'Lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai cần tránh hình thức'

Nhàđầutư
Về việc lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý về cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức. Đồng thời, cần làm rõ, xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp.
VŨ PHẠM
13, Tháng 12, 2022 | 16:25

Nhàđầutư
Về việc lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý về cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức. Đồng thời, cần làm rõ, xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 18, chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Sau khi nghe tờ trình Chính phủ và báo cáo ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đối tượng và cách thức tổ chức để bảo đảm lấy ý kiến Nhân dân thiết thực, hiệu quả, thực chất xây dựng luật tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó có quy định về lấy ý kiến các đối tượng tác động.

Thực tế có ít luật tổ chức lấy ý kiến Nhân dân rộng rãi mà chỉ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… Do đó cần làm rõ việc lấy ý kiến Nhân dân khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quốc hội

"Tinh thần là mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm thì nội hàm nhân dân trong lấy ý kiến nhân dân được xác định như thế nào, gồm những ai? có phải gồm người dân và doanh nghiệp… đây là nội dung cần được làm rõ", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý về cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức. Ông phân tích nếu như chỉ đăng tải trên cổng thông tin điện tử thì người dân liệu có thể thấy hết được vấn đề hay không. Hay cần có báo cáo viên nêu những vấn đề vướng mắc, những tác động có thể có, cần có gợi ý cụ thể cho người dân nắm được. Đồng thời, cần làm rõ xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong quá trình lấy ý kiến này thì vai trò của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo như thế nào? Vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội xác định như thế nào… Qua đó, lưu ý các cơ quan của Quốc hội không thể thụ động đợi báo cáo từ phía Chính phủ hay cơ quan chủ trì soạn thảo mà cần có sự chủ động tham gia, phát huy vai trò giám sát.

"Thời gian ngắn, cần nghiên cứu kế thừa kinh nghiệm hoạt động lập pháp trước đây, trong đó có việc lấy ý kiến nhân dân để tổ chức hợp lý để tránh hình thức, phát huy vai trò các cơ quan, xác định rõ đầu mối tổng hợp, tiếp thu", Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu rõ.

Đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến Nhân dân

Báo cáo một số ý kiến về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận thấy, việc ban hành nghị quyết là cần thiết, bảo đảm phù hợp với yêu cầu; bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo luật, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, mục đích, yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân cần bổ sung yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, tránh triển khai mang tính hình thức.

chu-nhiem-Vu-Hong-Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai. Ảnh: Quốc hội

Liên quan đến đối tượng, nội dung và hình thức lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định đối tượng lấy ý kiến bao gồm "các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài". Tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý, làm rõ việc lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong quá trình hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng; rà soát dự thảo quyết định của Thủ tướng, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan đầu mối lấy ý kiến các nhóm đối tượng cụ thể theo ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Về nội dung lấy ý kiến, ông Thanh đề nghị cân nhắc cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến.

Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4, lựa chọn những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, làm rõ các loại ý kiến, ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến, tạo cơ sở để nhân dân xem xét, góp ý, trong đó quan tâm đến một số nội dung như sau: Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại; Nguyên tắc "đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" khi bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất…

Đề cập về thời gian lấy ý kiến nhân dân, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau gồm: Chính phủ bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 3/1-28/2/2023 như Kế hoạch số 329 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị lấy ý kiến từ ngày 3/1-15/3/2023 để tránh trùng với thời gian Tết Nguyên đán.

Ông Thanh cho biết, 100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ 2. Tức là đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 15/3/2023. Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một phiên họp riêng về dự án luật vào thời điểm sau ngày 20/4/2023.

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị kéo dài thời gian đến ngày 15/3/2023 hoặc hết tháng 3/2023 bởi nội dung dự thảo luật rất quan trọng, có tác động lớn đối với Nhân dân.

"Về nguyên tắc, tháng 5 mới bắt đầu kỳ họp của Quốc hội và tháng 10 mới thông qua dự thảo luật, do đó cũng có độ trễ thời gian. Trong giai đoạn này, nếu triển khai nghị quyết cũng bắt đầu vào giai đoạn Tết cổ truyền… như vậy rất gấp, nên cân nhắc, nghiên cứu về vấn đề thời gian", ông Cường nêu rõ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ