Mổ xẻ nguyên nhân 'ách tắc' giải ngân vốn ODA

Nhàđầutư
Trước tình hình giải ngân vốn ODA chậm, ngày 23/11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp để cho ý kiến về các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài cho giai đoạn sau 2020 và họp với các bộ, ngành và địa phương về tình hình giải ngân vốn vay nước ngoài từ đầu năm đến nay.
BẢO ANH
23, Tháng 11, 2018 | 18:03

Nhàđầutư
Trước tình hình giải ngân vốn ODA chậm, ngày 23/11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp để cho ý kiến về các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài cho giai đoạn sau 2020 và họp với các bộ, ngành và địa phương về tình hình giải ngân vốn vay nước ngoài từ đầu năm đến nay.

du-an-cat-linh-ha-dong

 

Giải ngân chưa đạt 40% kế hoạch

Theo Bộ KH&ĐT, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài được Quốc hội phê duyệt cho các bộ, ngành và địa phương năm 2018 là 60.000 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã giao gần 55.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số liệu tổng hợp trên Hệ thống Giám sát đầu tư công quốc gia cho thấy, đến hết quý III/2018, tỷ lệ giải ngân chưa đạt 40% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành và địa phương, Bộ KH&ĐT cho biết nguyên nhân của việc giải ngân vốn chậm là do công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án chậm hơn so với kế hoạch dự kiến.

Quá trình chuẩn bị dự án như giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hồ sơ thầu, đấu thầu; xây dựng và trình thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết dài hơn so với kế hoạch do thiếu vốn đối ứng. Quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt còn mất nhiều thời gian.

Nhiều dự án triển khai tốt, có khả năng giải ngân cao nhưng không thể bố trí kế hoạch vốn giải ngân vượt hạn mức đã phân giao. Một số dự án có khối lượng thực hiện lớn, đã giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2018 nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung. Nhưng vẫn còn có các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với tiến độ thực hiện của các chương trình dự án trong khi thủ tục điều chỉnh kế hoạch còn phải trình duyệt qua nhiều cấp có thẩm quyền.

Đặc biệt, các dự án phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long còn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng, thiết kế dự án do đây là lĩnh vực mới, đối tượng thụ hưởng trải rộng ở các tỉnh khác nhau.

Báo cáo cập nhật của các bộ, ngành và địa phương cho thấy đến thời điểm này, nhiều địa phương đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thậm chí còn có thể hấp thụ thêm vốn do khối lượng thực hiện cao hơn so với kế hoạch vốn được giao, điển hình là Hà Nội. Trong khi đó, Bộ Y tế và một số địa phương còn tỷ lệ giải ngân thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân kéo dài.

"Từng bộ, ngành, địa phương nêu rõ nguyên nhân vì sao"

Đó là yêu cầu Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra cho các bộ, ngành, địa phương. Theo Phó Thủ tướng, gần đây về mặt thể chế đã có những thay đổi nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển. Trong đó, ngoài quy định việc các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đều phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ còn ban hành Nghị định số 97 ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay nước ngoài, Nghị định 132 ngày 1/10/2018 về quản lý và sử dụng ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi…

Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực thúc đẩy việc hoàn thành chuẩn bị để kịp thời đàm phán 7 dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi cuối cùng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) trong năm tài khóa 2018 nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước.

"Liên quan đến tiến độ giải ngân vốn ODA chậm, từng bộ, ngành, địa phương nêu rõ nguyên nhân vì sao, do cơ chế chính sách, do khách quan, hay do nguyên nhân chủ quan của từng bộ, ngành và địa phương", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đều là dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, do đó nguồn vốn đầu tư được bảo đảm, việc còn lại là tập trung triển khai tốt để các dự án nhanh chóng mang lại lợi ích thiết thực.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ quản dự án phải rà soát kỹ lưỡng, đôn đốc thường xuyên để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay phải trả lãi suất này.

Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương phải xác định rõ đâu là nguyên nhân chủ quan để tập trung khắc phục, trong đó có khâu giải phóng mặt bằng; tránh tình trạng dự án giải ngân nhanh thì thiếu vốn trong khi vốn được giao bị ách tắc trong các dự án thực hiện chậm.

Liên quan đến thẩm quyền điều chuyển vốn linh hoạt trong nội bộ các Bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất phướng án xử lý theo hướng điều chuyển nhanh hơn nguồn vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án triển khai tốt, giải ngân nhanh.

Đối với các dự án không có khả năng thực hiện, Phó Thủ tướng cho biết ông "rất lo lắng” đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phải có báo cáo rõ để có phương án xử lý tiếp theo. Phó Thủ tướng cũng cho biết vừa qua Chính phủ đã dừng một số dự án do không bảo đảm về thời gian và hiệu quả sử dụng vốn.

Liên quan đến đề xuất về phương án sử dụng dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, ngành và địa phương làm vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài, Phó Thủ tướng ghi nhận và yêu cầu có báo cáo cụ thể trên tinh thần phát huy trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đã được phân bổ của các Bộ, ngành và địa phương.

Nhiều bất cập trong quản lý và sử dụng vốn ODA

Tại một hội thảo do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức gần đây, ông Nguyễn Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, thể chế quản lý và sử dụng vốn ODA chưa theo kịp với những thay đổi về luật pháp trong nước về đầu tư công và những thay đổi trong chính sách của các nhà tài trợ khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình. “Có những dự án, quy trình và thủ tục chuẩn bị và thực hiện kéo dài 3-5 năm dẫn đến không đáp ứng được tính cấp thiết và làm cho thiết kế ban đầu (bao gồm vốn dự toán) trở nên không còn phù hợp”, ông Hiếu nói.

Ông Hà Hải An - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cũng nêu lên những bất cập trong việc ban hành các quy định về vốn ODA. Ông An cho biết, trong giai đoạn 2011-2016 đã ban hành mới và sửa đổi nhiều quy định liên quan đến quản lý và sử dụng vốn ODA nhưng các văn bản pháp luật này có những chồng chéo và vướng mắc, dẫn đến cản trở thực hiện các dự án.

Ông Christian Haas - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), nêu lên ví dụ về các dự án mà KfW đang tài trợ tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 ở TP.HCM. KfW đã ký kết tài trợ 240 triệu euro cho dự án (2014) và đề xuất cho vay thêm 200 triệu euro vào năm ngoái (2017). “Nhưng công tác thực hiện dự án bị chậm trễ nghiêm trọng,” ông Christian Haas nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ