Vì sao giá cổ phiếu phân bón dậy sóng?

Nhàđầutư
Giá phân bón thế giới tăng sốc kéo theo giá phân bón trong nước, đã tác động mạnh đến nhóm cổ phiếu phân bón.
MẠNH QUÂN
05, Tháng 03, 2021 | 11:52

Nhàđầutư
Giá phân bón thế giới tăng sốc kéo theo giá phân bón trong nước, đã tác động mạnh đến nhóm cổ phiếu phân bón.

Thời gian qua, cổ phiếu nhóm ngành phân bón liên tục "dậy sóng". Theo đó, chốt phiên 4/3, cổ phiếu BFC của Phân bón Bình Điền ghi nhận mức tăng giá 24% trong vòng 1 tháng từ vùng 16.000 đồng/cp lên 19.900 đồng/cp, DCM của Đạm Cà Mau tăng từ vùng 12.700 đồng/cp lên 16.350 đồng/cp, tăng 28%, DPM của Đạm Phú Mỹ tăng 17%, LAS của Hóa chất Lâm Thao tăng 45%.

Cổ phiếu DDV của DAP Vinachem tăng mạnh nhất 87%, nhiều phiên gần đây tăng trần. Sản phẩm chính của DAP Vinachem là phân DAP, axit sulfuric 98%, axit photphoric 52%.

DGC của Hóa chất Đức Giang, doanh nghiệp với 40% doanh thu là phân bón, 40% là hóa chất với nhiều sản phẩm đầu vào cho sản xuất phân bón, tăng 36% trong 1 tháng qua, lên 70.800 đồng/cp.

dap_vinachem

Giá bán tăng sốc kéo theo cổ phiếu ngành phân bón dậy sóng. Ảnh: DAP Vinachem

Phân bón tăng giá sốc

Xu hướng giá phân bón thế giới tăng bắt đầu từ gần cuối năm 2020, do nhu cầu từ các nước sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu tăng mạnh, nhất là để trồng ngô và đậu tương.

Trong khi đó, nguồn cung phân bón thế giới bị thắt chặt do dịch COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất ở nhiều nước, và tình trạng thiếu container rỗng ảnh hưởng tới việc vận chuyển.

Giá đạm Ure chào bán tại các nhà máy và nhập khẩu cuối tháng 2/2021 lên tới 9.000 – 9.600 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg so với cách đây một tuần. Giá đến tay người nông dân tại khu vực phía Nam khoảng 10.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thời gian này năm ngoái, giá đạm Ure khoảng 6.600 đồng/kg. Như vậy giá phân bón đang có mức tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm 2020. 

Giá DAP dẫn đầu trên thị trường phân bón thế giới về mức tăng, lên tới 21% từ đầu năm đến nay, giá DAP trung bình trên thế giới hiện ở mức 602 USD/tấn.

Với công suất thiết kế 2,7 triệu tấn, Việt Nam tự chủ được về urê nhưng các loại phân bón khác như DAP, NPK, kali sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên vẫn phải nhập khẩu. Việc phân DAP tăng mạnh thời gian qua đã gây ra hiện tượng thiếu hụt nguồn cung.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu phân bón về Việt Nam tháng 1 giảm 9% về lượng và 12% về giá trị, đạt 322.000 tấn và 84,6 triệu USD. Nguyên nhân là do giá phân bón thế giới tăng mạnh và vấn đề vận chuyển khó khăn trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, giá phân bón tăng sốc trong thời gian qua là do giá nguyên liệu thế giới tăng.

"Hiện nay, 2 nhà máy của chúng tôi đang sản xuất tối đa công suất hơn 1.000 tấn/nhà máy/ngày, đáp ứng nhu cầu phân bón. Do đó, không có hiện tượng thiếu phân bón trong nước", ông Chuyên nói.

Theo lãnh đạo Vinachem, sản lượng DAP Đình Vũ sản xuất trong 2 tháng đầu năm 2021 hiện đạt trên 46.000 tấn, tăng 162,6% so với cùng kỳ năm 2020. DAP Lào Cai cũng có mức tăng trưởng về sản lượng tương ứng.

Kế hoạch các tháng 3 và 4, lãnh đạo DAP Vinachem khẳng định vẫn tiếp tục duy trì sản xuất với sản lượng cao, mỗi tháng dự kiến đưa ra thị trường từ 24.000 - 26.000 tấn. Do đó, cộng cả sản lượng của DAP Lào Cai, DAP Đức Giang nguồn cung sản xuất trong nước sẽ duy trì ở mức 48.000 - 50.000 tấn/tháng.

Còn theo ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón (đặc biệt là phân DAP và Urê) tăng mạnh từ quý 3/2020.

Ông Hà dẫn nguồn báo cáo của Ngân hàng thế giới và phân bón quốc tế, theo đó nguyên nhân được cho là giá phân bón thế giới tăng vì giá nông sản tăng, giá đầu vào một số loại nguyên liệu tăng. Cước vận chuyển đặc biệt bằng container tăng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc - quốc gia sản xuất lượng lớn phân bón trên thế giới, gặp vấn đề với nguồn nguyên liệu gas.

Nhiều doanh nghiệp phân bón lãi lớn trong năm 2020

Khác với năm 2019, năm 2020 ghi nhận kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân đạm tăng trưởng khả quan. Điểm đáng chú ý là, dù doanh thu giảm sút nhưng lợi nhuận nhiều đơn vị tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, Đạm Phú Mỹ có doanh thu năm 2020 gần như đi ngang với 7.267 tỷ đồng, thì lợi nhuận sau thuế tăng đến 84%, lên trên 683 tỷ đồng nhờ tỷ trọng giá vốn giảm và gia tăng doanh thu tài chính. Đạm Phú Mỹ cho biết trong năm 2020, PVFCCo đã xuất khẩu 71.000 tấn đạm sang thị trường Ấn Độ, mở ra một hướng đi mới cho thương hiệu phân bón Phú Mỹ tại thị trường đầy tiềm năng này.

Đạm Cà Mau, doanh thu năm 2020 tăng 7,5% so với năm 2019, lên 7.716 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế cũng tăng đến gần 56%, lên mức 665 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp doanh thu Đạm Cà Mau tăng trưởng.

Ngay trước khi kết thúc năm 2020, Đạm Cà Mau đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh so với số liệu đặt ra hồi đầu năm. Trong đó điều chỉnh kế hoạch doanh thu giảm 1.000 tỷ đồng, xuống mức 6.953 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế điều chỉnh tăng từ 52 tỷ đồng lên 479 tỷ đồng. Bởi vậy, Đạm Cà Mau đã hoàn thành, vượt 10,9% mục tiêu về doanh thu và vượt hơn 38% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Hoá chất Đức Giang (mã: DGC) năm 2020 đạt 6.236 tỷ đồng doanh thu và 1.001 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 22,5% và 66% so với năm trước. Kết quả này là nhờ sản lượng sản xuất tăng, doanh thu các mặt hàng tăng, sản xuất và tiêu thụ không bị đình trệ do đại dịch COVID-19. Cộng thêm việc vận hành và sản xuất ổn định nhà máy phốt pho thuộc CTCP Phốtpho Apatit Việt Nam (PAC) - doanh thu công ty PAC năm 2020 là 1.256 tỷ đồng, năm 2019 là 762 tỷ đồng.

Phân bón Bình Điền (mã: BFC) ghi nhận doanh thu năm 2020 giảm 12% so với năm 2019, còn 5.522 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 201 tỷ đồng, vượt 31% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 68%, lên gần 167 tỷ đồng.

CTCP DAP - Vinachem (mã: DDV) ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.886 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2019; lãi trước thuế đạt 16,3 tỷ đồng, gấp 2,7 lần kết quả 2019.

Trong những cái tên quen thuộc ngành phân đạm, Đạm Hà Bắc (mã: DHB) lại thường xuyên được nhắc đến với số lỗ lớn hàng năm. Năm 2020, Đạm Hà Bắc tiếp tục lỗ 1.461 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với số lỗ 638 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2019.

Dự báo nhu cầu phân bón năm 2021 tăng tốc

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), năm 2020 ngành phân bón thế giới ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu ước đạt 191,4 triệu tấn, tăng 1,5% do hưởng lợi từ các yếu tố thuận lợi ngành nông nghiệp toàn cầu. Khu vực Nam Á là động lực tăng trưởng quan trọng cho nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu năm 2020.

Trong khi đó, Đông Á và Tây Á là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, phải đối mặt với tình trạng sụt giảm nhu cầu phân bón. Nhưng sau gián đoạn chuỗi cung ứng ngắn hạn, nhu cầu phân bón được dự báo tăng tốc vào năm 2021.

Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA) dự báo, nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu năm 2021 đạt 194,9 triệu tấn, tăng 1,8% so với năm 2020 do nhu cầu hồi phục ở hầu hết các khu vực. Nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh kéo giá phân bón thế giới đi lên. Giá phân Urê dự kiến tăng 3,0% trong năm 2021, phân DAP tiếp tục tăng nhẹ 2,6%. Trong khi đó, giá phân Kali được dự báo tăng cao hơn ở mức tăng 3,6% khi nhu cầu phục hồi tại các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là Trung Quốc.

Ngành phân bón Việt Nam năm 2020 tăng trưởng khả quan bất chấp tình hình dịch bệnh trên toàn cầu. Tính đến tháng 11/2020, sản xuất các loại phân bón trong nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2019: Phân Urê đạt 2,19 triệu tấn (+7,3%), phân NPK đạt 2,64 triệu tấn (+3,5%) và phân DAP đạt 339,4 nghìn tấn (+3,3%). Xuất nhập khẩu phân bón tăng mạnh dù thị trường xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics.

Tuy nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước năm 2020 bị ảnh hưởng bởi diễn biến thời tiết cực đoan nhưng nhìn chung kết quả kinh doanh các doanh nghiệp đầu ngành đều tăng trưởng đáng kể. Giá phân bón nội địa năm 2020 hồi phục từ mức đáy 3 năm gần nhất.

Báo cáo FPTS dẫn dự báo của Agromonitor, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 có thể đạt 10,3 triệu tấn, tăng 5,5%. Tiêu thụ hầu hết các loại phân bón đều tăng như DAP tăng 12%, lân tăng 9%, NPK tăng 5%, riêng urê dự kiến ổn định tăng 0,5%. Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước, sẽ hồi phục 4-6% nhờ yếu tố thời tiết thuận lợi, giảm hạn hán và nạn xâm nhập mặn.

Cũng theo báo cáo của FPTS, năm 2021, triển vọng tích cực từ ngành nông nghiệp là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ phân bón Việt Nam. Với tình hình thời tiết năm 2021 dự báo thuận lợi, cùng giá các loại nông sản đang ở mức cao, sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón. Bên cạnh đó, chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là một yếu tố quan trọng cần theo dõi trong năm 2021.

Đồng thời, giá nông sản thế giới tăng mạnh cho thấy nhu cầu tích trữ lương thực trong thời kỳ dịch bệnh toàn cầu. Giá gạo trắng xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tăng 45% đạt 516 USD/tấn vào cuối tháng 12, mức cao nhất 5 năm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ