Quốc hội có ý kiến trái chiều về cấm dịch vụ đòi nợ thuê

Nhàđầutư
Nhiều đại biểu Quốc có ý kiến trái chiều về nội dung quy định chuyển kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện sang danh mục cấm.
THẮNG QUANG
20, Tháng 11, 2019 | 15:16

Nhàđầutư
Nhiều đại biểu Quốc có ý kiến trái chiều về nội dung quy định chuyển kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện sang danh mục cấm.

Ngày 20/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc có ý kiến trái chiều về nội dung quy định chuyển kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện sang danh mục cấm.

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc công an tỉnh Ninh Thuận nhìn nhận đòi nợ là một vấn đề khó trong giao dịch dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, bởi vì nếu sản xuất kinh doanh thuận lợi sòng phẳng thì không phát sinh nợ chỉ khi sản xuất kinh doanh thua lỗ, người nợ không có điều kiện và thiếu thiện chí trả nợ thì mới phát sinh nợ.

Luật đầu tư năm 2014 quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên qua quá trình thực hiện thực tế, bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật, một số tổ chức, cá nhân đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh, cũng như những quy định của pháp luật có liên quan.

Theo ông, kinh doanh dịch vụ đòi nợ dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội do khó khăn trong việc đòi nợ nên những hành vi vi phạm phổ biến của dịch vụ đòi nợ là bên đòi nợ đã tìm cách thu giữ, hủy hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa trấn áp khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.

Pham-huyen-ngoc

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận.

"Nhiều nơi xuất hiện tình trạng lợi dụng đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản cho vay nặng lãi hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội", đại biểu Phạm Huyền Ngọc nói.

Từ thực tiễn công tác và ý kiến kiến nghị của cử tri, ông thấy rằng việc Chính phủ đề nghị chuyển ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sang ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh là phù hợp. Ông khẳng định ở đây không phải không quản được thì cấm, mà vì ngành nghề này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) thì có quan điểm ngược lại và cho rằng không nên cấm đòi nợ thuê. Ông phân tích nếu chọn hình thức khởi kiện ra toà để đòi được một món nợ thì phải trải qua vô số thủ tục rườm rà, toàn bộ quá trình từ khi nộp đơn lần đầu cho đến khi có bản án phúc thẩm nhanh nhất là 250 ngày, chậm nhất thì vài năm.

Trong khi đó, năm 2018, thi hành án dân sự cả nước thu hồi được trung bình 32% giá trị tài sản có khả năng thi hành. Đó là chỉ tính những trường hợp con nợ còn tài sản, còn những con nợ đã tay trắng thì không tính (nếu tính cả thì chắc chắn con số thấp hơn 32% rất nhiều). Thời gian thi hành nhanh nhất là 150 ngày, còn nếu không thì vô vọng.

Như vậy, tổng kết lại thì quá trình này mất vài năm, khả năng thu hồi thấp hơn 32%. Án phí và phí thi hành án thì nguyên đơn phải tạm ứng. Nếu sử dụng dịch vụ thu hồi nợ thì  thời gian thu hồi chỉ trong 1-2 tháng, nhanh gọn hơn toà án và thi hành án dân sự rất nhiều.

Đại biểu Quảng Trị cũng nhận định có cấm cũng không cấm được. Theo đó, hành nghề bất hợp pháp thì có cấm cũng vô nghĩa. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ đã đăng ký thường dùng biện pháp thu hồi nợ văn minh, đúng pháp luật nếu chuyển sang cấm họ sẽ không được phép làm nữa.

"Đối với các băng nhóm thu hồi nợ không đăng ký thì họ vẫn sẽ làm và thường dùng biện pháp thu hồi nợ bằng đe doạ, bạo lực. Khi các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp bị cấm thì các băng nhóm này càng dễ dàng mở rộng thị trường. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng chưa thấy có nước nào cấm dịch vụ đòi nợ thuê" đại biểu Đồng nhấn mạnh và đồng tình với nhiều ý kiến là nên tăng cường quản lý dịch vụ đòi nợ thuê.

Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu về nội dung này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay có hai nhóm ý kiến khác nhau về cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Một nhóm ý kiến đồng ý với tờ trình của Chính phủ nên cấm hoạt động kinh doanh này, vì trên thực tế không có lợi và không diễn ra đúng như mong muốn. Nhóm ý kiến này đề nghị tăng cường các biện pháp của các cơ quan tố tụng, cơ quan tư pháp để giải quyết những quan hệ dân sự này.

Quan điểm thứ hai là không nên cấm mà nên tăng cường biện pháp quản lý nhà nước đối với các loại hình này.

Bộ trưởng KH&ĐT khẳng định đây là một vấn đề rất phức tạp và ban soạn thảo hết sức cân nhắc, vì trên thực tế các cơ quan hệ dân sự này thường là vay nóng, hay gọi là tín dụng đen áp dụng hình thức dịch vụ này để thu hồi các khoản có lãi suất rất cao, không đưa ra được các cơ quan tố tụng, cơ quan xử lý của tư pháp, lại không có thế chấp.

Còn các khoản vay nợ chính đáng khác, nhu cầu của người vay và người cho vay khác đều phải có thế chấp. Người ta sẽ sử dụng các cơ quan tư pháp để xử lý vấn đề này. Chúng ta mong muốn xử lý như thế, nhưng trên thực tế nó diễn ra không phải như vậy, dẫn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội rất phức tạp.

"Đây là đề nghị rất quyết liệt của ngành công an và ngành tư pháp. Chúng tôi thấy vấn đề này nên đưa vào để cấm. Tuy nhiên, căn cứ ý kiến của các đại biểu hôm nay thì cơ quan chúng tôi cũng sẽ tiếp tục rà soát và làm sao xây dựng được một cơ sở để báo cáo lại với Quốc hội trước khi xem xét quyết định vấn đề này. Đây là cũng là một vấn đề còn ý kiến khác nhau", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ