TS. Cấn Văn Lực: 'Cần minh bạch hơn về giá điện'

Nhàđầutư
Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, để công khai tính minh bạch hoạt động kinh doanh điện một mình ngành Điện là không đủ, các bộ ngành, địa phương cũng phải minh bạch thì mới đồng bộ, tránh người dân nghĩ là ngành Điện đang giấu thông tin.
HỒNG NGUYỄN
22, Tháng 03, 2019 | 11:19

Nhàđầutư
Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, để công khai tính minh bạch hoạt động kinh doanh điện một mình ngành Điện là không đủ, các bộ ngành, địa phương cũng phải minh bạch thì mới đồng bộ, tránh người dân nghĩ là ngành Điện đang giấu thông tin.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện. Theo đó, giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh, từ ngày 20/3.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán để việc tăng giá điện phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững. Tuy nhiên, do điện là khâu đầu vào của cả nền kinh tế và tác động trực tiếp đến sản xuất, chi phí sinh hoạt của người dân nên phương án tăng giá điện đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

evn-2

Giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh, từ ngày 20/3. Ảnh minh họa

Công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện

Việc tăng giá điện là điều mà người dân và doanh nghiệp đều không mong muốn nhưng vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn họ cần sự công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện khi đó họ sẽ trả giá cho sản phẩm mua một cách thỏa đáng.

Đánh giá về việc điều chỉnh giá điện lần này, tại buổi tọa đàm với chủ đề “Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 21/3, chuyên gia kinh tế, TS.Cấn Văn Lực cho hay: "Cái người dân hay doanh nghiệp mong muốn không phải là giá điện thấp mà là giá hợp lý và chất lượng sản phẩm hợp lý. Khách quan tôi thấy ngành điện đã có nhiều cải tiến trong minh bạch hóa thông tin trong 5 năm vừa qua".

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nhiều người dân mong muốn minh bạch, thông tin dễ hiểu hơn, do vậy ông rất mong ngành điện sẽ chuẩn hóa cung cấp thông tin cho người dân, cho doanh nghiệp dễ hiểu để có tính đồng thuận cao hơn.

TS. Cấn Văn Lực cho rẳng, muốn minh bạch được chúng ta cần phải có phương thức truyền thông phù hợp, giảm các kênh không chính thống đưa thông tin sai lệch khiến người dân hiểu lầm.

Cuối cùng, minh bạch là phải đúng thời điểm, đúng lúc, đúng đối tượng, cung cấp thông tin cần thiết không tràn lan. "Chúng ta nên tham chiếu những cái đó để minh bạch hơn nữa. Tuy nhiên, một mình ngành điện là không đủ, các bộ ngành, địa phương cũng phải minh bạch thì mới đồng bộ, tránh người dân nghĩ là ngành điện đang giấu thông tin", ông Lực nhấn mạnh.

can_van_luc_kzlr

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực

Liên quan đến tính công khai minh bạch trong điều hành giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết: Đối với việc công khai minh bạch trong kinh doanh điện cũng như kinh doanh xăng dầu thì bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 01 để công khai minh bạch, đặc biệt là vấn đề điện.

Hiện nay trên trang web của Bộ Công Thương chúng tôi đã đăng tải đầy đủ những thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh điện, khách hàng mua điện và người dân có thể truy cập vào để biết chi phí thực tế của ngành điện.

"Chúng tôi cũng đã đăng tải đầy đủ các văn bản quy định của nhà nước về quy định tính toán giá điện như thế nào, cách kiểm tra công bố, công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện", ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn cho biết thêm, trong thời gian tới, đơn vị sẽ báo cáo bộ Công Thương để cải tiến trang web này để hình thức trang web thân thiện hơn, dễ hiểu hơn với người dùng, với khách hàng.

Đối với chi phí sản xuất kinh doanh điện của ngành điện, cụ thể là EVN, hàng năm theo quyết định số 24, chúng tôi yêu cầu EVN và các đơn vị thành viên phải kiểm toán trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh điện, và các báo cáo này đều được thực hiện bởi các đơn vị kiểm toán độc lập, chủ yếu là của quốc tế.

Cũng theo ông Tuấn, trên cơ sở kết quả này, bộ Công Thương thành lập tổ kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra giá thành kinh doanh điện của EVN cũng như các đơn vị thành viên. Sau khi kết thúc kiểm tra, chúng tôi công bố báo cáo kết quả kiểm tra và tổ chức họp báo và đưa ra thông cáo báo chí. Trong kết quả này, chúng ta đưa ra được chi phí nào được tính vào giá điện, lãi lỗ của tập đoàn điện lực Viêt Nam, đây cũng là cơ sở để chúng ta xem xét, điều chỉnh giá điện trong những lần tiếp theo, bao gồm cả tăng và giảm giá điện.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến công tác về thông tin truyền thông để bằng nhiều hình thức truyền tải đầy đủ thông tin đến các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm biện pháp để truyền tải nhiều hơn nữa các thông tin đến khách hàng sử dụng điện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ví dụ như buổi tọa đàm ngày hôm nay", ông Tuấn nói.

Về phía đơn vị cung cấp, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, về minh bạch trong sản xuất cũng như công bố thông tin, EVN hàng năm đều thuê kiểm toán quốc tế hàng đầu thế giới để kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính, sản xuất kinh doanh của EVN, chúng tôi cũng chuyển đổi những báo cáo này sang báo cáo tài chính quốc tế để gửi cho các tổ chức tài chính khác.

"Chúng tôi minh bạch toàn bộ hoạt động của EVN và năm 2018, lần đầu tiên chúng tôi thực hiện xếp hạng tín nhiệm của EVN trên quốc tế và chúng tôi được đánh giá ở mức ổn định. Đây là chỉ số tín nhiệm cao của EVN để có thể huy động vốn quốc tế đảm bảo các dự án sắp tới có thể huy động vốn để xây dựng và đảm bảo đủ điện. Một việc nữa mà hiệu quả sản xuất kinh doanh liên quan chặt chẽ đến việc tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ. Khi người tiêu thụ dùng nhiều điện, nếu các nhà máy không sẵn sàng công suất thì không thể đủ điện để đáp ứng nhu cầu của người dân", Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay.

Giá điện Việt Nam bằng 58% giá điện bình quân của 8 nước ASEAN

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, so với 8 nước Đông Nam Á, giá điện Việt Nam bằng 58% giá điện bình quân của 8 nước ASEAN và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực (Singapore, Philippin, Lào, Campuchia,...).

"Sau khi điều chỉnh, theo tính toán của chúng tôi, giá điện điều chỉnh năm 2019 mới bằng 66% giá điện bình quân của 8 nước Đông Nam Á vào thời điểm tháng 6/2018. So sánh với các nước có mức thu nhập GDP/ người tương đương với Việt Nam; tôi đã tập hợp 10 nước có GDP từ 1784USD – 2985USD/ người với giá trị bình quân là khoảng 2176USD thì giá điện hiện nay của chúng ta chỉ bằng 80% các nước này. Sau khi điều chỉnh với mức điều chỉnh là 1684,44 đồng thì giá điện của chúng ta bằng 91% giá điện bình quân của 10 nước này", ông Tuấn cho hay.

Từ góc độ chuyên gia kinh tế ông Cấn Văn Lực đưa ra những kiến nghị, đề xuất với ngành điện để ngành điện phát triển hài hòa và bền vững, cụ thể: Thứ nhất, là cơ chế, chính sách, chúng ta mong muốn có ngành điện mang tính chất thị trường hơn; Thứ hai là minh bạch hơn; Thứ ba là cạnh tranh hơn; Thứ tư, chúng ta nên có một chương trình quốc gia để nâng cao ý thức người dân và DN trong việc tiết kiệm điện. Cuối cùng là năng lượng tái tạo của chúng ta được quan tâm để sử dụng nhiều hơn nữa.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ