'Với PVN, xây dựng thương hiệu là nhiệm vụ sống còn'

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Đối với PVN, việc xây dựng thương hiệu là nhiệm vụ sống còn, do vậy chúng tôi luôn quán triệt tới từng đơn vị. Đầu tiên, phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo, thay đổi văn hóa quản trị.
NHÓM PHÓNG VIÊN
12, Tháng 12, 2019 | 07:03

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Đối với PVN, việc xây dựng thương hiệu là nhiệm vụ sống còn, do vậy chúng tôi luôn quán triệt tới từng đơn vị. Đầu tiên, phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo, thay đổi văn hóa quản trị.

Sáng 12/12, tại Hội trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tầng 1, nhà 7 tầng, 65 Văn Miếu - Đống Đa, HN), Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”.

_0 1 atd

Cuộc tọa đàm diễn ra tại Hà Nội, do tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn phối hợp với Tập đoàn Dầu khí tổ chức. Ảnh Trọng Hiếu

Cuộc tọa đàm do Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức nhằm đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia và các doanh nghiệp trong ngành, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu...

Thành công đã làm nên tên tuổi, thương hiệu Petrovietnam

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết 60 năm qua, ngành Dầu khí Việt Nam đã nỗ lực vươn lên, lớn mạnh cùng đất nước; những người lao động dầu khí qua các thời kỳ với lòng say mê và khát vọng cháy bỏng làm giàu cho Tổ quốc.

Tập đoàn đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lao động bền bỉ, sáng tạo… và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xây dựng được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện đại và đồng bộ, giữ vị trí hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

_0 1 atd-HungDung

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh Trọng Hiếu

Theo ông, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, trong số nhiều thành công đó có 8 thành tựu to lớn, nổi bật, làm nên tên tuổi, thương hiệu Petrovietnam.

Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí.

Đặc biệt, tập đoàn đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỷ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới.

Tập đoàn Dầu khí cũng đã hoàn chỉnh hoạt động theo mô hình tập đoàn, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi.

Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về tái cấu trúc nền kinh tế và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí đã chuyển đổi thành công từ hoạt động theo mô hình tổng công ty sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước từ tháng 8/2006; hoàn thiện hệ thống chính trị đồng bộ trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và hiện đang từng bước triển khai cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn trong giai đoạn từ nay tới năm 2025.

Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, luôn ở trong Top đầu những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Tổng doanh thu đạt trên 374 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 105 tỷ USD.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế. Song song với việc đầu tư phát triển ở trong nước, Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài; nâng cao uy tín và thương hiệu Petrovietnam trên thị trường quốc tế; góp phần tích cực đưa hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Tập đoàn đã xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, với số lượng lao động hiện có gần 60 nghìn người có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước. Trong đó, trên 5.500 người có trình độ trên đại học; trên 25.000 người có trình độ đại học và cao đẳng; trên 25.000 công nhân lành nghề, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai.

_0 1 atd chuyengia

Nhiều chuyên gia uy tín về thương hiệu có mặt tại cuộc tọa đàm. Ảnh Trọng Hiếu

Tập đoàn tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là “đầu tàu” kinh tế của đất nước. Từ kết quả triển khai các công trình dầu khí thời gian qua, Tập đoàn đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa...

Tập đoàn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển. Nơi nào có hoạt động dầu khí, có giàn khoan đặt chân, ở đó chủ quyền quốc gia được khẳng định.

Tập đoàn luôn ý thức, trách nhiệm cao trong chia sẻ với cộng đồng, hằng năm đóng góp vào công tác an sinh xã hội hàng trăm tỷ đồng. Từ những kết quả, thành tích đạt được, hàng ngàn lượt tập thể và hàng chục ngàn lượt cá nhân đã được tặng thưởng huân - huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen các loại và nhiều danh hiệu thi đua các cấp.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hùng Dũng thông tin dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi, nhưng với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản trị, tạo sự đồng thuận của người lao động Dầu khí, năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tiếp tục hoàn thành vượt mức các kế hoạch đặt ra.

Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt gần 710.000 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt gần 100.000 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch năm. Hệ số bảo toàn vốn đạt 1,01 lần, đảm bảo an toàn và phát triển.

Hơn nửa thế kỷ qua, tập thể cán bộ, công nhân lao động ngành Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gặt hái được nhiều thành tựu, làm nên thương hiệu Petrovietnam uy tín cả trong và ngoài nước.

Từ điểm mốc khai thác m3 khí đầu tiên từ mỏ khí Tiền Hải - Thái Bình năm 1981 và khai thác tấn dầu thô đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ năm 1986, đến nay Tập đoàn đang khai thác 25 mỏ dầu khí ở trong nước và 10 mỏ ở nước ngoài.

_0 1 daukhiVN

Ngành dầu khí đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Ảnh PVN

Thành viên HĐTV cũng cho biết hiện nay, thực hiện Nghị quyết 41 NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, với quan điểm, mục tiêu xây dựng PVN thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh của Việt Nam và khu vực, là hình mẫu doanh nghiệp Nhà nước tốt nhất, thể hiện là một trong những trụ cột chủ đạo của kinh tế Nhà nước.

Tập đoàn sẽ tập trung rà soát các chiến lược, kế hoạch dài hạn, xác định mục tiêu rõ ràng; hoàn thiện đề án chiến lược về nguồn nhân lực; chiến lược về tài chính; kiện toàn hệ thống quản trị về đầu tư; đánh giá hiệu quả quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường; đầu tư và khoa học công nghệ; kiểm soát rủi ro và xây dựng có hiệu quả văn hóa doanh nghiệp.

Trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh nhiều thuận lợi, tập đoàn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt “khoảng lặng” giai đoạn 2015 - 2017 đã ảnh hưởng không ít tới hình ảnh, uy tín và thương hiệu của tập đoàn và một số đơn vị thành viên, đồng thời gây thiệt hại vật chất bằng tiền không nhỏ thông qua giá trị cổ phần, cổ phiếu, tài sản của doanh nghiệp, việc kêu gọi đầu tư với các đối tác cả trong và ngoài nước.

Chính vì lẽ đó, việc củng cố và phát triển thương hiệu (gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh trên nền tảng quản trị doanh nghiệp tiên tiến và văn hóa doanh nghiệp) của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng và cần thiết.

“Tại tọa đàm hôm nay, tôi đề nghị các doanh nghiệp tích cực thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và mong nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia về các giải pháp nhằm củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành Dầu khí”, ông Dũng nói.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN: “Thương hiệu là yếu tố sống còn của các tập đoàn kinh tế”

_0 1 atd-Mai

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh Trọng Hiếu

Mặc dù đang trong giai đoạn cấm vận nhưng do tiềm năng dầu khí tại Việt Nam được các tập đoàn lớn như BPP; BHP; SHELL đánh giá cao nên đã tham gia các gói thầu theo hợp đồng kinh doanh với Petro Việt Nam, mở ra triển vọng xây dựng ngành dầu khí nước ta theo một hướng hiện đại.

Thông qua sự hợp tác với các tập đoàn lớn về dầu khí của thế giới, Petrovietnam đã từng bước phát triển trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam. Năm 2019, trong bối cảnh tình hình khó khăn nhưng nhờ chỉ đạo Chính phủ, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận, đẩy mạnh việc bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của tập đoàn.

Tại cuộc tòa đàm hôm nay, tôi muốn nêu 1 vài ý tưởng, đó là thương hiệu là tài sản, là yếu tố sống còn của các tập đoàn kinh tế. Petrovietnam. Bên cạnh đó, việc làm gì để có thương hiệu mạnh phải trở thành nội dung quan trọng nhất của các tập đoàn kinh tế trong đó có Petrovietnam.

Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp phải lấy con người làm trọng, đó là sự sáng tạo, đổi mới của lãnh đạo, giám đốc điều hành, sự tham gia và hoạt động đổi mới sáng tạo của những người lao động.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group: Thương hiệu phải tạo ra cuộc trò chuyện với khách hàng, hiểu khách hàng

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group cho biết, giá trị của các công ty hàng đầu thế giới cực kỳ cao, trong đó đứng đầu là Shell có giá trị đến 42 tỷ USD.

Ông Vinh lấy ví dụ điển hình về sự thành công trong việc thương hiệu của “bp”, đặc biệt là thời gian họ thay đổi chiến lược thương hiệu vào những năm 2000. “bp” đã dùng logo “BP” trong 70 năm cho đến khi đổi mới, và đây là chiến lược tái định vị thương hiệu.

“Người ta đồn rằng “bp” đã chi 211 triệu bảng Anh để thay đổi thương hiệu, nhưng thực chất việc tạo thương hiệu mới này không đến mức như vậy”, ông Vinh nói.

_0 1 atd QuocVinh

Chuyên gia thương hiệu Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group. Ảnh Trọng Hiếu

Theo Chủ tịch Le Group, câu chuyện thay đổi thương hiệu của “bp” bắt nguồn từ CEO John Browne về ý tưởng bảo vệ môi trường. Theo đó, “bp” phải thay đổi theo tiến trình thay đổi của môi trường.

Ông Vinh cho hay, “bp” từng là một phần trong những tác nhân gây ra tác động môi trường. Tuy nhiên, ngày nay “bp” được coi là 1 trong những công ty xanh nhất thế giới.

“Biểu tượng mới của “bp” đã trở thành biểu tượng phổ biến trên toàn cầu. Họ phải mất 9 tháng để làm cho các nhân viên hiểu được ý nghĩa của việc thay đổi thương hiệu trong chiến lược bảo vệ môi trường và kết quả thực sự của họ ko thể phủ nhận”, ông Vinh cho biết.

Theo ông Lê Quốc Vinh, hầu hết các quan niệm đều cho rằng ngành dầu khí là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, khi “bp” chìm sâu vào cuộc khủng hoảng Vịnh Mexico, uy tín của “bp” lao dốc, tuy nhiên sau khi thay đổi thương hiệu, họ đã đi lên rất nhanh.

“Khi có 1 thương hiệu mạnh, ngay cả khi gặp phải cuộc khủng hoảng kinh hoàng thì vẫn có thể vượt qua được, tất nhiên thiệt hại cũng không hề nhỏ”, Chủ tịch Le Group cho hay.

Ông Vinh cho rằng, có 5 giá trị cốt lõi của thương hiệu đối với ngành dầu khí: một là là gia tăng hiệu quả kinh doanh, hai là xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho các thương hiệu phái sinh, ba là gia tăng giá trị, bốn là thấu hiểu, năm là hấp dẫn lao động năng lực cao.

Làm thế nào để tạo ra thương hiệu mạnh? Theo Chủ tịch Le Group, quan điểm thương hiệu đã thay đổi nhiều và đang chuyển dịch theo phương thức marketing hoàn toàn khác, bằng cách xây dựng mối quan hệ với các khách hàng.

Điển hình, người giàu nhất thế giới Jeff Bezos là người có thể nói đang đi đầu trong việc lấy khách hàng làm trung tâm và Amazon là 1 trong những doanh nghiệp hướng tới khách hàng cao nhất, theo sau là Southwest và TD Bank.

Ông Lê Quốc Vinh cho rằng, câu chuyện trải nghiệm khách hàng đang là vấn đề toàn cầu. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng trải nghiệm khách hàng là trận tuyến marketing kiểu mới và thay thế các chiến lược truyền thống mà vẫn thường dùng.

“Ngày hôm nay muốn làm thương hiệu phải tạo ra cuộc trò chuyện với khách hàng, hiểu khách hàng thông qua đối thoại trực tiếp với họ và chiến lược marketing là chiến lược kiểu hiện đại 4.0”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, xây dựng thương hiệu chính là thổi hồn, biến thương hiệu đó thành con người. Chiến lược mỗi ngày một tốt hơn là chiến lược thương hiệu ngày nay và mối quan hệ ngày nay đang chi phối chiến lược đó.

Theo đó, có 4 yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu: một là hành xử như một con ng, hai là biết sd ứng dụng data để tiếp cận với các đối tượng khách hàng toàn cầu, ba là chiến lược cá nhân hóa, bốn là phải có tính nhân văn.

Cuối cùng, Chủ tịch Le Group nhấn mạnh, thương hiệu chính là “hiệu được thương”, là đối tác quan trọng, giống như “bp” khi sa vào “cái hố” khủng hoảng nhưng họ vẫn đứng lên được.

THS.Vũ Xuân Trường, Thành viên ban cố vấn Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: “Tiếp thị và sáng tạo là chìa khóa thành công của thời đại mới”

_0 1 atd Truong

THS.Vũ Xuân Trường, Thành viên ban cố vấn Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. Ảnh Trọng Hiếu

Một điều rút ra được từ các nghiên cứu là nếu không có tầm nhìn xa đủ lớn và đủ rộng trong dài hạn thì câu chuyện phát triển thương hiệu rất khó khăn. Mặc dù số lượng thương hiệu của các Tập đoàn Việt Nam có giá trị hiện nay trên toàn cầu không quá nhiều, tuy vậy các tập đoàn lớn của Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình.

Để các tập đoàn xây dựng được thương hiệu phát triển bền vững nhất thì điều đầu tiên phải chú trọng đấy là tầm nhìn trong việc xây dựng thương hiệu. Sau khi xây dựng được thương hiệu rồi thì cần phải củng cố và phát triển thương hiệu.

Ngoài ra, để có thể thành công thì không thể tách rời tiếp thị và sáng tạo. Đây chính là chìa khóa thành công của thời đại mới. Câu hỏi đặt ra khi phát triển doanh nghiệp chính là: “Chúng ta có nên thay đổi tư duy hay không”. Tư duy ở đây bao gồm: Tư duy thị trường và tư duy cạnh tranh. Coi thương hiệu là vũ khí cạnh tranh là một tư duy cần lưu tâm đến.

Bên cạnh đó, cũng phải chú trọng đến tư duy thị trường, tư duy quản trị và tư duy lãnh đạo. Thay đổi nhận thức, hệ thống hóa quản trị chuyên nghiệp để có thể phát triển đột phá và vững chắc.

Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng, câu chuyện thương hiệu là câu chuyện dài, không thể một sớm một chiều.

Ông Nguyễn Viết Long, Phó Tổng Giám đốc PVTrans: “Xây dựng thương hiệu trên 4 nền tảng”

_0 1 atd Long

Ông Nguyễn Viết Long, Phó Tổng Giám đốc PVTrans. Ảnh Trọng Hiếu

Ngành vận tải biển Việt Nam gặp khó khăn kéo dài từ 2009 đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Đối mặt với những khó khăn đến từ thế giới như Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm gây thêm những tác động bất thường cho ngành vận tải biển. Đặc biệt, với cơn bão trên thị trường tài chính thế giới, từ năm 2009 đến 2012 là vô cùng khó khăn, nguy cơ phá sản, thua lỗ luôn thương trực với ngành vận tải dầu khí nói chung và PVTrans nói riêng.

Sau đó PVTrans đã thực hiện tái cấu trúc, từ 2012 đến nay công ty đã từng bước phát triển. Từ 2012-2019 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 12-18%. PVTrans từ một công ty vận tải biển quy mô khoảng 100 cán bộ công nhân viên, đến nay đã trở thành một Tổng Công ty vận tải với 9 đơn vị thành viên, 2 chi nhánh và khoảng 1.800 cán bộ công nhân viên.

Vốn điều lệ PVTrans 3.200 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước những năm gần đây khoảng trên 400 tỷ đồng. Năm 2018, kết quả kinh doanh PVTrans ghi nhận những kết quả tích cực với doanh số 9.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 910 tỷ. Bước đầu việc niêm yết trên sàn chứng khoán với mức giá từ 16.000 - 18.000 đồng/cp.

PVTrans xây dựng thương hiệu trên 4 nền tảng chính: Một là nền tảng quản trị tiếp cận quản trị quốc tế, có tính thiết thực, hiệu quả, không rườm rà. Hai là xây dựng văn hoá doanh nghiệp song hành với xây dựng thương hiệu. Ba là yêu cầu đạt chất lượng và năng lực dịch vụ để khách hàng tín nhiệm, sử dụng dịch vụ, có tính xã hội hoá khá cao. Bốn là tiếp cận phương tiện truyền thông, quảng cáo, hội thảo để thông qua diễn đàn quảng cáo thương hiệu PVTrans.

Đến nay, thương hiệu PVTrans đã được các tổ chức trong nước và quốc tế có uy tín tại Việt Nam và thế giới công nhận như: 4 năm liên tục từ năm 2016, thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do Tổ chức Vietnam Report (VNR) công bố xếp hạng; Top 10 doanh nghiệp niêm yết uy tín nhất năm 2019 do Tổ chức Vietnam Report (VNR)… Thực tế xây dựng thương hiệu trên suy nghĩ đơn giản, phần nào được tự hào trong vòng 4 năm qua tổ chức VNReport, trong danh sách 500 doanh nghiệp tốt nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu ngày càng trở nên khó khăn hơn khi tình hình cạnh tranh trên thị trường vận tải biển ngày càng khốc liệt nhất là trong lĩnh vực vận chuyển Dầu thô, xăng dầu sản phẩm, dịch vụ offshore...

Những bất ổn xung đột chính trị, chính sách, việc cấm vận… giữa các nước lớn có diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất nhiều đến giá dịch vụ… của thị trường vận tải đường biển. Để duy trì, phát triển những kết quả đã đạt được, PVTrans định hướng trong thời gian tới tiếp tục xây dựng thương hiệu trên 4 nền rảng nêu trên.

Tiếp theo là đầu tư mở mang thị trường, để cân đối vận tải biển trong nước và quốc tế khi hiện nay thị trường trong nước đã dần đến ngưỡng. PVTrans có thuận lợi là đơn vị trong ngành dầu khí, được tập đoàn hỗ trợ, nên thị phần trong ngành chiếm tới 60% dịch vụ PVTrans cung cấp.

Tuy nhiên, trong thời gian tới thị phần trong ngành dầu khí sẽ giảm chỉ còn khoảng 30% vào có thể tiếp tục giảm sút. PVTrans nhận thức rõ những khó khăn nêu trên và sẽ xây dựng đội tàu trẻ để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng ban Tài chính PVDrilling: Chú trọng xây dựng thương hiệu từ khi thành lập công ty

_0 1 atd Truong PVDrill

Ông Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng ban Tài chính PVDrilling. Ảnh Trọng Hiếu

Theo ông Nguyễn Ngọc Trường, kể từ khi thành lập, ban lãnh đạo Tổng công ty CP Khoan & Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đã xác định xây dựng thương hiệu cho tổng công ty. Năm 2002, Ban lãnh đạo PV Drilling đã ký kết hợp đồng tư vấn chiến lược với Công ty PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) triển khai công tác hoạch định chiến lược phát triển cho “Nhà thầu khoan dầu khí Việt Nam”.

Ông Trường cho biết, công tác phát triển thương hiệu của PV Drilling có 4 yếu tố chính: Một là, trở thành nhà thầu khoan, cung cấp dịch vụ kỹ thuật khoan dầu khí tin cậy và có uy tín trên thế giới. Hai là, cung cấp dịch vụ khoan và kỹ thuật khoan dầu khí, hàng đầu trong khu vực, tạo ra những giá trị gia tăng cho khách hàng bằng những dịch vụ chất lượng cao và giá cả cạnh tranh. Ba là, người tiên phong của ngành khoan dầu khí Việt Nam “Pioneer of Vietnam Drillers”. Bốn là, định kỳ hàng năm, Tầm nhìn và Sứ mệnh của PV Drilling được Ban lãnh đạo PV Drilling đánh giá lại cho phù hợp với tình hình thị trường mới.

Theo Trưởng ban Tài chính PV Drilling, tổng công ty luôn cung cấp dịch vụ chất lượng cao, luôn triển khai đồng bộ kể cả trong giai đoạn ngành dầu khí đi xuống. Theo đó, giai đoạn 2014-2015, dịch vụ khoan trong nước PV Drilling chiếm lĩnh trên 50% thị phần; Dịch vụ Well Testing: PV Drilling chiếm lĩnh 50% thị phần; Các dịch vụ liên quan đến khoan khác: PV Drilling chiếm lĩnh khoảng 80-100% thị phần.

Ông Nguyễn Ngọc Trường cho biết, PV Drilling đã đạt được một số thành tích và hoạt động nổi bật trong năm 2019: giàn PV DRILLING III đã vinh dự nhận Biểu trưng từ Petronas; Giàn khoan PV DRILLING II đã vinh dự nhận Giải thưởng An toàn tại Hội nghị An toàn An ninh Sức khỏe Môi trường (HSSE Forum); Định kỳ hàng quý, PV Drilling tổ chức kiểm tra đột xuất công tác An toàn - Sức khỏe - Môi trường (ATSKMT)…

Theo ông Trường, PV Drilling luôn xem con người là tài sản quan trọng nhất, là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Tổng Công ty. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại PV Drilling luôn được ưu tiên phát triển song song với phát triển sản xuất kinh doanh phục vụ cho việc gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh, hoàn thiện hệ thống quản trị, nhằm cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao lợi thế cạnh tranh của PV Drilling và tạo tiền đề cho phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, minh bạch thông tin đã trở thành một trong những yếu tố được đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển bền vững của PV Drilling. Đó không chỉ là giải trình, công bố thông tin ra bên ngoài một cách nhanh chóng, đầy đủ, mà còn là xây dựng một hệ thống quản trị nội bộ nhằm đạt được sự nhất quán trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

“PV Drilling được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Việc được các tổ chức lớn, đáng tin cậy trao tặng các giải thưởng danh giá là minh chứng rõ nét nhất về uy tín thương hiệu PV Drilling đối với khách hàng, đối tác, cổ đông và nhà đầu tư”, ông Trường chia sẻ.

Ngoài ra, PV Drilling luôn quan tâm thực hiện bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh. Các sáng tiến cải tiến, tái chế nguyên vật liệu, năng lượng tiêu thụ luôn được đánh giá cao và triển khai thực hiện trên toàn tổng công ty.

Ông Trường cho biết, PV Drilling hiện có 1.700 CBCNV, tổng tài sản 20.676 tỷ đồng, với vốn điều lệ 4.215 ỷ đồng, đội ngũ 6 giàn khoan hiện đại: 4 giàn JU, 1 giàn TAD và 1 giàn đất liền.

Theo Trưởng ban Tài chính PV Drilling, nhờ vào uy tín thương hiệu tại thị trường khu vực, trong bối cảnh khan hiếm việc làm thế nhưng toàn bộ 4 giàn khoan tự nâng của PV Drilling đều ký được hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan tại thị trường Malaysia vào quý 4/2019.

Ngày 24/9/2019, PV Drilling đã ký HĐ khoan với BSP, thời hạn 6 năm chắc chắn và 4 năm gia hạn, bắt đầu từ tháng 4/2021. Đây là hợp đồng dài hạn nhất của PV Drilling, là nền tảng để PV Drilling tích lũy kinh nghiệm, gia tăng uy tín thương hiệu, tìm kiếm thêm các cơ hội cung cấp dịch vụ tại thị trường rộng lớn này.

Ông Phạm Xuân Toản, Phó viện trưởng Viện dầu khí Việt Nam (VPI): Thương hiệu VPI được tạo dựng trên cơ sở nhu cầu của khách hàng

_0 1 atd Toan

Ông Phạm Xuân Toản, Phó viện trưởng Viện dầu khí Việt Nam. Ảnh Trọng Hiếu

Trong việc tìm kiếm thăm dò, phát triển kinh tế, quản lý dầu khí, chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Và để có thể tạo dựng thương hiệu VPI, chúng tôi đã tập trung vào 3 giải pháp chính, bao gồm: Thứ nhất là xây dựng việc tập trung nhu cầu khách hàng, xác định khách hàng muốn gì, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường giao lưu đối ngoại, tạo mối liên hệ với khách hàng trong đó có Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.

Thứ hai, là tập trung vào giá trị cốt lõi. Điểm mạnh của chúng tôi là đôi ngũ cán bộ có trình độ khoa học công nghệ cao, được đào tạo bài bản, do đó khẳng định được chất lượng giá trị trong công tác thăm dò khai thác cũng như tạo được thương hiệu của mình.

Chúng tôi có thế mạnh nữa là chuyển giao khoa học công nghệ. Hiện nay, chúng tôi đã đi sâu, cụ thể hơn các nghiên cứu khoa học để biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại và phát triển bền vững. Không dừng lại ở thẩm định mà phát triển thành sản phẩm thương mại.

Tôi đồng tình với ý kiến ông Lê Quốc Vinh rằng các hoạt động dầu khí phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Trong việc sản xuất gạch không nung, chúng tôi đã tận dụng những ảnh hưởng để tạo thành sản phẩm.

Ba là, tăng cường tập trung, liên kết và tương tác. Trong đó chú trọng quản trị doanh nghiệp, sử dụng tương tác trên nền tảng khoa học công nghệ và hầu như giờ đây, chúng tôi không dùng đến giấy tờ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh, sản phẩm để khẳng định thương hiệu. Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng có những khó khăn trong các chính sách và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Do vậy, tôi cũng muốn kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước cần có một cơ chế để thúc đẩy khoa học công nghệ, cho không chỉ ngành dầu khí mà cho cả Việt Nam nói chung.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Cần sửa Luật để hỗ trợ xây dựng thương hiệu ngành dầu khí”

_0 1 atd Phuc

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh Trọng Hiếu

Theo dõi ngành dầu khí và làm Luật Dầu khí từ 1993, có thể thấy ngành Dầu khí từng có một thời kỳ rực rỡ. Khi khai thác được thùng dầu thô đầu tiên vào năm 1986, Quốc hội đã rất xúc động và tự hào. Sau đó là thời kỳ ngành dầu khí phát triển rực rỡ, có lúc đóng góp vào ngân sách lên đến 55%. Việt Nam trong giai đoạn khó khăn thì ngành dầu khí đã từng là cứu cánh.

Trong các cuộc họp Quốc hội và Chính phủ, khi thấy thiếu ngân sách thì lại trao đổi với lãnh đạo ngành dầu khí để khai thác thêm 1 triệu tấn dầu để tăng ngân sách, hỗ trợ tăng trưởng. Sau này thì ngành dầu khí đã phải đối mặt với những khó khăn, khi thăm dò, khai thác ngày càng khó khăn hơn, phải đi vào những vùng biển sâu hơn và nhiều những vấn đề nhạy cảm trên biển Đông.

Tuy nhiên, nếu tham quan các giàn dầu khí ngoài khơi, chúng ta sẽ thấy Việt Nam có một ngành công nghiệp dầu khí hiện đại sánh vai được với khu vực và quốc tế. Đó chính là thương hiệu.

Vậy làm gì để phát triển thương hiệu ngành dầu khí? Theo tôi thứ nhất cần làm rõ thế nào là DN ngành dầu khí, có phải là DN thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia không hay rộng hơn?

Nếu hiểu theo nghĩa rộng, gồm cả DN ngoài Tập đoàn thì nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cần để ý cả xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp dầu khí khác. Theo quy định Luật Dầu khí chúng ta có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - công ty mẹ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

Tập đoàn Dầu khí công ty mẹ hiện nay là doanh nghiệp duy nhất được nhà nước uỷ quyền đứng ra ký kết hợp đồng với các nước. Vì vậy, vị thế của Tập đoàn Dầu khí công ty mẹ là rất lớn. Và cũng vì vậy cần lưu ý, khi xây dựng thương hiệu thì cần có sự vào cuộc của nhà nước.

Muốn xây dựng được thương hiệu mạnh cho Tập đoàn Dầu khí cần có Luật. Nhà nước ở tầm vĩ mô cần có sự đầu tư, để lại tỷ lệ ngân sách nhất định để xây dựng thương hiệu cho ngành dầu khí.

Cần coi trọng thương hiệu doanh nghiệp vì không có thương hiệu DN sẽ không có thương hiệu quốc gia. Ở tầm vi mô, bản thân doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia, phải có chiến lược xây dựng thương hiệu. Tôi đề xuất, khi bàn về xây dựng thương hiệu các doanh nghiệp trong ngành dầu khí nên tiến tới sửa đổi Luật Dầu khí.

Theo đó, có thể chia làm 3 cấp độ doanh nghiệp dầu khí, cấp độ hoạt động ở thượng nguồn (khai thác)/trung nguồn (sản xuất)/hạ nguồn (phân phối). Trong Luật Dầu khí hiện nay mới có quy định về thượng nguồn.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ: Quan hệ khách hàng và xây dựng thương hiệu là không thể tách rời

_0 1 atd Bang

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ. Ảnh Trọng Hiếu

Theo ông Vũ Bằng, hai doanh nghiệp PV Trans và PV Drilling đã có những giải pháp, cải cách thương hiệu đúng đắn trong quá trình xây dựng doanh nghiệp gắn với thương hiệu.

Ông Bằng cho rằng, mối quan hệ giữa quản trị doanh nghiệp và thương hiệu, trong quan hệ khách hàng và xây dựng thương hiệu là không thể tách rời. Do đó, muốn nâng cao thương hiệu và phát triển bền vững phải gắn với quản trị doanh nghiệp.

“Sự thay đổi phải là sự thay đổi của công ty, từ đó tăng khả năng cạnh tranh và phát triển thương hiệu”, ông Vũ Bằng nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Vũ Bằng, có nhiều điểm liên quan giữa quản trị doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu.

Một là, mối quan hệ 5 nhà và những bên có lợi ích liên quan. Theo đó, cần giải quyết các mối quan hệ , một trong những nguyên tắc đó là không chỉ phát triển mối quan hệ giữa các nhân viên trong doanh nghiệp, mà cần phải phát triển mối quan hệ giữa đối tác…

Hai là, xây dựng chiến lược đóng vai trò khởi động ban đầu quan trọng của doanh nghiệp và quản trị công ty.

Ba là, muốn xây dựng và phát triển thương hiệu phải có tư tưởng đổi mới, sự thay đổi theo thời gian và sự quyết đoán của lãnh đạo công ty, đồng thời sự quan tâm của lãnh đạo đóng vai trò hàng đầu.

“Quản trị tốt sẽ nâng cao giá trị và giá cổ phiếu công ty, kéo theo thương hiệu cũng tăng theo. Thêm nữa, quản trị công ty cũng quyết địnhchất lượng sản phẩm, hai là tăng cường khả năng tiếp cận vốn, ba là giúp huy động nguồn vốn với chi phí thấp hơn và thêm nữa là thu hút nhân tài”, ông Bằng cho hay.

Ông Vũ Bằng nêu câu hỏi: Việc xây dựng thương hiệu sẽ giúp các doanh nghiệp dầu khí quản trị rủi ro và khủng hoảng. Vậy chúng ta phải làm gì để tăng cường thương hiệu?

Theo ông Bằng, một là cần có nhận thức và hiểu biết về quản trị công ty, trong đó có quản trị thương hiệu và quan trọng nhất là sự quan tâm và quyết định của ban lãnh đạo.

Hai là, đổi mới mô hình quản trị, cần có ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT giúp HĐQT điều hành hệ thống.

Ba là, trên cơ sở đánh giá hiểu biết quản trị, xây dựng lộ trình quản trị công ty.

Bốn là, cần có sự minh bạch, khi tạo được sự minh bạch, thị trường sẽ hiểu doanh nghiệp hơn và khi có sự cố thì doanh nghiệp đó có thể vượt qua.

“Cuối cùng, dưới góc độ nhà nước, cần phải có hoạt động giám sát gian dối thương hiệu và tiêu chuẩn; nhà nước phải có hệ thống thị trường (ngoài thị trường vốn cần phải có thị trường khác); nhà nước cần có chính sách bảo vệ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp”, ông Bằng nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Bộ trưởng KH&ĐT: PVN rất cần một biểu tượng mới có nét riêng

_0 1 atd A Thanh

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Bộ trưởng KH&ĐT. Ảnh Trọng Hiếu

Việt Nam chưa có một doanh nghiệp nào thực sự lớn mạnh, bởi để có một doanh nghiệp lớn mạnh thì cần phải chú trọng trong công nghệ, sáng tạo và lan tỏa trách nhiệm xã hội.

Đầu tiên, thương hiệu được xác định bao gồm giá sản phẩm và lòng tin đối với các bên liên quan. Tuy vậy vẫn chưa đủ, đây chỉ là nền, muốn phát triển phải gắn với xu thế mới, phải đột phá, phải đột biến.

"Gắn với câu chuyên PVN, giá trị của PVN cho đến nay có vai trò cực lớn, giá trị thay đổi 1 USD, ngân sách thay đổi nghìn tỷ", ông Võ Trí Thành nói.

Tuy vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng PVN vẫn là doanh nghiệp nhà nước, hơn nữa thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh đó, dù PVN có nhiều sáng tạo tuy nhiên về mặt truyền thông là còn mờ nhạt. Do vậy mà cần đặt ra câu hỏi, PVN có nên xác định lại biểu tượng?

Bởi đây là việc xác định bước ngoặt và tầm nhìn khác biệt. Nếu định hướng tương lai, PVN rất cần một biểu tượng mới có nét riêng, khác biệt để có thể cạnh tranh. Song, dù thay đổi biểu tượng thì vẫn cần phải chú trọng vào yếu tố trung tâm, đó chính là khách hàng.

Cuối cùng, tôi phải nhấn mạnh rằng, chính điểm yếu của quá khứ sẽ là động lực và bước ngoặt để giúp PVN phát triển trong tương lai.

Bàn luận về ý kiến của ông Thành về việc PVN khó khăn khi vẫn là doanh nghiệp nhà nước, GS. Nguyễn Mại cho rằng, lo lắng về quan niệm DNNN, giờ khác xa rồi, "bởi quan trọng là làm việc hiệu quả không".

“Khi nói về PVN, chưa có một doanh nghiệp nào kể cả tư nhân hay nhà nước có một quỹ đào tạo cán bộ tốt như PVN. Chưa có tập đoàn nào cử được nhiều người đi học như PVN, mà đi học ở toàn các nước tốt, có nền giáo dục cao. Nếu có chiến lược phát triển đúng sức mạnh của Tập đoàn Dầu khí thì tập đoàn có thể đi nhanh hơn trong đổi mới sáng tạo”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban kinh tế trung ương: Mỗi mỗi doanh nghiệp cần phải có định vị thương hiệu riêng

_0 1 atd a Trung

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban kinh tế trung ương. Ảnh Trọng Hiếu 

Nói với câu chuyện thương hiệu, mỗi DN đều phải có 1 chiến lược, có sản phẩm, cách quản trị riêng trong lĩnh vực riêng để có những định vị riêng cho thương hiệu. Tuy nhiên, nếu nói về thương hiệu của ngành thì cần xem xét rõ, ngành đó gồm những DN nào, từ đó có đánh gái vai trò của cả ngành với nền kinh tế chứ không phải chỉ là một DN.

Tập đoàn Dầu khí là một đơn vị rất đặc thù, ngoài nhệm vụ kinh doanh còn là ổn định kinh tế vĩ mô cho đất nước vì có nguồn lực, gắn với đó là nhệm vụ bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Vì thế, không thể thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí đơn giản như các DN khác.

Theo tôi còn rất vấn đề để nói về làm sao xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp ngành dầu khí nhưng làm gì cũng phải nghĩ thương hiệu là uy tín với đối tác, với người dân. Cách nhìn của đối tác, người dân với tập đoàn là uy tín, cũng chính là thương hiệu của doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần gắn thương hiệu với quản trị DN, từng DN nhỏ và trên từng sản phẩm. Trong thời gian gần đây ngành dầu khí phải đối mặt với nhiều khó khăn Khó khăn lớn, đầu tiên khách quan là giá dầu, từ 2014 đến nay giá dầu thế giới giảm sâu.

Ngoài ra cũng có một số câu chuyện quản trị chưa tốt nhưng vấn đề này đều có thể khắc phục bằng những định hướng trong thời gian tới xây dựng lại thương hiệu và thương hiệu ngành sẽ đi lên.

Ông Trung cũng cho rằng: "Việc xây dựng thương hiệu nên gắn liền với truyền thông, để mọi người dân nhận thức được rõ vai trò của tập đoàn, cùng chia sẻ với tập đoàn thì thương hiệu, uy tín của Tập đoàn dầu khí sẽ gia tăng".

Ông Nguyễn Minh Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội: Các chính sách ưu đãi hiện nay đã đáp ứng cho phát triển doanh nghiệp?

_0 1 atd Hong

Ông Nguyễn Minh Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội. Ảnh Trọng Hiếu

Hiện giờ, tại kỳ họp VIII, Quốc hội cho ý kiến về Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi liên quan tới ưu đãi đầu tư, trong đó có cơ chế đặc thù đặc Thủ tướng ưu đãi về phát triển công nghệ mới, những lĩnh vực mà nhà nước cần ưu tiên.

Hiện Luật Doanh nghiệp đang định nghĩa lại về doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo đó DNNN không chỉ là DN có 100% vốn nhà nước, mà còn là DN nhà nước có vốn góp, có cổ phần chi phối, trên 50% cổ phần. Việc sửa đổi này sẽ tác động tới hoạt động của DNNN.

Cụ thể là có thay đổi quản trị DN nhà nước nói chung, ảnh hưởng tới quản trị doanh nghiệp, ưu đãi đầu tư liên quan tới mục tiêu phát triển thương hiệu DN. Các DN, đặc biệt là PVN có thể gửi các đề xuất trực tiếp, đóng góp ý kiến để xem những chính sách ưu đãi hiện nay đã đáp ứng đủ cho phát triển doanh nghiệp? DN cần hỗ trợ những giải pháp nào từ Chính phủ.

Xây dựng thương hiệu là nhiệm vụ sống còn

Phát biểu kết thúc cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Đối với PVN, việc xây dựng thương hiệu là nhiệm vụ sống còn, do vậy chúng tôi luôn quán triệt tới từng đơn vị. Đầu tiên, phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo, thay đổi văn hóa quản trị.

Ông chia sẻ: "Tôi không ngờ rằng anh Võ Trí Thành không hoạt động trong lĩnh vực dầu khí nhưng rất am hiểu đến vậy".

Quan điểm của chúng tôi, ngoài cơ chế chính sách đơn vị xây dựng thì chúng tôi cũng rất chú trọng trong việc xây dựng thương hiệu, nếu khó khăn thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ.

Hai là về vấn đề sử dụng thương hiệu tập đoàn như nào thì chúng tôi đang nghiên cứu quy chế phù hợp. Về chỉ đạo, thực hiện các chương trình đào tạo thì tập đoàn có quỹ đào tạo sử dụng cho việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Bằng chi phí sản xuất của mình thì chúng tôi có thể mở thêm các khóa đào tạo xây dựng thương hiệu.

Cuối cùng, với những ý kiến đóng góp, chúng tôi chân thành cảm ơn chia sẻ, cảm thông của các chuyên gia, cơ quan báo chí đối với những khó khăn, những ý kiến góp ý để Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày càng phát triển.

"Chúng tôi cũng mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa hội thảo như này,để hỗ trợ, đồng hành phát triển cũng doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.

Ngành dầu khí Việt Nam đã đồng hành cùng đất nước trong công cuộc Đổi mới

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - TBT Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn, trong gần 35 năm qua, đồng hành cùng đất nước trong công cuộc Đổi mới, ngành dầu khí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, qua đó góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng và kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới.

Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở thềm lục địa cũng đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

_0 1 atd-TuanTBT

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn. Ảnh Trọng Hiếu

Ngành dầu khí với tiềm năng to lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật khá hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao hoàn toàn có khả năng để tiếp tục đóng vai trò là ngành công nghiệp đầu tàu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta trong thập kỷ tới. Điều đó đỏi hỏi các doanh nghiệp ngành dầu khí phải tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, hiệu quả và tạo dựng được thương hiệu mạnh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia cũng như của các doanh nghiệp thành viên.

"Cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia và các doanh nghiệp trong ngành, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ", TS.Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

_0 1 atd

Tọa đàm có sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các chuyên gia thương hiệu uy tín và đại diện các cơ quan báo chí. Ảnh Trọng Hiếu

Cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia và các doanh nghiệp trong ngành, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Tham dự tọa đàm có các chuyên gia hàng đầu về phát triển thương hiệu, các chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các công ty thành viên của tập đoàn.

Tọa đàm được tường thuật trực tuyến trên Tạp chí điện tử Nhadautu.vn, đồng thời thông tin tại tọa đàm sẽ được chuyển tải rộng rãi đến cộng đồng độc giả trên các báo, đài truyền hình Trung ương và địa phương.

anh toa dam

 

Cuộc tọa đàm được chia thành 3 phiên. Phiên khai mạc gồm phát biểu của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và phát biểu chào mừng của GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN -cơ quan chủ quản của Tạp chí Nhà đầu tư.

Phiên 2 là tham luận của các chuyên gia về thương hiệu và đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Phiên 3 sẽ được dành cho thảo luận mở với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo PVN và các doanh nghiệp thành viên.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ