Sai lầm đằng sau cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ với Việt Nam

Giáo sư Jason Furman nhận định việc Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam "thao túng tiền tệ" là một sai lầm. Nhà kinh tế Furman là giáo sư tại Đại học Harvard và là thành viên Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Năm 2013, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ.
THANH TRẦN
24, Tháng 12, 2020 | 06:08

Giáo sư Jason Furman nhận định việc Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam "thao túng tiền tệ" là một sai lầm. Nhà kinh tế Furman là giáo sư tại Đại học Harvard và là thành viên Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Năm 2013, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ.

02bbxw-1569471686120790420222-crop-1569471693829640904845

Ảnh minh họa/Internet.

Ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ ban hành báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ", theo đó lần đầu tiên đưa Việt Nam và Thụy Sỹ vào danh sách thao túng tiền tệ.

Việc bị dán nhãn thao túng tiền tệ sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ hạn chế quyền tiếp cận các hợp đồng mua sắm chính phủ và nguồn tài chính cho phát triển, theo luật Mỹ.

Việt Nam cũng có thể bị Mỹ đánh thuế lên một số hàng hóa xuất khẩu do cố tình hạ giá tiền đồng - kết quả của một cuộc điều tra riêng của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ được thúc đẩy từ báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.

Phòng Thương mại Mỹ đã kêu gọi chính phủ nước này không áp thuế lên Việt Nam do cáo buộc định giá thấp tiền đồng, đồng thời cho rằng Việt Nam không đáp ứng ba tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ để dán nhãn một nước là thao túng tiền tệ.

Trong một cuộc phỏng vấn, lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ nói rằng bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm áp thuế lên Việt Nam trước phiên điều trần cuối tháng 12 sẽ bỏ qua các thủ tục đã được thiết lập và "gửi một thông điệp xấu đến Việt Nam", đồng thời sẽ gây tổn hại mối quan hệ song phương.

Mới đây, giáo sư Jason Furman đã nhận định rằng việc Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam "thao túng tiền tệ" là một sai lầm. Nhà kinh tế Furman là giáo sư Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard và là thành viên Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Hồi năm 2013, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ.

Tại sao Việt Nam không được xem là thao túng tiền tệ?

Đánh giá gần đây nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về định giá tiền tệ của Việt Nam là vào năm 2018. Tổ chức này đã sử dụng phiên bản đơn giản của mô hình "Đánh giá cân bằng đối ngoại", so sánh cán cân tài khoản vãng lai ước tính và thực tế.

Mô hình cũng ước tính mức điều chỉnh tỷ giá hối đoái cần thiết để thu hẹp khoảng cách trên. Phương pháp này cho thấy đồng tiền của Việt Nam bị định giá thấp hơn 8,4%, qua đó hỗ trợ xuất khẩu, giúp gia tăng cán cân thương mại và tài khoản vãng lai.

IMF cũng đưa ra một biện pháp thay thế theo mô hình "Tỷ giá hối đoái hiệu quả thực", dựa trên phân tích thống kê về tỷ giá hối đoái. Mô hình này cho thấy đồng tiền của Việt Nam được định giá cao hơn 15,2%, cho thấy rằng các chính sách tỷ giá hối đoái đang thực sự làm tổn hại đến xuất khẩu của Việt Nam.

"Hai kết quả trái ngược cho thấy các phương pháp này đang đưa ra những câu trả lời không có chiều sâu và mù mờ về định giá tỷ giá hối đoái", giáo sư Furman khẳng định.

Giáo sư này khẳng định rằng, tỷ giá đồng tiền Việt Nam gần như không đổi so với đồng USD kể từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, giá đồng tiền Việt Nam lại tăng lên so với những ngoại tệ khác. Một phần nguyên nhân là đồng USD mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác kể từ năm 2018. Việt Nam đã can thiệp rất ít để tránh đồng tiền tăng giá thông qua việc cho phép tỷ giá hối đoái tăng lên theo cơ sở toàn cầu.

Không chỉ vậy, Việt Nam cũng chỉ tích lũy dự trữ ngoại hối chiếm 25% GDP, ít hơn so với các quốc gia láng giềng như Malaysia, Thái Lan và tương đương những nền kinh tế mới nổi khác.

Việt Nam cũng được dự báo sẽ có thặng dư tài khoản vãng lai tương đối nhỏ với mức 1,2% GDP vào năm 2020, giảm mạnh so với mức thặng dư 3,4% vào năm 2019.

"Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ chủ yếu dựa trên thặng dư thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ. Trên thực tế, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có tăng, nhưng nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này chính là xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, và không hề liên quan đến bất kỳ thay đổi chính sách nào của đất nước", giáo sư Furman nhấn mạnh.

Các vấn đề xoay quanh khái niệm thao túng tiền tệ

Việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ đã thể hiện 2 vấn đề lớn hơn trong toàn bộ khuôn khổ.

Thứ nhất, Việt Nam có tỷ giá hối đoái được quản lý chặt chẽ, phần lớn cố định so với đồng USD, giao dịch trong biên độ tương đối hẹp kể từ năm 2018. Việt Nam sử dụng đồng thời thay đổi dự trữ và kiểm soát vốn để duy trì tỷ giá hối đoái này.

Đối với nhiều nền kinh tế nhỏ phụ thuộc vào thương mại, tỷ giá hối đoái cố định có thể là lựa chọn chính sách hợp lý. Đó là vấn đề trong nước chứ không phải vấn đề quốc tế.

Thứ hai, giáo sư Furman cho rằng theo một khía cạnh nào đó, tất cả chính sách tiền tệ đều là "thao túng tiền tệ". Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất, đồng USD sẽ suy yếu và điều đó có lợi cho xuất khẩu nước này.

Một quốc gia sử dụng tỷ giá hối đoái cố định có thể đạt mục tiêu tương tự bằng cách giảm tỷ giá. Trong cả hai trường hợp, các chính sách đều thay đổi lãi suất và tỷ giá. Và không có nhiều cơ sở để phân biệt rõ ràng hai cách tiếp cận này.

Các chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái của Việt Nam, một nền kinh tế có quy mô bằng 1% của Mỹ, chỉ có tác động rất nhỏ đến nền kinh tế nước này. Cán cân vãng lai, cán cân thương mại và tỷ giá hối đoái thực của Mỹ phần lớn được xác định bởi các yếu tố trong nước như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, và các quyết định tiết kiệm và đầu tư của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ.

Ở mức độ mà Việt Nam đang định giá thấp tỷ giá hối đoái của mình, tác động lớn nhất của nó sẽ là chuyển nguồn nhập khẩu của Mỹ từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Nhưng điều đó cũng không làm thay đổi tổng nhập khẩu của Mỹ.

Điều này có thể ảnh hưởng đến các nước láng giềng của Việt Nam, nhưng đối với Mỹ thì nó chỉ có thể coi là một mối quan tâm hạn chế.

Trong khi đó, việc cáo buộc sai lại là một vấn đề đáng chú ý. Điều này sẽ khiến Mỹ giảm tập trung vào các khía cạnh quan trọng hơn của mối quan hệ kinh tế với Việt Nam.

Giáo sư Furman cho rằng việc Bộ Tài chính Mỹ chỉ định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vào năm ngoái là không có cơ sở, và rất có thể Việt Nam cũng sẽ như vậy.

(Theo nghiên cứu của giáo sư Jason Furman)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ