Vận nước đang lên

Vận nước là thời cơ khách quan kết hợp hài hòa với nội lực chủ quan của một quốc gia. Có vận nước hưng thịnh thì cũng có vận nước suy yếu.
NHÀ VĂN SƯƠNG NGUYỆT MINH
12, Tháng 02, 2024 | 06:50

Vận nước là thời cơ khách quan kết hợp hài hòa với nội lực chủ quan của một quốc gia. Có vận nước hưng thịnh thì cũng có vận nước suy yếu.

1229.morongdiagioi_1

 

Nhận thức và nắm bắt được vận nước đang lên hay đi xuống để đề ra những kế sách quốc gia, nâng cao nội lực, tranh thủ thời cơ, đoàn kết thống nhất toàn dân xây dựng đất nước hùng cường, là phúc lớn của dân tộc.

Hơn một ngàn năm trước, Thiền sư Pháp Thuận viết về vận nước qua bài “Quốc tộ”: “Quốc tộ như đằng lạc/ Nam thiên lý thái bình/Vô vi cư điện các/Xứ xứ tức đao binh”, nghĩa là: Vận nước như mây quấn/Trời Nam mở thái bình/Vô vi nơi triều chính/Chốn chốn hết đao binh. “Quốc tộ” là bài kệ Thiền sư viết trả lời câu hỏi của vua Lê Hoàn về việc nước, vận nước khi ngài mới lên ngôi. Vận nước thời ấy cũng là vận của triều đình. Vận nước là lòng dân, cũng là yêu cầu về cái tâm cái tài của quan quân trong việc triều chính.

Đó là thời triều đình đang rối ren, một bên trung thành với nhà Đinh, một bên thì phù Lê, dẫn đến tranh đoạt quyền lực, binh đao máu lửa, lòng dân không yên. Trong bối cảnh quân Tống đang lăm le xâm lược, triều đình do Lê Hoàn đứng đầu có nguy cơ sụp đổ và đất nước sẽ bị quân phương Bắc xâm lăng, thôn tính.

Thiền sư Pháp Thuận hiến kế “Quốc tộ như đằng lạc”. Đằng lạc là một loài cây họ mây dài nhỏ mà dẻo dai, quấn quýt mà bền chắc, có trật tự chứ không rối ren. Một ví von hình ảnh và cũng là đề xuất tinh thần hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc, trên dưới một lòng quấn quýt, không chia rẽ thì mới có sức mạnh tập trung, vận nước mới dần hưng thịnh. Vận nước lên và vận hội đến không chỉ lâu dài, mà đất nước phải chấm dứt chiến tranh, dân tộc được hưởng thái bình. Còn triều đình thì phải “Vô vi cư điện các”. Vô vi là thuận theo tạo hóa, sống hòa đồng với tự nhiên, triều chính không can thiệp vào tự nhiên, làm trái với quy luật của vũ trụ. Cụ thể trong xã hội là cuộc sống chan hòa, không thù ghét thoán đoạt tranh giành. Xây dựng một triều đình thịnh trị, triều chính thong dong nhàn nhã, cũng có nghĩa là xây dựng một nền chính trị ưu việt, tốt đẹp do dân, vì dân. Khi ấy, binh đao khắc sẽ hết, quốc gia dần hùng cường.

Thời đại ngày nay, vận nước như “Quốc tộ” thời Thiền sư Pháp Thuận dâng kế vẫn được giữ gìn, vận dụng và được phát huy, mở rộng bởi những yêu cầu mới trong hoàn cảnh lịch sử mới. Hiểu biết được nội lực dân tộc và nắm được thời cơ để cầm lái con thuyền quốc gia vượt qua thách thức, không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một, thì đất nước mới không tụt hậu mà hưng thịnh, đi lên.

Năm 1945, đất nước đói nghèo, bị hai tròng áp bức là Pháp và Nhật, các phong trào yêu nước liên tục bị đàn áp, kinh tế kiệt quệ, nạn đói hoành hành, 95% dân mù chữ. Chúng ta đã biết chớp lấy thời cơ để thay đổi vận mệnh quốc gia. Thời cơ ấy là Pháp suy yếu trong chiến tranh, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương nhưng bị quân đồng minh đánh cho đại bại. Tinh thần khởi nghĩa sôi sục khắp nơi, cả nước quyết tâm giành độc lập tự do... Cơ hội ngàn năm có một, Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do cho toàn dân, và từ đó đất nước đã có tên trên bản đồ thế giới.

Nhưng, ngay sau đó, đất nước phải đối mặt cùng lúc với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Quân Pháp với sự giúp sức của các đế quốc Anh, Mỹ, quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng ta phải tiến hành kháng chiến bảo vệ độc lập tự do và chính quyền non trẻ. Tinh thần “Quốc tộ” gần một ngàn năm trước được phát huy mạnh mẽ. Nhiều nhà tư bản dân tộc đã tự nguyện đóng góp vàng và tiền của cho công cuộc kháng chiến. Các nhân sĩ trí thức cũ được tập hợp dưới ngọn cờ độc lập dân tộc. Nhiều trí thức ở nước ngoài về như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Trần Đức Thảo và rất nhiều trí thức ở đô thị đã lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Phát huy sức mạnh toàn dân, Hồ Chủ tịch kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có súng, gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Toàn dân tộc đã được tập hợp tham gia kháng chiến chống Pháp. Nội lực quốc gia và thời cơ thuận lợi được hội tụ đúng lúc, đã làm nên thắng lợi.

Lịch sử nước ta cũng đã có những thời cơ vàng bị bỏ lỡ. Nguyễn Trường Tộ là nhà cải cách xã hội thế kỉ XIX. Ông đã viết bản điều trần gửi lên vua Tự Đức, có đoạn nói về tình hình thế giới: “Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời, mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì người Âu đều đặt chân đến, như tằm ăn cá nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa; ai hòa với họ thì được yên”. Ông chủ trương nếu không canh tân đất nước thì sẽ trở thành thuộc địa của phương Tây. Tiếc thay, nhà vua không hiểu được đất nước ta rất lạc hậu trong khi kỹ thuật phương Tây vượt trội và đang kiểm soát tình hình thế giới, xâm lăng nhiều quốc gia. Nếu không cải cách, phát triển, mở rộng bang giao hội nhập trong điều kiện, hoàn cảnh mới thì sẽ bị thôn tính. Chẳng hạn như ông điều trần: “Góp ý về việc mua và đóng thuyền máy”, “Về việc cần canh tân, quảng giao để giữ nước”. Càng tiếc thay Nguyễn Trường Tộ sinh bất phùng thời, các bản điều trần và phúc trình của ông đều bị triều đình nhà Nguyễn bỏ qua. Trong khi đó, Nhật Bản có nhiều điều tương đồng về hoàn cảnh kinh tế, chính trị, đã rầm rộ thực hiện cuộc canh tân Minh Trị Duy Tân thay đổi cấu trúc xã hội và chính trị, mở cửa triệt để với phương Tây, công nghiệp, kĩ thuật phát triển mạnh mẽ, đất nước họ hưng thịnh, để đến đầu thế kỉ XX thì nước Nhật đã hiện đại hóa, đứng đầu trong các nước châu Á.

Sau những năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, sau thời kì bao cấp kéo dài, sau gần 40 năm Đổi mới, bao nhiêu thăng trầm được mất, bấy nhiêu vui buồn, nhưng về cơ bản đất nước ta đã thoát khỏi đói nghèo, trì trệ, chuyển hướng đi mới, đạt được nhiều thành tựu mới. Rõ ràng là Việt Nam đã xác lập được vị thế mới, nội lực mới mạnh mẽ, và vận nước đang lên.

Trước Đổi mới, nước ta thực hiện cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp và tiến hành công nghiệp hóa theo kiểu Xô viết. Một đất nước nông nghiệp mà lương thực không đủ ăn, nhiều nơi xảy ra nạn đói. Bắt đầu từ Đổi mới, chúng ta thực hiện: “Đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đồng thời, chúng ta đã từng bước chuyển sang thực hiện kinh tế thị trường thống nhất trong cả nước. Sau 37 năm, thu nhập theo đầu người đã tăng khoảng 17 lần, quy mô nền kinh tế nước ta tăng gần 50 lần, đạt xấp xỉ 450 tỷ USD... Đó là những chỉ dấu về kinh tế đang lên, vận nước đang lên.

Vận nước lên thì mọi mặt cùng lên. Cách đây 5 năm, trong trận chung kết bóng đá U23 châu Á, đội tuyển Việt Nam đoạt ngôi Á quân, có người ví thành tích và bản lĩnh, trình độ kĩ thuật và tinh thần thi đấu của các cầu thủ trẻ cũng là một minh chứng sinh động cho thế nước, vận nước đang lên trước thềm năm mới.

Nội lực mạnh mẽ, làm chủ vận mệnh quốc gia, từ đắm chìm trong nô lệ, không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã có vị thế quốc tế: Giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc luân phiên; Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; Năm 2020 giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Việt Nam cũng là điểm hẹn hòa bình của khu vực và quốc tế, Mỹ và Triều Tiên đã cùng chọn Việt Nam cho cuộc gặp thượng đỉnh tháng 2/2019. Đến nay, Việt Nam quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 30 quốc gia, trong đó có 6 quốc gia ở mức cao nhất Đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ.

Chúng ta tự hào là người Việt Nam. Dịp nhìn lại 35 năm Đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vui mừng nhận định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Xu thế phát triển của thời đại ngày nay là toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu sắc cả về tính chất và trình độ, khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão trong bối cảnh hợp tác, cùng phát triển. Đây là thời cơ, là điều kiện khách quan vô cùng quan trọng cho phát triển đất nước.

Sức mạnh kết thành vận nước bắt đầu từ yếu tố con người, là dân chúng. Cụ Hồ ngày trước nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Bây giờ, điều kiện mới, hoàn cảnh mới, người dân không chỉ cần “có cơm ăn áo mặc”, mà phải là ăn ngon mặc đẹp; không chỉ “được học hành” mà còn phải được học hành và làm việc trong điều kiện tốt. Cái gốc dân là từ đó, để chung lòng đoàn kết, hóa giải mọi thù hận, hiềm khích và xây đắp hòa hợp dân tộc.

Đất nước Việt Nam bất khuất trong đấu tranh nhưng cũng là một cái nôi của giao thương hợp tác, là xứ sở tiếp nối sinh ra hào kiệt. Hào kiệt là tinh hoa dân tộc. Thống nhất lòng dân, kết tụ hào kiệt thì phải trọng dụng nhân tài, dụng nhân như dụng mộc, biết sử dụng người tài hơn mình. Hiện nay có khoảng 300.000 chuyên gia trí thức là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, trong đó, ở nước Mỹ là đông nhất, khoảng 150.000 người, sau đó đến ở Pháp, khoảng 40.000 người… Làm thế nào thu hút được những tinh hoa này cống hiến sức lực và chất xám cho quê nhà?

Nhà văn hóa Phan Ngọc nói rằng: “Người Việt Nam là con người Tổ quốc luận, tức là đối với anh ta, Tổ quốc lớn hơn tất cả”. Hãy bắt đầu từ con người Việt Nam để vận nước vươn lên cao như rồng cuộn mây bay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ