Loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm triển khai tại Đồng Nai

Nhàđầutư
Trong giai đoạn 2021-2025, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sẽ được tỉnh Đồng Nai tập trung đầu tư như: Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, đường ven sông Cái, đường vành đai 3, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành...
LÝ TUẤN
17, Tháng 03, 2021 | 17:32

Nhàđầutư
Trong giai đoạn 2021-2025, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sẽ được tỉnh Đồng Nai tập trung đầu tư như: Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, đường ven sông Cái, đường vành đai 3, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành...

Đồng bộ hạ tầng giao thông cho TP. Biên Hòa

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, trong 5 năm qua (giai đoạn 2015-2020) đã có hàng loạt công trình giao thông tại TP. Biên Hòa được đưa vào hoạt động, có thể kể đến như: Cầu vượt, hầm chui ngã tư Vũng Tàu, cầu vượt ngã tư Amata, hầm chui Tam Hiệp, hầm chui ngã tư Tân Phong, cầu An Hảo và đường Đặng Văn Trơn nối ngã tư Vũng Tàu với cầu Hiệp Hòa vào trung tâm TP. Biên Hòa...

Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình giao thông nói trên tại các nút giao phức tạp đã thay đổi, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là TP. Biên Hòa, qua đó hạn chế tình trạng ùn tắc và tai nạn, giúp người dân đi lại thuận tiện và an toàn hơn.

Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, UBND tỉnh vừa phê duyệt xây dựng hầm chui cầu Hóa An để kết nối đường Nguyễn Văn Trị và trục đường ven sông Đồng Nai từ cầu Hóa An (TP. Biên Hòa) đến huyện Vĩnh Cửu. Hầm chui được kỳ vọng góp phần giảm tải áp lực xe cho nút giao Bửu Long đi đường Huỳnh Văn Nghệ và đường tỉnh 768 (hướng đi huyện Vĩnh Cửu).

image-20200903104100-1

Sơ đồ tuyến đường ven sông Cái , TP. Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: Cafeland

Theo thiết kế, hầm chui kín dài 40m, tĩnh không 4,5m; đoạn hầm hở dài 360m; đường dẫn hai đầu hầm dài khoảng 220m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 310 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Trước đó, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) nghiên cứu, xây dựng hầm chui cắt ngang cầu vượt Amata theo hướng từ đường Đồng Khởi vào Khu công nghiệp Amata.

“Việc đưa những công trình giao thông vào hoạt động đã góp phần rất lớn giảm tải ùn tắc, xóa các “điểm đen” tai nạn giao thông ở các nút giao này. Tuy nhiên, đầu tư cho giao thông cần nguồn vốn rất lớn, vì vậy, các dự án giao thông nào cấp bách cần phải được ưu tiên trước nhằm đảm bảo giao thông thông suốt cho đô thị loại I của tỉnh Đồng Nai”, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai nhận định.

Để đồng bộ hạ tầng giao thông TP. Biên Hòa, thời gian tới, theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm như: Đường trục trung tâm, cầu Thống Nhất, đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai...

Trong đó, người dân mong chờ nhất là dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường Bùi Văn Hòa (đoạn từ vòng xoay Tam Hiệp đến nút giao tuyến tránh quốc lộ 1) và đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp. Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP. Biên Hòa, được kỳ vọng sẽ giải tỏa tình trạng ùn tắc đang ngày càng gia tăng ở các phường đông dân của thành phố.

Tiếp đó, trong giai đoạn từ 2020 - 2024, Đồng Nai sẽ xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn có tổng vốn đầu tư 3.130 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng trên 1.500 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng gần 1.150 tỷ đồng, 478 tỷ đồng để dự phòng và các chi phí khác.

Đối với dự án đường ven sông Cái đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản (TP. Biên Hòa) với tổng vốn đầu tư khoảng 3.960 tỷ đồng. Nguồn vốn trên dành cho chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 3.247 tỷ đồng, xây dựng 527 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác. Dự án cũng được thực hiện trong 5 năm từ 2020 - 2024.

Riêng dự án đường ven sông Đồng Nai (TP. Biên Hòa) đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu có tổng vốn đầu tư 1.290 tỷ đồng. Năm 2021, tỉnh sẽ bố trí khoảng 494 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng. Dự án do UBND TP. Biên Hòa làm chủ đầu tư.

Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, trong thời gian tới, TP. Biên Hòa sẽ phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, tái định cư, thu hồi đất để sớm giải phóng mặt bằng. Các dự án sẽ giúp giao thông Biên Hòa thoáng, thông suốt hơn, giúp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hàng loạt dự án giao thông đang được triển khai

Thông tin về các dự án sẽ thực hiện trong năm 2021, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện 2 dự án giao thông trọng điểm trong năm nay, để kết nối giao thông với tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và giảm tải cho Quốc lộ 51, là dự án xây dựng Hương lộ 2 và dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt.

Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, hai dự án lớn này đã được khởi công từ những tháng cuối năm 2020 nhằm kết nối trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông giữa TP. Biên Hoà (Đồng Nai) với TP.HCM, góp phần giảm tải lượng phương tiện trên Quốc lộ 51 đang bị quá tải.

Trong đó, dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt được khởi công thực hiện vào tháng 10/2020, theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành xây dựng sau 18 tháng thi công. Còn dự án xây dựng Hương lộ 2 được khởi công thực hiện vào cuối tháng 12/2020, thời gian thi công công trình dự kiến là 500 ngày.

Đặc biệt, tại huyện Nhơn Trạch, ông Nguyễn Thế Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên địa bàn huyện đã quy hoạch đất đai để triển khai 35 dự án hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều dự án lớn cấp quốc gia, vùng và tỉnh.

Năm 2021, huyện gấp rút hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho một số dự án lớn như: Đường vành đai 3, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vào cảng Phước An, đường liên cảng... để sớm khởi công, hoàn thành.

"Trong đó, huyện sẽ tập trung hoàn thành công tác bồi thường đường vành đai 3 vào tháng 6/2021 để đầu quý III/2021 có thể khởi công và hoàn thành vào năm 2025", ông Nguyễn Thế Phong thông tin.

Bên cạnh đó, để phục vụ cho hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để xây dựng 2 tuyến đường số 1 và 2. Đây là các hạng mục thuộc dự án thành phần 3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Ngoài vai trò kết nối sân bay với các tuyến đường cao tốc, 2 tuyến đường này còn đóng vai trò phục vụ quá trình thi công xây dựng sân bay.

Đối với tuyến số 1 (dài 3,8 km), kết nối trục chính Sân bay Long Thành (đầu phía Tây) với quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Việc thực hiện giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh (10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành), bề rộng mặt cắt ngang thay đổi từ 85-120 m.

Với tuyến số 2 (dài 3,5 km), kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo ông Nguyễn Khắc Phong, Trưởng ban Ban điều hành dự án sân bay Long Thành thuộc ACV, hiện nay ACV đã thuê đơn vị tư vấn lập thiết kế cơ sở xây dựng 2 tuyến đường. Đơn vị kiến nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đặt biệt ưu tiên đối với tuyến số 1 vì đây là tuyến đường phục vụ thi công dự án.

Về kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành, ông Phong cho biết đã được đơn vị chuẩn bị sẵn sàng, với tổng kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng. Theo đó, khi địa phương hoàn thành các thủ tục pháp lý, ACV sẽ chuyển tiền để phục vụ chi trả.

Ngoài 2 tuyến đường nói trên, tỉnh Đồng Nai cũng đã quy hoạch mở mới 4 tuyến đường kết nối các địa phương đến khu vực sân bay Long Thành cũng như giảm tải cho các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Các đường này sẽ có lộ giới từ 45-60m, tổng vốn đầu tư cả 4 đường lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Trong đó, đường ĐT.770B với chiều dài 53km, vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng (được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025); đường ĐT.773B, chiều dài hơn 51 km, tổng kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng; đường ĐT.780B từ Quốc lộ 1A, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đến đường Sông Nhạn-Dầu Giây thuộc huyện Cẩm Mỹ; đường ĐT.763B từ Quốc lộ 56 thuộc huyện Cẩm Mỹ đến nút giao giữa đường huyện Suối Quýt và đường Phước Bình-Bàu Cạn-Cẩm Đường thuộc huyện Long Thành.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ