Sống cạnh 5 nhà máy thủy điện, đồng bào vùng cao Quảng Nam vẫn “kêu trời” vì thiếu điện

Nhàđầutư
Những hộ đồng bào dân tộc nghèo, các cơ quan nhà nước, doanh nghiêp, hộ kinh doanh, bệnh nhân điều trị tại bệnh viện ở tỉnh Quảng Nam đang nơm nớp nỗi lo cúp điện giữa chừng.
THU HỒNG - VĂN DŨNG
30, Tháng 05, 2019 | 06:33

Nhàđầutư
Những hộ đồng bào dân tộc nghèo, các cơ quan nhà nước, doanh nghiêp, hộ kinh doanh, bệnh nhân điều trị tại bệnh viện ở tỉnh Quảng Nam đang nơm nớp nỗi lo cúp điện giữa chừng.

5 nhà máy thủy điện, chưa có nổi 1 trạm biến áp?

Thực tế này diễn ra từ nhiều năm qua ở huyện vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nghịch lý mà ai cũng có thể thấy là địa phương có đến 5  nhà máy thủy điện, trong đó 3 nhà máy đã đi vào hoạt động, mỗi ngày đem lại nguồn thu cho nhà đầu tư hàng chục tỷ đồng.., vậy mà không hiểu sao ngành điện không đầu tư nổi 1 trạm biến áp, để người dân vùng đặc biệt khó khăn phải sống trong nỗi lo cúp điện.

Điện cúp bất thình lình, có ngày cúp cả chục lần. Máy móc khởi động liên tục dẫn đến hư hỏng, thậm chí có người đang thở bằng máy trong bệnh viện cũng đối diện với việc nguy hiểm đến tính mạng do điện bị cúp. Chính quyền gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư vì thiếu điện.

Nhiều người ví von “sống ở thời đại 4.0 nhưng điện lại là 0.4”

tram dien ps

Máy phát điện của Điện lực Quảng Nam đưa lên huyện Phước Sơn, nhưng không hiểu sao cả năm nay chưa phát điện một lần

Ông Lý Minh Tám, chủ Nhà hàng Khách sạn Lý Châu Giang ở huyện vùng cao Phước Sơn kể, mấy năm trước có thủy điện Đăk Sa cấp điện trực tiếp cho vùng thị trấn Khâm Đức nên ít bị cúp. Chẳng hiểu sao gần đây, khi chủ đầu tư Thủy điện Đăk Sa bán lại nhà máy cho doanh nghiệp khác, họ đầu tư và hòa vào mạng lưới điện quốc gia nên không thể cấp điện trực tiếp cho vùng này nữa. Thế là bà con phải sống trong nỗi lo phập phồng điện cúp.

Ông Tám cho biết, trong vòng 3 đến 4 năm trở lại đây, điện mất liên tục “mỗi lần bị mất điện chúng tôi phải chạy máy dự phòng vừa tốn tiền dầu, vừa hư hao thiết bị. Chưa kể, khi có điện trở lại thì toàn bộ thiết bị phải khởi động, tốn kém rất nhiều. Hộ kinh doanh như tôi trước kia mỗi tháng đóng chừng 20 triệu tiền điện, nay thì số tiền tăng gấp đôi. Rồi tiền sửa máy phát, tiếng động máy phát làm ồn các hộ dân xung quanh. Các thiết bị điện như: máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy... bị ảnh hưởng rất nhiều.

Thời gian gần đây, nhiều thiết bị điện của khách sạn cháy liên tục do điện có rồi mất liên tục trong ngày. Ông Lý Minh Tám chua chát: “mấy ngày gần đây tôi đã phải chi 80 triệu đồng để mua mới máy giặt và máy sấy do bị hư hỏng. Có những ngày mất điện đến vài chục lần. Không chỉ doanh nghiệp chúng tôi mà toàn bộ bà con nơi đây rất bức xúc khi bỏ tiền mua điện mà không được sử dụng điện. Cứ mãi kiểu này thì ai còn dám đầu tư vào đây”.

Điều đáng nói là dù cắt điện triền miên và kéo dài trong nhiều tháng qua nhưng ngành điện Quảng Nam không hề có thông báo chính xác thời gian. Thực trạng này đã làm nhiều phòng khám đa khoa khu vực miền núi, dù được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại nhưng không thể khám chữa bệnh cho nhân dân, vì cứ triển khai phẫu thuật là điện lại cắt giữa chừng… Được đầu tư xây dựng với công suất 30 đến 35 giường bệnh nhưng Phòng khám đa khoa ở huyện Phước Sơn không có lấy một bệnh nhân.

Một số doanh nghiệp ở thị trấn Khâm Đức cho hay, theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân tự bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng sẽ được mua giá điện thấp để thu hồi lại vốn. Đằng này, có doanh nghiệp đầu tư trạm biến áp, kéo điện từ đường dây trung thế vào đến khu sản xuất nhưng không được hỗ trợ đồng nào. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải mua điện sau công tơ cũng như những hộ mà nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng. 

ks phuoc son

Khách sạn Lý Châu Giang ở huyện Phước Sơn - Quảng Nam

Trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn, Ông Phạm Thế Quyền, Bí thư Huyện ủy Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, ở huyện có quy hoạch phát triển 5 nhà máy thủy điện, công suất khoảng 400 MW. Hiện đã có 3 nhà máy đi vào hoạt động, công suất 270MW. Dòng điện đã hòa lưới điện quốc gia nhưng người dân địa phương thì không được dùng nguồn điện trực tiếp từ các nhà máy điện.

Theo ông Quyền, điện ở huyện Phước Sơn được cấp từ đường dây 35, kéo từ huyện Thăng Bình lên đến Phước Sơn khoảng 70km. Đường dây đầu tư đã lâu (trên 20 năm) lại không được sửa chữa, nâng cấp  nên việc cấp điện không đảm bảo an toàn, chất lượng kém, dẫn đến rât khó khăn trong công việc sản xuất kinh doanh, cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây.

“Điện chập chờn làm sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nhất là vào ban đêm, cứ mất điện liên tục thế này sẽ làm ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu, rồi việc khám chữa bệnh, điều trị của nhân dân cũng rất khó khăn. Nói chung, việc cấp điện không đảm bảo liên tục sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và đời sống của nhân dân”, ông Quyền nói.

Cũng theo ông Quyền, huyện Phước Sơn được Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực phê duyệt Trạm biến áp 110kv tại Khâm Đức cách đây đã hơn 4 năm, nhưng rất chậm triển khai: “chúng tôi có hỏi thông tin thì được trả lời là do phụ tải ít. Nhưng trên thực tế thì địa bàn rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào các lĩnh vực như: chế biến lâm sản, nông sản, khoáng sản và du lịch nữa nhưng không có điện nên cũng rất khó triển khai. Qua đây, huyện cũng đề nghị Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm có kế hoạch đầu tư sớm Trạm biến áp này. Đối với vùng đặc biệt khó khăn, nên có những tính toán ưu tiên nhất định, còn nếu chỉ tính về hiệu quả kinh doanh không thì không biết khi nào địa phương mới được dùng nguồn điện ổn định”.

Thu tiền tỷ mỗi ngày nhưng vẫn “khát vốn”

Trả lời Nhadautu.vn, ông Ngô Tấn Cư, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, trước đây Trạm 110KV Phước Sơn được đầu tư sử dụng bằng vốn WB, nhưng khi làm lại thiếu vốn nên tiến độ bị chậm. Mới đây, ngày 21/5, Bộ Công thương mới phê duyệt được vốn. “Chúng tôi sẽ cố gắng đến cuối năm 2020 sẽ có điện ở trạm 110KV Phước Sơn, khi đó chất lượng điện ở đây sẽ ổn định hơn”, ông Cư nói.

Theo ông Cư, Điện lực miền Trung đã chỉ đạo quyết liệt, đã huy động nguồn lực lên trên đó để khắc phục. “Sắp tới, chúng tôi sẽ huy động thêm mấy trăm người lên đó để khắc phục, phát quang cây cối và trong 3 tháng tới chắc chắn tình hình điện ở đây sẽ khác hơn bây giờ”, ông Cư khẳng định.

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Tập đoàn Điện lực trả lời là họ đang sắp xếp để đưa vào kế hoạch, nhưng mà cũng trì hoãn miết, giờ dự kiến đưa vào kế hoạch trung hạn cho giai đoạn sau vì giai đoạn này chưa bố trí được đường dây 110Kv để phục vụ cho huyện Phước Sơn và Hiệp Đức. Khi có đường dây này thì đảm bảo việc cấp điện sẽ ổn định.

“Đầu tư đường dây này là điện lực đầu tư chứ không phải tỉnh đầu tư, tỉnh cũng đã có rất nhiều văn bản đề nghị điện lực đầu tư sớm trạm điện 110KV và kéo đường dây xuống Phước Sơn, Hiệp Đức. Nhưng Tập đoàn Điện lực lại là một doanh nghiệp, họ cũng phải tính toán, cân nhắc, và cũng đã cam kết nhiều nhưng tiến độ cũng rất chậm”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, đứng về góc độ địa phương, tỉnh vẫn tiếp tục đề nghị Tập đoàn Điện lực phải tính toán vì đây không phải là vấn đề kinh doanh mà còn về vấn đề chính trị xã hội nữa nên họ phải sớm đưa vào kế hoạch đầu tư.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ