PVcomBank sẽ ra sao hậu PVN thoái vốn?

Nhàđầutư
Theo BCTC cập nhật mới nhất, hiện PVN có 18.786 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank), chiếm 16% tổng tài sản và 21,5% tổng vốn huy động của ngân hàng này. PVcomBank rồi đây sẽ ra sao nếu PVN thoái vốn?
NGUYỄN THOAN
08, Tháng 08, 2017 | 14:28

Nhàđầutư
Theo BCTC cập nhật mới nhất, hiện PVN có 18.786 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank), chiếm 16% tổng tài sản và 21,5% tổng vốn huy động của ngân hàng này. PVcomBank rồi đây sẽ ra sao nếu PVN thoái vốn?

pvcombank-pvn-thoai-von

 PVcomBank sẽ ra khi PVN thoái vốn?

PVN gửi 18.786 tỷ đồng tại PVcomBank

Theo báo cáo tài chính riêng kiểm toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) năm 2016, PVN đang có khoảng trên 85.612 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng, chiếm khoảng gần 19,4% tổng tài sản của tập đoàn. Riêng tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank) là 18.786 tỷ đồng, chiếm 21,5% tổng huy động vốn của ngân hàng này, chưa tính phần ủy thác cho vay của PVN tại PVcomBank là 3.427 tỷ đồng. 

Đây được coi là lợi thế lớn của PVcomBank khi PVN còn là cổ đông. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ không kéo dài khi PVN được yêu cầu buộc phải thoái vốn tại đây theo chủ trương của Chính phủ. 

Cách đây khoảng 3 năm, tại một cuộc họp báo hồi quý III/2014, ông Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc PVN cho biết, tập đoàn đang rất tích cực triển khai cổ phần hóa, cũng như thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các đơn vị, trong đó có PVcomBank. Tuy nhiên, Chính phủ đã đồng ý để PVN tiếp tục “trợ lực” cho PVcomBank hoạt động khỏe mạnh tới hết năm 2015. Sau thời gian này, PVN mới rút bớt vốn tại PVcomBank.

Từ cuối năm 2015 đến nay, PVN vẫn không thực hiện được việc thoái 52% vốn điều lệ tại PVcomBank. Lý do được đưa ra là vì tổng vốn điều lệ của ngân hàng này tương đối cao, lên tới 9.000 tỷ đồng (tương đương PVN nắm giữa 4.680 tỷ đồng vốn điều lệ), nên việc thoái vốn còn phải chờ hướng dẫn.

Ngày 10/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận tiếp tục thực hiện tái cơ cấu PVcomBank giai đoạn 2016 – 2020 và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại ngân hàng này sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu PVcomBank. Trước đó, ngày 3/6/2016, NHNN đã có văn bản phê duyệt chính thức đề án.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, trong BCTC năm 2016 của PVcomBank, PVN vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm 52% cổ phần, sau đó là Morgan Stanley chiếm 6,67% cổ phần, có nghĩa là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và NHNN chưa được PVcomBank thực hiên.

PVN thoái vốn, PVcomBank sẽ ra sao?

Cái khó mà PVN đưa ra để lý giải cho việc chậm thoái vốn tại PVcomBank là tìm đối tác để "chia" hết số cổ phần tại PVcomBank. Tuy nhiên, theo phương án tái cơ cấu đã được thông qua và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì khó khăn này đã được giải quyết. Điều này có nghĩa là không còn thời gian để PVN chần chừ và PVcomBank có thể sẽ phải đương đầu với việc khuyết thiếu khoản tiền gửi và ủy thác cho vay của PVN có giá trị lên tới trên 22.000 tỷ đồng tại PVcomBank - một con số mà bất cứ ngân hàng thương mại nào đều mơ ước có được. 

Nhìn lại lịch sử của PVcomBank sẽ thấy những khó khăn của ngân hàng này còn rất nhiều ở phía trước, ngay cả khi có sự hiện diện của PVN.

Còn nhớ, đầu năm 2012, Westernbank được NHNN khuyến nghị hợp nhất với Công ty Tài chính dầu khí (PVFC). Tại thời điểm 29/2/2012, NHNN và PVFC đánh giá vốn chủ sở hữu của Westernbank chỉ còn 2.310 tỷ đồng, sau khi trích lập 882 tỷ đồng dự phòng rủi ro. 

Ở thời điểm đó, PVFC có quy mô tài sản lớn nhất trong số các công ty tài chính ở Việt Nam với 6.000 tỷ đồng vốn điều lệ, trong đó PVN sở hữu 78%. 

Trong 91.086 tỷ đồng tổng tài sản của PVFC, dư nợ cho vay là 45.398 tỷ đồng, chứng khoán đầu tư 5.414 tỷ đồng và góp vốn 3.124 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị tài sản có khác với nhiều hạng mục “nhạy cảm” là 27.949 tỷ đồng, chiếm 30,7% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 2/2012, theo báo cáo của PVFC, là 1,9%.

Có thể thấy động cơ lớn nhất của việc sáp nhập Westernbank vào PVFC là chuyển đổi mô hình hoạt động của PVFC từ một công ty tài chính thành một ngân hàng thương mại, và vì vậy sẽ được huy động tiền gửi cá nhân. Ngày 13/9/2013, NHNN chấp thuận hợp nhất Westernbank và PVFC thành NHTMCP Đại chúng với tên viết tắt là PVcomBank.

Đến cuối năm 2013, PVcomBank có tổng tài sản 101.124 tỷ đồng với 49.091 tỷ đồng tiền gửi, 41.126 tỷ đồng cho vay và 14.049 tỷ đồng đầu tư chứng khoán. Một năm sau khi hợp nhất (năm 2014), tổng tài sản và cho vay của PVcomBank hầu như không thay đổi, nhưng huy động tiền gửi đã tăng từ 49.091 tỷ lên 70.955 tỷ đồng (tăng 44,5%).

PVcomBank có thu nhập lãi ròng âm và tỷ suất lợi nhuận là vô cùng thấp trong năm 2013-2014. Hơn thế nữa, PVcomBank ghi 4.736 tỷ đồng thu nhập từ lãi cho vay nhưng chỉ thực sự thu tiền mặt là 3.350 tỷ đồng, để lại 1.386 tỷ đồng lãi dự thu. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (trước khi điều chỉnh cho huy động tiền gửi và các thay đổi tài sản khác) là âm.

Sự yếu kém về tài chính của PVcomBank sau hợp nhất không phải chỉ bởi Westernbank mà lớn hơn là bởi PVFC. Trong 29.662 tỷ đồng tài sản có khác tại thời điểm hợp nhất, phần của Westernbank chuyển sang chỉ có 3.429 tỷ đồng, còn lại là của PVFC, hơn 26 nghìn tỷ đồng. Cho đến cuối năm 2014, giá trị tài sản có khác của PVcomBank vẫn còn 21.958 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng tài sản. Sau khi tăng mạnh huy động trong năm 2014, tiền gửi khách hàng của ngân hàng đã giảm trong 9 tháng đầu năm 2015 (từ 70.955 tỷ xuống 61.410 tỷ đồng).

Báo cáo tại ĐHĐCĐ năm 2017, lãnh đạo ngân hàng này cho biết tới cuối năm 2016 PVcomBank đã thực hiện cơ cấu 27/81 khoản với tổng giá trị 5.795 tỷ đồng, tương đương 38,3% giá trị danh mục và thu được nợ lũy kế đạt 1.890 tỷ đồng đến ngày 30/4/2017; bán nợ cho VAMC đạt 3.468 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính riêng 2016 đã kiểm toán của PVcomBank cho biết ngân hàng thu về 65,5 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng gần 16% so với cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, đóng góp từ thu nhập khác đã giảm đáng kể so với năm trước, thu nhập lãi thuần trở thành nguồn chính với gần 826 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận trên còn quá khiêm tốn.

Năm 2017, PVcomBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm 2016, đạt 87 tỷ đồng; doanh thu đạt 6.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số đạt được của năm 2016 (6.746 tỷ đồng) và chưa có kế hoạch tăng vốn trong năm tới.

Cho đến nay, kế hoạch chuyển toàn bộ cổ phần của PVN tại PVcomBank sang cho NHNN quản lý là yêu cầu bức thiết và đã được phê duyệt. Trong bối cảnh khá nhiều ngân hàng (chưa nói các doanh nghiệp trong các ngành khác) có quy mô vốn lớn và hoạt động hiệu quả hơn PVcomBank rất nhiều sẽ phát hành thêm cổ phần hoặc IPO trong thời gian tới, thu hút một lượng vốn lớn từ thị trường, việc tìm nhà đầu tư thay thế PVN tại PVcomBank không phải là điều dễ dàng. Đó là chưa kể việc ngân hàng này phải tăng vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn theo qui định của NHNN.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ