Nông sản Việt 'lép vế' vì chi phí logistics quá cao

Nhàđầutư
"Để xuất quả vải thiều đi Mỹ thì phải vận chuyển từ Bắc Giang lên sân bay Nội Bài, rồi về sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó chở về nhà máy đóng gói, chuyển đến nhà máy chiếu xạ, rồi lại kéo ra cảng mới xuất đi. Nhiều tuyến vận chuyển nên giá thành rất cao", chuyên gia cho biết.
PHÚ KHỞI
24, Tháng 06, 2023 | 06:45

Nhàđầutư
"Để xuất quả vải thiều đi Mỹ thì phải vận chuyển từ Bắc Giang lên sân bay Nội Bài, rồi về sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó chở về nhà máy đóng gói, chuyển đến nhà máy chiếu xạ, rồi lại kéo ra cảng mới xuất đi. Nhiều tuyến vận chuyển nên giá thành rất cao", chuyên gia cho biết.

bao quan

Chi phí logistics nông sản chiếm đếm 30% giá thành đã làm giảm sức cạnh tranh cho nông sản Việt. Ảnh TL

Chi phí logistics chiếm khoảng 30% giá thành

Ngày 23/6, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) đã tổ chức tọa đàm "Nâng cao giá trị chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu - gắn kết hiệu quả với hệ thống logistics".

Chia sẻ tại diễn đàn này, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, nông sản xuất khẩu là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Đặc biệt, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 22,6 tỷ USD chiếm 42,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước, trong đó Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu chủ lực.

"Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và yêu cầu nâng cao năng lực chuỗi giá trị. Theo báo cáo "Chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2022, bên cạnh những giải pháp về xúc tiến thương mại, marketing, quảng bá tiếp cận thị trường quốc tế, thì hệ thống logistics và lưu trữ bảo quản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị, giảm giá thành cho hàng nông sản Việt Nam", ông Hiệp cho hay.

Thông tin thêm tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch VINAFRUIT cho biết, mặc dù rau quả Việt Nam có sản lượng lớn khoảng 35 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 19 triệu tấn quả các loại, còn lại là các loại rau. Tuy nhiên, tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thấp, do khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển còn nhiều hạn chế.

Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty T&T Vina, cho rằng nhiều loại trái cây xuất khẩu có vỏ mỏng khó bảo quản, thời gian bảo quản ngắn nên việc vận chuyển xuất khẩu bằng đường hàng không là tốt nhất.

"Tuy nhiên, do hiện nay chúng ta còn thiếu trung tâm logistics hàng không ở vùng sản xuất nông sản lớn nên phải tốn thêm nhiều chi phí vận chuyển bằng các phương thức vận tải khác để đến đến được trung tâm logistics hàng không nên chi phí đội lên rất cao, chiếm trên 30% doanh thu của doanh nghiệp. Do chi phí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực nên giá thành sản phẩm cũng đội lên cao, điều này chắc chắn sẽ làm giảm sức cạnh tranh cho nông sản Việt", ông Tùng phân tích.

bao quan 2

Thu hoạch, vận chuyển, bảo quản nông sản còn nhiều hạn chế. Ảnh TL

Cần chính sách đặc biệt cho 4 Nhà

Theo bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU, hiện nay chi phí vận chuyển rau quả bằng đường hàng không từ Việt Nam đi các nước cao hơn các nước bạn.

Điển hình giá cước vận chuyển bằng đường hành không từ Thái Lan đi Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Đông…thường thấp hơn từ 1 – 1,2 USD/kg so với bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài của Việt Nam. Mặt khác sân bay Bangkok (Thái Lan) có 70 đường bay quốc tế với tầng suất mỗi ngày nên việc vận chuyển hàng hóa cũng rất thuận lợi.  

"Trong khi chúng ta muốn xuất khẩu trái vải đi Mỹ thì phải chuyển vải từ tỉnh Bắc Giang lên sân bay Nội Bài, rồi về sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó chở về nhà máy đóng gói, tiếp tục chuyển đến nhà máy chiếu xạ, rồi lại kéo ra cảng mới xuất đi. Do qua nhiều tuyến vận chuyển nên giá thành rất cao, chất lượng không đảm bảo" bà Uyên nêu ví dụ.

Nhằm từng bước kéo giảm chi phí logistics cho nông sản, bà Uyên đề xuất cần tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực, như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết nối các phương thức vận tải: Đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không để phát huy sức mạnh tổng thể logistics nội địa. Cùng với đó là các doanh nghiệp logistics nông sản cần liên kết phát triển chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu, vận chuyển, xử lý kiểm dịch thực vật, chiếu xạ…

Liên quan đến việc cải thiện logistics cho mặt hàng nông sản, trao đổi thêm với Nhadautu.vn, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, với công nghệ bảo quản phát triển, thời gian bảo quản các loại nông sản được kéo dài hơn. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất là khâu thu hoạch, vận chuyển có nhiều nơi làm chưa tốt.

"Một quả xoài, cam, bưởi… bị đánh rơi từ độ cao xuống đất trong quá trình thu hoạch hay vận chuyển thì cho dù sau đó vẫn được bảo quản đúng kỹ thuật nhưng sẽ rất khó giữ được chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Do đó, khâu thu hoạch và bảo quản, vận chuyển sau thu hoạch cũng rất quan trọng", ông Tùng dẫn chứng.

Theo ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Hậu Giang), để nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, nông sản cả nước nói chung, có thể cạnh tranh được so với các nước trong khu vực và vươn tầm thế giới thì bắt buộc phải hình thành các Trung tâm logistics chuyên cho nông sản. Mục tiêu của Trung tâm là làm sao giảm được chi phí logictics từ 30% xuống còn 15% giá thành sản phẩm. Tại những Trung tâm này cần có tất cả các dịch vụ để phục vụ cho các loại nông sản từ khâu thu mua đến phân loại, lựa rửa, đóng gói, chiếu xạ tiệt trùng, bảo quản lạnh cho đến thông quan xuất khẩu.

Tuy nhiên, để khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các Trung tâm logistics thì cần có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho 4 nhà: Nhà nông, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà đầu tư.

"Đối với nhà nông, nên có những chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển đến Trung tâm; hỗ trợ các lớp đạo tào cập nhật những kiến thức về trồng trọt, hỗ trợ kinh phí để đạt những chứng nhận quản lý chất lượng như VietGAP, Global GAP…

Đối với nhà sản xuất, cần có những chính sách hỗ trợ khi họ đến làm ăn tại những trung tâm này.

Đối với nhà nhập khẩu, cần có những chính sách để thu hút như các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kết nối, cấp Visa dài hạn hay các chính sách cụ thể khác.

Đối với nhà đầu tư những Trung tâm logistics chuyên về cho nông sản xuất khẩu thì cần có những chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, hỗ trợ về lãi suất ngân hàng…",ông Hoài đề xuất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ