Lý do thủy sản của Việt Nam vẫn chưa được EC gỡ 'thẻ vàng'

Nhàđầutư
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, yêu cầu khó nhất phía Ủy ban châu Âu (EC) về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp (IUU) là quy định dù chỉ còn 1 tàu cá vi phạm khai thác IUU, thì thủy sản Việt Nam vẫn chưa được gỡ "thẻ vàng".
AN HÒA
24, Tháng 08, 2022 | 08:16

Nhàđầutư
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, yêu cầu khó nhất phía Ủy ban châu Âu (EC) về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp (IUU) là quy định dù chỉ còn 1 tàu cá vi phạm khai thác IUU, thì thủy sản Việt Nam vẫn chưa được gỡ "thẻ vàng".

quang canh

Quang cảnh hội thảo "Giải pháp tăng cường thực thi chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định" Cần Thơ. Ảnh An Hòa

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, áp ứng những khuyến nghị từ phía EC về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã vào cuộc, chỉ đạo, tổ chức, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Từ năm 2017, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản cùng với đó là hàng loạt nỗ lực khác nhau để phát triển bền vững ngành xuất khẩu mũi nhọn này. Đáng chú ý, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương.

Các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo khá đầy đủ và hoàn thiện. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định kỹ thuật đã được xây dựng với chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Qua 2 đợt thanh tra, kiểm tra thực tế tại Việt Nam và các cuộc làm việc trực tuyến với Việt Nam, phía EC ghi nhận đánh giá cao sự minh bạch, thái độ nghiêm túc, quan điểm của Việt Nam thể hiện trong các báo cáo tiến độ và cho rằng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong chống khai thác IUU, đặc biệt là trong công tác hoàn thiện thể chế.

Đoàn kiểm tra của EC cũng đánh giá Việt Nam đã thực thi tốt 4 nhóm khuyến nghị của EC, đó là: hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy suất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật về chống khai thác IUU.

"Tuy nhiên, tồn tại hạn chế trong thực hiện chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp là hiện nay là vẫn còn một một số tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm quy định còn vi phạm về đăng ký tàu cá, không xin giấy phép khai thác, không ghi nhật ký khai thác, đánh bắt ngoài vùng được phép khai thác…, đây là một khó khăn dẫn đến thủy sản Việt Nam đến nay vẫn chưa được EC gỡ thẻ vàng", ông Hùng cho hay.

Đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang - nơi có ngư trường lớn nhất nước cũng thừa nhận đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép. Nguyên nhân là nguồn lợi thủy sản vùng biển khơi chưa được điều tra, đánh giá để làm cơ sở phát triển đội tàu phù hợp.

Chủ trương cho đóng tàu lớn đi khai thác xa bờ chưa có cơ sở khoa học vì khi nguồn lợi thủy sản suy giảm thì áp lực trả nợ lãi vay rất lớn khi đóng tàu đã làm cho nhiều chủ tàu rơi vào tình thế hết sức khó khăn.

ba thuy

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Nguyễn Thị Lệ Thủy đánh gia cao sự nỗ lực của các địa phương trong quản lý, khai thác thủy sản bền vững. Ảnh An Hòa

Phát biểu tại hội thảo "Giải pháp tăng cường thực thi chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định" vừa diễn ra vào ngày 23/8 tại TP. Cần Thơ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội-Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, qua làm việc với 28 địa phương có biển cho thấy các địa phương đã rất nỗ lực trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU.

Số tàu cá dài từ 15 m trở lên được lắp đặt thiết bị VMS và có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình đã đạt trên 95%, số tàu vi phạm khai thác xảy ra rất ít, ý thức của ngư dân đã được nâng lên trong việc tuân thủ các quy định về đánh bắt thủy, hải sản.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế như thiết bị, nhà mạng phục vụ truyền tín hiệu cho các tàu cá chất lượng phục vụ chưa đồng đều, các cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thủy sản sau đánh bắt.  

Theo quy định của EC, trong thời gian bị áp "thẻ vàng", 100% số container hàng hải sản xuất khẩu sẽ bị giữ lại cảng đến để kiểm tra nguồn gốc khai thác.

Điều này khiến cho doanh nghiệp không chỉ mất thêm thời gian thông quan (có khi phải mất 3 - 4 tuần/container) mà còn tốn thêm chi phí, chỉ riêng kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ tại cảng…

Rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng bị từ chối, trả lại, khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề. Trường hợp bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ" thì tất cả sản phẩm thủy sản sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.

Mỗi năm, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất hàng tỷ USD nếu mất thị trường EU.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 7 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt con số kỷ lục 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu sang châu Âu đạt 829 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.

Tỉ giá đang cập nhật
Điều chỉnh kích thước chữ