Vì sao Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành?

Nhàđầutư
Ngân hàng Nhà nước cho biết việc tăng lãi suất điều hành nhằm đón đầu định hướng tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới, qua đó góp phần giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
ĐÌNH VŨ
25, Tháng 10, 2022 | 11:31

Nhàđầutư
Ngân hàng Nhà nước cho biết việc tăng lãi suất điều hành nhằm đón đầu định hướng tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới, qua đó góp phần giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

NHNN

NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1% vào ngày 25/10/2022. Ảnh: SBV

Giải thích về quyết định tăng lãi suất ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước cho biết, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; sản xuất tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc thu hẹp, nguy cơ suy thoái gia tăng: Chỉ số PMI T9/2022 của Mỹ, châu Âu giảm xuống dưới mức 50 điểm 3 tháng liên tiếp, lần lượt là 49,5 điểm và 48,1 điểm (Tháng 8: 44,6 điểm; 48,9 điểm); Trung Quốc: 48,5 điểm - thấp nhất từ tháng 5/2022 (Tháng 8: 53 điểm).

Lạm phát tăng cao tại nhiều nước: Lạm phát so với cùng kỳ tháng 9/2022: Mỹ 8,2%; khu vực đồng EUR 10%; Thái Lan 6,41%; Indonesia 5,95%. Tháng 8/2022: Anh 9,9%; Singapore 7,5%. Có ít nhất gần 80 quốc gia trên thế giới lạm phát hiện đã ở mức 2 con số trở lên.

USD lên giá mạnh khi Fed thực thi chính sách tiền tệ nâng lãi suất, USD quốc tế (chỉ số DXY) tăng mạnh, có thời điểm tăng tới hơn 19% so với cuối năm 2021 và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021 - mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1981.

Nhiều đồng tiền trên thế giới đều chịu áp lực giảm mạnh so với USD. Cụ thể, đến ngày 19/10, so với cuối năm 2021: TWD (-16%); THB (-15,1%); JPY (-30,2%); KRW (-20,3%); PHP (-15,6%); INR (-11,4%); MYR (-13,3%); CNY (-13,7%); EUR (-14%); GBP (-17,1%).

Trước bối cảnh nêu trên, NHTW các nước trên thế giới tiếp tục thu hẹp việc nới lỏng CSTT và điều chỉnh tăng lãi suất. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 289 lượt tăng lãi suất, trong đó, một số nước lớn đã điều chỉnh tăng lãi suất như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, New zealand, Canada, Úc, ECB;

Fed đã 5 lần điều chỉnh tănglãi suất điều hành với tổng mức tăng là 3%/năm, hiện ở mức 3-3,25%/năm, đồng thời dự báo tiếp tục tăng lãi suất trong các tháng cuối năm lên mức khoảng 4,5-4,75%/năm và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2023 để kiềm chế lạm phát;

ECB tăng 2 lần (0,5%/năm và 0,75%/năm) và hiện ở mức 1,25%/năm; một số nước trong khu vực cũng điều chỉnh tăng lãi suất, như Malaysia tăng lên mức 2,5%/năm, Philippines tăng lên mức 4,25%/năm, Indonesia tăng lên mức 4,25%/năm, Thái Lan tăng lên mức 1%/năm nhằm kiểm soát lạm phát.

Về điều kiện trong nước, NHNN phân tích: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,83%; Lạm phát hiện thấp hơn mục tiêu nhưng xu hướng tăng lạm phát đã hình thành và áp lực thời gian tới khá lớn, lạm phát CPI bình quân 9 tháng là 2,73%, lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm 2022 tăng liên tục từ 0,67% vào tháng 1 (so với cùng kỳ 2021) lên 3,82% vào tháng 8 do tác động vòng 2 từ chi phí sản xuất tăng cao giai đoạn trước, là dấu hiệu cảnh báo đối với áp lực lạm phát thời gian tới.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào thương mại quốc tế nên đã chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến kinh tế toàn cầu từ đầu năm 2022 đến nay khi kinh tế thế giới tiếp tục nhiều bất trắc, khó lường, xung đột Nga-Ukraina còn diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy chậm được khắc phục… làm cho giá hàng hóa tăng cao, lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia và có thể tiếp tục kéo dài, chưa rõ xu hướng trong thời gian tới.

Việc điều chỉnh tăng lãi suất nhằm đón đầu định hướng tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới, qua đó góp phần giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng gia tăng, tín dụng toàn hệ thống đến nay tăng khoảng 11,35% trong khi huy động vốn chỉ đạt 4,78% so với cuối năm 2021, việc điều chỉnh tăng lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND sẽ giúp lãi suất thực tiếp tục dương, người gửi tiền tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, qua đó giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục huy động được nguồn vốn, cải thiện thanh khoản góp phần nâng cao an toàn hệ thống, hệ thống ngân hàng có đủ nguồn vốn để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

Đồng thời, việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên lên 5,5%/năm vẫn nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận vốn vay với chi phí thấp trong các lĩnh vực ưu tiên của của Chính phủ trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng.

Sau nhiều năm củng cố dự trữ ngoại hối, nhiều NHTW Châu Á phải sử dụng dự trữ ngoại hối để ngăn đà mất giá đồng bản tệ trước sự tăng giá mạnh của USD mặc dù phần lớn các quốc gia này áp dụng chế độ tỷ giá có mức thả nổi cao hơn Việt Nam. Mặc dù vậy, đồng tiền các nền kinh tế này vẫn mất giá rất mạnh so với USD (từ 10-30%).

Theo Bloomberg, từ đầu năm 2022, dự trữ ngoại hối toàn cầu sụt giảm 1.000 tỷ USD (giảm 8,9%) xuống dưới 12.000 tỷ USD - là mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu này được theo dõi vào năm 2003.

Tại Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, thị trường ngoại tệ và tỷ giá chịu áp lực lớn. NHNN đã điều hành và phối hợp đồng bộ nhiều công cụ, biện pháp; bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường, giảm thiểu tác động tâm lý tiêu cực, hạn chế áp lực lạm phát nhập khẩu; đồng thời cho phép tỷ giá biến động linh hoạt để hấp thụ các cú sốc, thanh khoản thị trường ổn định, thông suốt.

Như vậy, Việt Nam sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường kết hợp với các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô là phù hợp với xu hướng điều hành chung của NHTW các nước cũng như khuyến nghị của IMF.

Việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới và điều kiện thị trường trong nước; góp phần định hình và neo giữ kỳ vọng lạm phát; cho thấy phản ứng chính sách chủ động, nhạy bén của NHNN trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Thông qua việc điều chỉnh lãi suất, kết hợp đồng bộ với các công cụ CSTT, NHNN tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường ngoại hối, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời sử dụng linh hoạt các nghiệp vụ để tăng cường cung ứng thanh khoản, đáp ứng nhu cầu của các TCTD; qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ