Sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp - Chủ trương đúng, lợi ích lớn, vẫn khó thực hiện

Nhàđầutư
Sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp nhằm đáp ứng được nhu cầu vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển kinh tế bền vững là vấn đề mà tỉnh Quảng Ninh và ngành than dành sự quan tâm lớn.
ĐẶNG NHUNG
06, Tháng 07, 2023 | 07:00

Nhàđầutư
Sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp nhằm đáp ứng được nhu cầu vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển kinh tế bền vững là vấn đề mà tỉnh Quảng Ninh và ngành than dành sự quan tâm lớn.

Trung bình mỗi năm lượng đất đá bóc xúc, đổ thải của các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đạt trên 150 triệu m³. Cộng với quá trình khai thác than trong hàng thập kỷ qua đã khiến cho lượng đất đá thải chất thành núi. Chỉ tính trên địa bàn TP Hạ Long và TP Cẩm Phả đã có 6 bãi thải mỏ lớn với độ cao trung bình từ 200 đến 400m. Những quả núi đất đá thải không chỉ phát tán bụi bẩn mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lỏ đe doạ đến an toàn của các khu dân cư phía dưới.

Từ chủ trương

Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than đã luôn tìm các biện pháp để giải quyết vấn đề này, vừa để bảo vệ môi trường, vừa tận dụng nguồn đất đá thải mỏ phục vụ cho lợi ích phát triển khác. Thực tế những năm gần đây, quá trình đô thị hóa cao, tỉnh triển khai nhiều dự án, công trình đòi hỏi khối lượng san lấp mặt bằng rất lớn. Theo tính toán nhu cầu khối lượng san lấp đến năm 2025 là 595 triệu m³; giai đoạn 2026-2030 là 510 triệu m³. Do vậy việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp vừa đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt về vật liệu san lấp mặt bằng, tiết kiệm được kinh phí cho cải tạo, phục hồi môi trường, vừa giải quyết được vấn đề diện tích đổ thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn.

g2 (2)

Trung bình mỗi năm, sản lượng đổ thải tại bãi thải mỏ Bàng Nâu khoảng 40 triệu m³ đất đá thải

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc sử dụng nguồn đất đá thải mỏ thay thế nguồn đất đồi truyền thống là minh chứng rõ nét trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn; Đồng thời hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Qua đó, giải quyết vấn đề nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ phát triển kinh tế và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác than, giảm thiểu tác động các bãi thải mỏ tới đời sống nhân dân trên địa bàn.

Theo đó từ năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị ngành than đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết một số cơ chế, chính sách cấp phép cho việc sử dụng đất đá thải mỏ. Theo Quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh đã xác định 32 điểm bãi đất đá thải mỏ, trong giai đoạn 2021 - 2030 có thể cung cấp trữ lượng khoảng 965 triệu m³, công suất trung bình một năm đạt 170 triệu m³.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp được Bộ TN&MT đồng ý cho khai thác thu hồi với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m³. Bãi thải vỉa 14 cánh tây của Công ty cổ phần than Núi Béo (0,8 triệu m3); Bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng Công ty Đông Bắc (3,5 triệu m3); Bãi thải Suối Lại của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (3,5 triệu m3); Bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng Công ty Đông Bắc (4,6 triệu m3). Ngày 24/11/2021, TKV đã chính thức khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Công ty Chế biến than Quảng Ninh là đơn vị được TKV giao quản lý và khai thác đất đá thải mỏ.

Screen Shot 2023-07-05 at 11.33.59 PM

Đất đá thải mỏ Bắc Bàng Danh (CTCP Than Hà Tu)

Đến thực tế

Một chủ trương đúng nếu được triển khai hiệu quả sẽ mang lại lợi ích lớn, còn nếu nó không được thực hiện một cách triệt để thì chỉ như con thuyền mắc cạn.

Ông Đinh Nguyễn Tú Anh, Phó Giám Công ty Chế biến than Quảng Ninh (đơn vị được TKV giao quản lý và khai thác đất đá thải mỏ) cho biết: Việc khai thác sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp là chủ trương, hướng đi phù hợp với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh. Đây là hướng phát triển kinh tế tuần hoàn vừa đáp ứng được nhu cầu về san lấp mặt bằng, tiết kiệm được kinh phí cho cải tạo, phục hồi môi trường, nên khi được giao nhiệm vụ đầu mối của TKV trong việc quản lý khai thác, cung cấp đất đá thải mỏ chúng tôi rất phấn khởi. Công ty Chế biến than Quảng Ninh đã thành lập Phân xưởng Khai thác và Kinh doanh đất đá thải mỏ chuẩn bị sẵn sàng nhân lực phục vụ khai thác hiệu quả đất đá thải mỏ cung cấp cho các đối tác, khách hàng. Nhưng cho đến nay chúng tôi mới ký được một hợp đồng cung cấp đất, đá thải mỏ cho dự án cầu Cửa Lục 3 khoảng gần 20.000m3.

Được biết, ngoài Dự án Cầu Cửa Lục 3, mới đây có thêm một số dự án ở Đông Triều đã sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp với số lượng không nhiều, còn các dự án trọng điểm khác dù đang rất “khát” vật liệu san lấp nhưng vẫn chưa “dùng” đến nguồn vật liệu này.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh, lý do các doanh nghiệp không mặn mà với sử dụng đất đá thải mỏ là vì chi phí cao; Trung bình giá 1m3 đất đá thải mỏ mà Công ty Chế biến than Quảng Ninh bán cho các đơn vị là 34.000 đồng, chưa kể cung đường vận chuyển xa, chi phí lớn. Còn theo lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh nhiều doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi xin khai thác các mỏ đất, đá tự nhiên vì dễ khai thác, cùng đường vận chuyển thuận tiện hơn.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, việc thiếu vật liệu san lấp là nguyên nhân làm chậm tiến độ đối với nhiều dự án trọng điểm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh hiện nay. Tính đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh mới giải ngân trên 3.000/14.200 tỷ đồng, đạt 21,3% so với số kế hoạch đã phân khai chi tiết. Mặc dù có cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước (đạt 20,1%), tuy nhiên vẫn thấp hơn 7,8% so với cùng kỳ năm 2022 của tỉnh (cùng kỳ là 29,1%).

Để tháo gỡ cho các đơn vị khâu vận chuyển, tỉnh Quảng Ninh đề nghị các bên tính toán đầu tư các tuyến băng tải; nghiên cứu xây dựng đơn giá, phương án vận chuyển phù hợp, hiệu quả nhất; nạo vét luồng tuyến sông Diễn Vọng đoạn từ cảng Làng Khánh ra vịnh Cửa Lục và các thủ tục cấp phép bến cảng tạm tại các dự án để giảm bớt chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp.

Hiện nay trên toàn quốc các đơn vị, doanh nghiệp thi công các dự án, công trình đang khan hiếm nguyên vật liệu san lấp mặt bằng, thì việc Quảng Ninh có hàng núi đất đá thải mỏ có thể dùng để san lấp mặt bằng là một lợi thế lớn nhằm khắc phục tình trạng thiếu vật liệu san lấp. Chưa kể việc sử dụng nguồn đất đá thải mỏ dồi dào đó còn góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm an sinh cho người dân, đóng góp vào chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh bền vững của tỉnh. Vì vậy tỉnh Quảng Ninh cần phải có những biện pháp kiên quyết hơn với những đơn vị chỉ kêu khó mà không thực hiện.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ