Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại – Vấn đề bức bách đối với doanh nghiệp Việt Nam
Chuyển đổi số trong hoạt động thương mại trở thành một ưu tiên quan trọng nhằm sớm “hiện thực hóa” lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan.
Ngày 18/10, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?" nhằm phân tích, đánh giá cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Nhadautu.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận của ThS. Nguyễn Anh Dương với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại – Vấn đề bức bách đối với doanh nghiệp Việt Nam”.
Giới thiệu
Trong thập niên vừa qua, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với những đột phá công nghệ trong nhiều lĩnh vực then chốt như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), năng lượng, vận tải,... đã và đang có ảnh hưởng lớn đối với phương thức sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo cơ hội lớn cho sự phát triển vượt bậc về lực lượng sản xuất ở quy mô toàn cầu. Trong đó, việc phát triển các công nghệ và ứng dụng ICT đã tạo nên những đột phá về chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, cũng như góp phần phát triển kinh tế số. Đáng lưu ý, nhiều thảo luận chính sách chỉ ra rằng các nước đang phát triển không nhất thiết sẽ đi sau trong quá trình chuyển đổi số nói riêng và tiếp cận CMCN 4.0 nói chung. Thay vào đó, các nước đang phát triển có cơ hội để rút ngắn đáng kể chênh lệch phát triển nếu biết tranh thủ CMCN 4.0 ngay từ giai đoạn khởi phát và học hỏi được những bài học thành công và thất bại của các nước khác.
Bối cảnh đại dịch Covid-19 trong các năm 2020-2022 không làm gián đoạn sự quan tâm đối với kinh tế số nói chung và chuyển đổi số nói riêng. Tác động kéo dài và phức tạp của đại dịch Covid-19 càng khiến các nền kinh tế và các doanh nghiệp quyết tâm hơn trong việc đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi số một cách toàn diện, thay vì trông chờ đến khi đại dịch kết thúc để trở lại cách thức tổ chức, hoạt động truyền thống. Nhiều nước đã coi chuyển đổi số là một ưu tiên quan trọng trong kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Chuyển đổi số trong hoạt động thương mại trở thành một ưu tiên quan trọng nhằm sớm “hiện thực hóa” lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan.
Trong bối cảnh đó, dữ liệu là “tài nguyên mới” có vai trò ngày càng quan trọng. Cạnh tranh giữa các nước lớn, các tập đoàn công nghệ lớn, đã và đang diễn ra rất quyết liệt. Nhiều quốc gia đang có xu hướng tranh thủ cơ hội khi “luật chơi” quốc tế trong lĩnh vực số hóa chưa định hình để bảo hộ thị trường, giới hạn dịch chuyển dữ liệu, đầu tư phát triển mạnh về công nghệ số, đặc biệt liên quan tới mạng 5G, các trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo,… Một số quốc gia đã lồng ghép việc bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với an ninh quốc gia, từ đó hạn chế hoạt động thương mại đối với các mặt hàng công nghệ số có liên quan. Một số quốc gia (như Mỹ, Trung Quốc) đã có động thái thúc đẩy những liên minh cạnh tranh, thậm chí là đối đầu, về nhiều lĩnh vực công nghệ, trong đó có công nghệ số và các công nghệ liên quan đến kinh tế số, thương mại số - những lĩnh vực có thể gắn với lợi ích của doanh nghiệp.
Bài viết này tập trung phân tích về một số xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại và vấn đề đối với doanh nghiệp Việt Nam. Phần còn lại của bài viết gồm có 3 phần. Phần 2 trình bày tổng quan về một số xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại. Phần 3 phân tích một số vấn đề đối với doanh nghiệp Việt Nam. Phần 4 đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong thương mại ở doanh nghiệp Việt Nam.
Một số xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại
Thương mại không giấy tờ
Khi hàng hóa và dịch vụ lưu chuyển xuyên biên giới, thông tin về hàng hóa cần được chuyển đến các bên liên quan như các công ty, hải quan, cơ quan quản lý, bên cung cấp dịch vụ logistics, người mua, người bán,.... Thương mại không giấy tờ được hiểu là quá trình số hóa dòng chảy thông tin thương mại và các văn bản liên quan đến hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Nói một cách khác, thương mại không giấy tờ là các thủ tục, giấy tờ thông quan được chuyển đổi sang dạng điện tử thay vì văn bản giấy như trước đây. Điểm quan trọng là quá trình chuyển đổi này diễn ra toàn diện, thay vì chỉ dừng lại ở việc số hóa bản giấy và vẫn yêu cầu phải lưu trữ bản giấy (vì các mục đích đối chiếu, thanh kiểm tra,...).
Thương mại không giấy tờ có khả năng đẩy nhanh quá trình thông quan của hàng hóa, giảm chi phí giao dịch, từ đó thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển (UNECE, 2018, trích lại trong Trần Thị Hồng Minh và Nguyễn Anh Dương, 2023). Thương mại không giấy tờ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) kinh doanh trên các sàn TMĐT, thiếu kiến thức và kỹ năng xử lý các vấn đề về logistics hoặc thông quan. Vì vậy, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đẩy mạnh thương mại không giấy tờ để duy trì tính cạnh tranh trong thương mại của quốc gia trong bối cảnh tiến trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Vì khả năng truyền tải thông tin nhanh và linh hoạt, thương mại không giấy tờ được đánh giá là hữu ích trong việc hỗ trợ chuỗi cung ứng quốc tế, đặc biệt đối với mô hình sản xuất tinh gọn JIT. Với phương thức này, các công ty có thể hạn chế lưu kho hàng hóa, tiết kiệm được nhiều chi phí kho bãi. Để thích ứng với xu hướng chi phí vận chuyển, kho bãi, chi phí giao dịch giảm, các chuỗi cung ứng ngày càng phải tinh gọn, truyền tải thông tin nhanh, chính xác, và kịp thời. Thương mại không giấy tờ, vì vậy, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không chỉ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu, thương mại không giấy tờ đã cho thấy sự hữu dụng trong việc quản lý thương mại của các quốc gia. Thương mại không giấy tờ có thể cung cấp thông tin về thời gian thực, vị trí và trạng thái của lô hàng, nâng cao tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa. Từ đó, các cơ quan quản lý có thể ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng tốt hơn. Thương mại không giấy tờ còn có thể giúp hạn chế buôn lậu và rửa tiền, giúp chính phủ kiểm soát an ninh hiệu quả hơn, hạn chế rủi ro tiềm ẩn trong các kiện hàng được xuất, nhập khẩu.
Thương mại không giấy tờ cũng có thể giúp chính phủ thu thuế hiệu quả hơn. Trong một số trường hợp, nhà xuất khẩu có thể khai báo quá mức giá trị hàng hóa để tối đa hóa việc hoàn thuế. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu lại khai báo giá trị hàng hóa thấp hơn để trả ít phí nhập khẩu hơn. Hệ thống thương mại không giấy tờ trao đổi thông tin giữa hải quan của hai quốc gia về giá trị, xuất xứ của lô hàng, từ đó có thể giúp ngăn chặn tình trạng khai gian giá trị của lô hàng để tránh thuế, phí. Thêm vào đó, ngôn ngữ trong chuyển giao dữ liệu điện tử được chuẩn hóa bởi các cơ quan của Liên hiệp quốc, cho phép các quốc gia trao đổi chứng chỉ SPS điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp. Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) đã thống nhất quy chuẩn cho giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật điện tử và trao đổi điện tử dữ liệu nghề cá để nâng cao chất lượng quản lý thực phẩm và thủy sản.
Thương mại không giấy tờ xuyên biên giới đòi hỏi phải có sự hợp tác tích cực của các quốc gia nhằm xử lý những vấn đề về quy trình, hạ tầng và tiêu chuẩn liên quan. Thực tế, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có nội dung cam kết riêng về thương mại không giấy tờ (quy định tại Điều 14.9, Chương Thương mại điện tử), song nội dung còn thiếu tính cụ thể, tính ràng buộc chưa cao, chỉ hướng tới việc yêu cầu các thành viên “nỗ lực” thúc đẩy thương mại không giấy tờ.
Trong những năm gần đây, các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có những nỗ lực hướng tới quan hệ hợp tác kinh tế số và quan hệ hợp tác xuyên biên giới trong thương mại điện tử (TMĐT). Một số ví dụ nổi bật bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế số của Singapore và Úc (SADEA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế số (DEPA) của Singapore, New Zealand và Chile. Những nỗ lực thúc đẩy thương mại không giấy tờ cũng nổi lên, đáng chú ý nhất là Hiệp định khung Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Châu Á và Thái Bình Dương (CPTA) của Liên hợp quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2021. Trong đó, thương mại không giấy tờ được định nghĩa là việc thực hiện các hoạt động thương mại trên nền tảng điện tử, thay vì các văn bản, chứng từ giấy (Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương – ESCAP, 2021). Các quốc gia thành viên ASEAN đã thúc đẩy phát triển Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), và đang cân nhắc/nỗ lực hướng đến sự hợp tác rộng hơn, chẳng hạn như CPTA.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã thúc đẩy nhu cầu số hóa các thủ tục thương mại, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới. Nhằm giảm thiểu rủi ro, gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 năm 2021 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh hội nhập kinh tế kỹ thuật số và thương mại không giấy tờ. ASW đã và đang giúp đơn giản hóa thương mại nội khối, giảm chi phí cho cả khu vực công và khu vực tư nhân, và tăng cường tính linh hoạt và khả năng cạnh tranh của khu vực. Cụ thể, thông tin thương mại của các quốc gia thành viên được đưa lên hệ thống ASW thông qua các cơ chế một cửa quốc gia (NSW), và sau đó được dùng để trao đổi, cung cấp cho tất cả các cơ quan chính phủ có liên quan để xử lý hồ sơ. Kết quả xử lý hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền được trả cho người nộp đơn thông qua cùng một điểm nhập dữ liệu. Theo Ban Thư ký ASEAN, năm 2020, ASW đã thông qua hơn 800.000 trao đổi điện tử chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan giữa các nước thành viên theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hiện nay, các quốc gia thành viên đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế trao đổi chứng từ khai báo hải quan thông qua ASW. Là quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam đã xây dựng NSW và tiến hành các giải pháp trao đổi dữ liệu điện tử theo ASW trong trao đổi dữ liệu điện tử.
CPTA được các thành viên của ESCAP thông qua vào năm 2016. CPTA nhằm mục tiêu thúc đẩy thương mại không giấy tờ xuyên biên giới bằng cách cho phép các quốc gia trao đổi và công nhận lẫn nhau: (i) các dữ liệu và tài liệu liên quan đến thương mại dưới dạng điện tử; và (ii) tăng cường khả năng tương tác giữa Cơ chế Một cửa của các Quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với các hệ thống thương mại không giấy tờ khác. Hiệp định được thiết kế một cách toàn diện, có thể mang lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế tham gia, ngay cả khi thực trạng về tạo thuận lợi thương mại, cơ quan một cửa, năng lực thực hiện thương mại không giấy tờ của các quốc gia là khác nhau.
Xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến
Trong nhiều năm qua, các nước trên thế giới đã quan tâm nhiều đến các giải pháp cắt giảm chi phí xử lý tranh chấp giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các giao dịch xuyên biên giới, nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến trở thành một định hướng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động đi lại của các cá nhân bị hạn chế. Ủy ban Kinh tế của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã thảo luận ý tưởng và khung khổ thúc đẩy ODR từ năm 2016. Ủy ban này đã thông qua Khung hợp tác của APEC về xử lý tranh chấp thương mại xuyên biên giới giữa các doanh nghiệp trên nền tảng trực tuyến vào năm 2019. Tính đến tháng 10/2024, 7 nền kinh tế thành viên APEC đã tham gia cơ chế này, bao gồm Trung Quốc; Hồng Kông (Trung Quốc); Indonesia; Nhật Bản; Papua New Guinea; Singapore và Hoa Kỳ.
Một ví dụ điển hình của việc tiếp thu và ứng dụng xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến diễn ra ở Trung Quốc. Hiện nay, có ba kênh xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến tại Trung Quốc, bao gồm nền tảng TMĐT tích hợp, tòa án điện tử, và giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR). Cơ chế xử lý tranh chấp trực tuyến tích hợp trên nền tảng TMĐT còn được gọi là “hệ thống xử lý tranh chấp thương mại với sự can thiệp của bên dân sự thứ ba trong mối liên hệ với các bên có liên quan”. Một số nền tảng TMĐT cung cấp cho người sử dụng hệ thống xử lý khi có phát sinh tranh chấp trong giao dịch trên nền tảng TMĐT nội bộ. Cơ chế này phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của giao dịch trực tuyến, xử lý các tảnh chấp trực tuyến có giá trị thấp, giúp không chỉ duy trì sự ổn định và tin cậy của nền tảng TMĐT, mà còn giúp bảo vệ lợi ích pháp lý của các bên tham gia TMĐT trên nền tảng đó.
Chẳng hạn, Tập đoàn Alibaba đã xây dựng cơ chế xử lý tranh chấp trực tuyến nội bộ vận hành tương đối hiệu quả, trong đó Taobao và Tmall tập trung vào thị trường C2C và B2C. Để giải quyết các tranh chấp trực tuyến, Alibaba đã xây dựng một loạt quy định có liên quan, bao gồm Điều khoản Taobao, Quy định xử lý tranh chấp của Taobao, Quy định xử lý tranh chấp quốc tế của Tmall, Quy định xử lý tranh chấp thương mại và Điều khoản về Rà soát công khai của Taobao,... Alibaba cũng đã xây dựng các nền tảng trực tuyến để xử lý tranh chấp. Theo các quy định của Taobao và Tmall, có 4 cách để xử lý tranh chấp trực tuyến, là đàm phán giữa các bên, can thiệp của dịch vụ khách hàng, hệ thống rà soát công khai và báo cáo trực tuyến lên Taobao. Dịch vụ khách hàng của Taobao đóng vai trò như bên trung gian hòa giải trong tranh chấp; quyết định của dịch vụ khách hàng không mang tính cưỡng chế, nhưng Taobao có thể có hành động trực tiếp buộc các bên tham gia tuân thủ quyết định nhờ các biện pháp tự nguyện áp dụng. Đối với cơ chế xét xử công khai, 31 người phê bình được nền tảng TMĐT lựa chọn ngẫu nhiên có 168 giờ để đưa ra quyết định; bên nào có 16 phiếu ủng hộ sẽ thắng, và quyết định có hiệu lực tức thời. Trong trường hợp không bên nào có đủ 16 phiếu ủng hộ, dịch vụ khách hàng sẽ phải can thiệp xử lý tranh chấp. Đối với cơ chế Báo cáo trực tuyến, Taobao xem xét các báo cáo/khiếu nại được gửi trực tiếp qua các nền tảng báo cáo trong vòng 7 ngày trước khi đưa ra quyết định. Nếu không bằng lòng với phán quyết, người khiếu nại có thể đăng ký thực hiện xét xử công khai.
Trung Quốc đã tiến hành triển khai áp dụng thử nghiệm một số tòa án điện tử, tận dụng lợi thế của dữ liệu lớn để tăng cường minh bạch của hệ thống tư pháp, bảo vệ quyền lợi của người tham gia TMĐT một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn. Luật Thủ tục dân sự, Luật Hợp đồng, Luật Chữ ký điện tử tại Trung Quốc đều xác nhận tính pháp lý của chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, bằng chứng được chuyển sang dạng điện tử, xét xử sử dụng công nghệ video được phép thực hiện,…. Tại tỉnh Chiết Giang, Tòa án nhân dân tối cao Chiết Giang đã chú trọng thành lập tòa án điện tử trực tuyến TMĐT từ năm 2015. Trong vòng 2 năm, 14 tòa án nhân dân cấp thành phố tại Chiết Giang đã thực hiện xét xử trực tuyến 13 nhóm hành vi như các giao dịch TMĐT, bản quyền, thẻ tín dụng, nhãn hiệu thương mại, hợp đồng vay tài chính, buôn lậu, hợp đồng bảo hiểm tài sản, hôn nhân và gia đình,…. Tòa án các cấp ở Trung Quốc cũng chú trọng đẩy nhanh chuyển đổi và nâng cấp hạ tầng, thông tin để tạo nền tảng cho hoạt động của tòa án điện tử. Từ năm 2014, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc (SPC) đã xây dựng nền tảng Thông tin Quy trình tư pháp trực tuyến của Trung Quốc; Xét xử trực tuyến Trung Quốc để công bố các bản án, nền tảng thử nghiệm phát trực tiếp tất cả các phiên xét xử thử nghiệm công khai của SPC trên internet; Công bố thông tin thực thi bản án trực tuyến Trung Quốc;...
Hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) của Trung Quốc mới trong giai đoạn ban đầu, bao gồm thương lượng trực tuyến, trọng tài trực tuyến và hòa giải trực tuyến với sự tham gia của bên thứ ba. Phần lớn các nền tảng ODR tại Trung Quốc vẫn chưa phân biệt các giao dịch trong nước và xuyên biên giới. Khác với nền tảng hòa giải trực tuyến của Taobao, nền tảng thương lượng trực tuyến ODR độc lập với các bên có liên quan. Một số nền tảng thương lượng trực tuyến tiêu biểu tại Trung Quốc bao gồm Hiệp hội khiếu nại người tiêu dùng Trung Quốc, Nền tảng hòa giải và giám sát và một số nền tảng cấp địa phương (ví dụ Pudong New Area Zero Power Dispute Coordinate Service Platform). Tại Trung Quốc có rất ít nền tảng cung cấp dịch vụ hòa giải trực tuyến riêng rẽ trong ODR mà phần lớn kết hợp với xét xử trực tuyến, mang lại nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng. Các website có cung cấp dịch vụ hòa giải trực tuyến sẽ công bố các quy định và quy trình trên nền tảng của mình, và người sử dụng dịch vụ có thể lựa chọn người hòa giải theo quy trình hòa giải truyền thống, hoặc nền tảng sẽ chỉ định người hòa giải.
Một ví dụ điển hình là Trung tâm Xúc tiến và Bảo đảm giao dịch TMĐT Trung Tín của thành phố Thâm Quyến. Luật Trọng tài Trung Quốc, phán quyết của trọng tài trực tuyến có hiệu lực pháp lý, có nghĩa vụ tuân thủ bắt buộc. Tháng 12/2000, Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc (CIETAC) đã thành lập Trung tâm xử lý tranh chấp trực tuyến. Năm 2009, CIETAC đã thông qua Quy tắc Trọng tài trực tuyến, được xem là quy tắc về trọng tài trực tuyến chính thức đầu tiên tại Trung Quốc. Để xử lý nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả tranh chấp TMĐT có số lượng lớn và giá trị thấp, một số quy định riêng đối với trọng tài trực tuyến trong xử lý tranh chấp trực tuyến giá trị thấp cũng được ban hành, trong đó làm rõ thỏa thuận trọng tài có thể dưới dạng thông điệp dữ liệu như email, fax và công nhận chữ ký điện tử (ví dụ của Ủy ban trọng tài Quảng Châu Trung Quốc, Quy tắc trọng tài quốc tế của Tòa án Thâm Quyến năm 2016,...).
Nhờ vậy, các bên có thể tham gia vào thỏa thuận trọng tài trực tuyến từ bước ký thỏa thuận trọng tài tới nộp các bằng chứng mà không phải trực tiếp tới cơ quan trọng tài. Ủy ban Trọng tài Quảng Châu cũng lần đầu tiên đưa ra khái niệm “giao dịch trực tuyến giá trị thấp” là các giao dịch có trị giá dưới 10.000 NDT.
Tại Trung Quốc, cơ chế hòa giải xử lý tranh chấp trực tuyến nội bộ trên nền tảng TMĐT được đánh giá là phổ biến nhất, tiếp đến là tòa án điện tử, và cuối cùng là ODR. Cơ chế xử lý nội bộ trên nền tảng TMĐT cũng được đánh giá cao về tốc độ xử lý, thủ tục đơn giản và chi phí thấp. Trong khi đó, tòa án điện tử lại được đánh giá cao về mặt công bằng, công tâm, chuyên nghiệp, giá trị pháp lý cao. Do vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi ban đầu, cơ chế ODR chưa thực sự phổ biến, khả năng cạnh tranh về mặt chi phí so với các kênh giải quyết tranh chấp trực tuyến khác cũng kém cạnh tranh hơn.
Một số vấn đề đối với doanh nghiệp Việt Nam
Một số vấn đề đối với thương mại không giấy tờ
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang gặp phải một số vấn đề khi thực hiện thương mại không giấy tờ, cụ thể là:
Thứ nhất, nhận thức và kỹ năng của cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi số nói chung và thương mại không giấy tờ nói riêng còn tương đối hạn chế. Không ít doanh nghiệp chỉ coi chuyển đổi số, trong đó có xúc tiến thương mại trên nền tảng số, là giải pháp tạm thời trong giai đoạn dịch Covid-19. Theo Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022, 48,8% doanh nghiệp trong nước từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nhưng hiện tại không còn sử dụng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có chuẩn bị về kỹ năng, dễ gặp rủi ro trong giao thương quốc tế khi dựa trên thông tin trên mạng xã hội.
Thứ hai, hạ tầng số còn chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp. Dù đã được cải thiện liên tục, chỉ số hạ tầng viễn thông của Việt Nam mới chỉ xếp hạng 67 vào năm 2024 (theo xếp hạng của Liên minh Viễn thông Quốc tế). Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn hạn chế so với yêu cầu đề ra. Năng lực nghiên cứu và ứng dụng các thiết bị còn hạn chế, đa phần được nhập khẩu với giá cao. Các sản phẩm Việt Nam có thể tự sản xuất (như điện thoại thông minh, ...), mới chủ yếu ở giai đoạn đầu, chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ, giá thành sản xuất cao và khó cạnh tranh, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ. Các điểm bán hàng sử dụng máy POS để thanh toán còn rất hạn chế ở các khu vực nông thôn.
Thứ ba, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển thương mại không giấy tờ. Chính phủ Việt Nam đã bước đầu xây dựng chủ trương, chính sách và chương trình hành động nhằm phát triển kinh tế số và tham gia chủ động vào CMCN 4.0. Tuy nhiên, khung pháp lý còn chậm thích ứng với những đổi mới sáng tạo, bao gồm cả các mô hình kinh doanh mới (Bảng 1). Hệ thống luật pháp của Việt Nam còn thiếu những quy định và hành lang pháp lý phù hợp cho thương mại không giấy tờ. Chẳng hạn, về truyền dữ liệu xuyên biên giới, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam mới chỉ quy định chung về chức năng hợp tác quốc tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa có nội dung cụ thể về điều kiện khi truyền dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam với nước thứ ba hoặc tổ chức quốc tế. Ở một phương diện khác, Việt Nam chưa có công nhận lẫn nhau với các đối tác về tiêu chuẩn, chứng nhận đối với bảo mật dữ liệu cá nhân. Điều này khiến các doanh nghiệp hoạt động thương mại có thể phải gia tăng chi phí để tuân thủ với cả quy định bảo mật dữ liệu cá nhân ở cả Việt Nam và nước đối tác.
Bảng 1: Khả năng thích ứng của các khung pháp lý và tăng trưởng đổi mới sáng tạo
Thứ tư, hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao năng lực thực hiện thương mại không giấy tờ còn tương đối hạn chế. Các chương trình, hoạt động nâng cao năng lực có ở các lĩnh vực khác, như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải cách cơ cấu,... song không nhất thiết có lồng ghép các hoạt động thường xuyên, có phạm vi rộng về thương mại không giấy tờ. Trong khi đó, Việt Nam chưa tham gia Hiệp định CPTA, nên chưa có điều kiện tiếp cận các hỗ trợ kỹ thuật trong khung khổ Hiệp định phục vụ các cơ quan và doanh nghiệp về chủ đề thương mại không giấy tờ. Ngay cả với các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), dù đã có các chương riêng về Hợp tác và Nâng cao năng lực, Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật, song các cơ quan của Việt Nam chưa tận dụng được nhiều hỗ trợ từ đối tác để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hoạt động thương mại nói chung và thương mại không giấy tờ nói riêng.
Vấn đề đối với xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2022) đã tiến hành khảo sát về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam đối với xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến. Trong số 373 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ 24,4% có tranh chấp với khách hàng hoặc nhà cung cấp của họ hoặc cả hai. Theo đó, ba loại tranh chấp nổi bật nhất mà các doanh nghiệp gặp phải bao gồm tranh chấp trong mua hàng (59,18%), tranh chấp đăng ký giao dịch chung (42,86%) và tranh chấp trong cung cấp dịch vụ (23,4 %). Các loại tranh chấp ít phổ biến hơn bao gồm xúc tiến thương mại, đăng ký mẫu hợp đồng, xử ký tài sản đảm bảo, hợp đồng lao động và quyền của người lao động, ...
Để giải quyết tranh chấp, gần 90% doanh nghiệp đã chọn thương lượng giữa hai bên, có thể bằng cách thảo luận qua điện thoại hoặc gửi email. Hòa giải là phương án được các công ty lựa chọn nhiều thứ hai, với tỷ lệ phổ biến là 29,8%. Trong cuộc phỏng vấn sâu với các doanh nghiệp, người ta cho thấy rằng, thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam thường nhượng bộ đối tác của mình. Lý do là họ muốn duy trì mối quan hệ làm ăn với các đối tác. Ba hình thức trọng tài trong nước, trọng tài quốc tế và tòa án quốc gia hiếm khi được sử dụng do các công ty còn do dự trong việc giải quyết các thủ tục chính thức.
Theo loại hình doanh nghiệp, 100% doanh nghiệp tư nhân sử dụng đàm phán để giải quyết tranh chấp vì họ cho rằng hình thức giải quyết này có thể thuận tiện, đơn giản và tiết kiệm thời gian và chi phí. Quan trọng hơn, quá trình đàm phán không yêu cầu sự tham gia của bên thứ ba - điều mà các công ty tư nhân đó tiết lộ. Đó có thể là một trong những nét văn hóa kinh doanh ở Việt Nam khi các doanh nghiệp thường do dự khi tham gia vào các hoạt động xử lý tranh chấp.
Tuy nhiên, chỉ 1/4 số doanh nghiệp được khảo sát đã nghe nói về ODR. Trong đó, việc phổ biến thông qua các phương tiện truyền thông chiếm hơn một nửa, với tỷ lệ 52,59% trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát. 42,24% doanh nghiệp khác nghe nói về ODR thông qua mạng xã hội và khoảng 30,17% thông qua đào tạo/hội nghị. Có một số khác biệt về kênh phổ biến theo loại hình doanh nghiệp. Chỉ 17,65% doanh nghiệp tư nhân biết về ODR, tuy nhiên, nhận thức của họ đến từ nhiều kênh khác nhau; trong đó 69,23% biết và/hoặc nghe nhiều nhất về ODR qua các phương tiện truyền thông, 46,15% qua mạng xã hội và gia đình/bạn bè. Trong khi đó, 61,67% doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài biết và/hoặc nghe nhiều nhất về ODR qua các phương tiện truyền thông và 38,33% khác qua mạng xã hội và các khóa đào tạo/hội nghị.
Mức độ hiểu biết về ODR còn tương đối hạn chế. Đối với phần tự đánh giá về sự hiểu biết về ODR, điểm trung bình khá thấp. Đối với thang điểm từ 1 đến 10, trong đó 1 là ít hiểu nhất và 10 là hiểu nhiều nhất, điểm trung bình thu được từ khảo sát chỉ là 2,06 cho toàn bộ mẫu. Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được tự đánh giá là hiểu rõ nhất về ODR, nhưng chỉ ở mức 2,54. Cuộc phỏng vấn sâu với các doanh nghiệp tư nhân được lựa chọn cũng cho thấy rằng các doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế về hiểu biết về ODR, kể cả từ phương pháp, nền tảng hỗ trợ đến cơ sở hạ tầng cũng như các điều kiện cần thiết khác đối với ODR. Cần lưu ý rằng các công ty trong cuộc phỏng vấn sâu đã có các cuộc đàm phán trước với đối tác thông qua email để giải quyết tranh chấp trong bối cảnh Covid-19, nhưng họ không nhận ra rằng những nỗ lực đó chính là những hình thức thương lượng điện tử đơn giản.
Hơn nữa, các doanh nghiệp tương đối “non trẻ” có ít hiểu biết hơn về ODR. Ngược lại, các công ty càng có kinh nghiệm, tức là những công ty có nhiều năm hoạt động, thì họ càng hiểu rõ hơn về ODR. Bằng cách nhóm các doanh nghiệp theo năm hoạt động, kết quả khảo sát cho thấy 66,67% doanh nghiệp có hơn 30 năm hoạt động đã biết hoặc hiểu rõ về ODR. Trong khi con số của các công ty có thời gian hoạt động 20-30 năm và 10-20 năm lần lượt là 36,36% và 28,23%.
Chỉ 32,29% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng việc triển khai ODR ở Việt Nam là phù hợp và phù hợp. Ba lý do chính hàng đầu để phát triển ODR phù hợp ở Việt Nam bao gồm (i) Nền tảng khoa học và công nghệ đủ để thực hiện (49,22%); (ii) Nguồn nhân lực công nghệ thông tin đủ để thực hiện (47,29%); và (iii) Cơ sở pháp lý của Việt Nam đủ để thực hiện ODR.
Kiến nghị
Trong phạm vi hạn hẹp, bài viết này đề xuất một số định hướng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại của doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp đối với chuyển đổi số nói chung và trong thương mại nói riêng. Hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ khó có thể phát huy hiệu quả nếu không có sự đồng hành và chuyển đổi số mang tính tương thích, và tạo thuận lợi của các cơ quan chính phủ. Tương tự, nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số của doanh nghiệp khó có thể khả thi và/hoặc bền vững nếu tư duy quản lý nhà nước vẫn theo cách tiếp cận quản lý ngành nghề truyền thống và/hoặc phương thức quản trị rủi ro truyền thống (ví dụ như kiểm tra chứng từ bằng giấy).
Thứ hai, cải thiện hạ tầng số gắn với tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Đây sẽ là điều kiện cần để cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động trên môi trường mạng, từ đó cải thiện niềm tin đối với các hoạt động tạo giá trị gia tăng gắn liền với chuyển đổi số trong thương mại, hướng tới thương mại số.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số trong thương mại ở cả hệ thống cơ quan quản lý thương mại và doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 21/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030”, tập trung vào hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong thương mại. Hoàn thiện các quy định liên quan để vận hành hiệu quả, thực chất các nền tảng xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến (bao gồm trọng tài trực tuyến, hòa giải trực tuyến, thương lượng trực tuyến). Rà soát và cải thiện khung khổ về các loại bằng chứng, tính hợp pháp của dữ liệu điện tử làm bằng chứng trong tranh chấp thương mại xuyên biên giới và trong nước. Nghiên cứu khả năng hài hòa hóa các quy định về dữ liệu của Việt Nam phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt.
Thứ tư, tăng cường hiệu lực bảo vệ sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và các cá nhân thực hiện cung ứng hàng hóa và dịch vụ trên nền tảng số, bao gồm cả các giao dịch xuyên biên giới.
Thứ năm, cần phát huy trách nhiệm môi trường - xã hội - quản trị (ESG) của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số trong thương mại. Theo đó, cần tăng cường chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến môi trường và/hoặc xã hội khi hoạt động trên nền tảng số, các kinh nghiệm, điển hình hay cần nhân rộng. Trong quá trình này, Việt Nam cũng có thể tận dụng các hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức nước ngoài, các đối tác thương mại (chẳng hạn như theo Chương hợp tác và nâng cao năng lực trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), CPTPP, RCEP), nếu biết cách xây dựng đề xuất hỗ trợ một cách phù hợp.
ThS. Nguyễn Anh Dương là Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Bài viết này phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, không thể hiện quan điểm của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
- Cùng chuyên mục
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Định hướng doanh nghiệp phát triển bền vững
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được xét tặng hàng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Sự kiện - 12/12/2024 10:26
Chủ tịch Hà Nội: Dồn nguồn lực xây đủ 18 cầu vượt sông Hồng
"Hà Nội tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng đủ 18 cầu vượt sông Hồng", ông Trần Sỹ Thanh cho hay.
Sự kiện - 12/12/2024 07:06
Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe của ông Phạm Nhật Vượng ở Quảng Ninh có gì?
CTCP VinDT đã chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Đào tạo và Sát hạch lái xe Hạ Long tại thôn Chân Đèo, xã Thống Nhất, Hoành Bồ, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong ngày 10/12
Sự kiện - 12/12/2024 06:30
Chuyên gia UNDP ngạc nhiên về hệ sinh thái SIB tại Việt Nam
Từ các doanh nghiệp có tư duy xã hội kết nối lỏng lẻo, đến nay Việt Nam đã hình thành một hệ sinh thái các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB).
Sự kiện - 12/12/2024 05:33
Hợp nhất 2 Bộ thành Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường
Theo Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, hợp nhất Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT hình thành Bộ mới với tên gọi dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
Sự kiện - 11/12/2024 17:00
TP.HCM: Nhiều tuyến đường mang tên các cố nguyên thủ quốc gia
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Bộ trưởng Quốc phòng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Hoàng Cầm được đặt tên cho nhiều tuyến đường ở TP.HCM
Sự kiện - 11/12/2024 16:10
Người dân được đi metro Bến Thành - Suối Tiên miễn phí trong 1 tháng
Kể từ ngày 22/12, người dân sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ được miễn phí trong 30 ngày. Đồng thời, người có công với cách mạnh, người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi được sử dụng miễn phí hoàn toàn.
Sự kiện - 11/12/2024 15:06
Tăng trưởng của Châu Á và Thái Bình Dương như thế nào dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump?
Những thay đổi chính sách dự kiến của Hoa Kỳ dưới thời chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể ảnh hưởng đến triển vọng dài hạn của khu vực Châu Á.
Sự kiện - 11/12/2024 14:06
Quảng Bình có tân Chủ tịch tỉnh
Ông Trần Phong, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình vừa được HĐND tỉnh bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Sự kiện - 11/12/2024 14:01
'Phát triển công nghệ có thể bắt đầu từ việc bắt chước"
Chia sẻ mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vào năm 2030 của Việt Nam, chuyên gia Funabashi Gaku cho rằng Phát triển công nghệ có thể bắt đầu từ việc bắt chước và quá trình liên tục nghiên cứu phát triển, đầu tư.
Sự kiện - 11/12/2024 09:50
Tinh gọn bộ máy: Chính sách nhân sự cũng phải 'cách mạng'
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần phải có những chính sách mang tính "cách mạng" ổn định đời sống của các nhân sự dôi dư; thu hút những người có năng lực, tránh chảy máu chất xám
Sự kiện - 11/12/2024 08:41
Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện với Việt Nam
Việt Nam và Trung Quốc đã trao Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về hợp tác xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn.
Sự kiện - 11/12/2024 06:00
Hiệp hội Bán dẫn Mỹ đưa một loạt ông lớn sang Việt Nam
Các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ khẳng định rất coi trọng thị trường Việt Nam, thông báo về tình hình hoạt động và kế hoạch mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam thời gian tới.
Sự kiện - 10/12/2024 21:40
Top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024
Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An là Top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024
Sự kiện - 10/12/2024 19:35
VAFIE ký thỏa thuận hợp tác với đại học Phenikaa
Ngày 10/12, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và trường đại học Phenikaa đã ký kết thỏa thuận hợp tác 2 bên. Đồng thời VAFIE cũng trao chứng nhận hội viên cho Phenikaa.
Sự kiện - 10/12/2024 17:09
Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Ngày 10/12, HĐND tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỳ họp lần thứ 24 để quyết định một số nội dung liên quan đến công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Sự kiện - 10/12/2024 14:45
- Đọc nhiều
Đáng đọc
- Đáng đọc
Phó Đức Nam - Mr.Pips, đằng sau sự hào nhoáng xa hoa tuổi 30
Pháp luật - Update 5 day ago
Doanh nhân Chu Lập Cơ - Từ đỉnh cao đến vực sâu
Pháp luật - Update 6 day ago
Bộ Tài chính Mỹ: Việt Nam không thao túng tiền tệ
Thị trường - Update 3 week ago