Người dân Thủ Thiêm muốn trở về cất nhà đón Tết

Tiếp xúc với Tổ đại biểu HĐND TP.HCM, nhiều người dân bị giải tỏa trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) bày tỏ nguyện vọng muốn quay về nơi cũ để cất nhà đón Tết vì bà con có đủ giấy chứng nhận nhà đất trong khi chính quyền địa phương không có quyết định thu hồi.
HUY THỊNH
08, Tháng 01, 2020 | 08:02

Tiếp xúc với Tổ đại biểu HĐND TP.HCM, nhiều người dân bị giải tỏa trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) bày tỏ nguyện vọng muốn quay về nơi cũ để cất nhà đón Tết vì bà con có đủ giấy chứng nhận nhà đất trong khi chính quyền địa phương không có quyết định thu hồi.

Chiều 7/1, Tổ Đại biểu HĐND TP.HCM đã tiếp xúc với cử tri quận 2 để thông báo kết quả kỳ họp thứ 17.

Trước khi cử tri có ý kiến, thay mặt tổ đại biểu, ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xin phép có vài lời với các cử tri về dự án khu đô thị mới (ĐTM) Thu Thiêm.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu cho biết cơ sở pháp lý để xác định ranh quy hoạch của dự án; vấn đề khiếu nại của người dân liên quan đến 5 khu phố thuộc 3 phường trong hay ngoài ranh quy hoạch; vấn đề xử lý khu tái định cư 160 ha; công tác kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cán bộ sau phạm… là những vấn đề lớn đang được các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết.

dscn7305_ocft

Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM

Ông Hiếu bày tỏ: “Hôm qua họp báo, UBND TP.HCM thông tin là sắp tới sẽ cùng Thanh tra Chính phủ đối thoại với người dân về ranh dự án. Về 160 ha đất tái định cư, Thanh tra chính phủ đang làm rõ và có thể sẽ thông tin bước đầu trong cuộc đối thoại với người dân sắp tới. Về chính sách bồi thường bổ sung cho người dân khu 4,3 ha, TP.HCM đang trong quy trình giải quyết. Trước kia đã làm sai thì bây giờ phải chặt chẽ về thủ tục để tránh sai sót.

“Các kiến nghị của người dân, chúng tôi sẽ lắng nghe, tổng hợp và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết”, ông Hiếu khẳng định.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Tám (phường Bình Khánh) cho biết giáp Tết cổ truyền các năm 2017, 2018, 2019, bà cùng một số người dân đi Hà Nội kêu oan. Năm nay bà con cũng dự định ra Hà Nội nhưng nghe Phó Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cùng UBND TPHCM đối thoại với người dân trước Tết nên bà con quyết định ở lại chờ được đối thoại.

dscn7319_eluf

Cử tri Nguyễn Thị Tám yêu cầu được trở về cất nhà đón Tết

Bà Nguyễn Thị Tám nhớ lại: "Nhà đất của tôi có giấy chứng nhận do UBND TP.HCM cấp, bị cưỡng chế tháo dỡ mà không có bất kỳ một quyết định thu hồi đất nào. Tôi hỏi đập nhà tôi có giấy tờ đúng pháp luật hay không thì chủ tịch phường nói “tôi chính là luật pháp”. Nhà tôi bị cưỡng chế tổng cộng …9 lần. Lần đầu là đập nhà. Tôi dựng lều thì tiếp tục dỡ lều, dỡ cột,..”

Cử tri này bức xúc nói tiếp: "Người dân khiếu kiện không yêu cầu làm rõ pháp lý của khu 4,3 ha. Yêu cầu của người dân là muốn làm rõ 5 khu phố, 3 phường trong hay ngoài ranh mà muốn làm rõ thì phải có bản đồ gốc. Nếu thất lạc thì cơ sở nào khẳng định nhà đất trong ranh hay ngoài ranh? Không chứng minh được thì phải trả lại đất cho người dân để sớm ổn định cuộc sống".

“Người dân sống lang thang ngoài đường, đất đai thu hồi thì bỏ hoang. Năm hết tết đến rồi. Nếu chính quyền làm sai thì phải trả lại đất cho chúng tôi. Lần này chúng tôi về dựng tạm căn lều để đón Tết, nếu tiếp tục cho người tháo dỡ là chính quyền làm sai luật, xậm phạm chỗ ở bất hợp pháp vì nhà đất của dân đã công nhận chủ quyền”, bà Tám nói.

dscn7312_soqn

Cử tri Phan Khắc Bình (86 tuổi) trình bày nguyện vọng cuối đời

Tay run run cầm micro, ông Phan Khắc Bình (86 tuổi, phường Bình An) thều thào xin chính quyền trả lại mảnh đất trước khi ông nhắm mắt. Thấy ông yếu quá, cử tri Huỳnh Thị Hồng Loan phải cầm hộ micro và xin phép các đại biểu cho ông Bình được ngồi trình bày.

Ông Bình cho biết có miếng đất hơn 200 m2 được cấp sổ đỏ và bị thu hồi nhưng chính quyền chỉ bồi thường cho gia đình ông hơn 60 triệu đồng.

Như chạm đến nỗi đau, cử tri Huỳnh Thị Hồng Loan (phường Bình An) òa khóc: “Đại biểu Hiếu từng làm Bí thư quận 2; đại biểu Hà từng giữ chức phó chủ tịch UBND quận thì chắc biết rõ trường hợp của tôi. Tôi có nhà 180 m2, đất thuộc khu cư xá, có hộ khẩu thường trú. Đang yên lành thì năm 2009 căn nhà bị cưỡng chế, cả gia đình bị đẩy ra đường. Con tôi lúc đó mới 7 tuổi, phải xin ngủ nhờ hàng xóm vài hôm mới thuê được nhà trọ”.

dscn7318_kqna

Cử tri Huỳnh Thị Hồng Loan

Bà Loan gạt nước mắt: “Thẻ cử tri của tôi ghi rõ địa chỉ nhà. Tôi có hợp đồng thuê căn hộ. Vậy mà khi thu hồi nhà đất, chính quyền nói nhà tôi và nhà ba tôi là một căn và không chấp nhận lập hồ sơ bồi thường cũng không bố trí tạm cư. Họ còn khuyên tôi đi kiện ba tôi để đòi tiền bồi thường. Đến năm 2013, thấy tôi khiếu kiện nhiều nơi họ mới đồng ý bố trí tạm cư nhưng vẫn không chịu lập hồ sơ bồi thường. Trong khi đó một lãnh đạo phường An Khánh nhà chưa đến 100 m2 được lập đến 5 hồ sơ để được hưởng 5 suất tái định cư”.

Trả lời các cử tri, Phó Chủ tịch UBND quận 2 Huỳnh Thanh Khiết nói chỉ giải đáp những vấn đề thuộc thẩm quyền của quận. Những vấn đề lớn thì người dân phải chờ Thanh tra Chính phủ.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, trong quá trình xem xét các nội dung khiếu nại của người dân về dự án khu ĐTM Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ xác định cơ sở pháp lý của khu 4,3 ha trước, sau đó sẽ tiếp tục xem xét 5 khu phố thuộc 3 phường. “Trách nhiệm của quận là giải quyết chính sách cho người dân khu 4,3 ha. Sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý thì quận sẽ làm hạ tầng rồi bàn giao cho dân”, ông Khiết nói.

dscn7322_gkrs

Phó Chủ tịch UBND quận 2 Huỳnh Thanh Khiết

Về một số trường hợp cụ thể, ông Khiết nói bà Huỳnh Thị Hồng Loan đã gửi hồ sơ cho ông Phan Nguyễn Như Khuê (đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM – PV). Bà Loan đã nhận căn hộ tạm cư. Chính sách bồi thường giải tỏa thì quận sẽ yêu cầu Ban Bồi thường giải tỏa quận 2 trả lời cụ thể.

Thay mặt tổ đại biểu HĐND TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu ghi nhận ý kiến các cử tri và cam kết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, trả lời.

(Theo Tiền Phong)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ