Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Cần bắt nhịp xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh

Nhàđầutư
Bối cảnh mới đặt ra rất nhiều khó khăn đối với mọi nước trên thế giới, trong đó có ASEAN và nước ta. Việt Nam vừa đứng trước nhiều cơ hội đáng kể, vừa phải ứng phó với những thách thức không nhỏ.
NGUYÊN PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ KHOAN
18, Tháng 11, 2021 | 10:29

Nhàđầutư
Bối cảnh mới đặt ra rất nhiều khó khăn đối với mọi nước trên thế giới, trong đó có ASEAN và nước ta. Việt Nam vừa đứng trước nhiều cơ hội đáng kể, vừa phải ứng phó với những thách thức không nhỏ.

vu-khoan1

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.  Ảnh: Trọng Hiếu.

Sáng 18/11, tại hội thảo "Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn phối hợp cùng Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có trình bày tham luận "Những thay đổi của thế giới vàcơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam".

Là một nền kinh tế có độ mở vào loại hàng đầu thế giới, sự phát triển của nước ta không thể không tính đến những biến động trên hoàn cầu.

Trong những năm gần đây, tình hình quốc tế diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp về nhiều mặt nhưng ở đây chỉ xin đề cập hai khía cạnh sau: Những mối đe dọa phi truyền thống, nhất là dịch bệnh và thiên tai; sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và cục diện khu vực, kèm theo những gợi ý về tác động của chúng đối với nước ta cũng như phương hướng xử lý.

Các mối đe dọa phi truyền thống

Trong những thập niên gần đây, bên cạnh những mối đe dọa truyền thống liên quan tới xung đột, chiến tranh thế giới còn phải đối mặt với ngày càng nhiều mối đe dọa phi truyền thống, trong đó hai năm qua nổi lên đại dịch COVID-19 và những hiện tượng cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu.

Đại dịch toàn cầu COVID-19 thật sự là một trong những thảm họa y tế lớn nhất trong lịch sử loài người, làm cho trên 250 triệu người lây nhiễm, cướp đi sinh mạng của trên 5 triệu người, tác động sâu rộng cả về vật chất lẫn tinh thần đối với mọi quốc gia không phân biệt lớn - nhỏ, giàu - nghèo.

Đồng thời, những biểu hiện thiên tai cực đoan do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra tiếp tục hoành hành đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của con người

Hiện nay, hầu hết các nước buộc phải chuyển từ mô hình zero COVID sang mô hình "sống chung" với nó để phục hồi kinh tế.

Vậy hai mối đe dọa phi truyền thống nói trên đặt ra những vấn đề gì đối với thế giới trong thời gian tới?

Một là, quá trình chuyển đổi sang trạng thái mới và sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều ở mọi quốc gia, lĩnh vực và sẽ tùy thuộc vào những diễn biến tiếp theo của đại dịch và cả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra; quy mô và mức độ tác hại của chúng gây ra; tiềm lực và khả năng điều hành của mỗi quốc gia; sự đồng thuận và cả văn hóa ứng xử của mỗi dân tộc cũng như diễn biến của quan hệ quốc tế nói chung và trong công cuộc đối phó với những mối đe dọa chung nói riêng.

Hai là, tuy chưa bùng phát khủng hoảng kinh tế - tài chính trên phạm vi toàn cầu song không thể loại trừ mối đe dọa này nếu tính rằng, thế giới đã buộc phải tung ra một lượng tiền khổng lồ để ứng phó với chúng kèm theo các gói cứu trợ kinh tế - xã hội lên tới 100.400 tỷ USD.

Hơn nữa kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hai xu hướng trái chiều nhau: trong khi một số sản phẩm, nổi lên là nhiên liệu, năng lượng gia tăng tạo nên nguy cơ lạm phát lớn lại xuất hiện những biểu hiện đình trệ do "cầu" giảm vì thu nhập của của phần lớn các tầng lớp dân cư thuyên giảm đáng kể.

Ba là, bên cạnh những khó khăn về kinh tế, thế giới sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất ổn về xã hội không kém phần nghiêm trọng như công ăn việc làm, nạn đói nghèo, di dân, thất học, sức khỏe tinh thần…

Bốn là, rơi vào đúng thời điểm Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra, các mối đe dọa phi truyền thống nói trên vô hình chung càng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cả lao động cũng như lối sinh sống, làm ăn, học hành theo hướng kinh tế số và kinh tế xanh gia tăng mạnh mẽ… Có thể nói, chúng ta đang chứng kiến quá trình hình thành một nền kinh tế mới, một lối sống, một phương thức làm ăn, lẫn quản lý xã hội và cả phương thức chiến tranh mới.

Năm là, đại họa vô hình chung đã làm sống lại chủ nghĩa đa phương mà những sự kiện lớn vừa diễn ra như G-20, COP – 26, APEC…là những biểu hiện. Các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu sẽ từng bước được nối lại với những sự điều chỉnh tùy theo lợi thế so sánh mới và sự tập hợp lực lường mới.

Nước ta cũng đang dần chuyển sang trạng thái mới theo tinh thần vừa tiếp tục đối phó với dịch bệnh vừa khôi phục hoạt động bình thường an toàn linh hoạt; một Chương trình tổng thể theo hướng này dường như đang được tích cực soạn thảo.

Do tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp và khó lường do đó mọi kế hoạch, chương trình nên rất linh hoạt với các kịch bản khác nhau chứ không thể chỉ có một phương án cứng nhắc.

Chương trình cũng đang được soạn thảo sẽ mang tính tổng thể; cách tiếp cận như vậy hết sức thỏa đáng. Hy vọng rằng lĩnh vực "xã hội" theo nghĩa rộng sẽ được đề cập đậm nét hơn bình thường vì tác động của các mối đe dọa phi truyền thồng đối với lĩnh vực này rất nặng nề và lâu dài có thể ảnh hưởng ngược lại về chính trị, an ninh và kinh tế - tài chính.

Việc xử lý những vấn đề ngắn hạn trong vài ba năm sắp tới cần được gắn bó chặt chẽ với chủ trương rất cơ bản và lâu dài về tái cấu trúc nền kinh tế nước ta.

Đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu càng thúc đẩy mạnh mẽ thêm kinh tế số, kinh tế xanh cũng như các lĩnh vực liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người. Chúng ta rất cần bắt nhịp và tận dụng những xu hướng này. Các mối đe dọa phi truyền thống đồng thời cũng bộc lộ rõ thêm những điểm yếu của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong đó có tình trạng các đại đô thị và cả các khu công nghiệp tập trung lớn chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch vùng đang diễn ra hiện nay cần tính đến điều này.

Quan hệ quốc tế và tình hình khu vực

Một trong những nét nổi bật trong quan hệ quốc tế hiện nay là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Đây không phải là hiện tượng mới mà đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay. Nguồn gốc của tình trạng này là tác động của quy luật phát triển không đều và sự thịnh – suy của các quốc gia, theo đó những nước vươn lên thành cường quốc thường nuôi tham vọng bành trướng ảnh hưởng, phung phí tiềm năng đi tới suy tàn; ngược lại các nước mới nổi lại nuôi hy vọng vươn lên thành cường quốc và soán ngôi các cường quốc cũ. Trong sự tranh giành ấy nhiều khi đưa tới chiến tranh tàn khốc như nhà lịch sử lừng danh của Hy Lạp cổ đại Thucydides (460 – 395 TCN) coi là "cái bẫy".

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai tới nay đã diễn ra hai đợt cạnh tranh chiến lược lớn: đợt đầu diễn ra trong thời chiến tranh lạnh (1946 – 1991) giữa hai cực do Mỹ - Xô đứng đầu, trong đó CHNDTH ra đời năm 1949 nhiều lần điều chỉnh theo kiểu "quả lắc đồng hồ": nhất biên đảo, tức là đi với Liên Xô chống Mỹ (1949 – 1959); "vừa phản đế vừa phản tu", tức vừa chống Mỹ vừa chống "xét lại Liên Xô" (1959 – 1969); dần chuyển sang chiến lược đẩy mạnh quan hệ với Mỹ chống Xô (1969 – 1979); cải thiện quan hệ với Liên Xô (1979 – 1991).

Sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc phát triển nhanh chóng, một phần nhờ ở mối quan hệ với Mỹ được đẩy mạnh dưới thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc phát triển nhanh chóng và trở thành nền kinh tế lớn thứ Hai sau Mỹ vào 2010.

Trong bối cảnh ấy Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc thông qua chính sách "can dự" của các chính quyền Clinton, Bush con và cả Obama, tới năm 2015 Mỹ đưa ra chiến lược "xoay trục sang châu Á" mà một trong những mục tiêu là kiềm chế Trung Quốc, khi Trump vào Nhà trắng năm 2016 đã xác định hai đổi thủ chủ yếu là Trung uốc và Nga, đưa ra chiến lược Ấn độ dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) mà một trong những mục tiêu cơ bản là để đối trọng với chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc. Những diễn biến này cho thấy cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung dần trở thành trục chính trong cục diện thế giới.

Cuộc cạnh tranh này có một số khác biệt so với cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Xô. Một là, nó không mang tính chất hai phe, hai cực mà là hai nước lớn; hai là, nó không chỉ thể hiện chủ yếu trong sự cạnh tranh quân sự chiến lược và khu vực ảnh hưởng chính trị mà mang tính toàn diện hơn, ngoài sự chay đua về vũ trang và ảnh hưởng chính trị còn bao gồm cả các lĩnh vực kinh tế - thương mại, tài chính - tiền tệ, khoa học - công nghệ, kể cả các lĩnh vực công nghệ cao; ba là, khu vực cạnh tranh chuyển mạnh từ châu Âu sang châu Á - Thài Bình Dương và cả Ấn Độ Dương, điều đó không có nghĩa là hai nước không cạnh tranh ảnh hưởng ở các khu vực khác và cả trên vũ trụ.

Cuộc cạnh tranh này được đẩy lên cao dưới thời Tổng thống Trump; gần đây, dưới thời Biden, đã xuất hiện một số tín hiệu điều chỉnh chính sách của Mỹ theo hướng nối lại chủ nghĩa đa phương, lấy lại vai trò "lãnh đạo" thế giới; Mỹ - Trung tìm cách dàn xếp quan hệ với nhau. Điều đó một lần nữa cho thấy tính tùy thuộc lẫn nhau rất cao trong thế giới ngày nay, không một nước nào dù lớn tới đâu cũng không thể rũ bỏ quan hệ với các nước khác, nhất là với một thị trường khổng lồ với 1,3 tỷ dân.

Dù sao đi nữa thì trước mắt và trong những thập kỷ tới cuộc cạnh tranh này vẫn sẽ tiếp diễn như dòng chẩy chủ yếu. Hiện nay các nhà nghiên cứu trên thế giới đưa ra rất nhiều dự báo về thời điểm Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và trở thành siêu cường hàng đầu.

Tuy nhiên, hiện nay, sức mạnh vật chất giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khoảng cách đáng kể về GDP tính theo đầu người, vị trí đồng tiền, trình độ nhiều lĩnh vực chủ yếu về khoa học công nghệ, kể cả những ngành then chốt, vai trò trong các thể chế toàn cầu, ảnh hưởng văn hóa…

Cục diện trên đặt ra rất nhiều khó khăn đối với mọi nước trên thế giới, trong đó có ASEAN và nước ta.

Trong bối cảnh đó, nước ta vừa đứng trước nhiều cơ hội đáng kể, vừa phải ứng phó với những thách thức không nhỏ. Một trong những thuận lợi cơ bản là uy tín và vị thế của nước ta trong thế giới ngày nay đã được nâng cao đáng kể, các nước lớn nhỏ đều coi trọng.

Bất luận tình hình diễn biến ra sao ta vẫn kiên trì quan điểm lấy lợi ích quốc gia - dân tộc là cao nhất, kiên trì chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa, không chọn bên mà chọn lẽ phải; đó là độc lập cho mọi dân tộc, chủ quyền đối với mọi quốc gia, hòa bình cho mọi dân tộc, hợp tác xây dựng vì sự phát triển.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ