Ngành thép đứng trước cơ hội từ đòn bẩy CPTPP

Liên tục vấp phải các các vụ kiện thương mại thời gian qua, tác động mở cửa với CPTPP tới ngành thép vẫn là câu hỏi.
PHẠM VÂN
18, Tháng 01, 2019 | 10:10

Liên tục vấp phải các các vụ kiện thương mại thời gian qua, tác động mở cửa với CPTPP tới ngành thép vẫn là câu hỏi.

Thách thức từ mở cửa

Chính thức có hiệu lực từ 14/1, Hiệp định đối tác toàn diện và phát triển xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được dự đoán tạo ra cú hích lớn với nhiều ngành, lĩnh vực. Bên cạnh dệt may, da giày, thủy sản... được nhắc đến với nhiều kỳ vọng lạc quan, tác động của CPTPP tới ngành thép lại đặt ra dấu hỏi lớn. Bởi song song với tiến trình mở cửa, ngành thép những năm qua liên tục đối mặt với các vụ kiện hay làn sóng bảo hộ thương mại tại nhiều quốc gia.

Tuy vậy, ngành thép vẫn cho thấy những tín hiệu tăng trưởng tích cực. Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 11 tháng đầu năm 2018, sản xuất thép đạt 22,2 triệu tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,3 triệu tấn, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam lọt top các quốc gia dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ thép tại Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ tiếp tục tăng.

1

Ngành thép vẫn cho thấy những tín hiệu tăng trưởng tích cực dù trải qua thời kỳ "lao đao" vì căng thẳng thương mại và làn sóng bảo hộ.

Tuy nhiên, thép cũng là ngành chịu áp lực về áp thuế và kiện tự vệ lớn nhất. Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2017, trong 124 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam thì có 30 vụ liên quan tới thép, chủ yếu tập trung vào điều tra chống bán phá giá.

Tháng 3/2018, Mỹ tuyên bố đánh thuế cao đối với mặt hàng thép nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành luyện kim trong nước với mức thuế suất là 25%. Nhiều thị trường xuất khẩu quen thuộc trong khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia...cũng bắt đầu áp dụng phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu từ Việt Nam.

CPTPP - Đòn bẩy từ cạnh tranh

Theo giới phân tích, xu hướng phòng vệ thương mại là tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, trong đó có CPTPP. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam vẫn nhìn nhận nhiều tác động tích cực mang lại từ CPTPP. Theo đó, việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có lợi thế như Australia.

Báo cáo từ BSC Research cũng chỉ rõ, các nước thành viên CPTPP là nguồn cung cấp nguyên vật liệu chủ yếu để sản xuất thép cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, Australia là nước cung cấp than đá và quặng chủ yếu cho nước ta, lần lượt chiếm 25,7% và 22,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, hơn 50% lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phôi cũng là từ các nước thuộc CPTPP. Một số thành viên như Canada, Malaysia cũng có nhu cầu lớn nhập khẩu nhiều thép thành phẩm.

Trước đó, ASEAN và Mỹ là hai thị trường dẫn đầu về xuất khẩu thép của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ tăng cao, theo các chuyên gia, việc chuyển hướng xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường khác là cần thiết. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thép Việt tìm kiếm đối tác, thu hút đầu tư, nhập khẩu máy móc công nghệ cao để nâng cao hàm lượng giá trị sản phẩm, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nói với VnExpress, ông Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) khẳng định, ngành thép hoàn toàn có tiềm năng phát triển nhờ cơ hội tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư từ CPTPP. Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý cần "cẩn trọng" khi gia nhập sân chơi lớn.

2

Ông Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

Vị này lý giải, ngành thép hiện tồn đọng nhiều vấn đề về nội tại, trước hết là độ chênh giữa nhu cầu nội địa và khả năng sản xuất. Thứ hai là thách thức từ cạnh tranh. Đơn cử, trước CPTPP, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều FTA với ASIAN, Trung Quốc, Nga, Liên minh kinh tế Á-Âu là những thị trường có năng lực mạnh về sản xuất thép.

Ngoài ra, mở cửa cũng đồng nghĩa với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, đối mặt với hàng rào thuế và kỹ thuật của các quốc gia. "Bài học xương máu" được ông Thành lấy ví dụ là cáo buộc của Mỹ về việc các sản phẩm thép Trung Quốc đã được vận chuyển sang Việt Nam để "né" thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Bộ Thương mại Mỹ cũng áp thuế nhập khẩu mạnh tay lên các sản phẩm thép từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc

Đề cập tới quy tắc xuất xứ trong CPTPP, tiến sỹ Võ Trí Thành nhận định: "Nếu coi đó là một tiêu chuẩn để đáp ứng nhằm hưởng lợi từ thuế suất thì chưa đủ. Quy tắc xuất xứ đặt ra bài toán dài hạn về chiến lược kinh doanh gắn chặt với thị trường, đối tác, năng lực, tiến trình đầu tư để tạo nên giá trị gia tăng cao hơn".

Đồng quan điểm, Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam bày tỏ góc nhìn của doanh nghiệp thép trước ngưỡng cửa CPTPP: "Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng yếu tố chất lượng, trong đó cần thận trọng trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, CPTPP cũng có những cam kết chặt chẽ về bảo vệ môi trường. Các công nghệ sản xuất thép tiên tiến cần được áp dụng nhằm giảm thiểu khí thải độc hại ra môi trường và hạn chế nguy cơ biến đổi khí hậu".

Yếu tố về phát triển bền vững cũng được doanh nghiệp này đặc biệt quan tâm. Đại diện NS BlueScope Việt Nam cho biết đã và đang áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các công trình thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí thải gây hại. Nhìn nhận từ nhu cầu từ thị trường, đặc biệt trong các ngành nông nghiệp, dệt may có nhu cầu mở rộng nhà xưởng, chuồng trại thông minh, NS BlueScope Việt Nam hướng tới các sản phẩm khung thép chất lượng cao, áp dụng công nghệ chống ăn mòn, đảm bảo năng suất và chất lượng cho người sử dụng.

"Nói đến sân chơi mới, đừng chỉ nghĩ đến xuất khẩu và thương mại. Đó là cơ hội để học hỏi, đặt ra những yêu cầu về tính bài bản, chuyên nghiệp và kết nối của doanh nghiệp Việt Nam", ông Võ Trí Thành nhận định.

Theo VnExpress

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ