Lãng phí đầu tư trang thiết bị y tế: Chiêu “né” trách nhiệm khôn ngoan của Bộ Y tế?

Nhàđầutư
Sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo chỉ rõ tình trạng lãng phí trong mua sắm trang, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) có ngay "công văn khẩn" yêu cầu các đơn vị trực thuộc giải trình.
ĐÌNH PHONG
25, Tháng 05, 2017 | 09:29

Nhàđầutư
Sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo chỉ rõ tình trạng lãng phí trong mua sắm trang, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) có ngay "công văn khẩn" yêu cầu các đơn vị trực thuộc giải trình.

Công văn do ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) ký vào chiều tối qua – 24/5 và được loan báo rộng rãi cho các báo.

15_OTSS

 Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng - Ảnh minh hoạ

Theo đó, cơ quan này yêu cầu 12 viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế bảy tỉnh, thành phố báo cáo hoặc yêu cầu các đơn vị trực thuộc báo cáo về hiệu quả đầu tư trang, thiết bị y tế sau khi nhiều trang báo đã đăng bài viết với nội dung phản ảnh về kết quả kiểm toán.

Các đơn vị bị yêu cầu rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng việc tổ chức quản lý, đấu thầu mua sắm và khai thác sử dụng trang, thiết bị y tế (thiết bị và hóa chất, vật tư tiêu hao y tế); giải trình và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan, kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm nếu có.

Đồng thời, đề xuất giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, sử dụng trang, thiết bị y tế trong thời gian tới; khẩn trương chấn chỉnh, có phương án khắc phục các nội dung theo kết luận của KTNN.

Bằng động thái trên, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã cho thấy một tinh thần công vụ sốt sắng.

Tuy nhiên, khi phát đi công văn như vậy, không biết vị Vụ trưởng này đặt mình ở đâu trước hàng loạt sai phạm của ngành mà  cơ quan kiểm toán đã chỉ ra?

Nghị định 63/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế , tại khoản 8 Điều 2 đã quy định rõ nhiệm vụ Bộ này về trang thiết bị và công trình y tế. Cụ thể gồm:

a) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị y tế; ban hành các quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị y tế;

b) Ban hành danh mục trang thiết bị thiết yếu cho các đơn vị, cơ sở y tế;

c) Cấp, đình chỉ, thu hồi giấy đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế sản xuất trong nước, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe theo danh mục của Bộ Y tế; thẩm định nội dung chuyên môn của hồ sơ đăng ký quảng cáo trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật và các tiêu chuẩn thiết kế - thiết kế mẫu các công trình y tế.

Nhiệm vụ bao trùm như thế, vậy khi yêu cầu các đơn vị trực thuộc “giải trình và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể” trước Bộ thì liệu Bộ có phải “giải trình và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể” trước Chính phủ và nhân dân?

Hay bằng công văn trên, Bộ Y tế,  mà cụ thể là Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã “chuyền bóng” trách nhiệm xuống các đơn vị cấp dưới và thể hiện như là mình vô can?

Lãng phí khủng khiếp

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã công bố báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang, thiết bị y tế (TTBYT) cho thấy tình trạng lãng phí  khủng khiếp trong mua sắm trang, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Y tế cũng như hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và kế hoạch dài hạn về đầu tư mua sắm TTBYT để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hàng năm.

Về công tác đấu thầu, chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu TTBYT, đặc biệt là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập như: Chưa phân nhóm vật tư, hóa chất theo chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với loại dịch vụ y tế; chưa xây dựng bộ dữ liệu giá trúng thầu của các mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao trong cả nước để cung cấp cho các cơ sở y tế căn cứ xây dựng giá kế hoạch.

Dẫn đến việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.

Chẳng hạn như, về vật tư, có loại gấp 6,7 lần, như 1 chiếc kim cánh bướm: Bệnh viện Việt Đức có đơn giá là 1.090 đồng, trong khi đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy giá lại là 7.350 đồng. Có loại vật tư y tế gấp 4,8 lần, như 1 dây truyền huyết thanh của Bệnh viện Bạch Mai có giá là 3.675 đồng, trong khi tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức mức giá lên tới 18.000 đồng.

Về hóa chất của cùng một nhà cung cấp, có loại gấp 5,8 lần (01 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá 16.718.000 đồng, trong khi ở Bệnh viện Thống nhất mức giá lại là 2.874.375 đồng.

Qua kiểm tra, kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 cho thấy, việc xây dựng giá kế hoạch mua sắm căn cứ theo chứng thư thẩm định giá đối với những mặt hàng không cần phải thẩm định giá và không xem xét đến trường hợp một số nhà thầu báo giá thấp hơn giá thẩm định. Sự việc này xảy ra tại các tỉnh như Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum.

Cá biệt, qua kiểm toán phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về Ngân sách Nhà nước.

Về quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế là tài sản cố định, qua kiểm toán tại Bộ Y tế cho thấy một số đơn vị sử dụng trang thiết bị y tế kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Sự việc này diễn ra tại các bệnh viện như: Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được như tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên: Máy theo dõi trẻ em S510 Colin, máy đo độ tập trung tuyến giáp, máy X Quang Tăng sáng Siemens, máy theo dõi nhi khoa; Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội: Nồi hấp tiệt trùng; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Hệ thống tagMan PCR-Roche, hệ thống máy chụp XQ cao tần, hệ thống XQ kỹ thuật số Konica...; Bệnh viện C Đà Nẵng; Bệnh viện Da liễu TW.

Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng. Trong đó số trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (68,554 tỷ đồng); trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (151,763 tỷ đồng); trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (151,519 tỷ đồng).

Theo Kiểm toán Nhà nước, đáng lưu ý có nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.

Đơn cử như, tại thành phố Hải Phòng, Trung tâm y tế dự phòng có 2 thiết bị (lò nung, tủ hút an toàn hóa học) được dự án ADB thuộc Cục Y tế Dự phòng cấp năm 2011 đến thời điểm kiểm toán vẫn để trong phòng làm việc, sử dụng làm tủ đựng tài liệu.

Tại Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt có 1 máy phân tích huyết học tự động Model MS9-3s (bàn giao tháng 12/2014); Bệnh viện đa khoa Cần thơ có 01 máy X-Quang đo loãng xương (từ nguồn dự án ODA, bàn giao năm 2009) đều đã lỗi, hỏng từ khi đưa vào sử dụng, hiện đang tồn kho.

Tại tỉnh Bình Dương, có 34 thiết bị của Trung tâm y tế thị xã Bến Cát, Thuận An được cấp từ những năm 2010 mới 100% nhưng chưa được sử dụng do không phù hợp hoặc không có nhu cầu.

Có 133 thiết bị tại 09 Trung tâm y tế tỉnh An Giang chưa đưa vào sử dụng từ nguồn đầu tư mua sắm của dự án xây dựng Trung tâm y tế huyện và dự án do Bộ Y tế cấp phát.

Tại tỉnh Đắk Nông, Sở Y tế có 2 kính hiển vi 2 mắt hiệu Olympus CX22LED nằm trong bộ dụng cụ, thiết bị phục vụ nuôi cấy, soi và phân lập vi khuẩn, 01 máy phân tích sinh hóa tự động 35 thông số hiệu Global 240 (giá mua 850 triệu động) chưa sử dụng từ khi nhận bàn giao, vẫn đang để trong kho.

Tỉnh Gia Lai, một số trang thiết bị được cấp về nhưng thực tế bệnh viện không có nhu cầu sử dụng nên phải trả lại Sở Y tế (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ