Thị trường xuất khẩu gạo với ẩn số từ gạo Ấn Độ

Nhàđầutư
Gạo Ấn Độ chiếm 40% sản lượng gạo thương mại trên toàn cầu nên mọi động thái từ quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này sẽ tác động rất lớn đến thị trường. Quốc gia này vừa thông báo dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm, bước tiếp theo sẽ là gì, đây còn là một ẩn số.
AN HÒA
07, Tháng 12, 2022 | 16:55

Nhàđầutư
Gạo Ấn Độ chiếm 40% sản lượng gạo thương mại trên toàn cầu nên mọi động thái từ quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này sẽ tác động rất lớn đến thị trường. Quốc gia này vừa thông báo dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm, bước tiếp theo sẽ là gì, đây còn là một ẩn số.

xk gao TA

Xuất khẩu gạo sôi động vào các tháng cuối năm. Ảnh TA

Thị trường xuất khẩu gạo sôi động vào các tháng cuối năm

Cuối tháng 11 vừa qua, Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã đưa ra thông báo chính thức dỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm sau 3 tháng tạm dừng xuất khẩu mặt hàng này.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, mặt hàng gạo tấm của Việt Nam hàng năm không lớn nên sản lượng xuất khẩu mặt hàng này không đáng kể, thậm chí còn phải nhập khẩu để làm nguyên liệu cho chế biến bia, thức ăn gia súc, Do đó, việc Ấn Độ dỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm cũng không ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu nói không có tác động thì cũng chưa chuẩn vì gạo tấm của Ấn Độ không chỉ là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác mà còn được một số quốc gia châu Phi mua để làm lương thực cho người. Do đó, việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá gạo trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, khi Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo tấm thì một số quốc gia nhập khẩu gạo có xu hướng nhập nhiều gạo 25% tấm của Việt Nam, Thái Lan để thay thế. Do đó, khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm thì các quốc gia này quy trở lại nhập gạo tấm từ Ấn Độ. Hiện nay mặc dù giá gạo 25% tấm vẫn chưa giảm nhưng có xu hướng đi ngang, dự báo khó tăng giá.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), thị trường xuất khẩu gạo năm 2022 đã sôi động ngay từ đầu năm và tăng trưởng nóng kể từ tháng 5 trở đi, khi nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines, Trung Quốc tăng.

Nếu như các tháng trước, bình quân mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo thì từ tháng 5 trở đi đã tăng lên 600.000-800.000 tấn/tháng. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt gần 7 triệu tấn, với kim ngạch trên 3,2 tỷ USD, tăng khoảng 16% về sản lượng, 7% về giá trị so với năm 2021.

gao xk ns

Để có thể xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong năm 2023, các cơ sở xay xát phải được Hải quan Trung Quốc kiểm tra thực tế tại nhà máy và công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Ảnh NS

Nhiều thách thức trong năm 2023

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo năm 2023, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, tình hình thương mại gạo thế giới năm 2023 tổng nhu cầu có thể không có thay đổi lớn. Tuy nhiên, ẩn số của thị trường đang nằm ở chỗ Ấn Độ có dỡ bỏ quy định đánh thuế 20% gạo xuất khẩu hay không.

"Ấn Độ chiếm 40% nguồn cung gạo thương mại trên toàn cầu. Gạo Ấn Độ cũng có mức giá khá cạnh tranh so với phân khúc gạo trắng của Việt Nam. Do đó, nếu quốc gia này dỡ bỏ quy định đánh thuế 20%, cùng với việc mất giá của đồng rupee, giá gạo Ấn Độ có thể rẻ hơn gạo Việt Nam. Điều này khiến cho phân khúc gạo trắng của Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt bởi gạo Ấn Độ", ông Thành phân tích.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), do chi phí logistics của Việt Nam còn cao nên nhiều mặt hàng xuất khẩu bị yếu sức cạnh tranh ở các thị trường xa.

Đối với xuất khẩu gạo, ngoài thị trường truyền thống là Philippines, thì Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng khi mỗi năm quốc gia này phải nhập khẩu trên dưới 5,3 triệu tấn gạo. Chi phí vận chuyển xuất khẩu sang Trung Quốc cũng thấp hơn rất nhiều so với thị trường khác, do cự ly vận chuyển gần.

Tuy nhiên, năm 2023, Trung Quốc thay đổi Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa ra yêu cầu kiểm tra tất cả các cơ sở xay xát lúa gạo của các quốc gia muốn nhập khẩu vào nước này. Sản lượng nhập gạo Trung Quốc cấp hạn ngạch nhập khẩu chỉ bằng với tổng công suất của các nhà máy đã được kiểm tra.

"Hiện nay, Hải quan Trung Quốc chỉ mới kiểm tra và công nhận 22 cơ sở xay xát của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này với sản lượng rất ít. Do vậy, nếu trong năm 2023 cơ sở xay xát đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc không được nâng lên thì xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này sẽ rất hạn chế. Do đó, ngành nông nghiệp đang khẩn trương phối hợp cùng Hải quan Trung Quốc để kiểm tra và công nhận thêm nhiều cơ sở xay xát gạo của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này", ông Hòa cho biết.

Bên cạnh thách thức thì theo ông Hòa, gạo Việt Nam cũng có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới nhờ là thành viên của 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đáng chú ý theo cam kết EVFTA, các nước khối Liên minh Châu Âu (EU) sẽ dành hạn ngạch nhập khẩu 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0% (30 tấn gạo thơm, 30 tấn gạo đã xay xát và 20 tấn gạo lức).

Khi Anh rời EU thì quốc gia này cũng dành cho gạo Việt Nam hạng ngạch tương tự như cam kết EVFTA. Như vậy, chỉ riêng thị trường EU, gạo Việt Nam đã có hạn ngạch xuất khẩu đến 160.000 tấn với mức thuế 0%, đây là một lợi thuế rất lớn so với đối thủ xuất khẩu gạo chưa là thành viên của EVFTA.

"Mặc dù thuận lợi về thuế quan nhưng để xuất khẩu được vào EU thì gạo Việt Nam phải vượt qua được hàng rào kỹ thuật rất khắt khe. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải đạt ngưỡng gần như "zero", vùng nguyên liệu phải có chứng nhận về quy trình sản xuất an toàn…, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu phải thường xuyên cập nhật và thực hiện đúng các yêu cầu của nhà nhập khẩu để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi", ông Hòa lưu ý.

Tỉ giá đang cập nhật
Điều chỉnh kích thước chữ