Trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: Cần tìm tiếng nói chung!

Áp lực đáo hạn vẫn còn là khó khăn lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024. Vấn đề này buộc doanh nghiệp phải tự xử lý trên cơ sở bán hoặc đổi tài sản mà không thể dựa mãi vào chính sách.
TS. LÊ XUÂN NGHĨA (*)
08, Tháng 02, 2024 | 10:00

Áp lực đáo hạn vẫn còn là khó khăn lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024. Vấn đề này buộc doanh nghiệp phải tự xử lý trên cơ sở bán hoặc đổi tài sản mà không thể dựa mãi vào chính sách.

Ngan hang Coc tien May dem tien

Trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: Cần tìm tiếng nói chung. Ảnh: Trọng Hiếu

Thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ từ Bộ Tài chính cho biết, luỹ kế đến ngày 25/12/2023 có 79 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 245,9 nghìn tỷ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định 65) có hiệu lực thi hành từ ngày 05/3/2023 đã cho thấy hiệu quả nhất định với thị trường.

Hoạt động phát hành TPDN tăng trở lại, đặc biệt từ quý III/2023 với sự tham gia không chỉ của các ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản lớn mà còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp mới, có cả quy mô vừa và nhỏ. Năm 2024, xu hướng hướng trên được dự báo vẫn được duy trì nhờ một số điểm thuận lợi sau:

Thứ nhất, nền kinh tế tiếp tục hồi phục, đầu ra của doanh nghiệp bắt đầu được mở rộng, tăng lên kể cả ở thị trường châu Âu và nội địa. Số lượng đơn hàng đang nhích dần lên. Xu hướng này bắt đầu rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2023.

Thứ hai là lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang ở mức rất thấp, đó là cơ hội để nhà phát hành TPDN đưa ra lãi suất hấp dẫn nhưng vẫn phù hợp với hoạt động kinh doanh, sản xuất, mức lãi suất trái phiếu trung bình có thể từ 8-9%/năm.

Thứ ba là tỷ giá hối đoái kỳ vọng tiếp tục giữ ổn định do đồng USD trên thế giới giảm giá và lợi suất TPCP Mỹ cũng đang giảm.

Thứ tư là trong 3 kênh đầu tư chủ đạo trong nước đều có dấu hiệu tích cực hơn. Một là kênh đầu tư công tăng trưởng tốt và năm sau có thể cao hơn năm nay. Hai là số vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) vào nước ta đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD trong năm 2023, tạo kỳ vọng cho FDI giải ngân năm 2024 sẽ trở lại mức bình thường, với mức tăng 6-7%. Ba là kênh đầu tư doanh nghiệp nội địa đang ở mức khá thấp nhưng với sự lan toả của đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài, lãi suất cho vay ngân hàng giảm nhanh, cộng với đầu ra của các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ phục hồi sẽ giúp cho đầu tư tư nhân khu vực nội địa tăng trở lại. Điều này sẽ tác động tích cực lên cả tín dụng ngân hàng và hoạt động phát hành TPDN.

Nói về triển vọng kênh TPDN năm 2024 thì không thể không nhắc tới kỳ vọng phục hồi của thị trường bất động sản. Về cơ bản, kênh có khả năng hấp thụ vốn mạnh nhất hiện nay vẫn là bất động sản, đặc biệt năm tới, mảng bất động sản nhà ở giá rẻ, nhà hợp túi tiền lâu nay bị vướng về pháp lý có thể trở thành tâm điểm, chủ đạo. Năm 2024, dự kiến Luật Đất đai sẽ được thông qua, những vướng mắc về pháp lý với loại hình này sẽ được giải quyết. Khi các quy định đã rõ ràng hơn, ngân hàng cũng sẽ không còn ái ngại khi cấp tín dụng cho cả nhà phát triển dự án và khách hàng.

Phân khúc nhà ở giá rẻ được tháo gỡ cũng sẽ trở thành một đột phá, không chỉ mở rộng thanh khoản của thị trường mà còn tạo mặt bằng giá mới cho loại hình bất động sản để ở, thay vì đầu cơ. Điều này cũng tạo cơ hội mới cho doanh nghiệp bất động sản có thể thuận lợi hơn trong phát hành trái phiếu, tăng khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, cần khẳng định lại rằng, để thị trường TPDN thực sự hồi phục, bất động sản cần về đúng giá trị thực. Trong bối cảnh giá bất động sản đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, năm 2024, sẽ có khoảng 240-250 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn (cũ và mới), lời khuyên cho các chủ doanh nghiệp là phải bán bớt tài sản, hạ giá tài sản để thanh toán nợ tồn đọng cho trái chủ. Bản thân doanh nghiệp cần ý thức sâu sắc rằng, phải chủ động tự cứu mình, không thể trông chờ mãi vào chính sách của nhà nước.

Không gia hạn yêu cầu xếp hạng tín nhiệm

Nghị định 08/2023 có quy định ngưng thực hiện quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với TPDN riêng lẻ đến hết ngày 31/12/2023. Như vậy, từ ngày 1/1/2024, quy định yêu cầu "xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất hoặc tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất" có hiệu lực.

Thời điểm Nghị định 08 được ban hành, việc giãn quy định xếp hạng tín nhiệm được cho là phù hợp, giúp giảm áp lực với hoạt động phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm với hoạt động phát hành trái phiếu là bức thiết. Trong 1-2 tháng trở lại đây, số lượng doanh nghiệp đăng ký xếp hạng tín nhiệm có dấu hiệu tăng mạnh. Đây là quy định quan trọng hướng tới thị trường trái phiếu minh bạch, bền vững, giúp tái cấu trúc thị trường theo hướng tăng phát hành trái phiếu ra công chúng thay vì hầu hết là phát hành trái phiếu riêng lẻ như các năm trước đây. Việc được xếp hạng cao cũng là lợi thế, giúp các doanh nghiệp tốt có thể không cần tài sản bảo đảm vẫn tiếp cận được vốn ngân hàng, huy động từ thị trường vốn, tăng khả năng phát hành trái phiếu. Xếp hạng tín nhiệm phải được coi là chuẩn mực để phát hành trái phiếu.

Nghịch lý "trái phiếu xanh"

Trái phiếu xanh là một công cụ huy động vốn quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Thị trường trái phiếu xanh được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi sản xuất, năng lượng theo hướng xanh. Tuy nhiên, thuật ngữ trái phiếu xanh với thị trường tài chính Việt Nam hiện còn rất mới và mới ở giai đoạn sơ khai.

Các nghiên cứu cho thấy trái phiếu xanh có rủi ro thanh khoản thấp hơn và việc phát hành trái phiếu xanh có hiệu ứng lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng là chủ trương lớn của Chính phủ, hướng tới mục tiêu Zero Carbon vào năm 2050. Dù vậy, việc phát triển thị trường này hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Về mặt kỹ thuật, bộ tiêu chí về dự án xanh được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng, tuy nhiên tới nay vẫn chưa được ban hành, dẫn tới các tổ chức tài chính không có căn cứ pháp lý để thúc đẩy tín dụng xanh cũng như trái phiếu xanh.

Cùng với đó, với những vấn đề đang xảy ra tại các dự án điện năng lượng tái tạo trong những năm qua khiến một khoản vốn lớn từ trái phiếu và tín dụng ngân hàng tồn đọng, có nguy cơ trở thành nợ xấu. Điều này khiến tín dụng xanh, trái phiếu xanh sẽ càng gặp khó khăn trong huy động vốn. Không những vậy, hiện các loại dịch vụ tư vấn, xếp hạng tín nhiệm, chứng nhận dự án xanh... hiện ở Việt Nam còn chưa nhiều, dẫn tới chi phí cao, làm giảm động lực phát hành của doanh nghiệp.

(*) TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ