Shopee, Lazada khó thống trị thương mại điện tử Việt Nam

Shopee, Lazada đã chi phối phần lớn thị phần Đông Nam Á nhưng riêng tại Việt Nam, Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động... đã không cho họ làm điều này.
QUỲNH TRANG
15, Tháng 03, 2020 | 13:28

Shopee, Lazada đã chi phối phần lớn thị phần Đông Nam Á nhưng riêng tại Việt Nam, Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động... đã không cho họ làm điều này.

Theo thống kê của công ty thương mại điện tử iPrice, website của hai gã khổng lồ Lazada, Shopee chiếm tới 80-90% lượng truy cập toàn thị trường ở Malaysia, Thái Lan, Phillipines, Singapore. Trong khi đó, họ chỉ chiếm chưa tới 35% thị phần ở Việt Nam. Điều này cho thấy, hai ông lớn chiếm vị thế áp đảo tại các nước trong khu vực nhưng lại vấp phải sự kháng cự khốc liệt ở Việt Nam. 

Tính về lượng truy cập, các website thương mại điện tử nội địa ở Việt Nam xếp thứ nhì Đông Nam Á về mức độ cạnh tranh với các công ty quốc tế, chỉ sau Singapore. Tuy nhiên, cần lưu ý Singapore chính là nơi đăng ký hoạt động kinh doanh của hai gã khổng lồ Lazada và Shopee - đứng sau là Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc. 

Như vậy, Việt Nam dẫn đầu khu vực về thị phần traffic của các công ty thương mại nội địa (66%). Indonesia xếp sau Việt Nam với tổng lượng truy cập của các tay chơi nội chiếm khoảng 62%.

Luong-truy-cap-cua-cong-ty-TMD-2076-3783-1583696261

Nguồn: Bản đồ thương mại điện tử iPrice

Ông David Chmelar, Giám đốc Công ty thương mại điện tử iPrice đánh giá: "Tại Đông Nam Á, có hai quốc gia mà các công ty nội địa rất thành công là Việt Nam và Indonesia".

Ở Indonesia có Tokopedia, Bukalapak, Blibli. Ở Việt Nam có Tiki và Sendo đứng đầu cùng những cái tên khác. Trong khi ở các thị trường còn lại như Malaysia, Thái Lan hay Phillipines, có rất ít đối thủ cạnh tranh được với Lazada hay Shopee. 

Theo iPrice, các công ty thương mại điện tử nội địa Việt Nam có một phần lợi thế nhờ dân số trẻ, đội ngũ công nghệ có tài. Người dân cũng tiếp cận với thương mại điện tử quốc tế muộn và ít hơn so với các nước trong khu vực (do rào cản ngôn ngữ). Trong bối cảnh đó, việc các công ty thương mại điện tử nội địa như Tiki và Sendo manh nha từ sớm giúp họ có lợi thế của những người đi đầu. 

Nhìn lại thị trường thương mại điện tử Việt Nam từ lúc khai sơ, Lazada bước chân vào Việt Nam từ năm 2012 và khánh thành nhà kho đầu tiên năm 2013. Lazada được nhắc đến là người dẫn đầu, bỏ xa nhiều công ty thương mại điện tử khác về lượng truy cập tại Việt Nam.

Tuy nhiên, năm 2016, việc Alibaba chi tiền nắm quyền chi phối Lazada đã kéo theo sự thay đổi ban lãnh đạo và chiến lược kinh doanh "áp đặt", khiến họ mất vị trí đầu bảng. Lazada bắt đầu nhường ngôi nhất cho Shopee và lượng truy cập có xu hướng lao dốc, bị các đối thủ nội địa như Tiki, Sendo và cả Thế Giới Di Động vượt qua. 

Năm 2018, không còn ai nói về Lazada với ngôi vị dẫn đầu nữa mà họ chỉ nằm trong top 5 công ty thương mại điện tử tại Việt Nam, nếu xét về lượng truy cập. Trong khi đó, người bạn ngoại quốc - Shopee tăng tốc nhanh chóng và giữ vị trí dẫn đầu về lượng truy cập trong 1,5 năm trở lại đây. 

Đồng thời, ba công ty nội địa là Tiki và Sendo và Thế Giới Di Động - với thế mạnh của việc hiểu chính người dân nội địa, lần lượt đổi chỗ cho nhau trong bảng xếp hạng Top 5 tại Việt Nam và cũng nằm trong top 10 website thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất Đông Nam Á năm 2019.

Xét riêng về sàn thương mại điện tử (website bán hàng cho bên thứ ba) thì Tiki và Sendo là đơn vị nội địa nhiều tiềm năng nhất, đối chọi lại với hai công ty toàn cầu Lazada và Shopee. Trong báo cáo e-Conomy SEA 2019, Sendo và Tiki được Google đánh giá là có tiềm năng trở thành những kỳ lân công nghệ trong tương lai. 

Xuất phát từ một trang bán sách trực tuyến được ông Trần Ngọc Thái Sơn thành lập năm 2010, Tiki "nối gót" bước đi của Amazon, chuyển mình thành một sàn thương mại điện tử bán hàng cho cả các bên thứ ba. Sau khi nhận khoản đầu tư hàng chục triệu USD vào cuối 2017, Tiki bứt tốc mạnh từ cuối năm 2018 trước khi có phần chậm lại từ cuối 2019.

Còn Sendo, mặc cho hầu hết sàn thương mại điện tử dẫn đầu như Shopee, Lazada, Tiki đang giành phân khúc thành thị, họ lại hướng tới những người tiêu dùng ở vị trí ngoại thành và nông thôn. 

Gần đây, giới trong ngành có những suy đoán về Tiki và Sendo về chung một nhà, xuất phát từ nguồn tin DealstreetAsia cho biết họ đang đàm phán về việc sáp nhập. Tiki vốn có thế mạnh ở thành thị, Sendo lại có lợi thế riêng biệt với tệp khách ở vùng nông thôn và nhà bán hàng nội địa. Vẫn chưa rõ khả năng bắt tay, nhưng CEO iPrice nhận định nếu điều này xảy ra, đó là một bước đi tốt để những tay chơi nội địa hợp lực để đấu lại với hai gã khổng lồ nhiều tiền Shopee và Lazada.

(Theo VnExpress)

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ