Tọa đàm: 'Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp'

Nhàđầutư
Nhiều khách mời là các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam và những CEO doanh nghiệp tên tuổi có mặt và phát biểu ý kiến trong buổi Tọa đàm "Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực: Rào cản và giải pháp" diễn ra sáng hôm nay (5/10) tại Hà Nội, do Nhadautu.vn tổ chức.
05, Tháng 10, 2018 | 08:36

Nhàđầutư
Nhiều khách mời là các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam và những CEO doanh nghiệp tên tuổi có mặt và phát biểu ý kiến trong buổi Tọa đàm "Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực: Rào cản và giải pháp" diễn ra sáng hôm nay (5/10) tại Hà Nội, do Nhadautu.vn tổ chức.

43119659_483586652145441_1532009508723752960_n

Toàn cảnh Tọa đàm "Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực: Rào cản và giải pháp" diễn  ra ngày 5/10 tại Hà Nội, do Nhadautu.vn tổ chức.

Tròn 1 năm trước, ngày 17/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 98 đề ra 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Bãi bỏ các rào cản, điều kiện kinh doanh không cần thiết; Tăng cường khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và các nguồn lực; Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.

Để thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trên, Chính phủ giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành. Sau 1 năm ban hành Nghị quyết, thời điểm điểm hiện tại Bộ Kế hoạch Đầu tư đang được giao làm đầu mối tổng hợp báo cáo tình hình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân từ các bộ, ngành để trình Chính phủ.

Thông qua các ý kiến thảo luận từ nhiều góc độ, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, Toạ đàm nhằm đưa ra một góc nhìn độc lập về tình hình thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trên.

Nội dung chính của Tọa đàm là phân tích cơ hội, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và thời gian tới và gợi mở những đường hướng, giải pháp, kiến nghị chính sách nhằm phát triển kinh tế tư nhân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết TƯ 10. Phân tích thực trạng dư luận xã hội đối với khu vực kinh tế tư nhân và các khuyến nghị

Toạ đàm có sự góp mặt của Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE); Lãnh đạo một số doanh nghiệp; Lãnh đạo một số bộ, ngành; Một số chuyên gia kinh tế, chuyên gia xã hội học, truyền thông và đại diện một số báo, tạp chí.

Toạ đàm nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Góp phần thay đổi cách nhìn nhận thiếu tích cực của một bộ phận công chúng và dư luận xã hội đối với giới doanh nhân và người giàu nói chung. Tư vấn, cung cấp các giải pháp nhằm góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả truyền thông, xây dựng hình ảnh thương hiệu đối với công chúng.

Toạ đàm đã kéo dài hơn dự kiến, diễn ra sôi nổi và liên tục từ 8h30 đến 12h ngày 5/10 dưới sự điều phối của TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư. Tham dự và chăm chú lắng nghe 21 tham luận, ý kiến phát biểu tâm huyết và cả "góc cạnh" của các chuyên gia, nhà doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Vụ trưởng vụ tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao sáng kiến của Tạp chí Nhà đầu  tư/Nhadautu.vn, nhận định toạ đàm là kênh thông tin hết sức hữu ích và cho biết sẽ tổng hợp báo cáo lãnh đạo Ban. 

----------------------------------------

Khách mời toạ đàm:

- GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài;

- TS Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội;

- Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Vụ trưởng vụ tổng hợp - Ban Kinh tế TW;

- Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội;

- TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện chiến lược phát triển Bộ KHĐT;

- TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương;

-TS Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Ông Nguyễn Trung - nguyên Trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

- Ông Nguyễn Khắc Huy - Trưởng phòng giám sát nghiệp vụ ĐKKD- Cục ĐKKD- Bộ KHĐT;

- TS Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính);

- TS Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI;

- TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam;

- TS Võ Trí Thành - nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương;

- Ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup;

- Ông Nguyễn Trọng Cử - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức;

----------------------------------------------

GS-TSKH Nguyễn Mại: "Không thể dùng một chiếc áo cho nhiều người có kích cỡ khác nhau"

gsmai

GS-TSKH  Nguyễn Mại

Phát biểu tại Toạ đàm GS-TKSH Nguyễn Mại nhìn nhận cho đến nay, kinh tế tư nhân đã dần trở thành một trụ cột  của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khả quan.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, GS Nguyễn Mại cho hay 8 tháng đầu năm 2018 có 87.448 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm là 2,56 triệu tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là một trong những dấu chỉ cho thấy rằng, cùng với cải cách để có hiệu quả hơn đối với doanh nghiệp nhà nước, thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn doanh nghiệp FDI, thì kinh tế tư nhân với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn đóng vai trò quan trọng đối với gia tăng tốc độ tăng trưởng theo hướng bền vững.

Khu vực kinh tế tư nhân của nước ta còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh tuy đã được nâng cao nhưng vẫn chưa sánh kịp một số nước trong khu vực, nhưng khá năng động trong kinh doanh, coi trọng đổi mới sáng tạo để tận dụng cơ hội của hội nhập sâu rộng với thế giới trong kỷ nguyên số của cuộc cách mạng 4,0.

Giáo sư Nguyễn Mại nhận định phát triển kinh tế tư nhân đã xuất hiện những tín hiệu mới, đặc biệt về phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin. Số liệu mới đây của Bộ Thông tin Truyền thông cho biết số tỉnh, thành phố làm công nghiệp công nghệ  thông tin đã tăng từ con  số 50 năm 2016 lên 57 năm 2017.

Cụ thể, năm 2017, tổng doanh thu công nghiệp CNTT đạt 91.592 triệu USD, tăng  hơn 35%, kim ngạch xuất khẩu CNTT đạt 83.364 triệu USD, tăng trên 28,7%; tổng số nhân lực CNTT là 928.103 người, tăng hơn 21,1%; và nộp thuế trên 23.600 tỷ đồng, tăng hơn 26% năm 201

Cũng trong năm 2017, cả nước có 50.304 doanh nghiệp CNTT , gấp hơn 2 lần năm 2016  (24.501 DN). Trong dó 21.880 DN kinh doanh phân phối CNTT, 12.338 DN dịch vụ CNTT, 8.883  DN phần mềm, 4.001 DN phần cứng, điện tử; và 3.202 DN nội dung số.

Tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp CNTT, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 so với 2016 rất ấn tượng, được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong những năm tới.

Một tín hiệu mới là nhiều tập đoàn kinh tế sau thời gian tích lũy vốn, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực đã chuyển hướng kinh doanh sang ngành công nghiệp tương lai thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

GS-TKSH Nguyễn Mại cũng lưu ý các doanh nghiệp trong xu hướng thời đại số: Doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong tương lai gần có ngành phải thu hẹp kinh doanh, nhiều lao động của con người được thay thế bằng robot; đồng thời có ngành mới ra đời tạo ra nhiều việc làm đòi hỏi kỷ năng cao. Nhiệt điện than, thủy điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may, giày dép phải điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn để thay đổi kịp với xu thế của thế giới. Du lịch, thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng được hưởng lợi từ nền tảng số hóa, kết nối dữ liệu lớn (Big Data). Doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đổi mới nhanh công nghệ và mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao. Ngược lại nếu “lạc nhịp” sẽ kinh doanh thua lỗ, thậm chi phá sản.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng phải đẩy mạnh hơn nữa Chính phủ điện tử:  Để phát triển kinh tế tư nhân thì xây dựng Chính phủ điện tử là đòi hỏi của đổi mới quản lý nhà nước trong thời đại kỷ thuật số. Ngày 14/10/2015 Chính phủ ban hành Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử (CPĐT) công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

"Doanh nghiệp đánh giá cao việc thực hiện CPĐT ở tất cả các cấp chính quyền từ xã phường, quận huyện, tỉnh thành phố và các cơ quan trung ương đã giảm bớt nhiều chi phí và thời gian khi thực hiện các dịch vụ công; đồng thời hy vọng sẽ có đột phá theo hướng CPĐT ứng dụng các công nghệ và nguyên tắc dựa trên nguồn mở và hợp tác; thông tin minh bạch công khai được truy cập rộng rãi,  quyền doanh nghiệp có thể sử dụng lại, tài bản, thay đổi mục đích và thêm giá trị đối với thông tin khu vực công. Để đáp ứng đòi hỏi của quy mô từng loại DN, cùng với việc hoàn thiện luật pháp như sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật DN năm 2014 đang được tiến hành, cần có quy định riêng cho DNVVN và Tập đoàn kinh tế, bởi vì không thể dùng một chiếc áo cho nhiều người có kích cỡ khác nhau", Giáo sư Nguyễn Mại phát biểu.

Kết thúc bài tham luận, Giáo sư Nguyễn Mại kết luận: Kinh tế tư nhân đang trên đà tăng trưởng, số DN mới thành lập năm sau nhiều hơn năm trước, số vốn của người dân đưa vào kinh doanh hàng triệu tỷ đồng mỗi năm. DN khởi nghiệp đang là trào lưu sôi động thu hút hàng vạn lớp người trẻ tuổi có ý chí, có hoài bão, có sức sáng tạo dám nghĩ, dám làm; mặc dù tỷ lệ thất bại không nhỏ, nhưng số người trẻ thành đạt ngày càng nhiều, báo hiệu xu thế mới của kinh tế tư nhân nước ta. DNVVN có quy mô ngày càng lớn hơn, kinh doanh đa dạng hơn, đa số coi trọng kinh doanh gắn với sáng tạo, năng động đang và sẽ là bộ phận đông đảo và quan trong nhất của đội ngũ doanh nghiệp.  Các DN lớn, bao gồm hàng nghìn tập đoàn kinh tế đã khẳng định vị thế trên thương trường, một số đã được xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới, là lực lượng tiên phong trong kinh doanh thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

"Tiềm năng lớn của kinh tế tư nhân cần được khai thác có hiệu quả bằng hệ sinh thái thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng.  Cơ hội mới sẽ được tận dụng đối với những DN lấy đổi mới, sáng tạo, làm khác trước, khác với mọi người; nếu “lạc nhịp” sẽ không thể thành công được".

TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: "Môi trường kinh doanh có nhiều rủi ro"

mr cung

TS Nguyễn Đình Cung

Nghị quyết số 98 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) mới ra 1 năm, có lẽ tôi chưa có gì nhiều để chia sẻ về mặt kết quải.

Trước hết, tôi nghĩ phải đánh giá lại vai trò của kinh tế tư nhân về mặt kinh tế. Các con số thống kê đánh giá đóng góp GDP của khu vực này kéo dài từ khi có Luật Doanh nghiệp đến hiện tại mới chỉ khoảng 9%. Năm 2000, thời điểm bùng nổ kinh tế tư nhân ở Việt Nam, con số này chỉ tăng 1 điểm % GDP. Con số này thực tế hoàn toàn có thể lớn hơn và tôi hoàn toàn nghi ngờ về con số này.

Chúng ta phải đánh giá lại những con số thống kê để góp phần thay đổi những nhận định chính trị, vì những nhận định đó nếu không đúng thì lại là các rào cản căn bản đối với phát triển đất nước nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Trong khi tại khu vực kinh tế tư nhân, các con số doanh thu, lợi nhuận đều cao, nhưng đóng góp GDP lại thấp là một điều bất thường, không chính xác.

Sự đóng góp của GDP của khu vực này đã có sự tăng trưởng, nhưng khu vực này vẫn nhỏ so với nền kinh tế thị trường. Vấn đề là tại sao? Từ năm 1991, Luật Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thừa nhận về mặt pháp lý sự tồn tại KTTN ở Việt Nam, cho đến giờ nay mới xuất hiện 4 tỷ phú đô la, con số này vẫn rất nhỏ so với thế giới, và chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé ở top các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. “Lý do là ở Việt Nam hiện nay có thể tự do kinh doanh, nhưng chưa có an toàn trong hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, môi trường kinh doanh của chúng ta còn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp Việt, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý.  Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả... Trước việc áp dụng tùy ý, tùy tiện (về mặt pháp luật), thì với một doanh nhân, họ không thể tính toán được lâu dài, cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức. Và vì càng không chính thức ở Việt Nam, thì doanh nhiệp càng gặp rủi ro.

Mặt khác, với những doanh nghiệp muốn lớn, họ không lớn được. Với một doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt, họ cần nguồn lực để phát triển, nguồn lực đó không thể đến từ vốn gia đình, bạn bè hay vốn của mình. Việt Nam phân bố nguồn lực theo xin – cho, thay vì dựa trên tiêu chí chất lượng, ai làm tốt thì được cấp vốn. Có thể lấy thí dụ, giao dịch chuyển nhượng đất đai chủ yếu là hành chính, chưa hẳn là thị trường, thị trường vốn méo mó, thị trường trái suất chưa phải là thị trường huy động và phân bố nguồn lực.

Mặc dù còn nhiều rào cản, trong nhiệm kỳ này, phải đánh giá cao chúng ta đã có nhiều tháo gỡ, thí dụ như bỏ 50% điều kiện kinh doanh cải thiện môi trường, thông quan hàng hóa… 

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội: "Dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với DN tư nhân"

mr kien

TS Nguyễn Đức Kiên

Tới nay vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.

Tính đến hết ngày 31/8/2018, cả nước có khoảng 600.000 DNNVV đang hoạt động, chiếm khoảng 97,5% số DN đăng ký. Với tổng số vốn đăng ký chiếm 30% trong tổng số vốn của DN. chỉ riêng trong năm 2018 cả nước đã có 87.450 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng (tăng 2,4% về số lượng và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2017). Vốn đăng ký bình quân đạt khoảng 10 tỷ đồng/DN.

Mục tiêu của chúng ta từ nay đến năm 2030 là xây dựng một nước Việt Nam công nghiệp hoá theo hướng hiện đại, tức là sẽ phải xoá dần ranh giới ngay từ khâu truyền thông về DN tư nhân và DNNN, chỉ còn là DN Việt Nam và DN nước ngoài. Lúc này Nhà nước trở thành Nhà nước kiến tạo, Nhà nước phục vụ, Nhà nước không quản lý trực tiếp DN. Mô hình Nhà nước của chúng ta sẽ linh hoạt hơn, nhường quyền quyết định về kinh tế vi mô cho DN để có những phản ứng kịp thời, hợp lý hơn với những diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế, chứ không phải bằng các quyết định hành chính.

Cùng với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển DNNN, các đạo luật đề ra những giải pháp khuyến khích kinh tế tư nhân mua cổ phần, góp vốn vào DNNN để dần thay thế DNNN, thay thế phần vốn Nhà nước trong DN hoạt động tại những ngành, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể đảm nhận được. Mục tiêu là phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng cao của khu vực này, đồng thời gắn với nâng cao năng suất lao động và ứng dựng khoa học công nghệ.

Luật đã mở ra những hướng ưu đãi cho các DN không kể thành phần kinh tế khi tiếp nhận các tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới áp dụng vào Việt Nam. Đặc biệt Luật có những điều khoản nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các DN nhỏ và vừa khi tham gia tìm hiểu thị trường giấy phép công nghệ thế giới để có thể mua được những công nghệ phù hợp với năng lực, trình độ quản lý và sử dụng, nhưng đồng thời bảo đảm bảo vệ môi trường làm việc và môi trường sống.

Để tạo lập và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp toàn thể các DN Việt Nam và ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV. Bằng cả các biện pháp hành chính và biện pháp xây dựng thể chế, các cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động vào cuộc. Điều đó chứng tỏ sự chuẩn bị và phối hợp kịp thời, nhuần nhuyễn giữa cơ quan ban hành chính sách và các cơ quan tổ chức thực hiện, trên cơ sở thống nhất về hiện trạng để cùng nhau đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Sau hơn 3 thập niên đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa có nhiều đột phá. Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, có nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều DN Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định của DN, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực.

Không ít DN Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn.

Một vấn đề đặt ra không kém phần bức xúc là hiện nay dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối DN tư nhân. Tới nay vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác. Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ, trong Liên hoan phim tại Đà Nẵng tháng 11/2017 vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa “tại liên hoan có 30 phim của DN tư nhân, không có một phim nào của DNNN”, mà chưa đổi thành “phim của DN Việt Nam” và “phim của DN có vốn đầu tư nước ngoài”. Có nghĩa là từ trong nhận thức một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt DN dựa trên hình thức sở hữu.

Phải thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh ưu thế là giải quyết việc làm so với DNNN và DN FDI thì đóng góp của khối DN tư nhân trong nguồn thu ngân sách vẫn còn hạn chế. Rất ít các DN thuộc loại tỷ đô của Việt Nam đi lên từ ứng dụng khoa học công nghệ mà chủ yếu là từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc có gắn với kinh doanh bất động sản.

Vấn đề xử lý mối quan hệ giữa DN và các vấn đề xã hội không được đặt thành chiến lược lâu dài của đội ngũ doanh nhân, mà chỉ coi đó là các tình huống xử lý điểm nóng, sự vụ. Nhiều DN chưa đặt vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền lợi cho người lao động là những yếu tố cấu thành quan trọng giúp cho DN phát triển bền vững. Tỷ lệ các DN tư nhân chưa thực hiện tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa chăm lo tốt cho người lao động thông qua việc mua bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội luôn chiếm tỷ trọng cao so với các loại hình DN khác.

Để giải quyết tốt mối quan hệ của tam giác phát triển gồm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường, đòi hỏi cả từ 2 phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nhântư nhân phải có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững.

Đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt ra cho khu vực DN tư nhân, bao gồm cả tư nhân trong nước và tư nhân nước ngoài hoạt động trên đất nước Việt Nam. Điều này đòi hỏi xây dựng một đội ngũ doanh nhân vừa có năng lực quản trị tiên tiến, tiếp thu được thành quả của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới, nhưng đồng thời phải hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của DN, doanh nhân.

Thời gian ban hành Nghị quyết đến nay chưa dài, mới được gần 2 năm, nhưng kết quả đạt được là đáng trân trọng. Hệ thống thể chế và điều kiện môi trường kinh doanh của kinh tế tư nhân đã bước đầuđượccải thiện và được các DN đón nhận, thể hiện trong việc đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân; đồng thời cũng yêu cầu khối kinh tế tư nhân tự nâng cao năng lực quản trị DN, và trách nhiệm đối với xã hội và người lao động để trong vòng 15-20 năm nữa chúng ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức thu nhập trung bình cao.

TS Nguyên Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính): "1.000 DN nộp thuế lớn hầu hết là ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản"

mr phung

Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng

Hiện nay chúng ta rất thiếu vốn, chi phí vốn rất cao, lãi suất điều hành của Chính phủ rất thấp nhưng doanh nghiệp phải đi vay rất cao. Đây là nghịch lý rất lớn, 1.000 DN nộp thuế lớn hầu hết là ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.

Câu chuyện phân phối thu nhập của nền kinh tế rõ ràng đang có sự lệch lạc. Đáng lẽ nên dồn cho sản xuất, nhưng hiện nay lại chủ yếu dành cho các ngành dịch vụ như ngân hàng, du lịch…

Nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ rất lớn, nhưng con số thực góp lại rất nhỏ. Điều này tạo sự mất an ninh tài chính. Hiện nay có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, song chỉ có khoảng 1,7 triệu hộ đóng thuế, ngoài ra thu nhập chưa phải đóng thuế. Cơ chế chính sách tạo nguồn lực cho các khu vực lớn mạnh. Hiện nay theo cơ chế thị trường, những DN đi sau sẽ gặp khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Trung, Trợ lý cố Thủ tướng Phan Văn Khải:  "Phải chú trọng và tập trung giải quyết nguồn nhân lực"

gs nguyen trung

Ông Nguyễn Trung, Trợ lý cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Phải chú trọng và tập trung giải quyết nguồn nhân lực.

Trong những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển rất năng động, các doanh nghiệp tự tìm kiếm, khai phá rất quyết liệt. Để phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, bắt buộc phải có nhiều giải pháp. Trong đó tôi muốn nhấn mạnh về vấn đề nhân lực. Chúng ta phải đảm bảo được cung ứng nhân lực cho nền kinh tế, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về các tập đoàn lớn, họ đã tự chủ được phần nào về vấn đề này.

Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả: "Nhà đầu tư tư nhân chưa được đối xử bình đẳng"

deo ca

Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả

Các nhà đầu tư tư nhân làm BOT như  Đèo Cả đều cảm thấy chưa được đối xử bình đẳng trong quá trình đàm phán và làm việc với cơ quan nhà nước. Cùng với đó, văn bản pháp lý cũng có sự xung đột nhất định, lấy ví dụ như Luật Doanh nghiệp cho phép chuyển nhượng cổ phần, cho phép quyền góp vốn, tuy vậy Luật Đầu tư lại đặt ra nhiều quy định phức tạp đối với việc chuyển nhượng dự án.

Nhiều văn bản hành chính nhà nước thiếu tính thực tiễn. Lấy ví dụ điển hình như chính sách lãi vay với dự án BOT trong hơn 1 năm qua, 1 thông tư ban hành được sửa tới 4 lần về cùng một vấn đề. Và điều kỳ lạ là dự thảo lần cuối lại quay về đúng như một thông tư trước đó. “Chúng tôi nhận thấy các thông tư này thể hiện sự thụt lùi của công tác chính sách”, ông Thế phát biểu tại Tọa đàm.

Đặc biệt, cơ quan nhà nước thẩm quyền thể hiện sự thờ ơ khi quá trình đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này có thể khiến phía doanh nghiệp bị gây áp lực khi cam kết hợp đồng không được đối tác bên A đáp ứng theo quy định. Ngoài ra, có nhiều phương án không thể áp dụng và có thể phá vỡ quy mô tài chính.

Không chỉ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhận thức một bộ phận người dân về đóng góp của doanh nghiệp đối với phát triển hạ tầng giao thông qua hình thức hợp đồng BOT vẫn còn hạn chế, từ đó đưa ra nhiều yêu sách không cơ sở. Điều đáng lưu tâm là một số cơ quan truyền thông lại ủng hộ điều này.

Ngoài ra, hệ thống tài chính của Việt Nam còn quá nhỏ về quy mô,  trong khi chính sách lại quy định doanh nghiệp /một nhóm doanh nghiệp có liên quan không được vay quá lần lượt là 15%/25% vốn điều lệ của một ngân hàng. Điều này giới hạn khả năng huy động nguồn vốn của doanh nghiệp.

Cuối cùng, còn có quá nhiều cơ quan thanh tra, kiểm toán dự án. Lúc đầu thanh tra chuyên ngành bộ kế hoạch, sau thì thanh ta bộ xây dựng, chính phủ, kiểm toán nhà nước….

Ông Nguyễn Trọng Cử - Giám đốc Công ty Thương mại và Đầu tư Việt Đức: "Hàng nước ngoài đang đội lốt sản phẩm Việt Nam"

mr cu

Ông Nguyễn Trọng Cử - Giám đốc Công ty Thương mại và Đầu tư Việt Đức

Tôi cho rằng chỉ có phát triển tư hữu mới phát triển đất nước, nói cụ thể hơn thành phần kinh tế tư nhân là linh hồn của tư hữu. Do đó, Nhà nước cần đưa ra các chính sách để phát triển tư hữu thì KTTN mới quy tụ, thay đổi và phát triển nội lực của dân tộc.

Bản thân tôi là một luật gia, Việt kiều Đức và đầu tư ở Việt Nam, tôi chọn lĩnh vực làm nông nghiệp, lên miền núi đầu tư vào cá hồi, cá tầm ở vùng sâu vùng xa, cũng có sự va chạm nhất định. Tôi quá thấm, để nói rằng muốn phát triển nông nghiệp, chúng ta cần quản lý và kiểm soát biên giới. Tôi đã từng lên Sapa và ngồi quán café nhìn qua biên giới , từ cửa khẩu, không thiếu người tay xách nách mang các sản phẩm nông nghiệp, họ nói đó là cá tầm, cá hồi Việt Nam –sản phẩm chúng tôi chế biến, còn có rất nhiều thuyền từ phía bên kia biên giới cung cấp.

Vì thế, người tiêu dùng Việt Nam sẽ còn tiêu thụ thực phẩm bẩn nếu chúng ta không quản lý và kiểm soát được biên giới.

Ông Trịnh Hiền Trung – Tổng giám đốc TH Herbals: "Cần xác định lĩnh vực trọng yếu của đất nước để dồn lực"

th

Ông Trịnh Hiền Trung – Tổng giám đốc TH Herbals: Cần xác định doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực trọng yếu của đất nước để dồn lực

Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn những năm qua của Tập đoàn TH - doanh nghiệp kinh tế tư nhân đang hoạt động trực tiếp tại Việt Nam, tôi cho rằng có xây dựng cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp lớn đủ nguồn lực tham gia thì mới có thể thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, khi lựa chọn doanh nghiệp cần xác định lĩnh vực trọng yếu của đất nước để dồn lực. Cần chú trọng phát triển các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn và thiết yếu cho cuộc sống, như nông nghiệp công nghệ cao, hoạch định chính sách phát triển lâu dài, để cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế trong nền kinh tế hội nhập. 

Muốn vậy, Nhà nước và Chính phủ phải xây dựng bộ quy chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm, để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp chân chính hướng tới tiêu chuẩn quốc tế thì mới có thể xuất khẩu sản phẩm ra quốc tế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, tạo ra các sản phẩm tốt và hiệu quả. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể phát triển và kéo theo kinh tế Việt Nam phát triển.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:  "Nói rào cản là để chữa quá khứ, nhưng nắm bắt xu hướng là để cho tương lai"

mr thanh

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW

Dù với rất nhiều rào cản nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn phát triển, điều này cho thấy tiềm năng của dân tộc còn rất lớn, vấn đề là có làm đúng trọng điểm hay không. Nói rào cản là để chữa quá khứ, nhưng nắm bắt xu hướng là để cho tương lai.

Nhận thứcnhư thế nào là tư nhân? - Quan trọng nhất là để thống kê và nghiên cứu khoa học cho tách bạch chứ tư nhân có nghĩa là tất cả chúng ta. Giải pháp ở đây là ở cả Nhà nước, văn hóa và nỗ lực của doanh nghiệp. Dù là công nghiệp 4.0 hay 5.0 thì trước hết chúng ta phải cải thiện nền tảng doanh nghiệp và cần thúc đẩy để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm có 93.000 DN thành lập nhưng lại có 74.000 DN đóng cửa. Việc gia nhập thị trường tốt hơn rất nhiều nhưng lý do gì khiến doanh nghiệp đóng cửa? Do đó, vấn đề ở đây là quyền tài sản lớn hơn nhiều so với quyền kinh doanh, vấn đề thứ 2 là hợp đồng kinh doanh.

Cho nên Luật Đầu tư sắp tới cần thận trọng, trò chơi phải có nền tảng, cam kết hội nhập, kết nối doanh nghiệp với các tập đoàn FDI và sáng tạo không phân biệt doanh nghiệp lớn nhỏ. Đồng thời, các chính sách điều tiết phải phù hợp với cuộc cách mạng nghệ tại Việt Nam.

Trong đó, quyền sở hữu trí tuệ khó mấy cũng phải làm. Hệ sinh thái DNVVN và Startup đã nói nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là startup. Bản chất vấn đề là kỹ năng quản trị cho đội ngũ, cần có cố vấn đã có kinh nghiệm va chạm và các quỹ đầu tư.

Hiện nay, các “ông lớn” cũng đã dần chuyển sang xu hướng mới. Tuy nhiên, việc hỗ trợ chưa cao và nếu muốn phát triển tốt thì Nhà nước phải biết đặt công nghệ lên hàng đầu.

Ông Lê Khắc Hiệp – Phó chủ tịch Vingroup: “Cần một sự tương trợ trong cộng đồng doanh nghiệp”

le-khac-hiep

Ông Lê Khắc Hiệp – Phó chủ tịch Vingroup

Từ góc độ DN, có thể khác nhau về quy mô nhưng các công ty khác đều đang cùng sống chung trong một môi trường kinh doanh, cùng hít thở chung một bầu không khí. Những thuận lợi, khó khăn đối với các doanh nghiệp này cũng là những thuận lợi khó khăn đối doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp cùng cạnh tranh nhau nhưng cũng cùng chung sống với nhau để cùng phát triển. Đặc biệt, trong nền kinh tế mở, cạnh tranh toàn cầu, thì sự hợp tác, tương trợ lẫn nhau là nhu cầu tự thân của mỗi doanh nghiệp, như các cụ nói “buôn có bạn, bán có phường”.

Nhiều năm qua, Vingroup và các đối tác trong nước đã xây dựng được một mối liên kết rất hiệu quả, trên nhiều lĩnh vực, từ xây dựng – bất động sản đến nông nghiệp, bán lẻ... Đặc biệt, với nhà máy Vinfast, thì công nghiệp phụ trợ là vô cùng cần thiết. Triết lý của Vingroup từ lâu đã được xác lập, đó là “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Chúng tôi vừa khởi nghiệp làm ô tô, và sau 1 năm hai sản phẩm đầu tiên của Vinfast vừa ra mắt tại Paris. Chúng tôi kỳ vọng cũng sẽ cùng gây dựng một xã hội khởi nghiệp, để sẽ có ngày càng nhiều hơn các đối tác, các nhà cung cấp, để từ đó có thêm nhiều giải pháp, nhiều sản phẩm hữu ích cho không riêng nhà máy Vinfast mà cho tất cả mọi người. Vì vậy, Vingroup đã và đang triển khai những kế hoạch ươm mầm cho các starup. Các bạn trẻ rất thông minh, nhiều sáng kiến nhưng lại thiếu có thể chỉ là một chỗ ngồi trong văn phòng. Nếu được ươm mầm trong một điều kiện tốt, những hạt giống sẽ đem lại những mùa màng.

---------------------------------------------

mr mai

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

mr tuan

TS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu Tư

mr thanh

TS Võ Trí Thành, nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

mr phung

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

lkh

Ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup

mr thien

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

bc

Nhiều cơ quan báo chí tham dự, đưa tin

th

Ông Trịnh Hiền Trung – Tổng giám đốc TH Herbals

mrhuong

Bà Trịnh Thị Hương - Trưởng phòng tổng hợp - Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT)

dc

Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả

thp

Bà  Vũ Thu Hương Đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát

gs trung

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trung (bên phải) tham dự toạ đàm

mr tuan

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế  - VCCI

mr phung

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Bộ Tài chính

ts kien

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

mr cung

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

mr tab

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV

mr phung

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

43152686_1141589505988511_9066657051114995712_n

Ông Nguyễn Khắc Huy, trưởng phòng GIám sát  nghiệp vụ, Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ KH&ĐT

Tỉ giá đang cập nhật
Điều chỉnh kích thước chữ