Thương vụ 'lướt sóng' của Văn Phú Invest ở HAF

Nhàđầutư
Chỉ sau 1 ngày trở thành cổ đông lớn, VPI đã nhanh chóng thoái hết vốn khỏi HAF theo hình thức thỏa thuận với mức giá là 26.900 đồng/cp.
HỮU BẬT
06, Tháng 07, 2021 | 15:36

Nhàđầutư
Chỉ sau 1 ngày trở thành cổ đông lớn, VPI đã nhanh chóng thoái hết vốn khỏi HAF theo hình thức thỏa thuận với mức giá là 26.900 đồng/cp.

ndt - GD thoa thuan

Ảnh: Internet.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (HOSE: VPI) vào ngày 30/6 đã mua vào thành công 3.500.200 cổ phiếu CTCP Thực phẩm Hà Nội (UPCOM: HAF).

Dù vậy, sau đó chỉ 1 ngày, VPI đã bất ngờ thoái hết vốn khỏi HAF bằng hình thức thỏa thuận. HAF vào ngày 30/6 có đúng 3.500.200 cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận trao tay với tổng giá trị hơn 94,15 tỷ đồng, tương đương mức giá 26.900 đồng/cp, thấp hơn gần 4% so với giá chốt phiên hôm đó là 28.000 đồng/cp.

Trước đó, cổ đông lớn CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI vào ngày 25/6 đã thông báo đã thoái thành công toàn bộ 3.190.000 cổ phần HAF. Cùng hôm đó, HĐQT VPI đã thông qua việc nhận chuyển nhượng 3,19 triệu cổ phần của HAF (22% vốn).

Theo tìm hiểu, DOJI là cổ đông chiến lược nắm 3,19 triệu cổ phiếu HAF từ tháng 5/2015, với tổng giá trị mua là 33,495 tỷ đồng, tương đương 10.500 đồng/CP. Số cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm (từ ngày 28/5/2015 – 28/5/2020).

Về phía Văn Phú Invest, trước thương vụ "lướt sóng" kể trên, công ty của doanh nhân Tô Như Toàn đã hiện diện tại HAF ít nhất là từ khoảng năm 2015. Theo đó, ông Ngô Đức Long – một mắt xích của Văn Phú Invest, đã là Thành viên HĐQT kiêm Phó Giám đốc HAF từ tháng 12/2015. 

Ông Ngô Đức Long sinh năm 1969 và công tác nhiều vị trí tại Văn Phú Invest như Phó Tổng giám đốc (tháng 1/2011 – tháng 7/2013), Thành viên HĐQT CTCP Abey Holdings (từ tháng 12/2015 đến tháng 10/2017), Thành viên HĐQT độc lập Văn Phú Invest (tháng 1/2018 – tháng 4/2019), Người phụ trách quản trị Văn Phú Invest (từ tháng 3/2019 đến nay).

Diễn biến tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 cũng phần nào cho thấy sức ảnh hưởng của Văn Phú Invest tại HAF. Cụ thể, ông Ngô Đức Long được bầu vào ghế HĐQT với tỷ lệ cao nhất, hơn 100,84%, tương đương 14,2 triệu phiếu bầu.

Ngoài ra, Abey Holdings (tiền thân là CTCP Văn Phú Holdings) là một doanh nghiệp có liên hệ đến VPI. Tính đến tháng 6/2020, Abey Holdings nắm 529.923 cổ phần HAF, tỷ lệ 3,65%.

CTCP Thực phẩm Hà Nội thành lập từ tháng 7/1957, thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Tháng 1/2015, công ty tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng số cổ phần chào bán thành công là 3,45 triệu đơn vị, giá đấu thành công bình quân là 15.292 đồng/cp.

Đến tháng 7/2017, HAF đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM, quy mô vốn điều lệ ở mức 145 tỷ đồng. Thời điểm đó, HAF có 4 cổ đông lớn gồm: Hapro (51,567%); CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji (22%); ông Trần Quốc Tuấn (7,579%) và ông Nguyễn Đăng Trường (6,897%).

Theo tìm hiểu, ông Tuấn và ông Trường là 2 nhân sự của CTCP Chứng khoán Phố Wall (HNX: WSS). Trong đó, ông Trường hiện là Tổng giám đốc WSS.

Sau khi HAF lên sàn, cả 2 ông đều thoái hết vốn tại doanh nghiệp này. Cùng với đó, Hapro đến ngày 31/12/2019 cũng bán ra 4,57 triệu cổ phiếu HAF, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại HAF còn 20%.

Ở chiều hướng ngược lại, WSS vào tháng 12/2017 đã mua 1,69 triệu cổ phiếu HAF, trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 11,68%. Đến tháng 6/2019, WSS tiếp tục mua thêm 256.400 cổ phiếu HAF, nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,76%.

Đáng chú ý, tổng giá trị cổ phiếu HAF mà WSS nắm là gần 89 tỷ đồng, tương đương 32.708 đồng/cp. Tính theo thị giá HAF phiên 25/6 là 18.700 đồng/cp, WSS đang "lỗ" gần 43%.

Về phía Hapro, dù chỉ còn nắm 20% vốn HAF, nhưng 2/5 thành viên HĐQT HAF (nhiệm kỳ 2020 – 2025) là người của đơn vị này. Đó là ông Vũ Thanh Sơn – Thành viên HĐQT Hapro và ông Phạm Tuấn Linh – Trưởng phòng tại Hapro.

Hấp dẫn đất vàng

Dữ liệu cho thấy, kết quả kinh doanh của HAF giai đoạn 2016 – quý I/2021 không thực sự ổn định.

Tính riêng quý I/2021, doanh thu thuần HAF đạt 41,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phí, công ty lỗ đến gần 963 triệu đồng, trong khi quý I/2020 lãi 327,3 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, công ty đạt đỉnh lợi nhuận vào năm 2017 ở mức 11,4 tỷ đồng, lãi năm 2018 và 2019 cùng ở mức xấp xỉ 3,1 tỷ đồng. Tuy vậy, công ty lại lỗ 16 tỷ đồng năm 2016 và 8 tỷ đồng trong năm 2020.

NDT - KQKD HAF

 

Trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh không thực sự ổn định, song sức hấp dẫn của HAF lại đến quỹ đất đắc địa, giàu tiềm năng tại Hà Nội.

Một trong các dự án đáng chú ý là Siêu thị thương mại dịch vụ Bắc Qua, chủ đầu tư là CTCP Thương mại dịch vụ Bắc Qua – đơn vị do HAF nắm 51% vốn. Theo tìm hiểu, dự án đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận đầu tư từ tháng 10/2010.

Tháng 9/2010, HAF hợp tác với Liên doanh Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và công nghiệp Delta – CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới (Vinaconex R&D) để thực hiện dự án, khai thác kinh doanh mặt bằng dự án sau đầu tư trên khu đất tại 249 – 254 Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội (quy mô 3.255 m2).

Tháng 10/2010, HAF đã ký hợp đồng hợp tác với CTCP Đầu tư và Phát triển siêu thị Hà Nội (nay là CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại Hà Nội) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng “Cửa hàng thương mại dịch vụ Đồng Xuân” tại 26 Cao Thắng, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trước đó 1 năm, HAF vào tháng 11/2009 đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam (nay là CTCP Tập đoàn Cotana) đầu tư xây dựng toà nhà chung cư cao 25 tầng trên khu đất có tổng diện tích 2.085,9 m2 tại ngõ 459 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

HAF còn nắm 53,61% vốn CTCP Thương mại Lãng Yên - chủ dự án tại địa điểm 21 Trần Khánh Dư.

Bên cạnh đó, HAF còn góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng 600m2 đất tại số 6 Phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào Công ty TNHH Cao ốc Á Châu (Asia Tower). Sau cổ phần hoá, HAF đã chuyển giao phần vốn góp, tương đương 40% vốn điều lệ của Asia Tower, cho Hapro quản lý.

Chưa dừng lại ở đó, HAF còn sở hữu một số bất động sản đáng chú ý khác tại Hà Nội, như: Cửa hàng thương mại dịch vụ Đồng Xuân (số 26 Cao Thắng, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm), khách sạn tại số 46 Lương Ngọc Quyến (164,5 m2); lô đất số 112 phố Huế (195 m2); văn phòng tại số 26 Trần Nhật Duật với quy mô 250,1 m2...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ