Ngân hàng không thể lần lữa lên sàn

Các ngân hàng khó có thể lần lữa việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, vì theo chủ trương mới, hạn chót là đến năm sau, 100% ngân hàng buộc phải lên sàn.
THUỲ VINH
09, Tháng 03, 2019 | 07:48

Các ngân hàng khó có thể lần lữa việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, vì theo chủ trương mới, hạn chót là đến năm sau, 100% ngân hàng buộc phải lên sàn.

ngan-hang-khong-the-lan-lua-len-san1552003284

VPBank là một trong 17 ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Ảnh: Đức Thanh

Thúc đẩy lên sàn

Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019 đã đề ra một loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường. Trong đó, bắt buộc các ngân hàng thương mại lên sàn là một trong các biện pháp nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường.

Cụ thể, Đề án yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường HoSE, HNX, UPCoM.

Thực chất, yêu cầu lên sàn đối với các cổ phiếu ngân hàng đã được đề ra trước đó tại Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018. Một trong các mục tiêu của ngành đến năm 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam, nghĩa là niêm yết trên HoSE hoặc HNX, mà không còn được đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Yêu cầu trên xuất phát từ việc ngân hàng là một ngành kinh doanh khá đặc biệt, khi hàng hóa ở đây là tiền tệ. Có thể thấy, việc thúc đẩy các ngân hàng niêm yết luôn được quan tâm. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tất cả các ngân hàng đều phải lên sàn UPCoM, chứ không bắt buộc lên sàn chứng khoán chính thức, nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu của tất cả các ngân hàng, cũng như thông tin minh bạch về các báo cáo tài chính.

Đồng thời, theo quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, các ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM vào cuối năm 2016. NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiều lần có công văn nhắc nhở về chủ trương, lộ trình tất cả ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán những năm trước đây, chứ không phải đợi đến bây giờ.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - tiền tệ cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giúp các ngân hàng minh bạch về thông tin và nâng tính thanh khoản cho cổ phiếu. Hiện các ngân hàng Việt Nam đã là công ty đại chúng, nên lên sàn là cần thiết. Song không phải nhà băng nào cũng niêm yết khi thị trường không thuận lợi.

Chế tài chưa đủ mạnh?

Mặc dù chủ trương và yêu cầu thúc đẩy mạnh các ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn và giao dịch trên UPCoM đã có, song đến nay, mới có 17 cổ phiếu ngân hàng được niêm yết, đăng ký giao dịch trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM. Một số ngân hàng đã có kế hoạch lên sàn trong năm 2018, nhưng chưa thực hiện thành công là OCB, Nam A Bank, VietBank.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, năm nay, Ngân hàng chắc chắn sẽ niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Sau Đại hội đồng cổ đông năm 2019, Nam A Bank sẽ thu hút thêm vốn ngoại để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Trước đó, năm 2018, ngân hàng này đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM và dự kiến tiến hành các thủ tục để lên sàn này.

Năm ngoái, OCB cũng chuẩn bị đưa cổ phiếu niêm yết trên HoSE, nhưng do thị trường cuối năm không mấy tích cực, nên phải hoãn kế hoạch này. Song lãnh đạo Ngân hàng cho biết, chắc chắn năm 2019, OCB sẽ thực hiện việc niêm yết.

Đại diện LienVietPostBank, VIB cho biết, sẽ sớm chuyển từ sàn UPCoM sang sàn HoSE trong năm nay. Trong tài liệu chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 dự kiến được tổ chức cuối tháng 3 này, LienVietPostBank thông báo sẽ chuyển sang HoSE năm nay cùng với kế hoạch tăng vốn.

Ngoài các ngân hàng quyết tâm niêm yết trên HoSE năm nay, một số ngân hàng như VietBank, MSB… cho biết, sẽ triển khai tiếp kế hoạch đưa cổ phiếu lên giao dịch UPCoM mà năm trước chưa thể hoàn tất, nhằm nâng cao tính thanh khoản cho cổ phiếu.

Thời gian gần đây, cổ phiếu ngân hàng vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất và dẫn dắt thị trường. Các ngân hàng đã niêm yết hầu hết kinh doanh thuận lợi và có triển vọng tươi sáng. HDBank, Techombank, TPBank là minh chứng khi sớm niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE năm 2018 và đạt lợi nhuận trước thuế lần lượt là gần 4.000 tỷ đồng, trên 10.000 tỷ đồng và 2.258 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới phân tích tài chính, các chế tài đưa ra chưa đủ mạnh, nên các ngân hàng chưa thực hiện đúng theo quy định về thời hạn niêm yết… TS. Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định, việc triển khai kế hoạch niêm yết của các ngân hàng đã tác động lớn tới giá cổ phiếu “vua”. Vì thế, không phải đợi đến chế tài, mà nếu điều kiện thị trường thích hợp, các nhà băng cần xúc tiến đưa cổ phiếu lền sàn để huy động vốn qua sàn, nhất là khi áp lực tăng vốn theo lộ trình Basel II đang đè nặng các nhà băng.

Mới có hơn một nửa số nhà băng lên sàn

Hiện có 17 ngân hàng đang niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên HoSE, HNX, UPCoM là Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, HDBank, Eximbank, MBBank, Sacombank, TPBank, Techcombank (sàn HoSE); ACB, SHB, NCB (sàn HNX); VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank, BacA Bank (UPCoM). Con số trên chỉ tương đương hơn một nửa số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần của cả hệ thống (31 ngân hàng).

Theo ĐTCK

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ