Thuận lợi và thách thức của EVFTA và EVIPA với kinh tế Việt Nam

Nhàđầutư
Ngày 12/2/2020 Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU- Việt Nam (EVIPA), đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa nước ta với EU và các quốc gia thành viên EU.
GS.TSKH NGUYỄN MẠI
13, Tháng 02, 2020 | 10:17

Nhàđầutư
Ngày 12/2/2020 Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU- Việt Nam (EVIPA), đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa nước ta với EU và các quốc gia thành viên EU.

evfta

 

EVFTA và EVIPA là hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững, có quan hệ hữu cơ với nhau, chất lượng cao, cân bằng lợi ích giữa Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

EVFTA bao gồm thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý, thể chế.

Việt Nam và EU cam kết về thương mại dịch vụ, đầu tư nhằm tạo ra môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cam kết của Việt Nam đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn  cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU tại các FTA gần đây của EU.

Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu Việt Nam có lộ trình để thực hiện.

EU cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này. Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước.

Các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của các nước thành viên EU. EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU.

Khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Thời gian cắt giảm thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam từ EU chậm hơn; khi Hiệp định có hiệu lực Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu.

Sau 7 năm, Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Sau 10 năm, xóa bỏ thuế nhập khẩu khoảng 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.  

EVIPA ngoài những nội dung như các hiệp dịnh bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước khác, khẳng định nguyên tắc phát triển bền vững được quy định như thu hút đầu tư đảm bảo duy trì mức độ bảo vệ môi trường, cam kết chống biến đối khí hậu, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên rừng, nguồn tài nguyên sinh vật biển, khuyến khích thương mại và đầu tư hướng tới phát triển bền vững.

EVIPA có quy đinh về việc quản lý của Hai bên nhằm đạt mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội và người tiêu dùng, bảo vệ đa dạng văn hóa.

Triển vọng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để thì EVFTA và EVIPA làm cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; GDP tăng thêm bình quân 2,18-3,25%/năm (2020-2023), 4,57-5,30%/năm (2024-2028) và 7,07-7,72%/năm (2029-2033).

EVFTA và EVIPA tạo ra cơ hội lớn không chỉ cho thương mại và đầu tư của Việt Nam với EU, mà còn tác động tích cực đến thương mại và đầu tư với các tổ chức hợp tác khu vực như Cộng đồng kinh tế ASEAN, APEC và với các nước khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá EVFTA và EVIPA dự báo nếu tận dụng tốt cam kết cắt giảm thuế quan và phi thuế quan thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng thêm trung bình 5,21-8,17%/năm (2020-2023), 11,12-15,27%/năm (2024-2028) và 17,98-21,95%/năm (2029-2033).

Tuy vậy do năng lực các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của nước ta không thể tăng tương ứng với mức trung bình trên đây, nên một phần tăng xuất khẩu sang thị trường EU được dịch chuyển từ thị trường các nước khác..

EVFTA tác động không đều đối với các nhóm hàng xuất khẩu sang EU. Nông sản, lâm sản, hàng dệt may, da giày, dịch vụ vận tải, tài chính sẽ có tốc độ tăng trưởng khá cao; trong khi sản phẩm gỗ, giấy, khoáng sản sẽ giảm.

Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị; điện thoại và linh kiện điện tử, thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá và hoá chất.

Dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng nhanh hơn kim ngạch nhập khẩu từ EU, nên EVFTA tiếp tục làm gia tăng thặng dư thương mại của Việt Nam với EU.

EVFTA và EVIPA với những cam kết mở cữa thị trường, mua sắm của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp EU tranh thủ cơ hội mới tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập gia tăng tốc độ khá, có vài chục triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có, để khởi động nhiều dự án quy mô lớn công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, robot, xây dựng thành phố thông minh, điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo.

EVFTA và EVIPA tác động đến thu hút FDI từ các quốc gia khác nhờ mở rộng không gian kinh tế của Việt Nam, giảm thuế quan xuống 0% và dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan với thị trường lớn thứ hai thế giới, xu hướng dịch chuyển ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc sang VIệt Nam dự báo sẽ gia tăng.

Thách thức

EVFTA và EVIPA đặt ra những những vấn đề mới, nếu không có giải pháp đúng đắn sẽ trở thành thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với thị trường nội địa: Do không phải chịu thuế nhập khẩu nên hàng hóa của EU vừa có chất lượng tốt, vừa có giá cả cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp Việt Nam; doanh nghiệp nào đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng thì sức ép trở thành động lực đổi mới; ngược lại sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản.

Đối với thương mại: EU quy định khá nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu; áp dụng rào cản kỷ thuật (đã sử dụng “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản của nước ta), luật chống bán phá giá để hạn chế tốc độ tăng trưởng hàng nhập khẩu từ một nước.

EU đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc quy định về xuất xứ sản phẩm để được hưởng thuế ưu đãi; đây là vấn đề đã từng xảy ra đối với một số sản phẩm như thép, hàng may mặc Việt Nam. Doanh nghiệp VN xuất khẩu sang EU nếu không theo giõi cập nhật thông tin về thị trường EU để ứng phó kịp thời và có hiệu quả sẽ chịu thiệt hại lớn khi EU áp dụng các biện pháp trên đây.

Đối với đầu tư: Khi nhiều tập đoàn kinh tế lớn của EU đầu tư vào Việt Nam tạo ra áp lực đối với việc thực thi thể chế, luật pháp nhất là chống tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động (tiền lương, bảo hiểm xã hội, chống cưỡng bức lao động, làm thêm giờ...) là những vấn đề Việt Nam đang tiến hành nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư từ EU. Hoạt động M&A sẽ được gia tăng vừa tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư của Việt Nam đồng thời tạo ra cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước, nếu không nâng cao tiềm lực và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng trong từng sản phẩm thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua trên sân nhà.

Trong bối cảnh dịch Covid 19 đang tác động tiêu cực đến một số ngành kinh tế nước ta như du lịch, hàng không, xuất khẩu hàng hóa, thu thuế hải quan, đã có một số dự đoán về việc giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I, nếu dịch bệnh kéo dài đến giữa năm thì khó đạt được tốc độ tăng trưởng dự kiến của năm 2020; việc Nghị viện Châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVFTA là tín hiệu tích cực đối với Việt Nam không những để vượt qua khó khăn ngắn hạn, mở ra cơ hội mới cho thương mại và đầu tư, mà về dài hạn có tác động mạnh mẽ đối với chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, hướng tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Từ việc thực hiện có hiệu quả Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực rượu bia, chính sách và giải pháp của Nhà nước phòng, chống dịch Covit19 cho thấy: khi đã có quyết sách đúng thì việc thực thi nhanh chóng, nghiêm minh là nhân tố quyết định để bảo đảm thành công, có thể khẳng định rằng việc thực hiện EVFTA và EVIPA đòi hỏi các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh các quy định tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về cách mạng Công nghiệp 4.0 và Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hôi năm 2020.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ