Quy định vốn mỏng tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư

Nhàđầutư
Trong khi các nền kinh tế là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam chưa áp dụng quy về vốn mỏng thì việc Bộ Tài chính đề xuất áp dụng quy định này sẽ đẩy các doanh nghiệp trong nước vào thế bất lợi hơn nữa trong cạnh tranh quốc tế.
Ths. THÙY LINH
24, Tháng 08, 2017 | 18:05

Nhàđầutư
Trong khi các nền kinh tế là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam chưa áp dụng quy về vốn mỏng thì việc Bộ Tài chính đề xuất áp dụng quy định này sẽ đẩy các doanh nghiệp trong nước vào thế bất lợi hơn nữa trong cạnh tranh quốc tế.

Doanh nghiep nho

Quy định vốn mỏng sẽ tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư

Nếu đề xuất nói trên của Bộ Tài chính được thông qua, quy định này sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

GIẢM SỨC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC

Tăng tỷ lệ thuế suất thực, giảm thu nhập ròng của doanh nghiệp

Hãy cùng xem xét ví dụ dưới đây:

Bieu do bai cua Linh

 

Từ ví dụ trên có thể thấy, khi một phần chi phí lãi vay không được khấu trừ tính thu nhập chịu thuế, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng thuế nhiều hơn, tăng trưởng vốn chủ sở hữu sẽ thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh tại các nước không áp dụng quy định vốn mỏng. Theo đó, triển vọng tăng trưởng quy mô, mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ thua kém hơn so với đối thủ.  

Cũng cần lưu ý rằng, so với các nước trong khu vực, gánh nặng thuế khóa ở Việt Nam vốn đã khá nặng nề. Theo thống kê của trường Đại học Fulbright Việt Nam, năm 2016 tỷ lệ thu ngân sách/GDP của Việt Nam chiếm tới 22,5%, cao hơn so với Singapore, Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông, Hàn Quốc, Philippines, Maylaysia và Trung Quốc, chỉ thấp hơn so với Nhật Bản. Tỷ lệ chi ngân sách ở Việt Nam năm 2016 chiếm tới 28,3% GDP và cũng cao hơn một loạt các nước kể trên, chỉ thấp sau Nhật Bản. Gánh nặng thuế khóa đang ảnh hưởng lớn tới người dân, doanh nghiệp và sức cạnh tranh trực diện của nền kinh tế.

Gây khó khăn cho nhiều ngành nghề đặc thù

Việc áp dụng một tỷ lệ cố định về vốn mỏng đối với các nhóm ngành nghề kinh doanh khác nhau không phản ánh thực tế của nền kinh tế, bởi trong cùng một nhóm thì đặc thù hoạt động của mỗi ngành trong nhóm đó cũng khác nhau.

Chẳng hạn, ngành dệt may Việt Nam hiện có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trung bình ước lên đến 8-10 lần. Con số này phù hợp với đặc điểm tự nhiên của ngành là gia công: do giá trị nguyên vật liệu đầu vào lớn, doanh nghiệp cần sử dụng nhiều vốn lưu động để nhập nguyên vật liệu. Doanh thu của ngành lớn do giá trị thành phẩm lớn, nhưng vì chỉ tham gia vào khâu gia công nên giá trị gia tăng thấp, tỷ suất lợi nhuận thấp. Do vốn vay lớn, chi phí lãi suất phải trả cũng lớn và nếu bị loại trừ quá mức chi phí lãi vay khi tính thu nhập chịu thuế, doanh nghiệp có thể không còn lợi nhuận ròng thực tế sau khi trả thuế.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng tương tự. Tuy hình thức sử dụng vốn vay trên tổng vốn chủ sở hữu có phần khác so với dệt may, nhưng bản chất sử dụng nguồn tín dụng với tỷ lệ cao để mua hàng, xuất hàng lại là như nhau. Trong ngành xuất khẩu nông sản, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ước tính cũng lên đến mức 8-10 lần.

Trong hai ngành nói trên, trừ trường hợp được khách hàng thanh toán trước để có vốn lưu động nhập nguyên vật liệu hoặc thu mua nông sản, còn lại các doanh nghiệp đều phải sử dụng vốn vay tùy theo quy mô của hợp đồng gia công, xuất khẩu… Với các ngành nghề này, nếu áp dụng quy định vốn mỏng, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao. Với chi phí vốn chủ sở hữu thường cao hơn chi phí vốn vay, có thể doanh nghiệp sẽ không có lãi và không còn động lực kinh doanh.

Các ngành công nghiệp nặng đòi hỏi nhiều vốn đầu tư cũng thường có tỷ lệ vay nợ dài hạn cao hơn các ngành nghề khác. Theo thống kê của người viết, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang niêm yết, các ngành có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao nhất là bán buôn bán lẻ thực phẩm (18,42 lần), vận tải biển (17,6 lần), sắt thép (11,3 lần), khai thác than (5,92 lần), máy móc công nghiệp (5,7 lần)…

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước thiệt hại nhiều nhất

Theo một số nghiên cứu quốc tế, tỷ lệ vốn mỏng “nợ trên vốn chủ sở hữu” không giới hạn mức vay nợ tuyệt đối, do đó sẽ không loại bỏ được thu nhập. Nếu các tập đoàn đa quốc gia muốn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng, họ có thể xác định trước mức vay nợ cần thiết để chuyển lợi nhuận ra khỏi Việt Nam, đồng thời thực hiện tăng vốn và nợ tương ứng để đáp ứng quy định vốn mỏng.

Hiện nay quy định vốn mỏng tại Nghị định 20/2017 theo tỷ lệ chi phí tài chính các bên liên kết không vượt quá 20% EBITDA theo khuyến nghị của OECD là ưu việt hơn hình thức giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu để chống chuyển giá. Do đó, không cần thiết phải có thêm quy định giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu để chống chuyển giá nữa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó khăn hơn khi tăng vốn chủ sở hữu tương ứng. Đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Việt Nam lại càng khó khăn do quy mô vốn chủ sở hữu còn rất nhỏ. Do đó, có thể nói việc khống chế tỷ lệ vay của các doanh nghiệp chỉ có lợi cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Các doanh nghiệp này sẽ chèn lấn một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp SMEs, dẫn tới việc “cá lớn nuốt cá bé” và rất có thể trong tương lai nhiều doanh nghiệp SMEs Việt Nam do không cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, sẽ bị thôn tính hoặc thậm chí phá sản.

Theo thống kê của người viết, giới hạn vốn mỏng theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ tác động trực tiếp tới 9,8% tổng số doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trong đó, với các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 300 tỷ đổng, có đến 12,7% số lượng doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng. Có khoảng 7% số doanh nghiệp quy mô vốn trên 300 tỷ đồng sẽ bị tác động.

Trong khi đó, các SMEs có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm. Theo một nghiên cứu của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hiện chiếm 98%, đóng góp 49% cho GDP và đóng góp 41% ngân sách Nhà nước. Có khoảng 78% nguồn nhân lực đang làm việc trong khu vực này. Gần đây, Đảng và Chính phủ đã có những nỗ lực to lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp SMEs trong nước thông qua việc đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển, chớp cơ hội kinh doanh và chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp SMEs trong nước phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay. Nếu hạn chế tỷ lệ vốn vay của các SMEs sẽ hạn chế đáng kể cơ hội phát triển của họ, và do vậy đi ngược lại với tinh thần nói trên của Đảng.

CẢN TRỞ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG NỢ

Một trong những mục tiêu mà Chính phủ và Bộ Tài chính đang theo đuổi bấy lâu nay là đẩy mạnh sự phát triển thị trường nợ để giảm thiểu dần sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại.

Hiện thị trường nợ của Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai, thiếu tính bền vững, quy mô của thị trường nhỏ. Đáng chú ý là trái phiếu chính phủ hiện chiếm tỷ trọng lớn, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện chưa thực sự phát triển.

Trong bối cảnh đó, quy định này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thị trường nợ nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam nói riêng trong tương lai, đi ngược với mong muốn của Chính phủ và của bản thân Bộ Tài chính.

KHÔNG NÊN VÌ MỘT VÀI ĐỐI TƯỢNG MÀ ÁP ĐẶT CHO TOÀN BỘ CÁC DOANH NGHIỆP

Bộ Tài chính công bố quy định này là nhằm đảm bảo lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bất động sản, cơ sở hạ tầng (xây dựng công trình theo hình thức đối tác công tư như công trình BOT hay BT)…

Tuy nhiên, với ngành bất động sản và công trình BOT hoặc BT, hoàn toàn có thể đưa các chế tài về an toàn tài chính vào các luật chuyên ngành như Luật kinh doanh bất động sản, Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)… thay vì áp dụng một mức tỷ lệ vốn mỏng 5:1 hoặc 4:1 cho các doanh nghiệp phi tín dụng như đang đề xuất.

Ví dụ, Luật Kinh doanh bất động sản hiện quy định đối với các dự án nhà ở từ 20 ha trở lên thì vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% vốn đầu tư, như vậy chủ đầu tư có thể được vay đến 85%, tương đương 5,7 lần vốn chủ sở hữu. Chính phủ hoàn toàn có thể sửa đổi mức tối thiểu 15% này.

Với hoạt động đầu tư theo hình thức đối PPP, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Đề cương dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP và gửi các bộ, ngành, địa phương xin ý kiến. Chính phủ có thể áp dụng quy định tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu riêng cho hình thức đầu tư PPP trong Luật này.

Cần lưu ý rằng, mục tiêu “để đảm bảo lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp” thường không phải là mục đích chính của việc áp dụng quy định về vốn mỏng, mà mục đích chính là chống chuyển giá. Do đó, rất ít quốc gia quy định cách tính tỷ lệ vốn mỏng bao gồm các khoản vay nợ mà một doanh nghiệp vay nợ các công ty trong nước cùng chịu chung tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó việc áp dụng quy định về vốn mỏng với tất cả các khoản vay không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ