng, cơ sở đóng góp vi phạm được Cục thực hiện thường xuyên, định kỳ khoảng 3 tháng/lần.

"Theo quy định, các tổ chức bảo vệ thực vật của các nước sẽ thông báo về tình trạng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật cho nhau. Sở dĩ Cục đề nghị tạm dừng xuất khẩu là để rà soát lại nguyên nhân vi phạm và thực hiện biện pháp khắc phục", vị này cho biết thêm.

Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhanh chóng chỉ đạo Cục BVTV xử lý ngay lập tức để các lô hàng được làm thủ tục xuất khẩu bình thường.

Không nên dễ tính để bỏ qua chất lượng

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, ngành rau quả đang lạc quan về triển vọng xuất khẩu 5 tỷ USD, với rất nhiều tín hiệu tích cực mà trong đó Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất cho mục tiêu này. Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất vào Trung Quốc nhưng hiện lại bị "tuýt còi" là điều rất đáng lo ngại. 

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy hết tháng 7 xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 2 tỷ USD, tăng tới 128,5% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái đạt 872,7 triệu USD). Đặc biệt, chỉ trong tháng 06/2023, sản lượng xuất khẩu rau quả Việt Nam thu về gần 1 tỷ USD, một con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm qua. Con số trên cho thấy sự quan trọng của thị trường Trung Quốc trong việc đảm bảo đầu ra cho ngành rau quả Việt Nam. 

TS Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, quan điểm sai lầm của nhiều doanh nghiệp là nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính nên chỉ chú trọng về số lượng mà quên đảm bảo chất lượng.

"Nếu doanh nghiệp cứ cố đóng những container hàng không đồng đều về chất lượng hoặc không được chọn lọc kỹ thì khả năng cao sẽ bị trả lại. Đồng thời, hàng xuất khẩu không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín cả ngành hàng. Việc một số DN mượn mã số để xuất khẩu sẽ gây hệ lụy rất lớn", TS My lo ngại về khả năng các doanh nghiệp trong nước sẽ đánh mất thị trường quan trọng như Trung Quốc.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, trong bối cảnh hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường trên thế giới ngày càng tăng. Yêu cầu đặt ra là phải duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

"Việc tạm dừng khai thác những mã số này để yêu cầu doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương phải làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục, khi nào hoàn thành xong sẽ tiếp tục được xuất khẩu trở lại", ông Trung nói thêm về các lô hàng trái cây gặp khó khi xuất sang Trung Quốc. 

Trước mắt, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Cục BVTV cần đưa ra cảnh báo trước để doanh nghiệp rà soát lại, hoặc thông báo trước một khoảng thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị. Hàng đưa ra đến cảng, doanh nghiệp mới biết thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng lô hàng.

"Về phía doanh nghiệp sẽ kết hợp địa phương rà soát về vùng trồng, phối hợp kiểm tra các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc BVTV, tìm hiểu kỹ về quy định của quốc gia nhập khẩu", đại diện một doanh nghiệp sầu riêng tại Tiền Giang nói. 

Sáng 12/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan gửi thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật khẳng định xuất khẩu tại các cửa khẩu vẫn bình thường.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết thực hiện quy định tại các nghị định thư xuất khẩu nông sản của Việt Nam với các nước, cục đã chỉ đạo các địa phương thông báo và áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật để các doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tạm ngừng và rà soát xác định rõ nguyên nhân các trường hợp không tuân thủ điều kiện về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, đề xuất giải pháp khắc phục, báo cáo khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo điều khoản đã ký.

Cùng với đó cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu sẽ áp dụng các biện pháp kiểm dịch để kiểm soát chặt khi Cục Bảo vệ thực vật có văn bản chỉ đạo sau khi các địa phương có báo cáo kết quả xử lý những trường hợp không tuân thủ.

Do vậy hoạt động xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường, không bị ùn tắc về kiểm dịch thực vật.

"Các biện pháp trên là cần thiết, đúng thông lệ quốc tế và đúng theo các nghị định thư mà Việt Nam đã ký kết, nhằm giảm thiểu nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm ngưng không thời hạn hoặc dừng nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại hai bên và uy tín hàng hóa nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế", Cục Bảo vệ thực vật cho hay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ