Thị trường ngày 14/11: Giá dầu, vàng, sắt thép, cao su đồng loạt tăng; đường cao nhất 4 tháng

Các mặt hàng nguyên liệu hầu hết tăng giá trong phiên vừa qua. Nhóm hàng công nghiệp tăng bởi kỳ vọng kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững chắc kéo kinh tế toàn cầu tăng theo. Nhóm nông sản tăng bởi lo ngại nguồn cung sẽ thiếu hụt.
MINH QUÂN
14, Tháng 11, 2019 | 10:02

Các mặt hàng nguyên liệu hầu hết tăng giá trong phiên vừa qua. Nhóm hàng công nghiệp tăng bởi kỳ vọng kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững chắc kéo kinh tế toàn cầu tăng theo. Nhóm nông sản tăng bởi lo ngại nguồn cung sẽ thiếu hụt.

Tuy nhiên, phát biểu của ông Trump về khả năng có thể tăng thuế nếu không ký được thỏa thuận với Trung Quốc gây lo ngại cho các nhà đầu tư.

Dầu tăng vì lạc quan về kinh tế Mỹ

Giá dầu tăng sau những bình luận lạc quan về kinh tế Mỹ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang nước này, ông Jerome Powell và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sắp công bố báo cáo cho thấy tình trạng cung – cầu mặt hàng này.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 31 US cent (0,5%) lên 62,37 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 32 US cent (0,6%) lên 57,12 USD/thùng.

Ông Powell cho biết kinh tế Mỹ sẽ "tăng trưởng bền vững" và đang đón nhận đầy đủ những tác động từ các lần cắt giảm lãi suất gần đây.

Trong khi đó, OPEC cũng cho biết chưa thấy dấu hiệu của sự suy thoái toàn cầu, và sản lượng dầu đá phiến Mỹ năm 2020 có thể tăng ít hơn dự báo. Tổng thư ký OPEC, Mohammad Barkindo, khẳng định các yếu tố cơ bản của kinh tế toàn cầu vẫn mạnh, và ông tin tưởng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại.

Tồn trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 54.000 thùng trong tuần tới 8/11, xuống 440 triệu thùng, theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ. Điều này trái ngược với dự đoán của giới phân tích là tăng 1,6 triệu thùng.

Tuy nhiên, Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu đá phiến Mỹ sẽ cao kỷ lục 13 triệu thùng/ngày trong tháng này, và sẽ tăng nhiều hơn dự kiến ở cả năm 2019 và 2020.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày hôm qua vẫn khẳng định Washington và Bắc Kinh đang tiến sát một thỏa thuận thương mại, nhưng không nói rõ thời điểm.

Vàng, bạc tăng do thiếu tin tưởng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung

Giá vàng tăng trở lại trong phiên vừa qua sau bài diễn văn của Tổng thống Mỹ về quan hệ thương mại với Trung Quốc làm giảm bớt sự lạc quan về một thỏa thuận thương mại giữa 2 nước này, khiến giới dầu tư lại giảm nhu cầu đối với các tài sản có rủi ro cao.

Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.462,03 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 0,7% lên 1.463,3 USD/ounce.

Các kim loại quý khác cũng đồng loạt tăng giá: Palađi tăng 0,6% lên 1.709,64 USD/ounce, bạc tăng 0,9% lên 16,92 USD/ounce và bạch kim tăng 0,5% lên 873,03 USD/ounce – kết thúc 4 phiên liên tiếp giảm.

Tổng thống Mỹ đã đề cập đến việc tăng thuế nếu cuối cùng không đi tới một sự nhất trí hay bất kỳ thỏa thuận nào về giai đoạn 1. Không những chưa đưa ra thời điểm ký kết thỏa thuận, ông Trump còn khiến nhà đầu tư lo ngại khi dọa sẽ tăng thuế hơn nữa đối với Trung Quốc nếu hai nước không đạt được sự đồng thuận.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm càng kích vàng tăng lên. Bên cạnh sự thiếu chắc chắn về thương mại, thị trường chứng khoán còn chịu thêm áp lực bởi các cuộc biểu tình ở Hongkong chưa có dấu hiệu chấm dứt. Người biểu tình đã làm tê liệt một phần trung tâm tài chính Châu Á trong ngày 12/11 buộc đồng loạt cả hệ thống giao thông, trường học và nhiều doanh nghiệp đều phải đóng cửa.

"Về lâu dài, vàng vẫn là nơi trú ẩn an toàn, mọi người vẫn muốn nắm giữ tài sản này, do đó xu hướng chung là giá sẽ còn tăng nữa", ông Michael Matousek thuộc công ty U.S. Global Investors cho biết.

photo-1-1573690885024389542298

 

Đồng và các kim loại cơ bản khác giảm

Lo ngại Mỹ nâng thuế đối với hàng Trung Quốc gây áp lực lên giá kim loại cơ bản trong phiên vừa qua, khiến đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn LME giảm 0,6% xuống 5.835 USD/tấn. Kim loại này đã có xu hướng tăng từ đầu tháng 10, tuần qua đạt mức cao nhất hơn 3 tháng là 6.011 USD/tấn. Lượng đồng lưu kho tại LME giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng là 224.425 tấn, còn lưu tại sàn Thượng Hải giảm 44% kể từ tháng 3, xuống 148.687 tấn.

Giá nhôm cũng giảm 0,7% xuống 1.765 USD/tấn, một phần bởi thông tin từ hãng nghiên cứu Antaike rằng tiêu thụ nhôm của Trung Quốc năm nay sẽ giảm lần đầu tiên trong vòng 30 năm do nhu cầu trong nước và xuất khẩu đều yếu đi.

Về các kim loại khác, giá nickel giảm 1,8% xuống 15.380 USD/tấn, kẽm giảm 2% xuống 2.422 USD/tấn, chì giảm 1,2% xuống 2.035 USD/tấn (thấp nhất kể từ 6/9) và thiếc giảm 2,1% xuống 16.000 USD/tấn sau khi có lúc xuống 15.970 USD/tấn – thấp nhất kể từ 1/10.

Sắt, thép, than đá tăng

Giá sắt, thép tại Trung Quốc tiếp tục tăng trong phiên giao dịch vừa qua sau khi Thủ tướng nước này, ông Lý Khắc Cường, đảm bảo rằng các mục tiêu kinh tế năm nay sẽ đạt được. Thông tin từ cảng Hedland của Australia cho thấy xuất khẩu quặng sắt từ cảng này sang Trung Quốc giảm 0,7% trong tháng 10/2019 cũng góp phần đẩy giá tăng lên.

Trên sàn Đại Liên, quặng sắt tăng 2% lên 613 CNY (87,65 USD)/tấn vào đầu phiên giao dịch vừa qua, kết thúc phiên tăng 1,1% lên 608 CNY/tấn. Trên sàn Thượng Hải, thép cây kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 1% lên 3.442 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 3.377 CNY/tấn, và thép không gỉ kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,5% lên 14.360 CNY/tấn.

Than đá – một trong những nguyên liệu sản xuất thép cũng tăng giá, trong đó than cốc thêm 0,1% lên 1.713 CNY/tấn, còn than luyện cốc đạt 1.230 CNY/tấn.

Đường cao nhất 4 tháng do lo ngại về nguồn cung

Giá đường lên cao nhất gần 4 tháng do thời tiết gây lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu. Đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 1,83% (0,26 US cent) lên 12,85 US cent/lb vào cuối phiên, trước đó có lúc đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 10 là 12,91 US cent. Đường trắng kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 2,1% tương đương 6,8 USD lên 334,30 USD/tấn.

Sản lượng đường thế giới niên vụ 2019/20 dự báo sẽ giảm ở nhiều khu vực sản xuất, do đó khả năng sẽ thiếu hụt khoảng 6- 7 triệu tấn. Không chỉ ở Mỹ, sản lượng ở Đức dự báo cũng giảm. Hiệp hội Đường Đức đã hạ dự báo về sản lượng đường tinh luyện trong năm 2019/20 xuống 4,2 triệu tấn, từ mức 4,22 triệu tấn đưa ra trước đây.

Cacao cao nhất 1,5 năm

Giá cacao tiếp tục tăng, trên sàn New York thêm 1% (35 USD) lên 2.655 USD/tấn vào cuối phiên (hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2020), sau khi có lúc đạt 2.664 USD/tấn – cao nhất kể từ cuối năm ngoái; trên sàn London hợp đồng cùng kỳ hạn cũng tăng 1% tương đương 21 GBP lên 1.955 GBP/tấn (có lúc đạt 1.963 GBP). Hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2019 đang giao dịch ở mức giá cao hơn 98 GBP so với kỳ hạn tháng 3 năm sau, cho thấy nguồn cung kỳ hạn gần có thể khan hiếm.

Cà phê tăng

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 2,3% tương đương 2,2% lên 111,15 US cent/lb, trong khi robusta kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 2,9% lên 1.411 USD/tấn.

Brazil đã xuất khẩu 3,1 triệu bao cà phê xanh trong tháng 10/2019 (1 bao = 60 kg), giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng năm nay thấp hơn. Việt Nam đã xuất khẩu 87.497 tấn hay 1,46 triệu bao trong tháng 10, giảm 5,3% so với tháng 9.

Cao su tăng

Giá cao su trên 2 sàn giao dịch Tokyo và Thượng Hải đều tăng trong phiên vừa qua. Cụ thể, hợp đồng kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn TOCOM tăng 0,2 JPY (0.0018 USD) lên 180,2 JPY/kg, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 70 CNY (10,01 USD) lên 12.035 CNY/tấn.

Liên quan tới mặt hàng này, Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu cao su sau khi kết thúc thời hạn 4 tháng kiềm chế, nhằm tăng thu nhập cho người trồng loại cây này. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan hôm qua cho biết nước ông đang thương lượng với 2 khách hàng tư nhân ở Trung Quốc đại lục và Hongkong Trung Quốc để bán 260.480 tấn cao su với mục đích thu được trên 13 tỷ baht (428 triệu USD). Ông này cho biết thêm, Thái Lan mới đây đã bán 100.000 tấn cao su, trị giá 7,5 tỷ baht, cho Ấn Độ, và ông sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Đức để đàm phán về các hợp đồng mới.

Gừng Brazil cạnh tranh tốt với gừng Trung Quốc

Gừng Trung Quốc "thống trị" thị trường toàn cầu từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, gừng Brazil đang tăng nhanh thị phần. Mùa gừng của Brazil bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài tới tháng 12. Nhu cầu gừng Brazil ở các thị trường Châu Âu và Mỹ đang tăng nhanh, trong đó xuất khẩu sang Châu Âu trong mùa này đã tăng gấp đôi so với mùa trước, sang Mỹ cũng tăng 20%. Có 2 lý do dẫn tới điều này: (1) giá gừng Brazil đã có thể cạnh tranh với Trung Quốc vì rẻ gần bằng nhau, và (2) nhu cầu gừng ở các thị trường trên đang tăng nhanh, nhất là trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm và ở các nhà máy như sản xuất đồ uống…

Chuối Philippines xuất sang Trung Quốc rẻ

Chuối Philippines rất phổ biến trên thị trường Trung Quốc, với khối lượng xuất khẩu tăng hàng năm. Sản lượng chuối Philippines năm nay thấp hơn năm ngoái do bị dịch sâu ăn lá. Tuy nhiên, thị trường chuối Trung Quốc đang trong tình trạng cung vượt cầu nên giá chuối Philippines hiện chỉ 5-6 USD/thùng và có xu hướng sẽ còn giảm hơn nữa.

Philippines thu hoạch chuối quanh năm, tuy nhiên cũng có mùa chính và mùa phụ. Hiện không phải là mùa thu hoạch chuối chính, song nước này vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Trong số những thị trường này, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu nhiều nhất. Nhu cầu chuối ở Trung Quốc đặc biệt cao trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Những năm gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng đặt yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn chuối, nhất là về chất lượng.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 14/11

photo-1-15736908884381809558339

 

(Theo Trí thức trẻ)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ