Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 'Việc đưa EVFTA sớm vào thực hiện sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam'

Nhàđầutư
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, việc đưa EVFTA sớm đưa vào thực hiện sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
HẢI ĐĂNG
31, Tháng 12, 2019 | 05:26

Nhàđầutư
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, việc đưa EVFTA sớm đưa vào thực hiện sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

0000_gsnl

Hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2019, diễn ra tại Hà Nội, ngày 30/12/2019

Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 30/12, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: "Nhìn nhận kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019 trong cả một quá trình và bối cảnh như vậy, Bộ Công Thương cho rằng việc thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019 đã cho thấy những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, qua đó chúng ta đã duy trì đà phát triển khá vững chắc trong 4 năm liên tục vừa qua trước bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều thách thức và diễn biến phức tạp".

Theo Bộ trưởng Công Thương, bước sang năm 2020, nước ta đứng trước nhiều cơ hội mới, đặc biệt là cơ sở nền tảng quan trọng của sự ổn định và đà phát triển kinh tế trong nước. Nền kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng, trong đó thực thi nhiều cam kết kinh tế quốc tế mới, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Đồng thời cũng đối mặt với nhiều thách thức mới, đặc biệt là tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh và khó đoán định; Dư địa các động lực tăng trưởng truyền thống dần bị thu hẹp...

Trên cơ sở đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện của năm 2019, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch năm 2020, ông Trần Tuấn Anh đã nêu một số vấn đề mang tính giải pháp, nhiệm vụ lớn nhằm tạo sự thống nhất chung giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2020.

Theo đó, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được xác định với yêu cầu rất cao (so với nền tảng đã đạt được ở mức cao của năm 2019) là thách thức lớn đối với các Bộ, ngành, địa phương. Do vậy, trước hết cần tập trung cụ thể hóa và xây dựng chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, xác định các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện; bám sát kịch bản tăng trưởng chung của Chính phủ để xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực và bám sát để điều hành, điều chỉnh kịp thời, bảo đảm phù hợp với những diễn biến trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng phải tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành những năm qua, tập trung theo dõi nắm chắc cơ sở, làm việc với các địa phương để rà soát, tháo gỡ các nút thắt trong phát triển, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới, dự án đang tồn đọng... để khơi thông nguồn lực phục vụ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời lưu ý bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để có phương án, kịch bản xử lý linh hoạt, kịp thời trước những biến động của thị trường.

Cùng với đó cần bảo đảm sự đồng bộ trong phối hợp chính sách giữa các Bộ, ngành và tổ chức triển khai thực hiện ở các địa phương đối với các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội.

"Trong đó, Bộ Công Thương xác định trọng tâm trong phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác phát triển thị trường, xử lý các hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế đối với sản phẩm nông - lâm - thủy sản xuất khẩu của Việt Nam; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xử lý các vấn đề về sở hữu trí tuệ theo cam kết tại các FTA mà Việt Nam đã tham gia; phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ...", Bộ trưởng Công Thương nói.

Vị Bộ trưởng cũng cho hay, qua kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Bộ Công Thương cho rằng việc bám sát cơ sở, kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời các vướng mắc của các doanh nghiệp, của địa phương, của hiệp hội có thể coi là một bài học kinh nghiệm lớn, có ý nghĩa quyết định tới những kết quả và thành công đạt được, cần được tiếp tục quán triệt triển khai. Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện một cách triệt để và mạnh mẽ hơn trong đổi mới phương thức quản lý, chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý gắn liền với kiểm tra, đôn đốc, giám sát và có tổng kết, đánh giá, đồng hành với cơ sở, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xử lý kịp thời.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.

xuat-khau-sang-my

 

Tập trung xử lý gian lận thương mại, gian lận xuất xứ

Liên quan đến công tác hội nhập, tư lệnh ngành Công Thương nhìn nhận cần tập trung vào hai trọng tâm lớn là: Khẩn trương hoàn tất các công việc có liên quan để sớm phê chuẩn và đưa vào thực hiện Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU sau khi đã được ký kết vào ngày 30/6/2019; Chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. 

Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, việc đưa EVFTA sớm đưa vào thực hiện sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

"Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cùng với 2 nhiệm vụ trọng tâm trên, cần tập trung xử lý tốt các vấn đề về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

Đối với việc này, trong năm 2019, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" để tạo khuôn khổ đồng bộ, tổng thể cho các hoạt động ngăn ngừa, phòng chống, phát hiện và xử lý các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.

Nhấn mạnh vai trò của thị trường trong nước, tập trung cao hơn các giải pháp để khai thác tốt nội cầu cho tăng trưởng kinh tế, khai thác có hiệu quả khu vực thị trường hơn 96 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu, phát huy động lực tăng trưởng từ thương mại trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu.

Tập trung xây dựng và hình thành các trung tâm logistics lớn trong cả nước, đặc biệt là các mô hình trung tâm phân phối lớn nhằm tăng cường công tác quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với qui mô lớn và lưu thông, phân phối hàng hóa. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản. Đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

Để xử lý vấn đề này, về phía Bộ Công Thương, bên cạnh việc đang triển khai xây dựng và trình Chính phủ Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tổ chức triển khai thực hiện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quá trình tái cơ cấu lực lượng quản lý thị trường, tổ chức lại theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, thiết lập, xây dựng một tổ chức mới hoàn toàn từ khâu thành lập tổ chức Đảng; lập, phê duyệt quy hoạch cán bộ trong toàn lực lượng; hiệp y với chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương... Qua đó, nhanh chóng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, tạo lập môi trường lành mạnh, công bằng cho sản xuất và kinh doanh trong nước, trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Tập trung cao các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực năng lượng, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu cho phát triển của nền kinh tế.

Trong đó, khẩn trương giải quyết các vấn đề có liên quan tới quy hoạch theo tinh thần Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch; đồng thời, rà soát các vấn đề về pháp lý cũng như cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, xử lý các nút thắt trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế độc quyền nhà nước về truyền tải điện...

Để giải quyết bài toán về nguồn và lưới điện, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt EVN và các đơn vị Tổng công ty Truyền tải điện, Tổng công ty điện lực miền Nam đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã thường xuyên làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án. Tuy nhiên, hiện nhiều dự án giải tỏa công suất vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các vướng mắc về thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng; tiến độ đầu tư lưới điện truyền tải còn chậm, chưa theo kịp tiến độ đầu tư nguồn điện.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị các Bộ ngành, đặc biệt là các địa phương quan tâm hơn nữa để cùng xử lý có hiệu quả hơn những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, bảo đảm đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong những năm tới đây một cách bền vững.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ