'Nhân tố X' trong ván bài bán lẻ hiện đại của Masan

Trong chiến lược phát triển mảng bán lẻ hiện đại 5 năm tới, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, đặt kỳ vọng CrownX sẽ là nền tảng thúc đẩy quy mô của bán lẻ hiện đại tăng từ 8% lên 50% trong ngành bán lẻ.
DŨNG NGUYỄN
01, Tháng 07, 2020 | 14:53

Trong chiến lược phát triển mảng bán lẻ hiện đại 5 năm tới, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, đặt kỳ vọng CrownX sẽ là nền tảng thúc đẩy quy mô của bán lẻ hiện đại tăng từ 8% lên 50% trong ngành bán lẻ.

586e3_nguyen_dang_quang_masan

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, nói về Sherpa. Masan cho biết sẽ đầu tư vào The Sherpa và CrownX tới tối đa 1.000 tỉ đồng trong một hoặc nhiều giao dịch. Ảnh: V.D.

Thương vụ tỉ đô la bằng tiền mặt

Sáng ngày 30/6, Tập đoàn Masan (MSN) và hai công ty thành viên niêm yết là Masan Consumer Holdings (MCH) và Masan MEATLife (MML)) cùng tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Lần đại hội chung này đánh dấu sự chuyển đổi của tập đoàn sau những thương vụ sáp nhập vào nhiều năm trước và cả gần đây, đặc biệt là câu chuyện của VinCommerce với con “át chủ bài” đang dần được hiện rõ hơn.

Trước đó, ngày 27-6, Công ty cổ phần The CrownX chính thức đi vào hoạt động. Đây là công ty sở hữu 85,71% cổ phần Công ty Masan Consumer Holdings (MCH) và 83,74% cổ phần của Công ty Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VCM).

Việc sở hữu 2 công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng có hệ thống phân phối lâu năm và bán lẻ đang được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới cho Masan, dưới chung một kênh bán lẻ hiện đại.

“Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%. Yếu tố thay đổi cuộc chơi là khi Masan không chỉ có kênh mua sắm hiện đại cho các cư dân thành thị mà còn mang trải nghiệm tuyệt vời này đến phục vụ cả người tiêu dùng ở nông thôn", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT của Masan chia sẻ tại đại hội. 

Theo ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan, hiện nay người tiêu dùng Việt vẫn phải chi trả quá cao cho những nhu cầu tiêu dùng thiết yếu do thiếu sự đổi mới sáng tạo và quy mô, đặc biệt về cơ sở hạ tầng phục vụ tiêu dùng.

Do đó, ban quản trị The CrownX đặt tham vọng cắt bỏ dần các khâu trung gian, đưa sản phẩm đến tận tay người dùng để tiết kiệm chi phí, bằng cách chuyển đổi mô hình từ bán hàng hóa sang xây dựng thương hiệu và mở rộng mạng lưới cửa hàng, chuỗi cung ứng phủ khắp cả nước và sở hữu danh mục hàng độc quyền (nhãn hàng riêng).

Theo kế hoạch của Masan, lĩnh vực tiêu dùng có thể chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên là nhu cầu về nhu yếu phẩm, tiếp đến là khai thác các dịch vụ tài chính và sau đó là giai đoạn kết nối và giải trí với nhiều loại hình dịch vụ khác nhau.

Hiện nay, Masan đang hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, cung cấp sản phẩm tươi sống và dịch vụ tài chính (thông qua cổ phần đáng kể trong Techcombank). “Các lĩnh vực này chiếm khoảng 50% chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam”, ông Danny Le cho biết.

Mục tiêu Masan đặt ra cho CrownX là đến năm 2025 sở hữu 10.000 cửa hàng và 20.000 cửa hàng nhượng quyền, với doanh thu có thể lên đến 250.000 tỉ đồng trong kịch bản tốt, phục vụ cho là phục vụ 35-50 triệu khách hàng. Hiện nay, CrownX có hơn 3.000 cửa hàng và phục vụ 9 triệu người tiêu dùng.

Thông tin thêm tại đại hội, lãnh đạo Masan cho biết Masan cũng đã thông qua việc mua thêm 15% cổ phần của CrownX, hiện đang được cân nhắc thực hiện bằng tiền mặt với giá trị có thể lên đến 1 tỉ đô la, dự kiến hoàn tất vào quí 3-2020. Theo ông Danny Le, không loại trừ khả năng CrownX sẽ có thêm các đối tác có nền tảng và thành tựu nhất định về mảng bán lẻ, nhưng Masan sẽ luôn nắm cổ phần kiểm soát.

"Nhân tố X" này vẫn còn nhiều bí ẩn xoay xung quanh, đặc biệt là cơ cấu sở hữu của CrownX hay vai trò của Sherpa, công ty thành lập cùng với CrownX để hoàn tất giao dịch hợp nhất giữa VCM và MCH. Trong thông cáo trước đó vào giữa tháng 6, Masan cho biết sẽ đầu tư vào The Sherpa và CrownX tới tối đa 1.000 tỉ đồng trong một hoặc nhiều giao dịch.

“Các hoạt động sẽ dần được chia sẻ nhiều hơn để cổ đông hiểu hơn về bước đi sắp tới”, ông Danny Le trả lời trước những câu hỏi của cổ đông tại Đại hội. “Về mặt chiến lược thì chúng ta đang củng cố và sáp nhập để tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng sau thương vụ với VCM. Các cổ đông lớn cũng rất ủng hộ thương vụ sáp nhập này, không chỉ tác động tích cực đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà chúng ta đứng trước cơ hội kiến tạo giá trị lớn trong tương lai”, ông nói thêm.

85c89_danny_le

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan nói về tầm nhìn và chiến lược của CrownX. Ảnh: V.D

Mở rộng nhiều phân khúc sản phẩm

“Tham vọng của Masan là mở rộng thêm nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau”, ông Danny Le chia sẻ. Theo Tổng giám đốc Masan, hướng đi hiện nay là trở thành nền tảng mà người tiêu dùng làm trọng tâm, đáp ứng “3 vòng tròn” nhu cầu theo kế hoạch của Masan, bao gồm các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, xã hội và truyền thông.

Đầu năm 2020, Masan đặt chân vào thị trường các sản phẩm chăm sóc gia đình qua thương vụ mua lại Bột giặt Net và chuyển giao cho Masan HPC (thành lập cuối năm 2019). Theo ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT MCH, thị trường chất tẩy rửa gia dụng và chăm sóc cá nhân hiện đang được kiểm soát 90% bởi các công ty nước ngoài, trong khi các công ty nội địa chỉ có sản phẩm ở phân khúc thấp.

Theo kế hoạch được trình bày, Masan thậm chí còn đưa ra kế hoạch gia nhập ngành sữa vào năm 2021 và ngành dược phẩm trong giai đoạn 2022-2025. Theo ông Thắng, các ngành nghề và lĩnh vực được đưa ra khá đa dạng, cũng như không độc quyền mà sẽ “mở” cho nhiều thương hiệu khác vào.

“Chiến lược của CrownX là mở rộng chiều sâu ngành hàng nhưng luôn phải đảm bảo biên lợi nhuận trên 20%”, ông Thắng nói. Một kế hoạch quan trọng khác là Masan sẽ thiết lập danh mục sản phẩm nhãn hàng riêng thông qua việc hợp tác với đối tác (cả trong và ngoài nước), có thể lên đến 40%.

CrownX không chỉ được đặt vấn đề phát triển kênh bán hàng offline, mà các nhà lãnh đạo Masan cũng nhắc đến nhiều về câu chuyện của công nghệ. Theo đó, việc trở thành nền tảng sở hữu dữ liệu chi tiêu nhu yếu phẩm của hộ gia đình là một mục tiêu quan trọng với Masan.

“Kênh trực tuyến (online) chưa phải là kếnh ưu tiên cao nhất trong 6 tháng cuối năm 2020, nhưng là một phần không thể thiếu của CrownX, vì cho phép kết nối trực tiếp với từng hộ gia đình”, ông Thắng nói.

Tham vọng đặt ra là đến năm 2025, doanh thu của Masan sẽ đạt 150.000-250.000 tỉ đồng với lợi nhuận hoạt động từ 14-15%, nhờ các sản phẩm nhãn hàng riêng, phát triển mạnh kênh bán hàng trực tuyến, sản phẩm độc quyền tại các điểm bán lẻ, mở rộng mạng lưới phân phối thông qua các cửa hàng và nhượng quyền bán lẻ trong tương lai.

Kết quả kinh doanh tăng mạnh trong nửa cuối 2020

Năm ngoái, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 37.354 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế (phân bổ cho cổ đông công ty trong hoạt động kinh doanh chính) đạt 3.907 tỉ đồng, tăng 12,4% so với năm 2018.

Trong năm nay, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group cho biết, Masan Group sẽ không mở rộng kinh doanh quá nhanh chóng, mà tập trung đảm bảo mô hình hiện có tiếp tục bền vững khi tăng quy mô.

Theo đó, kế hoạch doanh thu đặt ra từ 75.000-85.000 tỉ đồng (tăng trưởng 101% đến 128% so với năm 2019) và lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận thiểu số đạt từ 1.000-3.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý là VCM dự kiến đạt biên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) cả năm đạt -3% và có thể hòa vốn ở nửa cuối năm 2020.

Trong khi đó, doanh thu MCH dự kiến tăng 15% và đạt tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 chữ số. Ngành thịt với MML dự kiến đóng góp 20% vào doanh thu gộp và phát triển nền tảng thịt chế biến để tối ưu hóa lợi nhuận. Thức ăn chăn nuôi dự kiến tăng trưởng đều đặn như hằng năm với tiềm năng tăng nếu quá trình tái đàn lợn diễn ra nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Trong lĩnh vực tài nguyên, MSR sẽ tập trung vào mảng tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Starck, để trở thành nhà chế tạo các sản phẩm vonfram midstream giá trị gia tăng toàn cầu.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ