TS. Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp Việt phải vượt qua 'rào cản' quy định của EU sau Hiệp định EVFTA

Nhàđầutư
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định ngoài việc hưởng lợi sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được thông qua, doanh nghiệp Việt phải vượt qua hàng loạt 'rào cản' quy định nghiêm khắc của châu Âu.
THỤC ANH (GHI)
15, Tháng 02, 2020 | 08:33

Nhàđầutư
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định ngoài việc hưởng lợi sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được thông qua, doanh nghiệp Việt phải vượt qua hàng loạt 'rào cản' quy định nghiêm khắc của châu Âu.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu  (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu thông qua vào chiều tối 12/2.

Các chuyên gia đã có nhiều phân tích về thuận lợi cũng như thách thức đối với Việt Nam khi EVFTA được thông qua, tại buổi Tọa đàm ngay sau đó với chủ đề "EVFTA: Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ". Cuộc tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. Nhadautu.vn trích đăng phần trả lời của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Mở cánh của EU giúp kinh tế Việt Nam tự chủ hơn

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ở lễ ký kết hồi tháng 6/2019 tại Hà Nội, hai Hiệp định với EU mở ra chân trời hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp hai bên. Ông phân tích về ý kiến này của Thủ tướng?

TS. Vũ Tiến Lộc: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Bảo hộ đầu tư của hai bên đóng vai trò như hòn đá tảng trong chính sách về kinh tế, thương mại. Nó tạo điều kiện để chúng ta tiếp cận thị trường hàng đầu thế giới xét cả về quy mô của thị trường và trình độ công nghệ, tiềm năng tài chính.

Đây là khu vực thị trường có tiêu chuẩn rất cao, khi tiếp cận thị trường này, các doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta có thể đạt những chuẩn mực cao nhất của thế giới trong thương mại đầu tư. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu có nhiều biến động thì bảo đảm tính tự chủ, tính chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các biến động là một yêu cầu rất quan trọng.

Vu-Tien-Loc

TS. Vũ Tiến Lộc trả lời tại buổi tọa đàm.

Việc mở cánh cửa ra thị trường EU cũng giúp cho chúng ta có được một cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế tự chủ hơn, bớt lệ thuộc vào các thị trường truyền thống ở xung quanh và đây cũng là điều sẽ đảm bảo cho nền kinh tế của Việt Nam có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuần Anh có phát biểu "EU có cơ sở để đặt niềm tin vào các cam kết của Việt Nam thể hiện trong Hiệp định". Ông nghĩ sao về quan điểm này?

TS. Vũ Tiến Lộc: Phải khẳng định rằng, khi EU đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do cũng như Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU ở chuẩn mực cao nhất là liên minh Châu Âu đã gián tiếp thừa nhận những nỗ lực cải cách xây dựng thể chế kinh tế thị trường hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam.

Và EU cũng tin cậy những cam kết của Việt Nam về việc thực hiện Hiệp định và hướng tới lợi ích chung của 2 khu vực. Tôi nghĩ điều này sẽ tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam bên cạnh những thiết chế cụ thể mà Hiệp định mang lại như giảm thuế, tạo ra những khuôn khổ thuận lợi hơn cho thương mại đầu tư, tăng cường các hợp tác về kỹ thuật.

Vị thế của EU đối với kinh tế đối ngoại của chúng ta vô cùng quan trọng; không chỉ bản thân Hiệp định này là nền tảng thúc đẩy quan hệ giữa hai bên mà nó còn tạo niềm tin của cả cộng đồng thế giới đối với những nỗ lực cải cách thể chế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường hướng tới phát triển bền vững và cam kết hội nhập của Việt Nam. Đây là một tác động vô cùng lớn mà không thể cân đong đo đếm được.

Doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức

Những Hiệp định như thế này không phải là "chiến thắng của một bên" mà là hai bên cùng thắng. Bên cạnh những cơ hội lớn mở ra thì cũng đồng thời phải đối đầu với những thách thức. Theo ông những thách thức đối với chúng ta khi Hiệp định EVFTA đi vào triển khai là gì? Các bộ, ngành phải làm gì để hỗ trợ đối tượng chính là các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, đương đầu với những thách thức, để những tiềm năng từ Hiệp định trở thành hiện thực?

TS. Vũ Tiến Lộc: Cơ cấu kinh tế của châu Âu và Việt Nam bổ sung tương hỗ hơn là cạnh tranh trực tiếp. Cho nên chỉ có một số mặt hàng cạnh tranh rất gay gắt. Những mặt hàng này chúng ta đã có một lộ trình để giảm thuế 7-10 năm. Có những mặt hàng chúng ta kiên quyết giữ mức thuế đánh vào.

Sau khi Hiệp định có hiệu lực, ngay lập tức có đến 70% mặt hàng được giảm thuế, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế vô cùng lớn về mặt chi phí khi thuế quan không còn. Nhưng để vượt qua được điều này là một hành trình vô cùng gian nan.

Trước tiên là vượt qua các quy định về xuất xứ của hàng hóa. Hiện nay, nguyên liệu sản xuất hàng hóa của chúng ta phần lớn là từ Trung Quốc và ASEAN, chứ không phải từ Việt Nam và EU. Làm sao đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ là điều đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua, đặc biệt đối với dệt may và giày dép, hai mặt hàng chủ lực của chúng ta sang mặt hàng này.

Thứ hai là hàng rào về kỹ thuật và quy định về vệ sinh dịch tễ rất cao, có thể nói không phải nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu này. Những nỗ lực đầu tư và quy trình quản lý để có thể đáp ứng được nhu cầu của châu Âu, điều này rất khó khăn.

Thứ ba là các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ người tiêu dùng, thị trường. Những biện pháp này đối với châu Âu rất nặng nề, vượt qua được điều này không đơn giản.

Cuối cùng nền tảng của tất cả là năng lực cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ hàng hóa của chúng ta. Đối với doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam còn đang ở mức trung bình của thế giới theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Chúng ta vươn lên cạnh tranh với châu Âu có nghĩa là cạnh tranh với những nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới. Vì vậy có một khoảng cách về năng lực cạnh tranh giữa chúng ta với các nền kinh tế này. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ hàng hóa của Việt Nam là yêu cầu quan trọng nhất. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh phải quay trở về với vấn đề cơ bản nhất của môi trường kinh doanh.

Làm sao phải tiếp tục có những nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Chúng ta mở con đường cao tốc với thế giới, với EU thì chúng ta phải mở con đường cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp. Mở con đường cao tốc để thực hiện các thủ tục hành chính ở Việt Nam.

Điều này đang được Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Sắp tới rà soát quy định pháp luật để có thể đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh, thực hiện nhanh các thủ tục đối với doanh nghiệp, đặc biệt là đầu tư xây dựng và đưa vào quá trình sản xuất của các dự án.

Điểm nghẽn lớn mà tôi nghĩ chúng ta cần tập trung để thúc đẩy đó chính là chất lượng nguồn nhân lực. Chúng ta được thế giới đánh giá cao nguồn nhân lực đông đảo nhưng chi phí thấp và kèm theo chất lượng chưa cao.

hiep-dinh

Hiệp định EVFTA mở ra cánh cửa lớn cho doanh nghiệp Việt nhưng cũng gặp không ít thách thức.

Điều kiện cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực của chúng ta còn hạn chế. Chính vì vậy, tôi nghĩ vấn đề cấp bách để chúng ta tận dụng được cơ hội hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng của nền kinh tế đã có những sự cố gắng. Nhưng vừa qua, sự huy động sức toàn dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng như: BOT, các dự án PPP ... lại rơi vào bế tắc. Thực sự chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật, hệ thống khuyến khích và bảo vệ thỏa đáng quyền lợi của các bên trong quá trình thực hiện. Cho nên không huy động được sức lực của toàn dân vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây cũng là một điểm nghẽn.

Điểm nghẽn về thể chế, về nhân lực, về cơ sở hạ tầng rất khó để tận dụng những cơ hội từ Hiệp định. Chúng ta vẫn tận dụng được cơ hội từ Hiệp định tuy nhiên nói về cạnh tranh dài hạn và tận dụng được hết các cơ hội đang mở ra phải có một con đường cao tốc, có một cuộc cách mạng trong cải cách thể chế sắp tới.

Đây sẽ là chìa khóa cho mọi vấn đề. Chúng tôi cũng rất muốn đề nghị các cơ quan Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng thể chế. Thủ tướng đã nói: Thể chế, thể chế và thể chế. Đây là nhiệm vụ trung tâm của cơ quan Chính phủ. Khi Chính phủ gỡ được thể chế, tạo điều kiện về thể chế thì doanh nghiệp sẽ hăng hái sản xuất kinh doanh, sẽ có những cách thức huy động nguồn lực và sự nghiệp giáo dục đào tạo để thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sẽ có cách thức huy động nguồn vốn toàn dân đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng.

Cuối cùng, ba điểm chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh là thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Nhưng điểm chốt của ba điểm chốt này chính là sự mở đường của thể chế. Chúng ta ký kết hiệp định với liên minh châu Âu có nghĩa là chúng ta có một thể chế thúc đẩy cho thương mại đầu tư với châu Âu, một thể chế hiện đại, một thể chế với chuẩn mực hàng đầu thì thể chế trong nước cũng phải vươn tới những chuẩn mực như vậy mới tương thích.

Để thực hiện EVFTA và các Hiệp định thương mại tự do khác, có vai trò rất quan trọng của Chính phủ trong việc thúc đẩy cải cách thể chế, doanh nghiệp cũng phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, phải đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, phải làm ăn dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững. Phát triển bền vững chính là nền tảng tương tác của chúng ta với thế giới, với EU trong bối cảnh mới.

Dệt may, da giày hưởng lợi nhiều nhất

Những ngành hàng nào được hưởng lợi nhiều nhất và ngành hàng nào chịu sức ép nhất khi EVFTA được triển khai, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Những ngành hàng, những lĩnh vực Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất là dệt may, da giày. Còn những lĩnh vực bất lợi như hóa chất, phương tiện vận tải, sắt thép, dược phẩm, nông sản chế biến… những lĩnh vực này chúng ta lường trước được sức ép cạnh tranh, chính vì lường trước được nên chúng ta đưa ra lộ trình 3 năm, 7 năm thậm chí là cao hơn.

Tôi nghĩ rằng việc này vừa với sức vươn lên của DN và các DN phải chấp nhận đương đầu với sự cạnh tranh này và phải nỗ lực, cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình chứ không thể chờ đợi vào sự bảo hộ. Lịch sử mở cửa của chúng ta cho thấy những lĩnh vực nào sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, từ bỏ bảo hộ từ rất sớm thì đang có năng lực cạnh tranh cao, còn những lĩnh vực luôn luôn trong sự ôm ấp của vòng tay bảo hộ thì không phát triển được.

det-may1

Ngành dệt may, da giày được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định EVFTA.

Hiện nay, đối với một số ngành công nghiệp có lợi thế thì việc phát triển công nghiệp hỗ trợ là công việc cấp bách hàng đầu, vì nếu không phát triển được công nghiệp hỗ trợ thì chúng ta không thể tận dụng được các lợi thế về thuế quan. Đây có lẽ là lúc chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này.

Phát triển DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ là vấn đề quan trọng. Hội nhập không chỉ là vấn đề của các DN lớn, của các tập đoàn lớn mà sẽ là việc của cả cộng đồng DN, không loại trừ các hộ nông dân, các hộ kinh doanh cá thể.

Chính phủ đang có đề xuất quan trọng là đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp để minh bạch hóa, nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này để có thể tham gia vào quá trình hội nhập. Quá trình hội nhập cũng phải đảm bảo tính bao trùm và mang lại lợi ích cho người lao động, mang lợi ích cho các hộ nông dân, các hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ thì hội nhập mới thành công.

EVFTA sẽ xóa bỏ 99 dòng thuế 

Chiều tối 12/2 (giờ Việt Nam), với 401 phiếu thuận (đạt tỉ lệ 63,33%); 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng, Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu thông qua.

Với Hiệp định này, cả Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài. Nếu tính từ khi hai bên nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10/2010 cho tới khi Hiệp định này chính thức được EU phê chuẩn vào đầu năm 2020, thời gian đã kéo dài gần tròn 10 năm.

Việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA đã đưa Việt Nam thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu trong quan hệ thương mại với EU.

EVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU hiện nay của Việt Nam. Có được kết quả trên là nhờ sự chung tay góp sức, vận động chuẩn bị của cả hệ thống chính trị.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ