Thủ tướng: Sớm thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, làm tới tận mũi Cà Mau

Nhàđầutư
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong nhiệm kỳ này phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc - Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận mũi Cà Mau, thay vì TP. Cà Mau như quy hoạch.
THIÊN KỲ
09, Tháng 12, 2023 | 16:21

Nhàđầutư
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong nhiệm kỳ này phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc - Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận mũi Cà Mau, thay vì TP. Cà Mau như quy hoạch.

img7617-1702094369731142936926

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau ngày 9/12. Ảnh: VGP

Ngày 9/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau.

Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của đồng bằng sông Cửu Long

Theo công bố Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Quy hoạch hướng tới xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước, trung tâm chế biến thủy sản; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng…

Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cà Mau có vị trí địa lý rất đặc biệt mà không có địa phương nào có được, là vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc, nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á; thuộc hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á.

Cà Mau cũng là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, có ngư trường rộng lớn khoảng 80.000 km2, nguồn lợi thủy hải sản phong phú, có khu vực nuôi trồng thủy sản diện tích hơn 300.000 ha, sản lượng tôm lớn nhất nước, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, chủ yếu là xuất khẩu thủy sản. Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước.

Tỉnh có địa hình thấp và bằng phẳng, vùng biển rộng, với 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc), nhất là cụm đảo Hòn Khoai nằm rất gần với đường hàng hải quốc tế, có nhiều nắng và gió, Cà Mau có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo, cảng biển tổng hợp.

Với độ che phủ rừng của 2 hệ sinh thái rừng mặn và ngọt, lớn nhất khu vực ĐBSCL; có 2 vườn quốc gia, có khu Ramsa, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, cùng với truyền thống lịch sử cách mạng và những lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, giúp tỉnh hội tụ nhiều giá trị, tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng…

z4957407715632_9fdb32de9f2eba55192a4fc44898710f

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau thông tin về những thuận lợi, khó khăn của địa phương tại Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau ngày 9/12. Ảnh: TK

Phát biểu tại Hội nghị Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định, dù có vị trí địa lý, địa chính trị thuận lợi nhưng vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn nhất trong khu vực ĐBSCL, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụp lún đất; cách xa các trung tâm kinh tế lớn; hạ tầng giao thông kết nối yếu kém; địa hình chia cắt bởi sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; địa chất yếu; không có vật liệu xây dựng tại chỗ, dẫn đến suất đầu tư công trình, nhất là hạ tầng giao thông cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận. Cà Mau còn là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Mekong.

Ông Hải cho biết đó là những khó khăn làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua. Những khó khăn này đã được tỉnh nhận diện và tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã đề ra những giải pháp thực hiện hết sức cụ thể và quyết liệt để khắc phục.

"Với những khó khăn nội tại, Cà Mau luôn nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để tăng cường thu hút đầu tư, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu thực hiện. Tạo chuyển biến tích cực không chỉ ở những chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra mà chuyển biến cả ở tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị, bước đầu được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao", Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định. 

Biến đổi khí hậu, giao thông, nguồn nhân lực là 3 cái khó cần tháo gỡ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Cà Mau là tỉnh cực Nam của đất nước, địa đầu của Tổ quốc, là "mũi thuyền", bên cạnh thuận lợi thì tỉnh Cà Mau sẽ có những khó khăn nhất định.

Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình quy hoạch tỉnh phải khám phá, tìm hiểu những tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh để có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi thế cũng như tìm ra các thách thức, khó khăn để hóa giải. Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, ổn định và tránh điều chỉnh tùy tiện.

"Quy hoạch tỉnh phải gắn với quy hoạch vùng và quốc gia. Dù nhiều khó khăn nhưng tỉnh Cà Mau đã có bộ quy hoạch hoàn chỉnh so với các tỉnh khác. Hiện các địa phương vùng đẩy nhanh quy hoạch và công bố chậm nhất vào giữa năm 2024. Phải đảm bảo liên thông, quá trình quy hoạch phải điều chỉnh liên tục theo biến đổi của từng vùng địa phương nhưng hạn chế ảnh hưởng đến quy hoạch chung", Thủ tướng chỉ đạo. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng còn chỉ ra 3 "điểm nghẽn" lớn nhất mà khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt là biến đổi khí hậu (sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn); vấn đề giao thông, nguồn nhân lực có tiềm năng nhưng đầu tư chưa tương xứng.

"Đảng và Nhà nước đã nhận thấy và đang giải quyết từng việc. Cụ thể, trong năm 2023 đã chi 4.000 tỷ đồng cho sụt lún sạt lở. Vay vốn 2,5 tỷ USD cho biến đổi khí hậu. Vừa qua cũng phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa năng suất cao phát thải thấp ĐBSCL", Thủ tướng chỉ rõ sự quan tâm và đầu tư khắc phục những hạn chế của khu vực ĐBSCL.

Về các dự án giao thông nhất là các dự án cao tốc từ TP.HCM kết nối Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau... Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo, đốc thúc Bộ GTVT thực hiện nhanh chóng để khai thông lợi thế hàng hóa của vùng.

Trưa ngày 9/12, Thủ tướng cũng đã có buổi khảo sát và yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng 3 dự án công nghiệp, cao tốc, sân bay trọng điểm tại Cà Mau. Theo báo cáo, các dự án cao tốc từ Cần Thơ xuống Cà Mau hiện đã thi công khoảng 15%, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, toàn tuyến còn khoảng 80 hộ dân tại 5 tỉnh. Nguồn vật liệu đắp nền cũng cơ bản được bảo đảm.

Thủ tướng nêu rõ trong nhiệm kỳ này phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận mũi Cà Mau, thay vì TP. Cà Mau như quy hoạch hiện nay (dự kiến khoảng 70 km nếu đi theo tuyến ngắn nhất, thẳng nhất).

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải làm bằng được đường băng để máy bay lớn có thể hạ xuống sân bay Cà Mau sớm nhất có thể, khi nào đông khách hơn thì sẽ mở rộng nhà ga.

Về nguồn nhân lực Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đầu tư hơn nữa cho giáo dục, đào tạo, nhất là dạy nghề; chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; huy động đa dạng các nguồn lực.

"Mở rộng phân hiệu các trường đại học lớn ở TP.HCM, Cần Thơ xuống các tỉnh trong đó có Cà Mau để nâng cao trình độ tay nghề nguồn nhân lực trong thời gian tới", Thủ tướng chỉ đạo.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ