Mở rộng diện bao phủ BHYT, coi trọng phát triển ổn định, bền vững

Nhàđầutư
Quá trình phát triển BHYT ở nước ta đã đi được một chặng đường khá dài, từ năm 1992 cho đến nay; tỷ lệ bao phủ BHYT hiện nay đạt gần 87% dân số cả nước. Những kết quả đạt được là rất lớn, ngày càng cho thấy tính đúng đắn, thiết thực của chính sách BHYT.
ThS. Nguyễn Trí Đại (Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam)
28, Tháng 06, 2018 | 15:30

Nhàđầutư
Quá trình phát triển BHYT ở nước ta đã đi được một chặng đường khá dài, từ năm 1992 cho đến nay; tỷ lệ bao phủ BHYT hiện nay đạt gần 87% dân số cả nước. Những kết quả đạt được là rất lớn, ngày càng cho thấy tính đúng đắn, thiết thực của chính sách BHYT.

Tuy nhiên, càng gần đến mục tiêu BHYT toàn dân càng có nhiều thách thức. Quan trọng hơn, phát triển BHYT về mặt số lượng phải chú trọng đến chất lượng hoạt động, yếu tố đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững.

BHYT

Tỷ lệ bao phủ BHYT hiện nay đạt gần 87% dân số cả nước. 

Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 

Cùng với quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2015 và 2020, tốc độ bao phủ BHYT có đà tăng trưởng mạnh mẽ trong khoảng 05 năm gần đây. Cuối năm 2012, tỷ lệ bao phủ BHYT mới chỉ đạt 66,8% dân số; năm 2013 đạt 68,8%; năm 2014, đạt 71,3%. Tốc độ tăng trưởng có sự phát triển tích cực trong năm 2015 - năm đầu tiên Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực với nhiều quy định mới, tác động mạnh đến diện bao phủ BHYT. Cụ thể năm 2015, số người tham gia là 69,716 triệu người đạt tỷ lệ 76,5% dân số tham gia BHYT, tăng 5,2% so với tỷ lệ bao phủ năm 2014. Liên tục trong các năm sau đó, cùng với quá trình cụ thể hóa mạnh mẽ các điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục tăng. Năm 2016, đạt tỷ lệ 81,8% dân số tham gia BHYT, tăng 5,3% so với tỷ lệ bao phủ năm 2015; năm 2017 đạt 85,6% và hiện đạt gần 87%. Trong đó có 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số: Điện Biên (98,9%); Cao Bằng (97,7%); Hà Giang (97,9%); Lào Cai (98%); Bắc Ninh (96,9%); Thái Nguyên (96,2%); Bắc Kạn (96,6%); Thừa Thiên Huế (97,3%); Quảng Ninh (95,7% ); Tuyên Quang (96,5%); Lạng Sơn (96%); Hòa Bình (96,2%); Lai Châu (95,0%); Yên Bái (94,7%); Sơn La (94,9%); Trà Vinh (93,3%); Đà Nẵng (94,3%); Bắc Giang (93,2%); Quảng Bình (92,1%); Quảng Trị (91,3%); Sóc Trăng (91,6%); Kon Tum (91,6%); Quảng Nam (91,3%); 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 85% đến dưới 90% dân số: Ninh Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Thọ, Bình Định, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Dương, Nghệ An, Hà Nội.

Số tham gia BHYT theo hộ gia đình - nhóm thuộc diện khó vận động tham gia nhất cũng đã có bước tăng trưởng đáng kể liên tục trong khoảng 10 năm trở lại đây, năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2008, số tham gia BHYT hộ gia đình (hay còn được gọi là BHYT tự nguyện - theo quy định của Luật BHYT 2008) mới chỉ đạt 3,67% dân số, tương ứng khoảng 3,1 triệu người tham gia; đến năm 2017, tỷ lệ tham gia đạt gần 16% dân số, tương ứng khoảng 14,9 triệu người; tính đến tháng 3/2018, số tham gia ở nhóm này là gần 15,4 triệu người. 

Một cách khái quát nhất, có thể nhận định, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt được tốc độ tăng trưởng tích cực trong thời gian qua là do:

Từ hiệu ứng lan tỏa của Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác BHXH, BHYT đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Có thể thấy rõ nhất từ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện BHYT toàn dân - theo Quyết định 538/QĐ-TTg, giao chỉ tiêu của Chính phủ cho từng tỉnh, thành phố - Quyết định số 1584-QĐ/TTg và nhất là Quyết định 1167-QĐ/TTg tăng chỉ tiêu phát triển bao phủ BHYT cao hơn so với yêu cầu của Quốc hội. Đây là những chỉ đạo mạnh mẽ để các cấp ủy, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ hơn với phát triển BHYT, thực hiện nhiều biện pháp đạt mục tiêu theo yêu cầu của Chính phủ giao. 

Công tác xây dựng chính sách pháp luật BHYT có những bước tiến đáng kể tạo thuận lợi lớn cho quá trình phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT. Điều này được thể hiện rõ nhất qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực từ năm 2015 với một số quy định tác động trực tiếp đến số người tham gia BHYT, tiêu biểu là quy định tham gia BHYT là bắt buộc, thực hiện BHYT theo hộ gia đình với mức đóng giảm dần cho thành viên thứ hai trở đi, thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh theo lộ trình, điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT theo hướng tính đúng, tính đủ...   

Quyền lợi BHYT của người dân ngày càng được bảo đảm tích giúp người dân thấy được vai trò thiết thực của BHYT với an sinh của bản thân, gia đình và xã hội. Điều này được thể hiện qua số lượt khám, chữa bệnh BHYT liên tục tăng qua các năm, tương ứng với đó là số chi phí khám, chữa bệnh được chi từ Quỹ BHYT. Công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT được cơ quan BHXH đẩy mạnh cùng với vai trò thiết thực của BHYT trong đời sống đã giúp người dân dần nhận thức đầy đủ hơn về bản chất nhân văn của BHYT từ đó chủ động tham gia như một biện pháp hữu hiệu dự phòng chăm lo sức khỏe cho cá nhân cũng như các thành viên trong gia đình. Đội ngũ đại lý thu trên khắp cả nước phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH và ngày càng tích cực hơn trong việc vận động trực tiếp người dân tham gia, góp phần quan trọng hướng dẫn người dân triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trong những ngày đầu có hiệu lực.     

Hướng tới phát triển bền vững 

Những kết quả phát triển cùng những bài học kinh nghiệm trong giai đoạn vừa qua là nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển BHYT toàn dân ở nước ta trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít thách thức. Tỷ lệ bao phủ BHYT hiện đã đạt gần 87% nhưng số còn lại là nhóm khó vận động tham gia nhất, gian nan nhất, chủ yếu thuộc diện tham gia nhóm BHYT hộ gia đình, trong đó đa phần là lao động phi chính thức, lao động tự do, nông dân. Trong tổng số người tham gia hiện nay, số được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng một phần vẫn còn chiếm một tỷ trọng tương đối lớn. Điều này đặt ra vấn đề khi có sự điều chỉnh thay đổi chính sách, dễ có sự biến động về tỷ lệ tham gia BHYT theo hướng giảm xuống, nhất là với nhóm được hỗ trợ đóng ở mức cao. Tại một số tỉnh, thành phố, việc huy động ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng với một số nhóm đối tượng (cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, học sinh, sinh viên...) rõ ràng khó có thể đòi hỏi duy trì được với thời gian dài. 

Lộ trình đều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ đang dần được thực hiện, chi phí khám, chữa bệnh tăng lên, đồng nghĩa với sức ép với bài toán cân đối quỹ ngày càng lớn hơn nhất là với mức đóng BHYT như hiện tại (bằng 4,5 mức lương cơ sở, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định mức đóng tối đa không quá 6% mức lương cơ sở). Do đó việc tăng mệnh giá thẻ BHYT đã được tính đến và khi có điều chỉnh tăng, chắc chắn công tác vận động người dân tham gia nhìn chung sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn. 

Rõ ràng mục tiêu đạt 95% người dân tham gia BHYT vào năm 2025 và đạt trên 95% vào năm 2030 theo Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới thực sự là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, khi giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng lên người dân sẽ nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng của BHYT, tính chủ động tham gia từ phía người dân sẽ tích cực hơn.

Hệ thống đại lý thu rộng khắp được phát triển mạnh trong nhiều năm qua cùng những nền tảng công tác truyền thông được đẩy mạnh trong các năm gần đây sẽ tiếp tục tạo đà quan trọng tăng diện bao phủ BHYT trong giai đoạn tới. Với mục tiêu phát triển cao hơn, đòi hỏi công tác phát triển mở rộng diện bao phủ phải được quan tâm đầu tư nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn.

Với BHXH các tỉnh, thành phố, cần tiếp tục duy trì, kiên trì hướng tới các mục tiêu phát triển BHYT theo lộ trình được Chính phủ chỉ đạo. Phát huy các bài học kinh nghiệm đã có, thực hiện hiệu quả hơn việc giao chỉ tiêu phát triển từng năm với từng địa bàn, nâng cao vai trò cấp ủy, chính quyền với phát triển BHYT, nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động Ban chỉ đạo thực hiện BHYT toàn dân, vai trò của các đoàn thể với vận động người dân tham gia BHYT. 

Cần tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý thu cả về số lượng và chất lượng, nâng cao tính chủ động trong việc tiếp cận, vận động người dân tham gia mới và tiếp tục tham gia BHYT. Với xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin đang được cơ quan BHXH đẩy mạnh, đội ngũ cán bộ đại lý thu phải luôn sẵn sàng cập nhật đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn người dân về những quy định mới, ứng dụng mới liên quan đến thẻ BHYT, quyền lợi BHYT của người dân.

Phải bảo đảm thuận tiện cho người dân tiếp cận các thông tin về BHYT, nhất là kịp thời thông báo cho người dân khi thẻ BHYT sắp hết hạn để người dân tiếp tục tham gia đảm bảo quá trình tham gia BHYT liên tục, đồng thời tăng cường nỗ lực vận động đối tượng tham gia mới trên địa bàn. Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng hàng đầu và phải được tăng cường hơn. Chú trọng các hình thức truyền thông, vận động trực tiếp kết hợp với thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng, bảo đảm thông điệp về lợi ích của BHYT được lan tỏa cả bề rộng và chiều sâu. Có các hình thức truyền thông, vận động tác động mạnh đến từng nhóm đối tượng cụ thể như lao động phi chính thức, hộ nông dân, học sinh, sinh viên... phát huy khả năng của đội ngũ đại lý thu, các đoàn thể để tiếp cận vận động trực tiếp.

Cần chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức với cả nhóm đối tượng đang được đóng và hỗ trợ đóng BHYT nhất là hộ nghèo, cận nghèo; phải bảo đảm truyền thông để nhóm này hiểu rõ vai trò thiết thực của BHYT và sẵn sàng tiếp tục tham gia khi không còn thuộc diện được hỗ trợ đóng. 

Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80% và đạt trên 90% vào năm 2030. Mục tiêu này có ý nghĩa quan trọng với phát triển BHYT, chỉ khi người dân hài lòng với chất dịch vụ lượng khám, chữa bệnh nói chung và khám, chữa bệnh BHYT nói riêng, nguồn động lực tham gia BHYT mới được bảo đảm bền vững. Chính vì vậy, cơ quan BHXH phải phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế trên địa bàn bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người dân, từ công tác cải cách hành chính, thực hiện các thủ tục liên quan đến thẻ, thanh toán BHYT đến quá trình thụ hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ