Toàn cảnh phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM

Trong quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến đường sắt đô thị (Metro) nhưng đến nay tất cả đều đang dang dở. Khả thi nhất là tuyến Metro số 1, sau 12 năm lận đận, cuối năm nay mới được đưa vào vận hành.
ĐÌNH NGUYÊN
27, Tháng 04, 2024 | 07:06

Trong quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến đường sắt đô thị (Metro) nhưng đến nay tất cả đều đang dang dở. Khả thi nhất là tuyến Metro số 1, sau 12 năm lận đận, cuối năm nay mới được đưa vào vận hành.

"Giấc mơ" dài hơn thập kỷ

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM được người dân, chính quyền TP.HCM kỳ vọng sớm đưa vào khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng bức thiết và tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 20 km từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức), gồm 3 ga ngầm (ga Ba Son, ga Nhà hát thành phố và ga Bến Thành) và 11 ga trên cao.

Dự án này chính thức khởi công xây dựng vào năm 2012 và dự kiến đi vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên, sau 12 năm lận đận, dự kiến cuối năm nay, Metro số 1 mới vận hành thương mại. Trước đó, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã nhiều lần "delay" dự án vì nhiều nguyên nhân.

Metro-so-1-Ben-Thanh-Suoi-Tien

Tuyến Metro số 1 dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2024 sau 12 năm lỡ hẹn. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Theo MAUR, trong quý I năm nay, Metro số 1 hoàn thành các gói thầu thi công kết cấu hạ tầng (CP1a, CP16, CP2 - trừ cầu bộ hành); hoàn thành lắp đặt các hệ thống cơ điện; tiếp tục kiểm tra, khắc phục khiếm khuyết, hiệu chỉnh thiết bị máy móc trong quá trình vận hành thử nghiệm; ký kết hợp đồng cho vay lại của thỏa thuận vay.

Quý II bàn giao trước 2 đoàn tàu và thiết bị cho tư vấn chung để tiến hành công tác đào tạo sớm nhân sự vận hành tuyển cho Công ty HURC1; hoàn thành thi công cầu bộ hành của các nhà ga trên cao, tiến hành Trial Run (vận hành thử nghiệm).

Quý III, dự án sẽ được rà soát kết quả đánh giá an toàn hệ thống của dự án; thực hiện công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; hoàn thành công tác đào tạo cho nhóm nhân sự lái tàu, vận hành, quản lý nhà ga, điều độ, bảo dưỡng chủ chốt; tiến hành vận hành thử nghiệm.

Đến quý IV, dự án mới hoàn thành công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; hoàn thành cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống cho các nhà ga còn lại. Sau đó, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tiến hành kiểm tra nghiệm thu các hạng mục còn lại rồi mới tiến hành vận hành thương mại toàn tuyến.

Dự kiến, TP.HCM sẽ dùng ngân sách hỗ trợ 100% giá vé vận chuyển bằng đường sắt đô thị trong thời gian 3 tháng đầu kể từ ngày tuyến Metro số 1 bắt đầu khai thác vận hành thương mại.

Đối với tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đối diện với viễn cảnh kéo dài.

Metro số 2 có chiều dài hơn 11 km (trong đó đoạn đi ngầm dài hơn 9 km; đoạn đi trên cao dài gần 2 km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao), dự án đi qua địa bàn của 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích thu hồi: 251.136 m2; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là hơn 3.753 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, Metro số 2 khởi công năm 2014 và hoàn thành sau 4 năm với tổng vốn đầu tư 26.116 tỷ đồng. Đến ngày tháng 11/2019, UBND TP.HCM có quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện và hoàn thành dự án từ năm 2018 đến năm 2026, lúc này tổng mức đầu tư đã gần 47.900 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc chậm trễ này là do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, hồi tháng 10/2023, TP.HCM đã có quyết định phê duyệt thời gian đưa vào khai thác Metro số 2 đến hết năm 2030 và 2 năm sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành (năm 2032).

MAUR cho biết, hiện nay nhà thầu đang đồng loạt các hạng mục hạ tầng kỹ thuật cho tuyến Metro số 2. Trong tháng 6 này sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Tháng 8 sẽ hoàn thành công tác rà phá bom mìn, vật nổ. Tháng 9 sẽ triển khai các phần việc thu xếp tài chính như xúc tiến giải trình, hoàn tất ký kết khoản vay số 3 của Ngân hàng KfW. Đến tháng 10 sẽ hoàn thành công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết và triển khai thực hiện hợp đồng; tư vấn kiểm soát thực hiện dự án và giám sát thi công.

Theo quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM có 8 tuyến, dài hơn 200 km với tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ USD, nhưng đến nay tuyến Metro số 1 mới sắp hoàn thành, tuyến Metro số 2 cũng chỉ ở bước ban đầu, còn lại 6 tuyến khác chưa rõ này khởi động.

Kết luận 49 của Bộ Chính trị về hoàn chỉnh mạng lưới Metro tại TP.HCM cho thấy, đến năm 2035, TP.HCM phải hoàn thành hơn 200 km này. Các chuyên gia đánh giá, nếu làm theo cách cũ, thì đến năm 2035, TP.HCM khó hoàn thành chỉ tiêu.

Phát triển Metro đừng mang tư duy cũ

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá, tuyến Metro số 1, 2 đều có trong quy hoạch từ rất lâu nhưng đến nay cũng mới chỉ là bước đầu. Do đó, TP.HCM cần tập trung hoàn thành hạ tầng, đô thị dọc tuyến Metro số 1, hoàn chỉnh tuyến metro này theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) chứ không nên chạy theo số lượng.

"Cuối năm nay, Metro số 1 hoàn thành thì cũng chỉ đạt 1/4 kết quả nếu theo mô hình TOD. Đô thị dọc tuyến Metro số 1 chưa nhiều, hạ tầng chưa đồng bộ. Vì vậy, khoan hãy nghĩ đến việc thực hiện dự án đường sắt đô thị khác", ông Nam Sơn nói.

Vị KTS nhìn nhận, việc xây dựng đường sắt đô thị không chỉ đơn thuần làm đường sắt chạy vòng quanh thành phố mà phải tính toán đến việc phát triển khu đô thị dọc tuyến, phát triển hạ tầng có liên quan, tạo ra hệ sinh thái... Đây mới là phát triển theo mô hình TOD, có nghĩa là TP.HCM nên có đề xuất, phương án tính theo số km2 chứ không phải số km chiều dài.

"Trước khi nghĩ đến tuyến Metro khác, TP.HCM tập trung hoàn thành thật tốt cho tuyến Metro số 1. Metro không chỉ là phương tiện đi lại thuần túy mà phải là tổ hợp đa chức năng, vừa phục vụ đi lại, phục vụ giãn dân, vừa là nút giao thông và cả nút thương mại... Vì vậy, cần phải tính toán khâu kết nối, tổ chức không gian ngầm… thì mới phát huy được hiệu quả", ông Nam Sơn nhấn mạnh.

Tương tự, PGS-TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông cho rằng, TP.HCM không thể bàn lùi trong phát triển đường sắt đô thị và bắt buộc phải triển khai mô hình TOD dù có huy động được nguồn lực từ đây hay không.

Metro số 1 khi vận hành được dự báo chở khoảng 90.000 hành khách/ngày trên công suất thiết kế 350.000-400.000 hành khách. Như vậy, doanh thu từ vé chỉ có thể đáp ứng 35-40% chi phí vận hành hàng ngày. Do đó, nếu vẫn mang tư duy cũ, TP.HCM sẽ không phát triển được đường sắt đô thị.

"Nếu như xem việc các tuyến metro đầu tiên vận hành với công suất khá thấp là thất bại thì rất nguy hiểm, có thể đánh mất cơ hội phát triển đường sắt đô thị, giao thông công cộng. Bởi, chỉ khi hình thành mạng lưới 6-7 tuyến và kết hợp với mạng lưới xe bus mới thì các tuyến metro mới thu hút nhiều hành khách", ông Tuấn cho hay.

Trước mắt, để phát triển nhanh đường sắt đô thị, vị chuyên gia hiến kế, TP.HCM cần sự hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn khác trong lúc bắt đầu triển khai TOD và để TOD phát huy tối đa lợi ích mang lại. Nếu chỉ bán đấu giá đất thì thành phố sẽ không đủ nguồn lực, cho nên cần kết hợp với tư nhân phát triển đô thị và sau đó kinh doanh thì mới đạt được lợi nhuận cao nhất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ