Thực trạng và triển vọng phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể hóa bằng quy hoạch điện VIII

Với nguồn năng lượng tái tạo phân bố trải dài đất nước, Việt Nam được xem là quốc gia có lợi thế lớn để phát triển hầu hết các loại hình năng lượng tái tạo với tiềm năng đáng kể phục vụ phát điện.
ĐỖ ĐỨC QUÂN (*)
29, Tháng 10, 2020 | 09:10

Với nguồn năng lượng tái tạo phân bố trải dài đất nước, Việt Nam được xem là quốc gia có lợi thế lớn để phát triển hầu hết các loại hình năng lượng tái tạo với tiềm năng đáng kể phục vụ phát điện.

nhadautu--nang-luong-tai-tao-1-0857

 

Năng lượng tái tạo từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tại Việt Nam.

Tính tới cuối năm 2016, khoảng gần 40% số hộ gia đình ở khu vực nông thôn vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng sinh khối phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Phế thải nông nghiệp, đặc biệt là bã mía, trấu… với tiềm năng rất lớn, đã và tiếp tục được sử dụng triệt để phục vụ sản xuất điện.

Ở khu vực vùng sâu - vùng xa, thủy điện nhỏ và cực nhỏ quy mô gia đình cũng như các dự án thủy điện cấp cộng đồng đã cung cấp sản lượng điện đáng kể đáp ứng nhu cầu điện, phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.

Các dạng năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời đang dần định hình và cho thấy được tính ưu việt trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng điện với giá thành ngày càng hợp lý và thân thiện với môi trường.

Với nguồn năng lượng tái tạo phân bố trải dài đất nước, Việt Nam được xem là quốc gia có lợi thế lớn để phát triển hầu hết các loại hình năng lượng tái tạo với tiềm năng đáng kể phục vụ phát điện. Số liệu nghiên cứu cho thấy tiềm năng kỹ thuật điện gió trên bờ là khoảng 217 GW ở độ cao khoảng 80m, điện gió xa bờ khoảng 160 GW, điện mặt trời mặt đất khoảng 309 GW, mặt nước khoảng 77 GW và áp mái khoảng 48 GW.

Bên cạnh các nguồn điện gió và mặt trời, tổng tiềm năng các nguồn điện năng lượng tái tạo khác có thể khai thác để phát điện lên tới khoảng gần 20.000 MW, gồm có điện rác, điện sinh khối, điệ nthủy triều….

Thực tế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thời gian vừa qua cho thấy, nếu có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu đặt ra không mấy khó khăn, giúp ngành điện huy động được lượng vốn đầu tư rất lớn từ lĩnh vực tư nhân, giảm áp lực vốn đầu tư vào các công trình nguồn, đồng thời hướng dòng vốn của EVN đầu tư vào các dự án với mục đích cải thiện chất lượng cung cấp điện.

Thông qua cơ chế ưu đãi đối với các dự án điện mặt trời tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thời gian vừa qua, trong khoảng thời gian chưa đầy 2 năm, số lượng dự án điện mặt trời đưa vào vận hành đã tăng từ vài dự án lên tới 100 dự án với tổng công suất từ vài trăm MW lên tới 5.829MW, đưa công suất đặt các dự án điện mặt trời từ chỗ chỉ chiếm gần 1% nay đã đạt gần 9% tổng công suất đặt hệ thống.

Các số liệu thống kê cho thấy trong thời gian tới đây, dự kiến các nguồn điện gió và mặt trời sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Hiện đã có khoảng 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW và 137 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 13.618 MW đã được bổ sung quy hoạch. Khoảng 312 dự án/78.035 MW các dự án điện gió và 331 dự án /36.581 MW các dự án điện mặt trời hiện đang được các địa phương tiếp tục đề xuất phát triển.

Các loại hình năng lượng tái tạo còn lại, mặc dù có tiềm năng khá lớn nhưng chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng (hiện điện sinh khối chỉ có 378MW/ tổng tiềm năng 13,7 GW; điện rác hiện có 10 MW/ tổng tiềm năng 1 GW…).

Chính vì vậy, để phát huy tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực của các ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phụ trợ ngành năng lượng, nhiều văn bản chỉ đạo có vai trò là kim chỉ nam cho việc thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ như Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030, có xét tới năm 2050 và gần đây là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được ban hành.

Theo định hướng trên, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo vào các năm 2030 và 2045 dự kiến đạt lần lượt khoảng 30%và 43% tổng điện năng sản xuất toàn quốc.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời. Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia phát triển năng lượng tái tạo, vẫn cần có những cam kết mạnh mẽ, những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư bền vững và dài hạn cho lĩnh vực này từ Chính phủ nhằm tạo sự tin tưởng từ các nhà đầu tư.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 đang được Bộ Công Thương triển khai xây dựng và cơ bản đã hoàn thành Dự thảo lần 1.

Trong Đề án lần này, phát triển các loại hình năng lượng tái tạo tương xứng với tiềm năng sẵn có là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Công Thương tập trung triển khai, nghiên cứu những giải pháp thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

Chính vì vậy, tôi mong buổi tọa đàm lần này sẽ là cơ hội để các đại biểu tham dự bày tỏ quan điểm của mình cũng như sẽ đề xuất, gợi ý các định hướng, chính sách lớn nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển bền vững của lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như thu hút sự tham gia ngày càng tích cực hơn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bộ Công Thương trân trọng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp tích cực của các đại biểu tham dự buổi tọa đàm để sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với chất lượng tốt nhất, đồng thời có cơ sở thực tế để tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách ngày càng hợp lý và hoàn thiện hơn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo tiếp tục cất cánh trong tương lai.

(*) Ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ