Thị trường bất động sản Việt Nam: Khoảng lặng để nâng cấp

Nhàđầutư
COVID-19 đã tác động tiêu cực đối với ngành bất động sản, nửa đầu năm 2020 giao dịch nhà ở giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm gần đây. Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đánh giá đây là khoảng lặng cần thiết để nhìn lại và đáp ứng cung bậc cao hơn về trình độ phát triển của đất nước.
GS.TSKH NGUYỄN MẠI
08, Tháng 09, 2020 | 06:30

Nhàđầutư
COVID-19 đã tác động tiêu cực đối với ngành bất động sản, nửa đầu năm 2020 giao dịch nhà ở giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm gần đây. Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đánh giá đây là khoảng lặng cần thiết để nhìn lại và đáp ứng cung bậc cao hơn về trình độ phát triển của đất nước.

13

 

Khoảng lặng

Diễn biến của thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2020 làm chúng ta nhớ lại những năm 2011- 2013 là giai đoạn thị trường trầm lắng nhất, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm tốc độ cho vay và tỷ trọng dư nợ khu vực phi sản xuất so với năm 2010, do vậy nhiều dự án tạm dừng triển khai bởi vì 70%- 80% vốn đầu tư là tín dụng ngân hàng. Chủ đầu tư dự án phải bán tháo biệt thự, căn hộ trung, cao cấp, trong khi thiếu hụt căn hộ bình dân. Điển hình là dự án Hoàng Anh - Thanh Bình của Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai tại TP.HCM hạ giá từ 25-30 triệu đồng/m2 xuống 12- 15 triệu đồng/m2. Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 5/2012 đã ghi nhận số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ngừng hoạt động trong quý I/2012 tăng 91,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Xây dựng cho biết đến cuối tháng 5/2020 cả nước chỉ còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản hoạt động cầm chừng, đã có hơn 800 sàn giao dịch tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cữa. Các con số đó đã nói lên thực trạng của thị trường bất động sản nước ta trước dịch Covid 19, hàng trăm sàn giao dịch mọc lên như nấm sau cơn mưa, kinh doanh theo kiểu “lướt sóng” để kiếm lợi nhuận nhất thời; hiện nay một số doanh nghiệp địa ốc lớn cũng giảm sản lượng 30%- 70%, buộc phải sa thải lao động, làm tăng thêm số lượng người thất nghiệp, tạo gánh nặng cho xã hội.

Là ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị, nhà ở… nên khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng suy thoái đã tác động đến khoảng 50 ngành nghề khác như sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, vận chuyển, môi giới…; nợ xấu của ngân hàng tăng lên.

Tuy vậy, thị trường bất động sản năm nay khác với những năm đầu thập niên thứ hai thế kỷ XXI. Mặc dù thị trường “đóng băng” nhưng giá sản phẩm không giảm sâu trừ một số khách sạn nhỏ tại vài địa phương, thậm chí có phân khúc giá tăng nhẹ. 

Một số chuyên gia kinh tế và nhà quản trị doanh nghiệp tiếp cận thực trạng đó như là khoảng lặng cần thiết để đánh giá hoạt động bất động sản với nhiều góc độ, nhằm tìm ra định hướng mới thích ứng với quá trình phát triển của đất nước, đáp ứng nhu cầu của dân cư và cơ cấu lại doanh nghiệp tham gia thị trường; bởi vì khi thị trường phát triển thuận lợi thì nhiều nhà đầu tư bỏ qua nguyên tắc bền vững, tìm cách “lướt sóng” để “đánh nhanh, thắng nhanh”. Không thể phủ nhận rằng, một số nhà đầu tư đã thu được nhiều lợi nhuận bằng phương châm này, nhưng có không ít người khác thất bại. Tất yếu sẽ diễn ra quá trình thanh lọc tự nhiên; những nhà đầu tư “lướt sóng” sẽ không còn cơ hội để tồn tại; trong khi các doanh nghiệp có thực lực về vốn, công nghệ, nhân lực với chiến lược kinh doanh thích hợp sẽ phát triển.

Thực trạng thị trường hiện nay đã cảnh tỉnh giới kinh doanh bất động sản nước ta, buộc phải thay đổi tư duy và hành động để thích ứng với đòi hỏi cao hơn về tính bền vững của dự án bất động sản, chú trọng nghiên cứu thị trường, dự báo trung hạn về xu hướng biến động cung - cầu và giá cả sản phẩm, từ đó chuẩn bị vốn đầu tư bao gồm tín dụng ngân hàng, dòng tiền, tỷ suất lợi nhuận. Hy vọng rằng, khi tư duy và hành động của nhà đầu tư thay đổi thì tính bền vững của thị trường bất động sản của Việt Nam sẽ gia tăng, đáp ứng tốt hơn cả về số lượng và chất lượng nhu cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay mặc dù dịch Covid 19 bùng phát tại Đà Nẵng, lan ra nhiều địa phương khác nhưng do nước ta đã có kinh nghiệm phản ứng nhanh và có kết quả với hệ thống giải pháp đồng bộ nên hy vọng có thể khống chế dịch trong tháng 8, tạo điều kiện để nhanh chóng phục hồi kinh tế. Trên cơ sở đó, dự báo thị trường bất động sản sau thời gian bị nén sẽ được phục hồi theo hướng ổn định và có chất lượng cao hơn trong ngắn hạn.

Nhìn về dài hạn thì thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà phát triển với nhu cầu của 100 triệu người đang hướng tới mục tiêu có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trong đó có khoảng 15% thuộc tầng lớp trung lưu, do đó gia tăng nhanh chóng nhu cầu nhà ở, xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng kỹ thuật- xã hội.

Từ dự báo ngắn hạn và dài hạn thị trường bất động sản Việt Nam, dưới đây tập trung vào hai loại thị trường đang có tiềm năng phát triển nhanh với quy mô lớn là bất động sản công nghiệp và khu đô thị mới.

Bất động sản công nghiệp

Có hai nhân tố quan trọng làm cho bất động sản công nghiệp trở thành phân khúc được đánh giá là có tiềm năng lớn: (i) Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có xu hướng gia tăng do lợi thế cạnh tranh của Việt Nam được nâng lên rõ rệt, làn sóng dịch chuyển doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc và một số nước sang Việt Nam đang diễn ra và (ii) Doanh nghiệp trong nước, nhất là nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang quan tâm đến việc xây dựng các KCN gắn với khu đô thị mới.

14

 

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối 2019 cả nước có 335 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 96,5 nghìn ha, trong đó 256 KCN đã đi vào hoạt động và 79 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53%, của các KCN đã đi vào hoạt động đạt gần 75%; có 16 KKT ven biển với diện tích mặt đất và mặt nước là 730.553 ha (chưa tính 21 KKT cửa khẩu). Trong 16 KKT đã có 14 KCN, khu phi thuế quan đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất tự nhiên 4.000 ha và 20 KCN, khu phi thuế quan đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, với tổng diện tích đất tự nhiên 3.500 ha.

Có thể chia thành ba loại: 1) KCN đã được xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhưng chưa chú trọng hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học, bệnh viên, trung tâm thương mại, trung tâm thể thao; hiếm có KKT, KCN xây dựng khu đô thị để tạo điều kiện phát triển dồng bộ kinh tế - xã hội - môi trường; 2) KCN đã được quy hoạch đang hoặc sắp xây dựng hạ tầng kỷ thuật- xã hội chưa có các nghiên cứu khả thi nhu cầu của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, xu hướng phát triển của địa phương và vùng kinh tế để xây dựng phương án phát triển trung hạn và dài hạn; KCN được các địa phương xây dựng mới đang trình Chính phủ phê duyệt để đón làn sóng FDI mới và đầu tư trong nước.

Không chỉ những địa phương đã có nhiều KCN như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh mà còn có thêm các địa phương khác như Bắc Giang, Long An đang có nhu cầu xây dựng thêm KCN.

Do tính hấp dẫn của bất động sản công nghiệp nên một số tập đoàn kinh tế đã tham gia vào phân khúc này. Vingroup thông qua công ty con là Vinhomes đã có dự án đầu tiên. Tháng 3/2020, Công ty cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes- Vinhomes IZ ( công ty con của Vinhomes) tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng đã có Dự án KCN Thủy Nguyên (Hải Phòng) với vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng và Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía nam sông Lục Lâm (Quảng Ninh) với vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng.

Công ty cổ phần đầu tư Tân Thành Long An và Công ty TNHH Quản lý KCN Sáng tạo Việt Nam (VNIP) đầu tư tại KCN Việt Phát (Long An) dự án KCN và khu đô thị trên diện tích 1.825 ha, trong đó KCN 1200 ha và khu đô thị 625 ha.

Becamex Bình Dương đầu tư Dự án KCN Becamex Bình Định trên diện tích 1.000 ha, vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng. Ngoài ra, Becamex Bình Định còn có 400 ha xây dựng khu đô thị và các công trình dịch vụ.

Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã kiến nghị với UBND tỉnh Đồng Nai chuyển đổi mục đích sử dụng 18.000 ha cây cao su tại các huyện Thống Nhất, Long Kháng, Long Thành, Cẩm Mỹ sang KCN, cụm công nghiệp 5.000 ha và sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và khu đô thị.

Tại Nghị định của Chính phủ số 82/2018 về quản lý KCN, KKT đã quy định về xây dựng “Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ” và “Khu Công nghiệp sinh thái” để định hướng phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội - môi trường nhằm mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, phát thải ít khí gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà đầu tư cần lưu ý một số nội dung sau đây:

“Điều 36. Mục tiêu phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ

1. Hình thành khu vực đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp, gắn kết giữa phát triển khu công nghiệp với quá trình đô thị hóa tại các địa phương.

2. Giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác đảm bảo cuộc sống của công nhân trong khu công nghiệp, phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững.

3. Góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều khu công nghiệp, phát triển các khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ.

4. Hình thành khu vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ với môi trường sinh sống, làm việc hiện đại, đầy đủ tiện nghi, tiện ích cho người dân, người lao động; hướng tới phát triển thành các thành phố công nghiệp, đô thị thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế.           

Điều 38. Trình tự, thủ tục đầu tư khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ

3. Khu chức năng đô thị - dịch vụ chỉ được triển khai đồng thời hoặc sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng cơ bản của khu công nghiệp.

Các nhà đầu tư của các khu chức năng có trách nhiệm phối hợp để đảm bảo tính kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật; các khu chức năng đô thị - dịch vụ phải hỗ trợ cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp.

Điều 39. Ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ

2. Nhà đầu tư sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp của khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ được hưởng các ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định này. Nhà đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu chức năng khác của khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật tương ứng với các khu chức năng.

Điều 40. Mục tiêu phát triển khu công nghiệp sinh thá

1. Nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp trong khu công nghiệp thông qua việc áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và xây dựng mối liên kết cộng sinh công nghiệp.

2. Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong và xung quanh khu công nghiệp thông qua việc giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, các phương pháp sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường.

3. Hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Điều 41. Chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái

3. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được khuyến khích hợp tác với nhau hoặc với bên thứ ba để sử dụng hoặc được cung cấp chung hạ tầng dịch vụ, nguyên phụ liệu và các yếu tố đầu vào sản xuất; được phép tái sử dụng chất thải, phế liệu và năng lượng dư thừa của mình và của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

4. Việc xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái được thực hiện thông qua quy hoạch, bố trí hợp lý các phân khu chức năng thu hút các doanh nghiệp có ngành, nghề tương đồng hoặc hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp.

6. Các cơ quan, tổ chức và nhà đầu tư được khuyến khích xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sử dụng hiệu quả tài nguyên trong khu công nghiệp để hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp tạo ra nhu cầu đầu tư quy mô lớn cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước theo định hướng mới với nhiều loại hình khác nhau, trong khi cần đất sạch với hạ tầng kỹ thuật- xã hội đồng bộ cho các tập đoàn kinh tế lớn, thì cũng cần xây dựng nhà xưởng để doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê theo hai hướng: nhà xưởng xây sẵn (RBF) và nhà xưởng xây dựng theo yêu cầu của nhà đầu tư (BTS).

Sau một thời gian thực hiện Nghị định số 82/2018 của Chính phủ, Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT đã kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện thực hiện cơ chế hành chính “một cửa, một cửa tại chỗ” hỗ trợ nhà đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; cần có sự phân cấp, ủy quyền cụ thể, rõ ràng, ủy quyền nhiệm vụ của các Sở, ngành tại địa phương. Việc phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý cần thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Khi chức năng quản lý nhà nước KCN, KKT thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý thì lúc đó quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý với các Sở, ngành tại địa phương mới thực sự hiệu quả, tạo sự thông thoáng trong cơ chế chính sách, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Khu đô thị

Mười năm trước đây do nhu cầu nghỉ dưỡng của người Việt Nam gia tăng nhanh, khách du lịch quốc tế đến nước ta ngày càng nhiều nên đã khởi đầu xu hướng xây dựng nhiều resort ven biển để tận dụng lợi thế bãi biển đẹp, nhiều nắng, ẩm thực ngon và rẻ̉, thái độ thân thiện của người dân.

Dịch Covid 19 đã làm đình trệ ngành du lịch kéo theo các nhà hàng ăn uống, khách sạn, resort. Từ tháng 5 du lịch trong nước dần phục hồi và dự báo khi nước ta kiềm chế được dịch, nối lại đường bay quốc tế thì cùng với du lịch trong nước được gia tăng, du lịch quốc tế sẽ phục hồi, tạo tiền đề để phát triển các khu đô thị ven biển.

Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm trong phân khúc này nhân định rằng, những năm trước đây khu đô thị ven biển được coi là “xa xỉ” chỉ dành cho những người giàu có, được xây dựng tại một số địa phương có lợi thế về không gian và hạ tầng kỹ thuật- xã hội như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu thì hiện nay do đất nước đã phát triển, giao thông đường bộ đang được xây dựng khá hiện đại, đường hàng không khá thuận tiện để di chuyển giữa các địa phương, trong khi thu nhập của dân cư tăng nhanh, số người tham gia đầu tư và nghỉ dưỡng ngày càng nhiều, do đó nhu cầu khu đô thị ven biển rất lớn, trong điều kiện Nhà nước ban hành thể chế khuyến khích với ưu đãi hấp dẫn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế.

Một số chủ đầu tư nhận dịnh rằng, người Việt Nam có khuynh hướng tiết kiệm, tìm đến dự án khu đô thị ven biển để sở hữu căn hộ hay biệt thự như một kênh đầu tư với hai mục đích: sử dụng cho gia đình và người thân vào dịp nghỉ hè, lễ, tết; cho thuê lấy lãi. Điều đó tạo cơ hội cho nhà đầu tư có chiến lược và phương thức thích hợp huy động vốn, tạo ra kênh đầu tư hấp dẫn đối với dân cư.

Tập đoàn Novaland đã mua lại dự án Thung Lũng Đại dương (Ocean Valley) của Công ty TNHH Delta Valley Ninh Thuận với diện tích 1.000 ha. Dự án này đã được dừng từ năm 2013; hiện nay đang được triển khai nhanh chóng để xây dựng Trung tâm nghỉ dưỡng, giải trí, vui chơi hiện đại.

Tập đoàn Hưng Thịnh đã chi ra hàng nghìn tỷ đồng mua lại dự án hơn 1.000 ha tại Nhơn Hội (Bình Định) vốn “đắp chiếu” trong nhiều năm. Hưng Thịnh đang triển khai xây dựng khu phức hợp nhà ở, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, dự kiến sẽ đưa ra thị trường vào cuối năm 2020.

Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản TP.HCM quý II của CBRE Việt Nam nhận định rằng, đang có xu hướng phát triển nhanh chóng các khu đô thị quanh TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An mà khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư, người mua nhà để ở đến từ TP.HCM. Nhiều khu đô thị hình thành dọc các trục giao thông lớn kết nối với TP.HCM có tỷ lệ bán từ 70 đến 100%.

Những đô thị sinh thái quy mô lớn được quy hoạch bài bản như dự án đô thị sinh thái thông minh Aqua City do Tập đoàn Novaland triển khai nằm trên trục Hương lộ 2 phía Đông TP.HCM gần 1.000 ha với sông nước bao quanh đang là một trong những “điểm sáng” hiện tại. Thừa hưởng điều kiện tự nhiên hiện hữu và quỹ đất rộng lớn, Aqua City dành đến 70% diện tích cho mảng xanh, hạ tầng giao thông và tiện ích hoàn chỉnh mang đến chất lượng sống tốt hơn.

Đại diện Aqua City khẳng định: “Chúng tôi không phát triển tiện ích chạy theo mà là đón đầu nhu cầu, định hướng cư dân đến với lối sống văn minh, hiện đại và gắn liền với thiên nhiên, thông qua những hoạt động lành mạnh như thể thao, yoga ngoài trời, chèo thuyền kayak, trình diễn nghệ thuật... Thậm chí, thiên nhiên còn hiện hữu trong từng góc nhỏ của mỗi ngôi nhà”.

15

 

Một phương thức đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm trên thị trường bất động sản là Mua bán & Sáp nhập (M&A). Một số nhà đầu tư thông qua M&A để cơ cấu lại dự án đầu tư và quỹ đất nhằm vượt qua khó khăn trong giai đoạn trước mắt. Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh cho biết: “Xu hướng hiện nay của Đất Xanh là chuyển nhượng hết dự án nhỏ để tập trung vào dự án quy mô lớn, hiệu quả cao hơn”.

Có nhà đầu tư thông qua M&A để chuyển nhượng cổ phần ở các ngành nghề, lĩnh vực khác để tập trung vào thị trường bất động sản. Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức đã bán toàn bộ 40% cổ phần với giá trị 85,75 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Quản lý kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, do nguồn thu chính của Công ty này là dịch vụ, không có khả năng tham gia vào lĩnh vực bất động sản.

Thị trường bất động sản đang đứng trước thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi, nâng cấp trình độ phát triển, do đó cũng là cơ hội nếu nhà đầu tư và doanh nghiệp biết tận dụng để cơ cấu lại bộ máy và con người thích ứng với giai đoạn phát triển bền vững hơn.

Kết luận

Doanh nghiệp và Nhà nước là hai chủ thể của thị trường cần đồng hành để giải quyết khó khăn và nâng cấp hoạt động.

Doanh nghiệp cần vạch ra kế hoạch ngắn hạn để khắc phục khó khăn và khiếm khuyết trong giai đoạn vừa qua, đồng thời xây dựng chiến lược dài hạn phù hợp với tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân lực để chủ động cơ cấu lại tổ chức và dự án theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng vào định hướng của Chính phủ phát triển thị trường trong trung hạn và dài hạn. Doanh nghiệp cần coi trọng việc chuyển đổi sang kinh tế số, công nghệ thông tin, dữ liệu lớn với quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu đổi mới và sáng tạo. Đó là một quá trình từ 3 đến 5 năm, nhưng phải bắt đầu càng sớm càng tốt.

Chính phủ đã có nhiều chủ tương, chính sách và cơ chế hổ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để vượt qua khó khăn do dịch Covid 19 gây ra. Tuy vậy, thị trường bất động sản tồn tại nhiều bất cập về pháp lý riêng, nên Chính phủ cần tổng hợp kiến nghị của các địa phương, các ngành và doanh nghiệp để xử lý một cách có hệ thống, có kết quả, tạo thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển các phân khúc thị trường.

Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định có liên quan đến Luật Đất đai với thủ tục hành chính đơn giản. Việc thực thi pháp luật cũng được các nhà đầu tư quan tâm và kiến nghị Chính phủ xử lý nghiêm minh những cơ quan, cá nhân và người đứng đầu các tổ chức không làm theo sự chỉ đạo của Chính phủ, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cản trở quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ