Mỹ - Anh công bố trừng phạt Nga, Đức dừng phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2  

Nhàđầutư
Mỹ và Vương quốc Anh vừa công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với một số ngân hàng Nga và cá nhân người Nga, trong khi Đức nói đã dừng phê duyệt dự án đường ống khí Dòng chảy phương Bắc 2, sau khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định đưa quân vào miền đông Ukraine.
KIM NGÂN
23, Tháng 02, 2022 | 08:48

Nhàđầutư
Mỹ và Vương quốc Anh vừa công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với một số ngân hàng Nga và cá nhân người Nga, trong khi Đức nói đã dừng phê duyệt dự án đường ống khí Dòng chảy phương Bắc 2, sau khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định đưa quân vào miền đông Ukraine.

gas 3

Công nhân tại nơi xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 ở Nga năm 2019. Ảnh: Reuters

Hôm thứ Ba, Tổng thống Joe Biden cho biết Nga đã bắt đầu "một cuộc xâm lược" đối với Ukraine và tuyên bố các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với ngân hàng lớn của Nga VEB, ngân hàng quân sự PSB, nợ chính phủ của Nga và ba cá nhân người Nga.

Các biện pháp này cấm các tổ chức tài chính Hoa Kỳ xử lý giao dịch cho VEB và PSB. Như vậy, các ngân hàng này sẽ bị cắt khỏi các giao dịch liên quan đến đồng đô la Mỹ, đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Thông báo của ông Biden được đưa ra sau khi Quốc hội Nga chấp thuận yêu cầu của Tổng thống Putin hôm thứ Ba về việc sử dụng lực lượng quân sự bên ngoài biên giới của đất này, "động thái dường như cho phép một cuộc tấn công rộng lớn hơn vào Ukraine", CNBC đưa tin.

Biden cũng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với nợ chính phủ của Nga. "Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã cắt chính phủ Nga khỏi nguồn tài chính phương Tây", Biden nói trong một tuyên bố tại Nhà Trắng. "Chính phủ Nga không còn có thể huy động tiền từ phương Tây và không thể giao dịch các khoản nợ mới của mình trên thị trường của Mỹ hay thị trường châu Âu".

Ngoài các lệnh trừng phạt đối với VEB và nợ của chính phủ Nga, chính quyền Biden trừng phạt ba cá nhân, trong đó hai người là con trai của các quan chức cấp cao trong Chính phủ Nga.

Khi công bố các biện pháp trừng phạt cá nhân, Biden cho biết những đứa trẻ trưởng thành của các thành viên trong giới nội bộ của Putin "chia sẻ những lợi ích tham nhũng từ các chính sách của Điện Kremlin và vì vậy chúng cũng phải chia sẻ nỗi đau".

Các biện pháp trừng phạt đối với nợ chính phủ của Nga được xây dựng dựa trên các hạn chế hiện có mà Biden đã ký vào năm 2021 và cấm các ngân hàng Mỹ giao dịch cổ phần hoặc cho vay đối với một số quỹ nợ chính phủ chính yếu của Nga.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố danh sách đầy đủ các tổ chức và cá nhân bị trừng phạt hôm thứ Ba. 

Cho đến thứ Ba, Tổng thống Mỹ mới sử dụng từ "xâm lược" để mô tả việc triển khai quân sự của Nga ở hai khu vực ly khai miền đông Ukraine. Biden nói hành động của Putin trong những ngày gần đây đã thể hiện rõ ý định của ông. “Đây là sự khởi đầu cho một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, như [Putin] đã chỉ ra và đã xin phép Duma của ông ấy thực hiện. Vì vậy, tôi sẽ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt để đáp trả".

Biden cho biết việc tăng cường NATO sẽ chỉ tiếp tục trong khả năng phòng thủ, nhưng điều này không có nghĩa là liên minh sẽ không đáp trả phù hợp với các động thái quân sự của Putin. "Hôm nay, trước sự thừa nhận của Nga rằng nước này sẽ không rút lực lượng khỏi Belarus, tôi đã cho phép cho các lực lượng và thiết bị của Hoa Kỳ đóng tại châu Âu tăng cường sức mạnh cho các Đồng minh Baltic, Estonia, Latvia và Lithuania".

Ông Biden cho rằng có rất ít lý do để tin rằng Nga vẫn quan tâm đến ngoại giao. Ông chỉ ra các đợt chuyển quân và tiếp tế gần đây của Moscow dọc biên giới Ukraine. "Nga đã chuyển nguồn cung cấp máu và thiết bị y tế vào vị trí biên giới của họ. Bạn không cần máu trừ khi bạn định bắt đầu một cuộc chiến".

Đợt trừng phạt "đầu tiên" của Anh

Phát biểu trước các nhà lập pháp hôm thứ Ba tại Hạ viện, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết đợt trừng phạt đầu tiên nhằm vào các ngân hàng Rossiya, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank. Trừng phạt cũng nhằm vào ba cá nhân "có giá trị tài sản ròng rất cao: Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg.

Ông Johnson nói tài sản của các cá nhân liên quan sẽ bị đóng băng ở Anh và họ bị cấm tới nước này. Tất cả các cá nhân và tổ chức của Anh cũng sẽ bị cấm giao dịch với họ. "Đây là đợt đầu tiên, đợt tấn công đầu tiên trong số những gì chúng tôi chuẩn bị làm và chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt khác nữa cùng với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu nếu tình hình tiếp tục leo thang".

Tuyên bố của ông Johnson được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp EU chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các chính trị gia, ngân hàng Nga và hạn chế khả năng Điện Kremlin tiếp cận vốn, thị trường tài chính và dịch vụ của khối. 

Johnson nói Putin “rõ ràng đã vi phạm” luật pháp quốc tế khi chính thức công nhận Luhansk và Donetsk là các nhà nước độc lập.

Tổng thống Nga hôm thứ Hai ra lệnh cho quân đội tới các khu vực ly khai để “thực hiện các chức năng gìn giữ hòa bình”. Tình hình làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lớn ở châu Âu sau nhiều tháng căng thẳng âm ỉ liên quan đến việc Nga triển khai quân sự ở biên giới Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Ba rằng nước này vẫn "muốn dùng các phương tiện ngoại giao để giải quyết vấn đề này". "Đây là sự lựa chọn của chúng tôi. Chúng tôi đang ở trên đất của chúng tôi. Chúng tôi không sợ bất cứ ai cả", ông nói, theo NBC News.

Thủ tướng Anh nói "muốn chặn các công ty Nga không thể huy động vốn bằng đồng bảng Anh hoặc bằng đô la Mỹ…". "Chúng tôi muốn họ ngừng huy động vốn trên các thị trường của Anh và chúng tôi muốn vén bức màn che giấu quyền sở hữu tài sản của họ ở quốc gia này và ở khắp phương Tây", Johnson nói.

Một số nhà lập pháp và chiến lược gia của Anh cho biết các biện pháp của Johnson không đi đủ xa, rằng phản ứng của chính phủ Anh cho thấy sự yếu kém vào thời điểm mà "phản ứng có ý nghĩa hơn là rất quan trọng".

Caroline Lucas, thành viên của Quốc hội và là thành viên của Đảng Xanh của Anh, bình luận qua Twitter: "Việc trừng phạt năm ngân hàng và ba nhà tài phiệt cho thấy Chính phủ quan tâm đến việc bảo vệ các khoản đóng góp của Đảng Bảo thủ và ổ rửa tiền London (London laundromat) hơn là áp đặt các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa đối với Moscow".

Thuật ngữ  "London laundromat" chỉ một cáo buộc được sử dụng rộng rãi rằng Anh đã trở thành nơi trú ẩn cho nguồn tài chính bất hợp pháp từ Nga trong những năm gần đây.

Tobias Ellwood, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện và là thành viên của Đảng bảo thủ, nói rằng trong khi ông hoan nghênh các hành động của chính phủ, "các biện pháp trừng phạt đó không đủ". "Thật vậy, các biện pháp trừng phạt không có mục tiêu có thể thúc thêm kế hoạch của Putin xoay trục đưa Nga đến gần hơn với Trung Quốc".

Ed Davey, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, nói chính phủ nên thu giữ tài sản của tất cả các nhà tài phiệt Nga ở Anh, và các sự kiện văn hóa quốc tế - như trận chung kết giải bóng đá UEFA Champions League - phải được ngăn chặn không cho diễn ra ở Nga.

Đức dừng phê duyệt Dòng chảy Phương bắc 2

gas 5

Đường đi của đường ống mới từ Nga sang châu Âu như đề xuất. Ảnh: CNBC

Đức hôm thứ Ba dừng phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), được thiết kế để đưa khí đốt tự nhiên từ Nga thẳng đến châu Âu, sau khi Tổng thống Nga Putin công nhận các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine và ra lệnh cho quân đội vào khu vực này.

Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, nói rằng nước ông không chấp nhận việc công nhận hai khu vực ly khai thân Nga, tự xưng ở Donbas, miền đông Ukraine, và Đức phải đánh giá lại tình hình liên quan đến Nord Stream 2. Scholz cho biết ông đã yêu cầu Bộ Kinh tế Đức thực hiện các bước "để đảm bảo rằng hệ thống đường ống này không thể được thông qua tại thời điểm này, và nếu không được thông qua, Nord Stream 2 không thể hoạt động".

Đức bị chỉ trích không hành động dứt khoát trước mối đe dọa của Nga đối với Ukraine, theo CNBC. Hôm thứ Ba, ông Scholz cho biết châu Âu phải đối mặt với "thời gian khó khăn" phía trước và rằng "gần 80 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng ta có thể chứng kiến một cuộc chiến tranh mới ở Đông Âu. Nhiệm vụ của chúng tôi là ngăn chặn một thảm họa như vậy và tôi kêu gọi Nga một lần nữa đóng góp phần của họ".

Đường ống trị giá 11 tỷ USD được thiết kế để tăng gấp đôi lượng khí đốt từ Nga sang Đức và đã được hoàn thành vào cuối năm ngoái. Nhưng các cơ quan quản lý của Đức vẫn chưa bật đèn xanh, chính thức cho phép hoạt động.

Bước đi của Putin

Trong một vài giờ kịch tính tối thứ Hai, ông Putin nói Nga sẽ công nhận sự độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng, sau đó nói ông sẽ cử quân đội Nga đến khu vực với nhiệm vụ “gìn giữ hòa bình”.

Nhiều người lo ngại rằng việc triển khai quân đội vào cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk là tiền đề cho một cuộc xâm lược toàn diện đối với Ukraine.

Đức bị đặt vào tình thế khó khăn đối với vấn đề đường ống dẫn khí Nord Stream 2, khi nhiều quan chức Mỹ muốn dự án bị hủy bỏ hoặc bị trừng phạt nặng nề. Một số quốc gia ở châu Âu, đặc biệt Ba Lan và Ukraine, là đối tượng phản đối mạnh mẽ đường ống, lo ngại Nga giành được nhiều ưu thế hơn trong lĩnh vực năng lượng của châu Âu.

Nếu Nord Stream 2 được tiến hành, Ukraine sẽ mất hàng triệu đô la phí vận chuyển khí đốt kiếm được từ các đường ống hiện có của Nga trên lãnh thổ của mình. Hoa Kỳ cũng muốn tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu. Hiện tại, EU nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga.

Đức khẳng định Nord Stream 2 là dự án thương mại, nhưng nó đã không tránh khỏi việc bị kéo vào căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây, CNBC bình luận. Căng thẳng gia tăng từ khi Moscow tập trung hơn 100.000 quân dọc theo biên giới với Ukraine.

Trong khi Điện Kremlin liên tục khẳng định họ không có kế hoạch xâm lược Ukraine, những hành động mới nhất - công nhận cái gọi là các nước cộng hòa ly khai và gửi quân đội và xe tăng tới đó - đã làm gia tăng lo ngại một cuộc xâm lược tổng lực có thể là bước tiếp theo.

Ukraine xoay trục sang châu Âu trong những năm gần đây, bày tỏ mong muốn gia nhập EU và NATO, trong khi Nga tìm cách kiềm chế và duy trì ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, như Ukraine và Belarus, dẫn đến tình hình địa chính trị nóng rực.

Viễn cảnh về một cuộc chiến tranh liên quan đến Nga, nhà cung cấp khí đốt và dầu mỏ lớn nhất cho châu Âu, đã làm chao đảo thị trường và làm dấy lên lo ngại về giá dầu cao hơn.

Chỉ số S&P 500 đóng cửa trong vùng điều chỉnh vào thứ Ba và chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 482,57 điểm, tương đương gần 1,5%.

Biden cho biết ông sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để người tiêu dùng Mỹ "không phải trả giá cho các hành động của Nga", nhưng ông thừa nhận giá khí đốt có thể sẽ tăng. Ông nói Hoa Kỳ đang làm việc với các nước sản xuất dầu lớn khác về một kế hoạch ổn định giá.

Việc tăng giá xăng có thể xảy ra khi người Mỹ đang phải chịu đựng mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Air France và Lufthansa là hai hãng hàng không mới nhất ngừng các chuyến bay đến Ukraine vì lo ngại căng thẳng giữa nước này và Nga. Swiss International Air Lines, Eurowings và Austrian Airlines, thuộc Tập đoàn Lufthansa, cũng đã tạm ngừng các chuyến bay cho đến cuối tháng. KLM của Hà Lan là hãng hàng không quốc tế lớn đầu tiên đình chỉ các chuyến bay đến Ukraine vào đầu tháng này.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ