EVN: Tạo điều kiện tối đa thúc đẩy điện mặt trời mái nhà phát triển

Nhàđầutư
Công khai minh bạch mọi thông tin, Tích cực tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư...
HỒNG HOA
01, Tháng 09, 2020 | 09:56

Nhàđầutư
Công khai minh bạch mọi thông tin, Tích cực tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư...

Đó là khẳng định của ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về những nỗ lực của tập đoàn trong việc thúc đẩy điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phát triển.

Thưa ông, ông có thể chia sẻ về tình hình phát triển ĐMTMN tại Việt Nam hiện nay?

Ông Võ Quang Lâm: Phải khẳng định rằng, thời gian qua, với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước (Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg), điện mặt trời nói chung, ĐMTMN nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần bổ sung nguồn công suất cho hệ thống điện.

evn1

Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Tính đến ngày 31/7/2020, cả nước đã có 42.694 dự án ĐMTMN với tổng công suất 917 MWp được lắp đặt và đưa vào sử dụng. Các dự án này đã phát huy được các ưu điểm của ĐMTMN như: Đáp ứng nhu cầu tại chỗ, tiết kiệm tài nguyên đất, giảm áp lực cho lưới điện truyền tải… Đặc biệt, ĐMTMN đã giúp các chủ đầu tư, khách hàng giảm tiền điện sử dụng hàng tháng, tăng doanh thu nhờ bán lại sản lượng điện dư cho EVN.

Dù vậy, việc phát triển ĐMTMN vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, thưa ông?

Đúng vậy. Hiện trên địa bàn cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung, miền Nam có một số hệ thống ĐMTMN đã phát điện, ngành Điện cũng đã lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều nhưng chưa thể ký hợp đồng mua bán điện. Nguyên nhân lớn nhất là chưa thể phân biệt được đây là dự án ĐMTMN hay ĐMT nối lưới.

Cụ thể, có rất nhiều dự án ĐMT gần 01 MWp thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp, chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng để xác định có phải là ĐMTMN hay không. Bên cạnh đó, việc xác định “tấm pin quang điện lắp đặt trên mái nhà” theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cũng gặp khó khăn do hình thức “mái nhà” rất đa dạng (mái tôn, mái nhựa, tấm lấy sáng, bạt nilon,…), cách thức lợp mái (trên/ dưới xà gồ,…), trong khi các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể.

Ngoài ra, nhiều hệ thống ĐMTMN được đầu tư theo cụm 3-8MW (mỗi dự án < 1 MW) tại cùng 1 địa điểm, của 1 chủ đầu tư và đấu nối tại 1 điểm hoặc nhiều điểm,... cũng gây khó khăn cho ngành Điện trong việc xác nhận hệ thống ĐMTMN để ký hợp đồng mua bán điện.

Một khó khăn nữa là quy định khác nhau của các địa phương về quản lý thuế, hóa đơn với các đối tượng không phải doanh nghiệp (hộ dân, công sở, trường học…); về quản lý xây dựng, đất đai,… cũng gây lúng túng cho các công ty điện lực.

Còn lo ngại về vấn đề giải tỏa công suất thì sao, thưa ông?

Một trong những mục tiêu của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khi ban hành mức giá ĐMTMN cao hơn điện mặt trời nối lưới, là nhằm thúc đẩy ĐMTMN phát triển nhanh, bởi đặc tính phân tán, đáp ứng nhu cầu phụ tại tại chỗ.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chủ đầu tư triển khai các dự án ĐMTMN kết hợp với trang trại nông nghiệp công nghệ cao với công suất gần 1 MWp. Đáng nói, phần lớn các dự án này đều tập trung tại các địa phương bức xạ mặt trời tốt nhưng phụ tải tiêu dùng điện lại ít như: Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Đak Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận…., gây nguy cơ quá tải cục bộ lưới điện trung áp. 

Theo tính toán, lưới điện của các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung và miền Nam đang bị quá tải cục bộ. Cụ thể, trên địa bàn miền Trung và miền Nam (trừ TP.HCM) hiện có 4.090 dự án, với tổng công suất 2.218 MWp đã và đang thỏa thuận đấu nối nhưng chưa vận hành thương mại; trong đó, số dự án vượt khả năng giải tỏa công suất lưới điện là 750, với tổng công suất 643 MWp. Còn lưới điện khu vực miền Bắc, TP. Hà Nội và TP.HCM không bị quá tải.

Cần phải làm gì để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên, thưa ông?

Thời gian qua, EVN đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho chủ đầu tư ĐMTMN trong thanh toán cũng như kí các hợp đồng mua bán điện. Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, EVN đã có 2 văn bản (số 3773/EVN-TTĐ ngày 30/6/2020 và số 4972/EVN-KD ngày 23/7/2020), báo cáo Bộ Công Thương về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển ĐMTMN, đề xuất phương án tháo gỡ.

Tại buổi làm việc trực tiếp với EVN mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đã cam kết sẽ sớm có văn bản hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo báo cáo của Tập đoàn, để EVN và các đơn vị trực thuộc triển khai đúng Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Công thương, EVN đã chỉ đạo các đơn vị điện lực công khai, minh bạch mọi thủ tục, quy trình đấu nối, thỏa thuận mua bán điện,… để nhà đầu tư nắm được thông tin.

Với vấn đề quá tải, EVN đã yêu cầu các đơn vị chủ động công khai danh sách các trạm biến áp/đường dây (110kV, trung áp, hạ áp) bị quá tải, danh sách các trạm biến áp/đường dây chưa bị quá tải và lượng công suất ĐMTMN còn khả năng đấu nối theo từng khu vực quận/huyện, để chủ đầu tư nắm rõ, từ đó có kế hoạch đầu tư dự án ở các khu vực phù hợp, để phát huy tối đa hiệu quả của các công trình.

Những khu vực đầy tải, quá tải, EVN chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới trung áp trong năm 2020, nhằm tạo điều kiện và khuyến khích tối đa cho các nhà đầu tư tham gia phát triển ĐMTMN.

Ngoài ra, với những hệ thống ĐMTMN mới, dưới 1 MW, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho phép các Công ty Điện lực chỉ ký thỏa thuận đấu nối với những khu vực còn khả năng giải tỏa công suất, nhằm hạn chế việc các nhà đầu tư tập trung vào một khu vực… Riêng các hệ thống ĐMTMN có công suất nhỏ hơn 100 kWp, EVN sẽ thực hiện đấu nối cho tất cả các công trình khi chủ đầu tư đăng ký.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng tạo mọi điều kiện, khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt ĐMTMN. Cụ thể, EVN yêu cầu các Tổng công ty Điện lực/Công ty điện lực khi khách hàng có nhu cầu bán lại điện cho ngành Điện, trong vòng 2 ngày khi có thông tin, phải trang bị công tơ 2 chiều miễn phí cho người dân và kí các hợp đồng mua bán điện. Đặc biệt, khách hàng không cần đến trụ sở điện lực, CBCNV ngành Điện sẽ đến tận nhà thực hiện kí kết các hợp đồng theo phương thức điện tử.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ