Ngân hàng một thời của bầu Kiên trên đường tìm lại hào quang xưa

Nhàđầutư
Cổ phiếu ngành ngân hàng nói chung và ACB nói riêng đang trong đợt sóng tăng giá ấn tượng kể từ đầu năm 2017. Nhìn sâu vào các chỉ số tài chính của ACB, có thể thấy ngân hàng có số phận “đa đoan” này đang trên đường tìm lại ánh hào quang xưa.
THU THỦY
19, Tháng 06, 2017 | 10:12

Nhàđầutư
Cổ phiếu ngành ngân hàng nói chung và ACB nói riêng đang trong đợt sóng tăng giá ấn tượng kể từ đầu năm 2017. Nhìn sâu vào các chỉ số tài chính của ACB, có thể thấy ngân hàng có số phận “đa đoan” này đang trên đường tìm lại ánh hào quang xưa.

Ngan hang ACB

 Hiện ACB đang có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất toàn ngành 

Với ngân hàng ACB, 2017 là năm đầu tiên ngân hàng ghi nhận chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) tăng trở về mức 2 con số sau 5 năm chật vật vì nợ xấu.

Hệ số an toàn hoạt động và tỷ lệ nợ xấu tốt nhất trong ngành

Tính đến cuối quý I/2017, ACB là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất toàn ngành và thấp hơn nhiều so với con số xấp xỉ 2% của các ngân hàng bán lẻ khác. Số dư trái phiếu VAMC của ngân hàng cũng ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng niêm yết và các ngân hàng lớn (không kể VCB), cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng cho vay khách hàng. Hiện ACB chỉ còn 1.069 tỷ đồng trái phiếu VAMC chưa trích lập dự phòng, tương đương với 0,23% tổng số dư cho vay khách hàng.

ACB

 Số dư trái phiếu VAMC của một số ngân hàng thương mại tính tới cuối quý 1/2017

Tính đến cuối năm 2016, hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) của ngân hàng đạt 13,2% so với mức tối thiểu 9% theo quy định, hệ số LDR (huy động/cho vay) là 74,4% so với mức tối đa 80% do Ngân hàng Nhà nước qui định và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 24,3% so với mức tối đa 60%. Trong bối cảnh các ngân hàng lớn đều gặp khó khăn về việc đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động, tiềm năng tăng trưởng trở lại của ACB là rất lớn.

Câu chuyện nợ xấu đang đi tới hồi kết

Tổng các khoản nợ và lãi dự thu liên quan đến nhóm 6 công ty của bầu Kiên hiện còn ghi nhận trên sổ sách của ngân hàng là 3.934 tỷ đồng, trong đó 2.412 tỷ đồng đã được thực hiện trích lập đầy đủ. Với số dư còn lại là 1.521 tỷ đồng, ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện trích lập ngay trong năm nay. Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ này chủ yếu là cổ phiếu, trong đó cổ phiếu của các tổ chức tín dụng khác chiếm đến 74,7%, còn lại chủ yếu là cổ phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết và vốn góp vào doanh nghiệp.

Báo cáo quý I/2017 của ngân hàng này cho thấy, ACB đã thực hiện trích lập dự phòng cho vay khách hàng lên tới 416 tỷ đồng. Đây rất có thể là khoản trích lập cho khoản vay đối với nhóm 6 công ty của bầu Kiên nói trên. Tổng chi phí dự phòng quý I lên tới 607 tỷ đồng, chiếm đến 50% lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng. Với tỷ lệ nợ xấu thấp, đồng thời các khoản cho vay đều có tài sản đảm bảo, việc trích lập dự phòng mạnh tay trong quý I cho thấy ngân hàng thực sự quyết tâm xử lý dứt điểm nợ xấu tại nhóm 6 công ty này ngay trong năm nay.

Đối với khoản tiền gửi 772 tỷ đồng tại GPBank, ngân hàng đã thực hiện cấn trừ 647 tỷ đồng bằng trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản và dự định sẽ tiếp tục cấn trừ 125 tỷ đồng còn lại bằng bất động sản trong năm nay. Khoản tiền gửi 400 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng đã sớm được gia hạn đến năm 2020. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ thị sẽ thanh toán lãi suất 2%/năm đối với khoản tiền gửi này và trả nợ gốc 20% mỗi năm. Tuy vậy, ACB cũng đã chủ động trích lập dự phòng cho khoản này lên tới 165 tỷ đồng.

Tổng số nợ ACB đã bán cho VAMC đến cuối năm 2016 lên tới 3.086 tỷ đồng. Hiện tại số dư trái phiếu VAMC chưa xử lý còn ghi nhận trong tài sản nội bảng của ngân hàng chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng. Chia sẻ trong ĐHCĐ 2017, đại diện của ngân hàng cho biết có kế hoạch mua lại 1.700 tỷ đồng trái phiếu VAMC trong năm để tự xử lý và thu hồi nợ.

Với kỳ vọng Nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, rất có khả năng ACB sẽ thu hồi được nợ và hoàn nhập dự phòng đã trích lập cho trái phiếu VAMC. Theo báo cáo của ACB, tài sản nhận thế chấp của khách hàng chủ yếu là bất động sản (chiếm đến 80% tổng giá trị tài sản đảm bảo). Như vậy, ngân hàng sẽ được hưởng lợi rất lớn nếu Nghị quyết Xử lý nợ xấu được thông qua.

Liệu hào quang có trở lại? 

Trước năm 2012, ACB là một ngân hàng có các chỉ số tăng trưởng và lợi nhuận cao so với toàn ngành, với ROE luôn duy trì ở mức trên 20%. Với thế mạnh về cho vay khách hàng cá nhân, ngân hàng luôn duy trì được mức lãi suất cho vay khá cao so với các ngân hàng có cùng quy mô hoạt động. Đồng thời, lượng tiền gửi chủ yếu đến từ nguồn tiền gửi tiết kiệm cũng đảm bảo duy trì nguồn vốn dồi dào và đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, do vướng mắc về nợ xấu nên ROE của ngân hàng sụt giảm mạnh và chỉ đạt chưa đến 10% mỗi năm. Quý I/2017 ghi nhận ROE của ACB tăng trở lại mức 2 con số, đạt 13,5%. Đây là một tín hiệu tích cực đối với ngân hàng và các cổ đông. Nếu nợ xấu được giải quyết triệt để trong năm nay, ACB sẽ nhanh chóng tăng tốc trở lại và nhiều khả năng sẽ lấy lại được vị thế của mình trong ngành ngân hàng. Cổ tức tiền mặt 20% có lẽ không còn là giấc mơ quá xa vời đối với cổ đông của ngân hàng này./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ