Tòa tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng

Tòa cho rằng có mối quan hệ giữa việc vi phạm pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun nên chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4,8 tỉ đồng.
TUYẾT MAI
28, Tháng 12, 2018 | 17:13

Tòa cho rằng có mối quan hệ giữa việc vi phạm pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun nên chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4,8 tỉ đồng.

gr

Chủ tọa phiên tòa xét xử tranh chấp giữa Vinasun và Grab - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Sáng 28-12, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

Trước đó, ngày 23-10, trong lần phát biểu quan điểm lần đầu tiên, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng có cơ sở khẳng định Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun và đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun 41,2 tỉ đồng, bồi thường một lần.

Tuy nhiên, hôm nay 28-12 tại tòa, đại diện VKSND TP.HCM lại cho rằng tuy Grab có vi phạm pháp luật, thiệt hại thực tế của Vinasun có thể lớn hơn, nhưng Vinasun không chứng minh được thiệt hại này do duy nhất Grab gây ra, đồng thời đề xuất VKSND Tối cao kiến nghị Bộ GT-VT và các cơ quan ban ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về quản lý các loại hình kinh doanh vận tải để đảm bảo công bằng.

Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng đây là vụ án kinh doanh thương mại, Vinasun khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bị đơn là Grab có trụ sở ở nước ngoài nên thẩm quyền giải quyết là của TAND TP.HCM.

hd

Đại diện Vinasun tại tòa - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Grab hoạt động vận tải taxi

Theo HĐXX, thực tế Grab đã trực tiếp điều hành, điều xe, thưởng điểm tài xế nhằm chiêu mộ lái xe, phạt tài xế… Trong khi Đề án 24 không có quy định cho phép Grab xử phạt tài xế.

Các biên bản lấy lời khai một số HTX là đối tác với Grab cho thấy HTX không tham gia vào quy trình làm việc giữa Grab và tài xế, Grab trực tiếp ăn chia với tài xế, cước phí vận chuyển, thay đổi cước phí do Grab quyết định. 

Do đó nếu lái xe bị khiếu nại thì thuộc trách nhiệm của Grab, HTX không có trách nhiệm gì đối với hành khách khi sử dụng dịch vụ của Grab.

Theo người làm chứng, Grab mua bảo hiểm là thể hiện trách nhiệm với lái xe. Bên cạnh đó, hành khách khi sử dụng dịch vụ của Grab và thanh toán bằng thẻ tín dụng thì tiền sẽ chuyển về tài khoản của Grab.

Từ đó cho thấy cung cấp phần mềm ứng dụng là phương thức nằm trong quy trình vận tải của Grab.

HĐXX cho rằng Grab nói Grab là công ty cung cấp phần mềm công nghệ là không hợp lý. Hợp đồng của Grab không đáp ứng điều kiện về hợp đồng điện tử nên không được xem là hợp đồng điện tử. "Hoạt động của Grab là kinh doanh taxi", HĐXX nhận định.

Tương tự với tính chất hoạt động của Grab, Tòa công lý châu Âu cũng phán quyết xác định Uber hoạt động vận tải chứ không phải cung cấp phần mềm ứng dụng.

Việc HĐXX xác định Grab là hoạt động taxi giúp các cơ quan có thẩm quyền xây dựng hành lang pháp lý tạo môi trường công bằng.

Theo HĐXX, Grab vi phạm pháp luật, cụ thể là Nghị định 86 và Đề án 24. Theo Đề án 24 Grab chỉ được cung cấp phần mềm ứng dụng nhưng Grab đã kinh doanh vận tải taxi, gây thiệt hại cho Vinasun là có căn cứ.

Tuy nhiên trong các thiệt hại Vinasun đưa ra cần xem xét có mối quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm của Grab hay không.

Chọn Cửu Long giám định là đúng luật

Theo tòa, các đương sự không thỏa thuận lựa chọn được đơn vị giám định nên tòa đã lựa chọn đơn vị giám định là Công ty Cửu Long - đơn vị đủ điều kiện giám định theo quy định pháp luật.

Phía Grab yêu cầu hủy quyết định trưng cầu giám định vì cho rằng tổ chức giám định này không đủ chuyên môn, kinh nghiệm nhưng không được tòa án chấp nhận.

Kết quả giám định cho thấy Grab gây thiệt hại cho Vinasun 41,2 tỉ đồng. Grab đã chụp tài liệu 5.000 trang tài liệu và cho rằng kết luận giám định không đúng, tuy nhiên Grab không chỉ ra được căn cứ cho rằng kết luận giám định không đúng là gì.

Để xác thực các nghiên cứu của mình, Công ty Cửu Long đã mời Công ty Quốc Việt tham gia. Tuy nhiên các quá trình này đều có người của Công ty Cửu Long kết hợp tham gia. Vì vậy, việc Công ty Quốc Việt hỗ trợ Cửu Long là không vi phạm quy định về giám định tư pháp.

Đồng thời phía Grab cho rằng việc giám định thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường là không hợp lý nhưng Grab cũng chưa đưa ra được căn cứ nên HĐXX không chấp nhận giám định lại.

dl

 

Grab gây thiệt hại cho Vinasun

Xét mối quan hệ nhân quả, theo tòa, từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017, căn cứ tài liệu trong hồ sơ, tốc độ tăng trưởng của ngành vận tải hành khách, doanh thu xe taxi được cấp phép tăng, nhưng doanh thu xe taxi được cấp phép của Vinasun giảm do có sự xuất hiện Grab. 

Trong khi đó số lượng đăng ký phù hiệu xe hợp đồng của Grab tăng đột biến (đến quý 2-2017 hơn 23.000 xe). Số lượng xe Grab tăng tương ứng với số lượng sụt giảm số xe của Vinasun.

Từ đó, tòa cho rằng có mối quan hệ biện chứng giữa việc vi phạm pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun.

Về vấn đề thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun, HĐXX cho rằng thiệt hại này không thể tách bạch được. Vì vậy dù xác định được thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường nhưng không xác định được phần thiệt hại nào do Grab gây ra, phần nào do các yếu tố khác nên phần này không được HĐXX chấp nhận.

Từ đó, HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4,8 tỉ đồng, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền một số vấn đề về quản lý.

(Theo Tuổi trẻ)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ