PTGĐ Pacific Corporation: ‘Đề nghị giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% để có thể thực hiện một số quyền của cổ đông’

Nhàđầutư
Theo ông Phan Lê Hoàng, PTGĐ Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corpration), cần giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của cổ đông hoặc nhóm cổ đông như quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp hiện hành.
PHAN LÊ HOÀNG
15, Tháng 10, 2019 | 10:37

Nhàđầutư
Theo ông Phan Lê Hoàng, PTGĐ Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corpration), cần giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của cổ đông hoặc nhóm cổ đông như quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp hiện hành.

8DF9BBE3-FBF6-403D-AB11-F910692618C0

Ông Phan Lê Hoàng phát biểu tại Hội thảo Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức ngày 15/10/2019.

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 là hai luật có vai trò hết sức quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp. Từ khi được ban hành và có hiệu lực đến nay, hai luật này đã phát huy vai trò tích cực trong đời sống kinh tế của đất nước, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, một số quy định của các luật này đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (Dự thảo Luật sửa đổi), chúng tôi xin có ý kiến về 3 nội dung sau đây:

Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên:

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, Khoản 4 Điều 31 Luật Đầu tư đang sửa theo hướng dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi cho rằng quy định này chưa phù hợp đối với các dự án có quy mô vừa và nhỏ, bởi lẽ: Để thực hiện dự án trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, nhà đầu tư đã phải trải qua nhiều thủ tục ở từng địa phương nơi thực hiện dự án. Nếu giao thẩm quyền chấp thuận chủ trương cho Thủ tướng Chính phủ thì nhà đầu tư lại phải thêm một khâu thủ tục nữa để xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Điều này dẫn đến kéo dài thêm về quy trình, thủ tục, gây tốn kém chi phí và thời gian cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Vì vậy, để đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư, chúng tôi đề nghị giữ nguyên quy định như hiện nay, đó là: “Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, dự án thực hiện trên địa bàn của địa phương nào thì chủ đầu tư sẽ thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư tại địa phương đó. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính để thực hiện dự án sẽ tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 38 của Luật Đầu tư năm 2014”.

Quyền của cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu cổ phần:

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp đang sửa theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% để thực hiện một số quyền của cổ đông như: Yêu cầu xem xét, trích lục hồ sơ, báo cáo tài chính, hợp đồng, giao dịch của công ty; Yêu cầu triệu tập họp Ðại hội đồng cổ đông bất thường, yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty... Đồng thời, bãi bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng.

Chúng tôi cho rằng, việc bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng là phù hợp, vì đã là cổ đông của công ty thì đương nhiên cổ đông phải được thực hiện ngay các quyền của mình mà không phân biệt cổ đông cũ hay cổ đông mới. Tuy nhiên, quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% thì không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ là việc làm đúng, nhưng để ổn định công ty thì vẫn cần phải có một tỷ lệ nhất định để biểu quyết theo số đông, đảm bảo cho quyền lợi cũng như trách nhiệm cổ đông lớn. Do vậy, chúng tôi đề nghị giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của cổ đông hoặc nhóm cổ đông như quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Về thủ tục thay đổi thông tin cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư:

Hiện nay, quy định về thực hiện thủ tục thay đổi thông tin cổ đông đang chưa được nhất quán trong Luật Doanh nghiệp và giữa Luật Doanh nghiệp với Luật Đầu tư, cụ thể:

Theo Điều 32 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo Điều 51 Nghị định 78/2015/NĐ-CP được sửa đổi tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP, việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua. Còn đối với các trường hợp khác như thay đổi thông tin về cổ đông sáng lập do chuyển nhượng cổ phần, do tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần … thì không phải thông báo. Như vậy, ngay trong Luật Doanh nghiệp và Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp đang quy định chưa thống nhất về trường hợp phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin cổ đông.

Theo Điều 26 Luật Đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông/thành viên trong trường hợp: Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; hoặc Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế. Nhà đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có nhu cầu đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thì nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này. Như vậy, giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đang quy định chưa thống nhất về trường hợp phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi đề nghị cần quy định thống nhất về thủ tục thay đổi thông tin cổ đông trong Luật Doanh nghiệp theo hướng: Các trường hợp bắt buộc thực hiện thủ tục thay đổi thông tin cổ đông thì thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đối với các trường hợp không bắt buộc thực hiện thủ tục thay đổi thông tin cổ đông nhưng nếu doanh nghiệp có nhu cầu thông báo/đăng ký thì cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn tiếp nhận thủ tục để giải quyết theo quy định. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông trong các giao dịch chuyển nhượng theo quy định hoặc chứng minh năng lực khi cần có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(*) Tham luận đề dẫn tại Hội thảo Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức ngày 15/10/2019.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ