Quy định về đại diện chủ sở hữu nhà nước: Chưa đảm bảo tinh gọn, hiệu quả

Nghị định 10 vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt là chưa đảm bảo tinh thần tinh gọn, hiệu quả trong việc tái cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước đang diễn ra.
NGỌC PHAN
12, Tháng 03, 2019 | 10:48

Nghị định 10 vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt là chưa đảm bảo tinh thần tinh gọn, hiệu quả trong việc tái cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước đang diễn ra.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 10/2019 quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Nghị định này thay thế cho Nghị định 99/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Tuy vậy, Nghị định 10 vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt là chưa đảm bảo tinh thần tinh gọn, hiệu quả trong việc tái cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước đang diễn ra.

c3128_chu_so_huu

 

Chồng chéo giữa SCIC và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Nghị định 10 quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước gồm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), các bộ và cơ quan ngang bộ đại diện đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Trong khi đó, theo giải trình của Chính phủ trước Quốc hội về mối quan hệ giữa UBQLVNN và SCIC, Chính phủ cho biết UBQLVNN là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại SCIC. Nói cách khác, Bộ Tài chính phải bàn giao SCIC về UBQLVNN với tư cách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước mới tại SCIC. Tuy vậy, SCIC vẫn là doanh nghiệp do đó vẫn hoạt động theo quy định của Chính phủ gồm tiếp tục tiếp nhận quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn lại (không thuộc danh mục tiếp nhận của UBQLVNN) và các công ty cổ phần từ cổ phần hóa DNNN.

Như vậy, điểm chồng chéo ở đây là có đến hai tổ chức cùng thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, dù quy mô, đối tượng và phạm vi quản lý có khác nhau. Theo hướng tinh gọn bộ máy nhà nước thì cần tiến tới thống nhất chỉ còn một cơ quan như vậy (là UBQLVNN) và mọi doanh nghiệp cần chuyển giao về SCIC theo quy định hiện hành cần được chuyển về một mối là UBQLVNN như đúng mục đích thành lập ra UBQLVNN, chứ không nên có sự phân tách doanh nghiệp nào thì chuyển về UBQLVNN còn các doanh nghiệp còn lại thì chuyển về SCIC.

Thừa... một bộ?

Điều 5 Nghị định 10 quy định quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên đới. Với Bộ Tài chính, họ có một số nhiệm vụ, bao gồm quy định về chuyển doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; quy định việc quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quy định tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quy định việc giám sát, kiểm tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao một số nhiệm vụ bao gồm quy định việc công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quy định về quy chế hoạt động của kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quy định về thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, bán toàn bộ doanh nghiệp và chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Không khó để thấy rằng nhiều quyền và trách nhiệm trên về mặt tính chất công việc là tương tự, có thể thực hiện tốt bởi duy nhất một bộ (có thể là Bộ Tài chính). Sẽ có không ít thắc mắc tại sao lại phải phân tách như vậy, và tại sao lại phải cần hai bộ thực hiện những công việc này? Việc phân tách này tạo cảm giác rằng chia sẻ quyền hạn và trách nhiệm nhằm mục đích để “có việc mà làm”, có cớ để tồn tại mới là động cơ chính. Và rõ ràng là nếu xét từ góc độ tinh giản bộ máy thì tồn tại này cần được khắc phục ngay.

Đã phân công, phân quyền, vẫn cứ dồn lên Thủ tướng

Điều 6 Nghị định 10 quy định hàng loạt quyền và trách nhiệm của Thủ tướng trong việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ thì hiển nhiên là Thủ tướng có quyền và trách nhiệm cao nhất trong lĩnh vực này. Tuy vậy, điều làm cho người ta “băn khoăn” là mới chỉ trong lĩnh vực này thôi mà Thủ tướng đã phải xét duyệt đủ loại đệ trình, đề nghị của các bộ tham mưu để ký ban hành, quyết định thực thi.

Thay vào đó, vì đã có sự phân công, phân quyền rõ ràng cho từng bộ, cơ quan chức năng, nên lẽ ra chỉ cần quy định Thủ tướng ủy quyền cho các cơ quan tham mưu này ban hành và thực hiện các chức năng liên quan đến việc thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Nếu không, những chuyện “con con” như việc đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn với lượng vốn ít ỏi (ví dụ, 50 tỉ đồng) mà Thủ tướng cũng phải đọc và ký duyệt hồ sơ đề nghị thành lập do cơ quan đại diện chủ sở hữu lập ra thì thật là...

UBQLVNN vẫn không được tự quyết

Liên quan đến phần trên, tuy UBQLVNN còn được gọi là “siêu ủy ban” bởi tầm vóc và quyền năng của nó trên lý thuyết (ít nhất là sự độc lập với các bộ và các cơ quan chức năng trong việc ra quyết định), nhưng thực tế ủy ban này có vẻ như không có mấy thực quyền với các doanh nghiệp nó quản lý. Ví dụ với SCIC, một doanh nghiệp được đặt dưới sự quản lý của UBQLVNN, việc bổ nhiệm Tổng giám đốc SCIC vẫn phải trải qua quá trình phối hợp với Bộ Nội vụ và “sau khi có ý kiến thống nhất của tập thể Ban cán sự Đảng Chính phủ” (rồi trình Thủ tướng bổ nhiệm).

Chưa hết, UBQLVNN vẫn phải “đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền trình Chính phủ: Ban hành, sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập giao ủy ban làm đại diện chủ sở hữu theo quy định của Chính phủ; ban hành, sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý tài chính của tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tập đoàn Điện lực Việt Nam”.

Như vậy, có thể nói việc UBQLVNN vẫn phải “xin ý kiến” của cơ quan này, “được sự thống nhất” của cơ quan kia cho những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của mình đã cho thấy chủ trương thành lập UBQLVNN nói riêng và chủ trương tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét lại để có hướng khắc phục triệt để.

Theo TBKTSG

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ